Tiến sĩ Nguyễn Nhã, Đại học Dân lập Hùng Vương TPHCM, một nhà nghiên cứu về ẩm thực, có nhận xét rằng: “Ở Nam Bộ, nhất là TPHCM, đâu đâu cũng thấy bán bánh mì. Các cửa ngõ TPHCM đi “lục tỉnh” đầy rẫy những nơi bán bánh mì… để dân các tỉnh lên TP mua mang về ăn”. Đi công tác Hà Nội mới hai ngày, anh Điền, một người Sài Gòn, đã nhớ bánh mì da diết. Tám giờ tối, chúng tôi đi dạo tìm mua bánh mì, bấy giờ mới nhận ra Hà Nội ít có xe hay quầy bán bánh mì như Sài Gòn. Hôm sau, đi Hạ Long, hỏi một anh lái xe taxi Mai Linh chỗ bán bánh mì, anh đưa chúng tôi đến xe bán bánh mì với cách bày trí các loại thịt nguội, chả, cá hộp… y như một xe bán bánh mì tiêu biểu của Sài Gòn, và chị bán bánh mì thì phát âm kiểu Nam Bộ. Hóa ra, không đâu bánh mì trở nên quen thuộc như Sài Gòn! Đâu đâu cũng thấy bán bánh mì Bánh mì là món ăn của người Pháp đem vào Việt Nam nhưng nay đã trở nên quen thuộc đến mức trở thành món ăn bình dân của người Sài Gòn. Nó là món điểm tâm mỗi buổi sáng của giới lao động, sinh viên, học sinh vì vừa nhanh vừa rẻ, chỉ 500 đến 1.000 đồng là có một ổ bánh vừa nóng vừa giòn. Một lý do khác là bánh mì ăn kèm với nhiều loại thức ăn khác đều hợp. Các thứ cho vào bánh mì phổ biến là thịt nguội, chả, đồ chua, dưa leo, cọng hành, pho mát, pa tê, heo quay, cá hộp, trứng gà ốp la… Gần đây, thấy có loại bánh mì bì 2.000 đồng/ổ bày bán rất chạy trên nhiều trục đường đông người qua lại ở quận 1, quận 3… Thế hệ tôi vẫn gọi là bánh Tây Đó là nói bánh mì bình dân, còn nói các loại bánh mì cao cấp cũng không thiếu. Tôi có dự một cuộc họp mặt bạn bè ở khách sạn Sài Gòn RiverSide (quận 1). Tiệc tự chọn món ăn (buffet), trong đó có nhiều loại bánh mì rất thơm ngon, ăn không ngán. Hầu hết các nhà hàng lớn ở TPHCM đều tự làm bánh mì để tạo “gu” riêng thu hút thực khách. Đây có lẽ là nét đặc biệt của các nhà hàng ở Sài Gòn so với các địa phương khác. Ví dụ ở Hà Nội, bánh mì cũng xuất hiện đã lâu nhưng không phổ biến như Sài Gòn. Giáo sư Trần Quốc Vượng viết khi người Pháp đến Việt Nam, họ mang theo các món ăn của họ vào văn hóa ẩm thực Việt Nam: món maggi, bít tết, bánh mì… “Mà thế hệ tôi vẫn gọi là bánh Tây…”. Gắn liền với thương hiệu Không ở đâu mà bánh mì có nhiều thương hiệu như ở Sài Gòn. Nổi tiếng nhất không thể không kể tới là bánh mì Như Lan. Từ một người bán bánh mì lề đường, nay bà Như Lan là chủ một doanh nghiệp lớn kinh doanh nhiều loại thực phẩm khác ngoài bánh mì. Những người ở Sài Gòn lâu năm thích ăn bánh mì mới ra lò vừa nóng vừa giòn thì đến lò bánh mì số 30 đường bà Lê Chân hoặc số 143 đường Trần Quang Khải (quận 1). Những nơi này bán không cần quảng cáo ồn ào, chỉ vắn tắc “cơ sở chế biến bánh mì”, mà khách vẫn đông. Sáng sớm bụng đói mà có một ổ bánh mì làm từ các lò này thì không chê vào đâu được. Những năm gần đây, xuất hiện ngày càng nhiều thương hiệu khác như bánh mì Sáu Minh (số 170 đường Võ Văn Tần, quận 3), bánh mì Ba Lẹ ở chợ Tân Định (quận 1), bánh mì Hà Nội (ở đường Nguyễn Thiện Thuật, quận 3)… Hãng bánh Đức Phát (lò chính nằm trên đường Chi Lăng, quận Bình Thạnh) và hãng bánh Kinh Đô (quận 5) cũng cạnh tranh nhau làm ra nhiều loại bánh mì khác.

 Thời kỳ đổi mới, kinh tế mở cửa, bánh mì ngoại được bày bán nhiều nơi càng làm phong phú thêm cho loại mặt hàng này. Đầu tiên phải kể đến bánh mì Bon hương vị của Pháp bán ở các siêu thị Co.op Mart với nhiều loại: baguette, sừng trâu, bánh mì tròn… rất thơm ngon. Lúc loại bánh này vừa mới có, tôi nhớ nhiều người phải chen chân đứng đợi khá lâu mới mua được. Nay nhiều chi nhánh mở ra nên cảnh chen lấn không còn. Sau bánh mì Bon là một loạt các loại bánh mì sandwich, hamburger, hotdog của các nhà hàng bán thức ăn nhanh như Lotteria, gà rán Kentucky, gà rán China Town… kể ra không hết… Và tất cả các loại bánh mì ngoại này đều được người Sài Gòn đón nhận, nhất là giới thanh niên, với tấm lòng rộng mở vốn có của họ.

 Nguồn: https://nld.com.vn/tinh-yeu-hon-nhan/banh-mi-sai-gon-vua-gion-vua-ngon-112980.htm