Lịch sử Việt Nam – Nhà Mạc

 Vương triều nhà Mạc trị vì có 65 năm trong lịch sử Việt Nam, việc nhà Mạc xuất hiện ở phía Bắc là biểu hiện xu thế vươn lên thoát khỏi sự bảo thủ, trì trệ phong kiến triền miên Lê – Trịnh. Nhà Mạc xuất thân từ dân chài vùng Đông Bắc, sớm tiếp xúc với kinh tế thị trường sông biển, sớm thấy được sự tiến bộ của công thương nghiệp và kinh tế hàng hóa tiền tệ, đã vượt qua cương thường Nho giáo, nổi lên giành ngôi vua, cải biến kinh tế – xã hội là công thương nghiệp và kinh tế hàng hóa tiền tệ…

 

 Mặc dù nhà Mạc trị vì chỉ có 65 năm, nhưng đã đưa được vùng Đông Bắc mạnh lên, với thủ công,thương nghiệp phát triển, tiêu biểu như gốm sứ thời nhà Mạc đã vươn tới thị trường Đông Nam Á, và các nước Trung Đông v.v… Đến nay dấu ấn vẫn còn chưa phai mờ, chỉ tiếc rằng địa bàn tung hoành của nhà Mạc chỉ có ở vùng Đông Bắc hạn hẹp, bị kẹt giữa Trung Quốc và Nam triều, không có điều kiện để mở rộng như điều kiện của các chúa Nguyễn ở Đàng Trong.

 Trong thời gian 65 năm tồn tại, vương triều nhà Mạc truyền nối được 5 đời đế vương, thế thứ cụ thể như sau:

 1.Thái Tổ Mạc Đăng Dung (1483-1541)

 Mạc Đăng Dung sinh năm Quý Mão 1483 và mất năm Tân Sửu 1541, thân sinh là Mạc Hịch, thân mẫu là Đặng Thị Hiếu, quê ở làng Cổ Trai, huyện Nghi Dương, ngụ ở làng Cao Đôi, huyện Bình Hà, tỉnh Hải Dương.

 Thưở nhỏ Mạc Đăng Dung khôi ngô tuấn tú, lại có sức khỏe, theo học với người thầy họ Lê, được thầy yêu mến gả con gái cho. Mạc Đăng Dung có sức khỏe và có chí khí lớn, thường đi đấu vật lấy giải thưởng về sống và làm nghề đánh cá để mưu sinh. Sau đó Mạc Đăng Dung đi thi võ ở kinh đô, trúng lực sỹ được sung vào quân tác vệ chuyên cầm dù theo xe vua. Mạc Đăng Dung đã tiến rất nhanh trên con đường làm quan. Năm Tân Mùi 1511, khi đó Mac Đăng Dung 29 tuổi đã được thăng tới chức Xuyên Bá; kết duyên cùng công chúa Lê Thị Ngọc Minh. Năm Bính Tý 1516, Đời vua Lê Chiêu Tông (1506-1526), Mạc Đăng Dung Được cử Làm trấn thú Sơn Nam với chức phó tướng Tả đô đốc. Trải qua ba đời vua nhà Lê, Mạc Đăng Dung được phong làm Thái sư Nhân quốc công, rồi được phong đến chức An Hưng Vương

 Lợi dụng lúc vua quan ươn hèn, các quan trong và ngoài triều tranh giành quyền lợi, xâu xé lẫn nhau, đục khoét nhân dân, Mạc Đăng Dung đã âm thầm chuẩn bị giành ngôi vua. Từ lúc được làm An Hưng Vương, Mặc Đăng Dung bắt đầu thao túng triều đình, đến tháng 6 năm 1527, Mạc Đăng Dung từ Cổ Trai lên kinh sư ép vua Lê Cung Hoàng (1507-1527) nhường ngôi cho mình. Lúc bấy giờ nhà Hậu Lê đã quá mục nát và mất lòng dân, nên số đông đã ra đón Mạc Đăng Dung về cung. Mạc Đăng Dung lên làm vua, lập ra vương triều nhà Mạc, sau khi lên làm vua, Mạc Đăng Dung lấy niên hiệu là Minh Đức.

