Đạo diễn MV Gin Trần: ‘Tôi không áp lực vì giọng hát của Chi Pu’

 “Áp lực của đạo diễn MV không đến từ nghệ sĩ mà là từ việc tạo nên sự khác biệt so với những sản phẩm trước của người hát và của chính mình”, Gin Trần khẳng định.

 Tại Zing Music Awards (ZMA) năm nay, Gin Trần là đạo diễn của 2 trong số 10 MV top 10 đề cử Music video của năm: 1234 của Chi Dân và Nơi này có anh của Sơn Tùng M-TP. Trong năm qua, đạo diễn sinh năm 1989 và công ty của mình đã thực hiện khoảng 20 MV, riêng đợt cao điểm tháng 11 – 12/2017, anh làm 6 MV.

 Music video nhạc Việt đang vào thời nở rộ, hầu như không ca khúc hit nào là không có MV đi kèm. Lượng xem hàng chục triệu cho một MV trở thành một bảo chứng cho chữ “hit”. Nhân dịp này, Zing.vn trò chuyện với đạo diễn Gin Trần về sự bùng nổ MV.

Nhạc Việt đang bùng nổ MV

 

 -2017 có thể coi là năm bùng nổ của MV nhạc Việt khi hàng trăm MV ra đời. Bản thân anh đã có bao nhiêu sản phẩm và tăng trưởng ra sao so với những năm trước đó?

 – Tôi đồng ý năm nay là năm nở rộ của MV, chính công việc của tôi cũng có một bước tiến vô cùng rõ rệt. Trong cả quá trình hoạt động của công ty 4 năm nay là khoảng 60 MV, còn trong năm 2017 là khoảng 20 MV. Mật độ sản xuất dày đặc hơn, có tháng chúng tôi làm một lúc vài MV.

 Chính vì số lượng MV dày đặc như vậy, tôi nghĩ khán giả nên thông cảm cho nghệ sĩ khi họ phải đưa những hình ảnh sản phẩm vào MV. Vì, cần phải hiểu rằng nghệ sĩ Việt không kiếm được tiền trực tiếp từ việc sản xuất MV, không bán được bản quyền cho đài truyền hình hay nhiều kênh khác nhau như ở nước ngoài. Nghệ sĩ Việt làm MV chỉ để phát trên mạng cho khán giả xem miễn phí.

 – Mật độ MV dày đặc nhất của anh là bao nhiêu, anh phải “phân thân” như thế nào?

 – Trong hai tháng 11 và 12/2017, tôi làm nguyên một loạt 6 MV từ Tình yêu chậm trễ của Monstar, Em sai rồi anh xin lỗi em đi của Chi Pu, Chuyện anh vẫn chưa kể của Chi Dân, Vì yêu mà cưới ( We Get Married) của Hương Giang Idol, Lặng của JSOL, Thương anh của Thiều Bảo Trâm.

 Làm nhiều sản phẩm một lúc nhưng tôi chia lịch quay thành từng khoảng thời gian riêng, không để lẫn lộn vào nhau, để mỗi thời điểm, tôi có thể toàn tâm toàn ý cho một sản phẩm.

 Đến cuối năm, các MV trên ra mắt gần như cùng một lúc nhưng tôi rất tự hào khi mỗi MV đều là một ý tưởng, màu sắc khác nhau chứ không bị lặp lại. Có những câu chuyện, chẳng hạn như trong MV của Chi Dân, tôi đã ấp ủ từ rất lâu rồi, dự định làm phim ngắn.

 Cho đến khi nghe được bài hát đó, tôi thấy quá phù hợp nên quyết định dồn tâm huyết vào MV.

 – Làm MV là một hoạt động đắt đỏ. Năm vừa rồi, MV kinh phí cao nhất của anh là bao nhiêu?

 – Đó là MV Magic của ca sĩ CARA, vào khoảng mấy trăm triệu đồng. Kinh phí lớn là vì chúng tôi phải đi 3 nước Bỉ, Pháp, Ý và quay ở 6 thành phố khác nhau. Khi làm nghệ thuật, tôi không đặt ra những giới hạn cho sáng tạo, thường làm hết khả năng của mình.

