TTO – Với sự phát triển của công nghệ hiện nay, rất nhiều kênh YouTube ra đời với mục đích kiếm tiền dù có nội dung tiêu cực, phản cảm. Hiện tượng này tạo một cái nhìn ác cảm từ cộng đồng về các youtuber.
 Trần Ngọc San : “Nhiều bạn nói rằng nhờ có Hẻm Radio mà các bạn bắt đầu thích đọc sách – những tác phẩm học đường “khó nuốt”. Đó chính là động lực để Hẻm Radio có thể tồn tại đến hôm nay…”
 Nhưng ở đâu đó vẫn còn những youtuber mang đến cho khán giả những thông tin bổ ích, giàu giá trị nhân văn.
 Hẻm Radio – một kênh YouTube dành cho những ai yêu văn học, thích đọc sách – có thể nói là một điểm sáng độc đáo khi mạnh dạn “đi ngược dòng” với số đông để đem đến nội dung đề cao giá trị nhân văn và cảm xúc trong tâm hồn mỗi người.
 Nơi tôn vinh, nhân rộng văn hóa đọc – viết
 Phan Lê Trung Tín, người sáng lập kênh, chia sẻ: “Những ngày chuẩn bị xây dựng kênh Hẻm Radio, mọi người khuyên tôi nên chọn nội dung có yếu tố giải trí, hài hước hoặc gây sốc với người xem thì mới có khả năng “hút view”.
 Nghe vậy tôi cũng có chút chạnh lòng, tuy nhiên, vốn là người yêu văn học và thích đọc sách, tôi nghĩ mình nên chọn những gì là sở trường của mình và nếu làm tốt thì sợ gì không có khán giả. Thế là kênh Hẻm Radio ra đời”.
 Mong muốn của Tín khi lập kênh Hẻm Radio là làm sao truyền tải được những tác phẩm văn học thành một dạng audio sống động, chân phương và có “cái tình” của người kể.
 Qua đó, kênh sẽ là nơi giúp người nghe dễ dàng cảm nhận và yêu mến tác phẩm văn học. Để làm được điều này, Tín đã tìm đến những diễn viên lồng tiếng như: Bình Nguyên, Ngọc San, Khánh Ái, Thanh Trúc, Ngọc Thiện, Quốc Thịnh… để thuyết phục họ tham gia cùng với mình.
 Khi nguồn “nhân sự” dồi dào, Tín đã chuyển thể các tác phẩm học đường sang một dạng “kịch truyền thanh”.
 Nghĩa là các giọng đọc sẽ diễn xuất cùng với nhau, cùng khóc cùng cười với các nhân vật trong truyện để giúp người nghe có thể hiểu, cảm nhận tác phẩm rõ nét và sống động nhất.
 Tính đến hiện tại, kênh Hẻm Radio có hơn 1.000 video được đăng tải, trong đó có khá nhiều tác phẩm học đường được Hẻm Radio chuyển thể sang dạng phát thanh như: Hồn Trương Ba da hàng thịt, Số đỏ, Tắt đèn, Làng, Vợ chồng A Phủ, Vợ nhặt, Mảnh trăng cuối rừng…
 Sau mỗi tác phẩm được đọc xong, Hẻm Radio còn dành ít phút phân tích tác phẩm, bình luận, giải thích từ vựng… giúp người nghe có thể hiểu rõ hơn về các tác phẩm này.
 Ngoài các tác phẩm văn xuôi, Hẻm Radio còn dành thời gian đọc thơ ca như: Truyện Kiều và Lục Vân Tiên. Truyện Kiều trên kênh Hẻm Radio có gần 1 triệu lượt nghe và hơn 500 bình luận khen tặng.
 “Điều đáng mừng là khi biết Hẻm Radio là một kênh “tôn vinh văn hóa đọc”, các nhà xuất bản và tác giả đều ủng hộ và cho phép chúng tôi sử dụng tác phẩm của họ để thực hiện các video phát thanh của mình, dù việc này ít nhiều cũng khiến sách của họ bán được ít hơn” – Tín chia sẻ.