 Ở ngôi vua được 2 năm, Mạc Đăng Dung cũng bắt chước các đời vua nhà Trần, nhường ngôi cho con, còn mình thì lên làm Thái Thượng Hoàng. Năm 1529, Mạc Đăng Dung nhường ngôi cho con là Mạc Đăng Doanh, tuy nhường ngôi cho con, nhưng trên thực tế Mạc Đăng Dung vẫn nắm quyền triều chính.

 Mạc Đăng Dung vẫn sợ nhà Minh (1368-1644) ở Trung Quốc hạch sách, bèn cắt đất hai châu Vĩnh An, An Quảng gồm 6 động: Tê Phù, Kim Lặc, Cổ Sâm, Liêu Cát, An Lương, và La Phù dâng cho nhà Minh, thuộc vào Khâm Châu, chính việc làm này của Mạc Đăng Dung đã làm cho các nho sỹ trong cả nước bất bình, một số nho sỹ tài giỏi thời bấy giờ như Lương Hữu Khánh cũng từ bỏ nhà Mạc, theo về phò tá nhà Lê Trung Hưng (1533-1789).

 Việc Mạc Đăng Dung cắt đất cho nhà Minh, ông đã giải thích như sau: “Việc ngoại giao, ta đã giữ cho đất nước khỏi nạn binh đao, ta không để mất một tấc đất nào cho nhà Minh, mấy động trên thuộc đô Như Tích và Chiêm Lãng là tự thủ lĩnh của họ đem đến nước ta, được 13 năm, lại quay về với nhà Minh, đó là chuyện của họ. Lúc lên Nam Quan, giặc ép ta đủ điều, nào bắt ta phải tự trói và quỳ gối, nưng ta quyết không, chỉ nói ý đó trong biểu; ta chỉ tựu cúi chào trước lá cờ chữ ‘Minh’, đấy là chào sự quang Minh chính đại, chứ không phải chào triều kỳ nhà Minh. Ta cũng chỉ mới hứa suông với đám quan liêu biên ải nhà Minh là sẽ xưng thần, và nhận lịch của họ, nhưng tất cả đều chưa thành sự thật. Vả lại hai thứ đó suy cho cùng chỉ là điều hư nghĩa. Mai sau con cháu liệu tình thế mà khu xử, cốt sao cho quốc thái dân an, nhưng cũng chớ để mất thể diện quốc gia, nhất là không để mất tấc đất nào”.

 Vào năm Canh Tý 1540, Mạc Đăng Doanh mất,  Mạc Đăng Dung lúc đó đang ở Cổ Trai, trở về kinh sư, lập cháu nội là Mạc Phúc hải lên nối ngôi, bấy giờ Mạc Đăng Dung cũng thường xuyên bị bệnh và đau yếu nhiều, năm sau, năm Tân Sửu 1541, biết mình không qua khỏi, Mạc Đăng Dung đã cho gọi con cháu mình lại dặn dò: “Ta sẽ không viết di chúc để lại, khi ta mất không được làm chay cúng phật tốn kém và mỏi sức những kẻ hầu hạ. Mạc Đăng Dung còn nói với Mạc Phúc Hải rằng: Nhà Mạc ta đứng trên thiên hạ, nhưng đừng nghĩ sẽ tồn tại vĩnh viễn, từ trước đến nay, trời cũng chỉ cho các họ khác trăm năm, vài trăm năm là cùng… thế nên phải dặn con cháu sau này nếu gặp họa thì phải tránh những nơi nguy hiểm, thay tên đổi họ để giữ lấy dòng giống. Nhưng phải thay đổi như thế nào để về sau an hem con cháu còn nhận ra nhau. Đổi ra họ gì cũng phải dùng chữ ‘Đăng’ để làm tên đệm, để khỏi lẫn với những họ khác. Đêm hôm trước khi mất, Mạc Đăng Dung cho đòi kẻ hầu cho mình ra ngoài sân. Mạc Dăng Dung ngắm trời khá lâu, đặc biệt hướng về phía biển và dãy Đồ Sơn như muốn nhìn không chán mắt. Mạc Đăng Dung vẫn mông lung lo nghĩ về tai hạo sau này sẽ giáng xuống dòng họ mình, và ngay đêm hôm ấy, Mạc Đăng Dung băng hà, hưởng thọ 58 tuổi.