 Nhưng cái “đắt” của việc thực hiện MV chính là thời gian, công sức, chất lượng ca khúc thể hiện qua bài nhạc, hòa âm, phối khí… Tổng hòa của những yếu tố đó mới thể hiện hết mức độ đầu tư của nghệ sĩ.

 – Đạo diễn nhiều MV đến vậy, anh thấy mình đã làm được gì và còn gì chưa hài lòng?

 – Trong năm qua, tôi đã làm MV cho khá nhiều nghệ sĩ, công ty tôi cũng phát triển hơn, nhưng đúng những gì mình mong đợi chưa thì chưa hẳn. Trong năm 2018, tôi có một kế hoạch phát triển dài hạn.

 Cụ thể, tôi phải khám phá và chinh phục nhiều khía cạnh khác nhau của MV. Những tìm tòi đó đã bắt đầu từ năm nay, khi tôi có những MV quay ở nước ngoài. Nhưng việc quay ở nước ngoài không đơn thuần là để có MV đẹp, mang tính thời trang mà còn phải có nội dung, có câu chuyện sâu sắc hơn.

 Năm nay, tôi đã làm khá nhiều MV ngoại cảnh, quay ở những nơi có thiên nhiên đẹp. Tôi muốn làm thêm nhiều MV trong phim trường. Ê-kíp của tôi cũng thành lập một phim trường riêng để thử sức với lĩnh vực này.

 – MV ngoại cảnh và MV phim trường khác nhau như thế nào?

 – Khi quay ngoại cảnh, ví dụ gần đây nhất tôi làm MV Chuyện anh vẫn chưa kể cho Chi Dân, tôi suy nghĩ xem mình muốn khai thác khía cạnh nào từ ca khúc để đưa vào MV. Nhiều người nghĩ đã quay MV thì góc máy phải thật êm, thật mượt, không được rung.

 Nhưng với tôi, MV ngoại cảnh, kể câu chuyện thì kỹ thuật không cần quá chuẩn mực mà nên thiên theo cảm xúc. Góc máy có thể động, có thể rung khi cần thiết để tạo nên cảm xúc cho người xem, và cảm xúc đó rất thật. Chính những yếu tố hơi lỗi về kỹ thuật như vậy lại hiệu quả nhất, đắt giá nhất.

 Còn MV trong phim trường đòi hỏi mọi thứ phải rất trơn tru, rất chỉn chu về kỹ thuật. Cả dolly (thanh trượt) hay các cú máy đều phải thật mượt mà.

 Cách sản xuất cũng khác nhau. MV phim trường đòi hỏi một ê-kíp mạnh và dày. Cần có đội ngũ thiết lập ánh sáng, thiết kế, sản xuất (sắp xếp lịch trình), trang điểm, stylist…, mọi khâu phải thật nhuần nhuyễn và phối hợp ăn ý với nhau.

 Như gần đây, tôi làm MV Em sai rồi anh xin lỗi em đi của Chi Pu, các bộ phận phải làm việc thật ăn ý trong thời gian gấp rút mới có thể cho ra một sản phẩm như vậy.

 – MV của Chi Pu anh làm trong bao lâu?

 – MV đó thực hiện trùng thời điểm tôi có một chuyến đi nước ngoài. Khi ở nước ngoài, tôi đã thảo luận và chốt ý tưởng với Chi qua mạng, khi về Việt Nam thì bắt tay vào sản xuất trong vòng 4 ngày, hồi tháng 11. MV chạy khá gấp nên cũng có một số trục trặc. Dù vậy, chúng đã được giải quyết rất êm nên MV mới ra nhanh và ưng ý như vậy.

 – Đó là những trục trặc gì?

 – Ý tưởng ban đầu là MV thiên về nhạc kịch nên vũ đạo và nội dung phải sát với nhau. Phần biên đạo phải làm sao để thể hiện được câu chuyện cần kể. Tôi là người lên câu chuyện và đề xuất cho Quang Đăng, người biên đạo để đưa ra ý tưởng về vũ đạo: kể chuyện gì, cần những động tác nào. Quang Đăng cần dựng trước vũ đạo với Chi nhiều lần để tôi tính toán trước góc máy khi quay.