 Làm việc không công và những vĩ thanh ấm lòng
 Những nội dung trên Hẻm Radio có thời lượng rất khác nhau, có video dài 10 phút, 30 phút, nhưng cũng có video dài… 5 giờ.
 Để có được một video hoàn chỉnh, thông thường Hẻm Radio mất thời gian gấp 3, 4 lần so với thời lượng được đăng tải.
 Khi Hẻm Radio chuyển thể phát thanh tác phẩm Truyện Kiều, giọng đọc Bình Nguyên kể rằng anh đã gặp khá nhiều trở ngại trong lúc thu thanh như: bị vấp trong lúc đọc, có nhiều từ vựng là từ cổ, các bạn buộc lòng phải dành thời gian tra cứu, tìm hiểu, từ đó mới có thể tự tin bước vào phòng thu.
 Với những video được thực hiện dưới dạng “kịch truyền thanh” thì càng… khổ hơn nhiều.
 Tín kể: “Việc phân vai cho diễn viên là điều khiến tôi đau đầu nhất vì nhân sự thì ít mà có quá nhiều nhân vật, có những tác phẩm tới hơn 20 nhân vật mà Hẻm Radio chỉ có 5 – 6 giọng đọc, buộc lòng chúng tôi phải giả giọng để có thể đóng được nhiều vai khác nhau.
 Mỗi diễn viên lồng tiếng sẽ tự thu âm tại nhà, sau đó tôi sẽ ghép lại các nội dung thu âm đó và dựng thành một tác phẩm hoàn chỉnh.
 Chúng tôi thường dành cho Hẻm Radio vào buổi tối, sau khi đã kết thúc những công việc chính tại công ty, nên việc phải thu âm từ 1-2h sáng là chuyện bình thường”.
 Làm việc vất vả là thế nhưng khi hỏi về doanh thu của Hẻm Radio, Tín thẳng thắn nói: “Số tiền có được từ YouTube không đủ để chúng tôi trang trải chi phí cho việc thu âm, mua sách, nhạc nền, dựng clip… thậm chí các thành viên còn phải tự bỏ tiền túi bù lỗ các chi phí phát sinh.
 Các diễn viên lồng tiếng cộng tác với Hẻm Radio đều là các giọng đọc nổi tiếng.
 Trong công việc của mình các bạn có thể tính phí từng chữ một, nhưng với Hẻm Radio các bạn đều đọc hoàn toàn miễn phí mà chẳng có bất kỳ một yêu cầu quyền lợi gì, vì các bạn cũng có chung mong muốn là giúp mọi người yêu mến văn chương hơn”.
 Không nhận được lợi ích về kinh tế khi tham gia cộng tác với Hẻm Radio nhưng giọng đọc Ngọc San lại nhận được rất nhiều tình cảm từ khán thính giả.
 Anh nói: “Từ ngày cộng tác với Hẻm Radio, tôi được chú ý nhiều hơn, nhiều khán giả nhắn tin nói rằng họ rất yêu mến giọng đọc của tôi, mong muốn tôi đọc tác phẩm này, tác phẩm kia… khiến tôi vô cùng hạnh phúc”.
 Nhiều khán giả cũng rất quan tâm đến giọng đọc Bình Nguyên dù anh rất ít chia sẻ thông tin của mình trên Hẻm Radio.
 “Đó là điều mà tôi vừa cảm thấy vui vừa thấy rất tức cười, vì không ngờ mình cũng có người hâm mộ nữa” – Bình Nguyên chia sẻ.
 Nguồn: https://tuoitre.vn/hem-radio-kenh-youtube-danh-cho-nguoi-yeu-van-hoc-2019081109554293.htm
 Tag: mc btv