 Sau khi mất, Mạc Đăng Dung được an táng tại Long Sơn, mộ hiệu là An Lăng, thụy là Nhân minh Cao hoàng đế, miếu hiệu là Thái tổ.

 2. Mạc Đăng Doanh (? – 1540)

 Mạc Đăng Doanh là còn trưởng của vua Mạc Thái Tổ, khi nhà Lê đang còn tồn tại, vua Lê Chiêu Tông đã phong cho Mạc Đăng Doanh tước Dục Mỹ Hầu, giữ điện Kim Quan. Năm 1527, Mạc Đăng Dung lên làm vua, đã lập Mạc Đăng Doanh làm Thái tử.

 Đúng ngày 1 tháng Giêng năm mới, tức là năm Canh Dần 1530, là ngày Đinh Hợi may mắn, vua Mạc Đăng Dung ban chiếu nhường ngôi cho Đông cung Thái tử Mạc Đăng Doanh, vua mới lên ngôi Hoàng đế, ban lệnh đại xá thiên hạ, đổi niên hiệu là năm Đại Chính thứ nhất, tôn cha là Mạc Đăng Dung làm Thái thượng hoàng, dựng điện riêng để cha ở, mỗi tháng cứ đến ngày mùng 8 và ngày 22 vua lại dẫn quần thần tới đó để triều yết.

 Từ khi Mạc Đăng Doanh lên ngôi vua , thì ở Thanh Hoa, cựu thần nhà Lê Sơ là Nguyễn Kim (1468-1545) đã rút quân sang Ai Lao ( Lào), dựa vào rừng núi biên giới Việt – Lào lãnh đạo lực lượng trung hưng nhà Lê  ngày càng lớn mạnh. Vào năm Quý Tỵ 1533, sau khi tìm được “Chúa Chổm” (tức Hoàng tử Lê Duy Ninh), Nguyễn Kim liền lập Lê Duy Ninh lên làm vua, gọi là Lê Trang Tông, và nhà Lê Trung Hưng từ đó được hình thành và bắt đầu đem quân tấn công nhà Mạc. Mạc Dang Doanh phải đương đầu với các cuộc tấn công của nhà Lê Trung Hưng.

 Trong thời gian đó, vào năm Giáp Ngọ 1534, vua nhà Minh ở Trung Quốc lúc bấy giờ là Minh Thế Tông (1507-1566) vị Hoàng đế thứ 11 của nhà Minh, sai Hàm Ninh Hầu Cửu Loang và Thượng thư Bộ binh là Mao Bá Ôn, đem quân đến biên giới nước ta tuyên bố đánh nhà Mạc. Nhưng Mạc Đăng Doanh, và Thái thượng hoàng Mạc Đăng Dung đã dâng thư cho vua Minh Thế Tông và gấp rút chuẩn bị chiến đấu nếu quân nhà Minh sang xâm chiếm nước ta.

 Năm Ất Mùi 1535, Mạc Đăng Doanh cho tổ chức thi cử kén chọn nhân tài ra giúp nước, và nhà vua đã chọn được Trạng Nguyên Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585), Mạc Đăng Doanh đã dành cho Nguyễn Bỉnh Khiêm ân sủng đặc biệt: Sau khi bổ nhiệm chức Hiệu thư ở Viện Hàn Lâm, nhà vua đã cho mời vị quan Trạng tân khoa về Cổ Trai dự cuộc họa thơ của vua cha.