 Địa điểm MV là một nhà hàng có khung cảnh bán cổ điển, rất phù hợp với MV và một phim trường của công ty tôi. Chúng tôi phải tính toán rất kỹ để ra được MV như mọi người xem.

 – Kiểu MV dùng vũ đạo để kể chuyện cũng rất phổ biến trên thế giới, chẳng hạn Love Yourself của Justin Bieber. Anh có học hỏi gì không?

 – Học hỏi là tốt nhưng phải biết chọn lọc. Nếu mình bê nguyên xi thì sẽ là một cách học hỏi tiêu cực.

 Tôi khẳng định mình có học hỏi nhưng là về cách lên ý tưởng câu chuyện, cách quay để làm toát lên ý tưởng đó, có gì hay trong đó để có thể phát triển thêm, chứ không bê nguyên xi.

 – Anh có áp lực khi ở thời điểm đó, Chi Pu đang bị chỉ trích về giọng hát, khán giả hoài nghi chất lượng sản phẩm mới của cô ấy, tức MV do anh đạo diễn?

 – Tôi chịu áp lực nhưng không phải vì giọng hát của Chi vì tôi hiểu mỗi nghệ sĩ có một hướng đi khác nhau. Với Chi, hướng đi của cô ấy là giải trí thì cần làm sao cho khán giả nhận thấy chất giải trí.

 Còn áp lực của tôi thiên về mặt kỹ thuật nhiều hơn. Hai MV trước đó của Chi đều chỉn chu, nên tôi không thể để MV thứ ba cùng màu cùng chất. Đó là điều tối kị với nghề. Thứ hai, thời gian của tôi chỉ có 4 ngày – rất ít ỏi, nhưng phải làm sao để tạo nên sự khác biệt.

 Vậy nên, áp lực của tôi hoàn toàn không đến từ Chi Pu.

 – Anh có trao đổi với Chi nhiều trong quá trình sản xuất MV không?

 – Chúng tôi gặp nhau 3 hôm trước khi quay. Lần trao đổi đầu tiên là qua điện thoại, đến khi gặp trực tiếp thì đã có sẵn những ý tưởng để ngồi với nhau, chốt hướng đi chung.

 Sau đó, tôi xây dựng nên câu chuyện, làm việc với Quang Đăng và Chi qua mạng. Trước khi quay, chúng tôi gặp nhau một buổi cuối cùng để đưa ra bản cuối cùng của kịch bản. Hai hôm sau, chúng tôi chỉ việc quay và hoàn thành khá nhanh.

‘Sơn Tùng M-TP là nghệ sĩ rất biết lắng nghe’

 -Khi nhận lời làm MV có một ca sĩ, anh có nhất thiết yêu thích giọng hát đó?

 – Trong giới âm nhạc Việt Nam, tôi không đặc biệt thần tượng một ca sĩ nào. Mặc dù vậy, tôi thích rất nhiều sản phẩm của rất nhiều nghệ sĩ. Tôi nghe nhạc với tâm thế thoải mái, đặt mình ở vị trí khán giả, nên khi thấy một bài nhạc, một MV xuất sắc, tôi sẽ cảm nhận và thưởng thức nó.

 Còn khi nhận lời làm MV cho một bài hát, tôi buộc phải thích bài hát đó. Có thích thì mới làm việc được, làm MV cho Sơn Tùng M-TP, cho Chi Dân, Chi Pu hay Hương Giang Idol đều vậy.

 – Nói vậy, anh không bao giờ để mình quá hâm mộ ca sĩ dù họ rất tài năng, có ảnh hưởng?

 –  Tôi không muốn đặt yếu tố cá nhân của mình vào tác phẩm quá nhiều mà coi trọng nhìn nhận khách quan. Đó phải là ca khúc khiến tôi cảm thấy thư thái, giải trí khi nghe nhưng đồng thời cũng tìm được sự đồng điệu, sâu lắng. Nhưng tôi không cuồng đến mức cuồng tất cả các ca khúc của nghệ sĩ đó mà phải nghe có chọn lọc.