 Khoa thi năm Ất Mùi đó, nhà Mạc lấy đỗ được 32 Tiến sỹ, Mạc Đăng Doanh cho rằng như thế là ít và cần phải lấy nhiều hơn nữa. Năm Bính Thân 1536, vua Mạc Đăng Doanh đã sai Khiêm quận công Mạc Đỉnh Khoa tu sửa lại trường Quốc Tử Giám, để chuẩn bị gọi con em các vị đại thần, và một số học trò xuất sắc từ các nơi đến học. đồng thời lệnh cho các trấn sửa sang các trường thi để chuẩn bị đón sỹ tử dự kỳ thi Hương khoa tới.

 Tháng Giêng năm Đinh Dậu 1537, vua Mạc Đăng Doanh đến trường Thái học làm lễ Thích điện tế tiên thánh tiên sư, cầu cho một khoa thi tốt đẹp, chúc cho các sỹ tử nhiều may mắn… Cuối năm đó, quân nhà Minh sau bao lần trì hoãn, chúng đã áp sát biên giới nước ta, nhờ ngoại giao tốt, nên chiến tranh với phương Bắc đã không xảy ra. Tuy nhiên vua tôi nhà Mạc vẫn phải luôn luôn đề phòng quân nhà Minh xâm lấn bờ cõi nước ta.

 Từ khi lên làm vua, Mạc Đăng Doanh rất chú tâm đến việc lãnh đạo đất nước, đặc biệt là nhà vua quan tâm đến vấn đề thi cử, giáo dục để kén chọn nhân tài ra giúp nước. Nhưng rất tiếc là vị vua này chưa làm được nhiều việc thiết thực có lợi ích thiết thực cho quốc gia thì vào ngày 25-1 âm lịch năm Canh Tý 1540, Mạc Đăng Doanh bị bện và mất. Tổng cộng Mạc Đăng Doanh ở ngôi vua được đúng 10 năm. Thái thượng hoàng Mạc Đăng Dung, lập Mạc Phúc Hải lúc đó đang làm Thái tử lên nối ngôi. Mạc Phúc Hải đặt thụy hiệu cho Mạc Đăng Doanh là Thái Tông khâm triết Văn hoàng đế.

 3. Mạc Phúc Hải

 Mạc Phúc Hải là con trưởng của vua Mạc Đang Doanh, vào năm 1530, Mạc Đăng Doanh lên làm vua, đã lập Mạc Phúc Hải làm Thái tử.

 Năm Canh Tý 1540, vua Mạc Đăng Doanh mất, Mạc Phúc Hải được lập làm vua nối ngôi vua cha, vua mới cho đặt niên hiệu là Quảng Hòa. Sau khi lên làm vua, Mạc Phúc Hải phải lo đối phó với quân nhà Lê từ Ai Lao tiến về Thanh Hoa, đồng thời quân nhà Minh lại áp sát biên giới đe dọa tấn công nước ta. Lần này quân nhà Minh tỏ ra quyết liệt sẽ tấn công xâm lược nước ta, trước tình hình nguy cấp nên vua Mạc Phúc Hải đã phải cùng với ông nội là Thái thượng hoạng Mạc Đăng Dung lên cửa ải Nam Quan dâng thư xung thần với vua Minh Thế Tông nhà Minh, cho nên chiến tranh với phương Bắc đã không xảy ra.

 Năm Tân Sửu 1541, Thái thượng hoàng Mạc Đăng Dung băng hà, Mạc Phúc Hải trực tiếp lãnh đạo đất nước. Cũng như ông nội, và cha của mình, Mạc Phúc Hải cũng rất chú ý đến việc giáo dục thi cử. Nhưng tình hình nhà Mạc lúc đó đã không tận dụng được tài năng thực sự của các Trạng nguyên, Tiến sỹ, một số người sau khi thi đậu đã cáo quan, điển hình nhất là Trạng nguyên Nguyễn Bỉnh Khiêm, hoặc một số người theo giúp nhà Lê Trung Hưng như nho sỹ Lương Hữu Khánh…

 Kể từ khi Mạc Đăng Dung mất, Nguyễn Kim bắt đầu cho quân liên tiếp tấn công nhà Mạc, có ý thu phục lại Đông Kinh. Nhưng sự việc chưa thành thì vào năm Ất Tỵ 1545, Nguyễn Kim bị hàng tướng là Dương Chấp Nhất đầu độc chết, bấy giờ quyền hành ở Nam triều rơi hết vào tay của con rể Nguyễn Kim là Trịnh Kiểm (1503-1570).

 Trong khi đó thì thế lực của nhà Mạc cũng bắt đầu đi xuống, năm Bính Ngọ 1546 vua Mạc Phúc Hải cũng đột ngột qua đời không rõ nguyên nhân, lúc đó nhà vua trẻ này cũng mới ngoài 20 tuổi. Tổng cộng Mạc Phúc Hải ở ngôi vua được 6 năm. Triều đình đặt niên hiệu cho nhà vua là Hiến Tông Hiển hoàng đế.

 4. Mạc Phúc Nguyên

 Mạc Phúc Nguyên là con trưởng của Mạc Phúc Hải. Năm 1546, vua cha là Mạc Phúc Hải đột ngột qua đời, tướng nhà Mạc là Tứ Dương hầu Phạm Tử Nghi bàn: “hiện nay trong nước đang lúc nhiều nạn, nên lập vua lớn tuổi. Nay Hoàng vương Chính Trung là con thứ của vua Mạc Thái Tổ (Mạc Đăng Dung), nhiều lần cầm quân và thường thắng trận, vậy xin dựng lên nối ngôi”. Mạc Kính Điển (?-1580, con trai vua Mạc Đăng Doanh, và là em Mạc Phúc Hải) và Nguyễn Kính không nghe, lập con trưởng của Mạc Phúc Hải là Mạc Phúc Nguyên lên nối ngôi, đổi niên hiệu là Vĩnh Định. Vì nhà vua còn nhỏ tuổi, nên mọi việc lớn nhỏ trong triều đều ủy thác vào người chú là Khiêm vương Mạc Kính Điển.

 Phạm Tử Nghi thấy vậy liền làm phản, cùng với Mạc Chính Trung chiếm cứ miền  Hoa Dương, lập triều đình riêng. Vì vậy mà Mạc Kính Điển phải mấy lần đem quân đến đánh Mạc Chính Trung và Phạm Tử Nghi, Phạm Tử Nghi vốn là một dũng tướng, sức khỏe hơn người, lại được quân sỹ hết lòng. Mạc Kính Điển phải điều thêm Lê Bá Ly mấy mặt cùng lúc tiến đánh Mạc Chính Trung, cuối cùng Mạc Chính Trung bị thua, cùng với người con của Mạc Đang Dung là Định vương Mạc Phục Sơn chạy lên xứ An Quảng, sau đó chạy sang Khâm Châu (vùng đất thuộc nhà Minh, Trung Quốc). Cuộc chiến huynh đệ tương tàn này làm cho thế lực của nhà Mạc ngày càng suy yếu.

 Đến năm Tân Mão 1551, nội bộ triều chính nhà Mạc lại một lần nữa lục đục. Phạm Quỳnh vốn là kẻ hầu người hạ nhà Thái tể Phụng Quốc công Lê Bá Ly. Trước đó, năm Mạc Kính Điển lên 2 tuổi thường ốm đau, nên Lê Bá Ly sai vợ Phạm Quỳnh vào cung làm vú nuôi cho Mạc Kính Điển, nghĩ đến công lao nuôi dưỡng ấy, sau này Mạc Kính Điển đã trọng dụng cả Pạm Quỳnh và con trai của y là Phạm Dao. Phạm Quỳnh được phong làm Vinh Quân công giữ quyền tiết chế Đông đạo, Phạm Dao làm Văn Quận công trấn thủ Sơn Nam, coi Nam Đạo, từ đó hai cha con nhà họ Pham có ý tranh giành với chính Lê Bá Ly