 – Anh từng làm việc với những ngôi sao lớn như Mỹ Tâm hay Sơn Tùng M-TP, anh có thiên vị họ hơn các ca sĩ khác?

 – Tôi đặt tâm huyết cho các nghệ sĩ như nhau, vì mỗi người đều cho mình một cơ hội và chinh phục những nhóm khán giả khác nhau. Tôi chỉ có áp lực hơn khi làm việc với các ngôi sao lớn vì như Sơn Tùng chẳng hạn, khi tôi làm MV Nơi này có anh cho cậu ấy, cái bóng của những thành công trước đó đã quá lớn, ra bài nào cũng hot. Người ta sẽ nhìn vào MV của tôi và đánh giá, so sánh.

 Chính bởi áp lực đó, tôi và Tùng cũng phải ngồi lại nói chuyện với nhau. Chúng tôi chơi với nhau từ khá lâu rồi, trước khi Tùng bước chân vào giới giải trí, Tùng đang là sinh viên còn tôi mới tập tành quay những video đầu tiên.

 – Sơn Tùng cũng nổi tiếng là nghệ sĩ kiểm soát chặt chẽ và nắm quyền quyết định những sản phẩm của mình. Điều đó có thể hiện khi làm việc với anh?

 – Tùng làm việc trước đó với mọi người như thế nào, tôi không biết. Nhưng khi làm việc chung, chúng tôi rất đồng điệu.

 Tôi và Tùng giống nhau ở một điểm: tất cả những gì chúng tôi quan tâm là chất lượng của sản phẩm chứ không phải cái tôi của bất cứ ai.

 Khi tôi đề xuất một ý tưởng, Tùng sẽ lắng nghe. Cậu ấy rất biết lắng nghe, cho người khác cơ hội để giải thích ý tưởng, hay ở đâu, dở ở đâu. Nếu ý tưởng thuyết phục, cậu ấy sẽ làm theo. Đó là cách làm việc rất dễ chịu.

 Vấn đề ở đây không phải là nghệ sĩ khó hay dễ, mà là đạo diễn có thuyết phục được người đó nghe theo cách kể chuyện của mình hay không. Nếu không thuyết phục được là do mình, chứ không thể đổ lỗi là nghệ sĩ quá định kiến hay không biết lắng nghe.

 Để làm được MV cho ca sĩ, cần có hai yếu tố. Một là cái duyên, hai bên hiểu và đồng điệu với nhau, cảm thấy có thể đồng hành cùng nhau. Thứ hai là ở bản thân mình, có đủ khả năng thuyết phục người làm việc cùng mình hay không. Tôi từng làm việc với nhiều nghệ sĩ lớn rồi nên thấy tin đồn “khó tính” đôi khi cũng không đúng lắm.

 – Ví dụ nghệ sĩ nào?

 – Trước tôi nghe mọi người bảo chị Mỹ Tâm khó tính nhưng khi làm việc chung, tôi nhận ra vấn đề là ở bản thân mình. Bài đầu tiên tôi làm cho chị là Hãy về với nhau. Trước đó, tôi với chị chưa có mối quan hệ quen biết. Nhưng trước khi hợp tác, chúng tôi đã có cuộc nói chuyện 45 phút qua điện thoại. Qua đó, chúng tôi hiểu nhau hơn.

 Đến ngày quay, đó là lần đầu tiên tôi gặp chị Mỹ Tâm nhưng mọi chuyện đều rất trôi chảy. MV ra mắt cũng tạo hiệu ứng rất tốt, cũng được coi là sản phẩm đánh dấu sự thay đổi lớn của chị.

 Nguồn: https://zingnews.vn/dao-dien-mv-gin-tran-toi-khong-ap-luc-vi-giong-hat-cua-chi-pu-post808781.html

  

  

  

  

  

  

 Tag: ginny wordpress tomboy