 Con trai Lê Bá Ly là lê Khắc Thuận đương tuổi thanh niên thích chơi bời ca hát và mua sắm kiệu son, lọng vàng, xây nhà cửa lộng lẫy, thấy vậy cha con Phạm Quỳnh liền gièm pha với Mạc Kính Điển rằng: Khắc Thuận có ý làm phản, Mạc Kính Điển liền nói: “Quốc gia trông vào tướng phụ như quả núi cao, Khắc Thuận lại là phò mã, các ông không nên nói những lời như vậy”. Hai cha con Phạm Quỳnh lại đi gièm pha với vua Mạc Phúc Nguyên, nhưng lúc đó nhà vua vẫn đang còn nhỏ, nên mọi việc đều nghe theo và để chú là Mạc Kính Điển quyết định.

 Thấy vậy, đang đêm Phạm Quỳnh và Phạm Dao đem quân tiến đánh Lê Bá Ly, và thông gia Lê Bá Ly Là Nguyễn Thiến. Nhưng chính Phạm Quỳnh và Phạm Dao bị thua phải bỏ chạy, đến nương náu chỗ vua Mạc Phúc Nguyên. Lê Bá Ly đem quân chiếm cửa Chu Tước, đòi nhà vua phải nộp cha con Phạm Quỳnh, Phạm Dao, nhưng nhà vua đã không nghe, mà còn cho gọi quân ở các nơi về để cứu giá. Lê Bá Ly đem quân chống cự và viết thư kêu gọi các tướng tâm phúc mang quân tới. Quân nhà vua Mạc Phúc Nguyên thua chạy, Lê Bá Ly vẫn đòi vua phải giao cho mình cha con nhà họ phạm, nhưng Mạc Phúc Nguyên nhất quyết không nghe. Lê Bá Ly uất ức cùng với thông gia là Nguyễn Thiến đem theo mấy vạn quân bỏ vào Nam triều theo nhà Lê Trung Hưng, và từ đó trở đi quân nhà Mạc ngày càng suy yếu. Đến năm Đinh Tỵ 1557, Lê Bá Ly mất ở Thanh Hoa, hưởng thọ 82 tuổi. Cũng trong năm đó, vua Mạc Phúc Nguyên sai Mạc Kính Điển, đem quân vào đánh Thanh Hoa, quân nhà Mạc thua to, Mạc Kính Điển phải nhảy xuống sông ẩn nấp mới thoát chết.

 Đến năm Kỷ Mùi 1559, quân Lê – Trịnh mở cuộc tấn công vào hậu phương của nhà Mạc như Sơn Tây, Tuyên Quang, Hưng Hóa, Kinh Bắc, Hải Dương v.v… Lần xuất quân này của Trịnh Kiểm kéo dài hơn một năm rưỡi, và thu được nhiều thắng lợi to lớn. Đất đai nhà Mạc bị thu hẹp dần, vua Mạc Phúc Nguyên phải rút vào phòng thủ bên ngoài thành Đông Đô. Đến tháng 12 năm Tân Dậu 1561, giữa lúc cuộc chiến tranh Nam – Bắc triều đang diễn ra quyết liệt thì vua Mạc Phúc Nguyên bị chết vì bệnh đậu mùa.

 Như vậy, tổng cộng Mạc Phúc Nguyên ở ngôi vua được 15 năm (1546-1561), và trong 15 năm ở ngoi vua của mình, Mạc Phúc Nguyên đã sử dụng 3 niên hiệu sau: Vĩnh Định (1547); Quảng Lịch (1548-1553) và Quảng Bảo (1553-1561).

 5. Mạc Mậu Hợp (1561-1592)

 Mạc Mậu Hợp là con trưởng của vua Mạc Phúc Nguyên, cuối năm 1561, Mạc Phúc Nguyên chết, Mạc Mậu Hợp được lập lên kế vị. Hai người ông đằng chú là Khiêm vương Mạc Kính Điển, và Ứng vương Mạc Đôn Nhượng làm phụ chính. Biết được tin này, Trịnh Kiểm liền tiến quân ra Sơn Nam, nhưng bị quân nhà Mạc chặn lại ở sông Đáy. Trong khi đó Mạc Kính Điển lại cho thuyền chiến theo đường biển vào đánhThanh Hoa, khiến cho Trịnh Kiểm phải đem quân về để cứu Thanh Hoa.

  Sau chiến dịch kéo dài hơn một năm trời, hai bên Nam – Bắc triều nhận thấy chưa thể thắng được nhau, nên cũng nghĩ ngơi đến chục năm, có chăng cũng chỉ diễn ra những trận đánh nhỏ, có trận quân Nam triều ra Sơn Nam mục đích chỉ cướp thóc lúa các huyện bên kia đèo Tam Điệp (Ninh Bình) là Yên Mô, Yên Khang, Gia Viễn, Phụng Hóa, cướp được đều mang về xứ Thanh, vì mạn trong núi non nhiều, ruộng nương ít nên lương thực không bao giờ được rồi rào.

 Năm 1570, nhân dịp Trịnh Kiểm chết, Mạc Kính Điển liền đem 10 vạn quân đi đánh Nam triều, các mưu thần, võ tướng tài ba nhất nhà Mạc đều xung trận, quân Mạc Kính Điển đi bằng thuyền, chiến thuyền ồ ạt rẽ sóng tiến vào các cửa sông miền Thanh Hoa, Nghệ An như Linh Trường (Lạch Trường), Chi Long, Hội Triều (Cửa Hội). Quân nhà Mạc đổ lên bờ, đóng trại ở Hà Trung, khi nổi lửa nấu cơm, khói cuồn cuộn kéo dài tới cả chục dặm, quân nhà Lê – Trịnh thua chạy. Đích thân vua Lê Anh Tông (1532-1573) phải cầm một đạo quân tiến giữ Đông Sơn, Trịnh Tùng (con trưởng của Trịnh Kiểm) cho quân lính đào hào, đắp lũy cố, thủ khắp Thanh Hoa trở thành chiến trường. Hai bên đánh nhau đến nữa năm trời, cuối cùng quân nhà Mạc do không quen khí hậu, bị bệnh tật chết nhiều, Mạc Kính Điển phải rút quân trở về Đông Đô. Trịnh Tùng lúc đó mới lên nắm quyền, suốt gần 10 năm phải lo củng cố lực lượng, cho nên cũng không đem quân ra Bắc để đánh nhau với nhà Mạc.

 Tháng 10 năm Canh Thìn 1580, trụ cột triều chính nhà Mạc là Mạc Kính Điển chết, Mạc Kính Điển cầm binh quyền 26 năm, là người có uy vọng, đối đãi với quan lại chân thành, kính trọng với quân sỹ có ân, có nghĩa. Mạc Kính Điển chết, cả Bắc triều xao động, lòng người hoang mang.

 Vua Mạc Mậu Hợp liền đưa Ứng vương Mạc Đôn Nhượng lên làm Trung doanh tổng súy thống lĩnh binh quyền; Giáp Hải, Mạc Ngọc Liễn, Nguyễn Quyện cũng được thăng lên địa vị cao chỉ dưới quyền Mạc Đôn Nhượng. Nhận trọng trách của nhà vua giao phó, nhưng Mạc Đôn Nhượng không đủ tài năng để cáng đáng việc lớn. Thấy mọi sự đều xuống dốc, nhưng vua Mạc Mậu Hợp lúc đó đã 20 tuổi vẫn điềm nhiên như không có chuyện gì xảy ra, vẫn vui chơi ngạo nghễ, tự cho là thái bình.

 Tháng 9 năm Nhâm Ngọ 1582, do bị thúc ép, cuối cùng Mạc Đôn Nhượng cũng phải cầm quân vào tiến đánh Nam triều, nhưng bị thua to, mất nhiều tướng sỹ. Năm Quý Mùi 1583, quân nhà Mạc lại tiếp tục vào đánh Nam triều, nhưng lại tiếp tục bị thua to và chịu nhiều tổn thất lớn. Cuối năm đó, vua Mạc Mậu Hợp bị chứng thong manh, mắt nhìn không rõ, các thầy thuốc giỏi trong nước đến chữa tri, phải mất vài năm nhà vua mới khỏi bệnh.

 Còn về phần Trịnh Tùng, sau khi đã ổn định tình hình chính trị, và có thời gian chuẩn bị. Cuối năm Nhâm Thìn 1592, Trịnh Tùng quyết định đem quân ra Bắc tiêu diệt Mạc Mậu Hợp. Trong một đêm mua to gió lớn, Trịnh Tùng bất ngờ cho quân đánh úp Mạc Mậu Hợp. Mạc Mậu Hợp bị thua to, phải bỏ chạy, giả làm nhà sư, đến ẩn náu ở chùa Mô Khê, huyện Phượng Nhãn, Kinh Bắc, nhưng bị dân chúng phát hiện báo cho quân Trịnh, Mạc Mậu Hợp bị bắt sống, đem về kinh đô, xử tội chém đầu. Thủ cấp của Mạc Mậu Hợp, Trịnh Tùng cho đem về dâng lên vua Lê Thế Tông (1567-1599), đóng đinh vào hai mắt rồi đem bêu đầu ở chợ.

 Mạc Mậu hợp lên làm vua từ lúc 2 tuổi, đến khi chết mới có 30 tuổi, ở ngôi vua 29 năm, lâu nhất trong các đời vua nhà Mạc, Mạc Mậu Hợp chết, vương triều nhà Mạc cũng chính thức bị sụp đổ. Con cháu nhà Mạc bỏ chạy lên Cao Bằng, và đến năm 1677 thì bị tiêu diệt gần như hoàn toàn, số còn sống sót chạy đi khắp nơi mai danh ẩn tích để giữ dòng giống nhà họ Mạc.

 Nhìn chung, trừ hai thời vua đầu là Mạc Đang Dung, và Mạc Đăng Doanh, tổng cộng là 13 năm, do các chính sách “thu phục nhân tâm” củng cố thực lực đất nước để giữ ngai vàng, nhà Mạc đã thức thi được một số công việc nhằm phát triển kinh tế (nông nghiệp,thủ công nghiệp, thương nghiệp v.v…) văn hóa, giáo dục thi cử, và chấn chỉnh trị an trật tự xã hội, cho nên, trong khoảng vài năm, trộm cướp biệt tăm, súc vật chăn nuôi tối đến không phải dồn vào chuồng, và mấy năm liền được mùa, nhân dân bốn trấn đều được yên ổn. Nhưng từ các đời vua sau là Mạc Phúc Hải, Mạc Phúc Nguyên, và Mạc Mậu Hợp, nhìn chung cả ba vua trên đều bất tài, ham ăn, chơi bời hưởng lạc vô độ, dẫn đến lòng dân chán nản. Trong khi đó, lực lượng “phù Lê” do họ Trịnh đứng đầu ngày càng phát triển mạnh, cho nên sự diệt vong của vương triều nhà Mạc chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn cũng là một điều tất yếu.

 Nguồn: https://vanhien.vn/news/vuong-trieu-nha-mac-1527-1592-trong-lich-su-phong-kien-viet-nam-47632

  

  

  

  

  

  

 Tag: lạng đâu đầm viị tưởng niệm