Luật sư Trần Đức Phượng: “Nhiều khả năng Tòa không chấp nhận yêu cầu bồi thường của Vinasun”

 “Do nhiều vấn đề không rõ ràng trong khởi kiện và thủ tục áp dụng (Luật Tố tụng dân sự và Luật Cạnh tranh) cho nên tôi dự đoán nhiều khả năng Tòa không chấp nhận yêu cầu bồi thường của Vinasun…”, luật sư Trần Đức Phượng, Đoàn Luật sư TP.HCM trao đổi với BizLIVE.

 Chiều 23/10, tại phiên tòa xét xử vụ án tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng do nguyên đơn là Công ty Cổ phần Ánh Dương Việt Nam (Vinasun) kiện Công ty TNHH Grab (Grab), đại diện VKSND TP.HCM cho rằng có cơ sở khẳng định Grab đã gây thiệt hại cho Vinasun và đề nghị HĐXX chấp nhận toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn, buộc Grab bồi thường cho Vinasun 41,2 tỷ đồng. Quan điểm của ông về việc này thế nào?

 Về thủ tục tố tụng dân sự thì VKSND TP.HCM có quyền đưa ra các kiến nghị (tại phiên tòa xét xử và cả ngoài vụ án).

 Việc phát biểu quan điểm về vụ án được quy định trong các văn bản của ngành kiểm sát (Quyết định 364/QĐ-VKSTC ngày 02/10/2017 và Thông tư liên tịch 02/2016/TTLT-VKSNDTC-TANDTC ngày 31/8/2016), do đó kiến nghị và phát biểu quan điểm của VKSND TP.HCM là thực hiện đúng quy định pháp luật.

 Mặt khác, việc nhiều bên nêu quan điểm giúp cho Hội đồng xét xử có thêm thông tin phân tích về vụ việc chứ không có sự chi phối hay ràng buộc nào việc ra quyết định của Hội đồng xét xử.

 Theo kết luận của VKSND TP.HCM, trong đăng ký doanh nghiệp của Grab có ngành nghề kinh doanh là vận tải hành khách đường bộ, trừ vận tải bằng xe buýt; Grab không đơn thuần là đơn vị cung cấp dịch vụ kết nối vận tải. VKSND TP.HCM xác định Grab là doanh nghiệp kinh doanh vận tải taxi. Ý kiến của ông về kết luận này như thế nào?

 Quan điểm cá nhân, tôi đồng ý quan điểm của VKSND TP.HCM vì để xác định bản chất hoạt động kinh doanh của một doanh nghiệp thì cần phải căn cứ vào toàn bộ các hoạt động của doanh nghiệp đó về việc kinh doanh đó, từ việc tổ chức bộ máy, nhân sự, giới thiệu đến khách hàng, giao dịch, thực hiện giao dịch, thanh toán, khiếu nại, quyền và nghĩa vụ dân sự, chủ thể tham gia tố tụng,… thậm chí là việc làm cho khách nhầm tưởng cũng dẫn đến trách nhiệm dân sự của doanh nghiệp đó, như cách thức và logic mà VKSND TP.HCM đã lập luận một phần.

 Ngược lại, một doanh nghiệp môi giới đơn thuần thực hiện hoạt động theo phương thức giao dịch truyền thống hay có sử dụng công nghệ để hỗ trợ thì đặc điểm là bên trung gian rất rõ nét, khách hàng hiểu rõ đấy là người trung gian môi giới chứ không thể nhầm lẫn như hiện nay.

 Nếu bên môi giới vượt qua vai trò trung gian môi giới của mình thì đã không còn tính khách quan mà đã chuyển qua việc tham gia vào một bên của giao dịch, lúc đó quyền và nghĩa vụ của họ phải khác, tư cách họ không còn là bên môi giới nữa, không thể dùng chủ thể khác làm bình phong để trốn không chịu trách nhiệm trong giao dịch, hưởng lợi từ việc trốn trách nhiệm trước khách hàng.

 Vậy việc tòa thụ lý vụ án này sẽ nảy sinh vấn đề pháp lý như thế nào, thưa ông?

 Trong vụ việc này có nhiều vấn đề nên tương đối phức tạp cho tất cả các bên, cho chính cả nguyên đơn và việc thụ lý của Tòa cũng không rõ ràng.

 Nếu Grab là doanh nghiệp bất kỳ (không hẳn cứ phải xác định là doanh nghiệp vận tải) nhưng có hành vi cạnh tranh không lành mạnh được quy định tại Điều 39 Luật Cạnh tranh (như: Chỉ dẫn gây nhầm lẫn; Gây rối hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp khác; Quảng cáo nhằm cạnh tranh không lành mạnh; Khuyến mại nhằm cạnh tranh không lành mạnh;…) thì doanh nghiệp (Vinasun) có quyền khiếu nại vụ việc cạnh tranh và cũng có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại cho mình từ hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Tuy nhiên, giải quyết vụ việc cạnh tranh được thực hiện theo quy định Luật Cạnh tranh.

 Ở đây, Vinasun đi khởi kiện tại Tòa trong đó đề nghị xem Grab như một doanh nghiệp kinh doanh vận tải taxi và tuyên chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của Vinasun, buộc Grab bồi thường thiệt hại 41,2 tỉ đồng đã gây ra cho Vinasun. Trong khi đó, có những vấn đề chưa ổn:

 Thứ nhất, việc xác định bản chất hoạt động của một doanh nghiệp là do cơ quan nhà nước về quản lý hành chính chứ không phải thẩm quyền của Tòa. Mặc dù Tòa có quyền xác định bản chất hoạt động kinh doanh để xác định lại tư cách và trách nhiệm dân sự của chủ thể.

 Thứ hai, Điều 584 Bộ Luật Dân sự quy định căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại mặc dù không nêu rõ “gây thiệt hại do hành vi trái pháp luật” hay việc “do lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý” nhưng đều là các hành vi gây thiệt hại mang tính trực tiếp.

 Còn ở vụ án này, nếu xem xét lập luận của Vinasun và VKSND TP.HCM đều hoàn toàn không phải là hành vi trực tiếp dẫn đến “thiệt hại” cho Vinasun. Hay nói một cách khác, những lập luận đó, đúng ra phải ở phiên điều trần của vụ việc cạnh tranh theo Luật Cạnh tranh.

 Nhiều ý kiến lo ngại, nếu tòa xử cho Vinasun thắng kiện lần này sẽ là một án lệ và đi ngược lại chủ trương phát triển Cách mạng công nghệ 4.0. Quan điểm của ông về việc này thế nào?

 Trong quá trình tố tụng, có những vụ án xử có những kết quả khác nhau, thậm chí là có vụ án là nhiều năm sau cơ quan tố tụng mới nhận thức rõ về nội dung bản án đó nên có nhiều bản án đã bị hủy, sửa theo quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm.

 Do đó, tôi cho rằng, qua bản án này giúp cho nhận thức của mọi người về công nghệ 4.0 và cách nhìn nhận, đánh giá sẽ logic và rõ ràng, đầy đủ, kỹ hơn và chín chắn hơn chứ không phải đơn giản chỉ nhìn vào cách thức, biểu hiện bề ngoài của giao dịch để đánh giá bản chất, tư cách của các chủ thể.

 Vậy ông dự kiến tòa sẽ tuyên vụ việc này thế nào?

 Như trình bày ở trên, do nhiều vấn đề không rõ ràng trong khởi kiện và thủ tục áp dụng (Luật Tố tụng dân sự và Luật Cạnh tranh) cho nên tôi dự đoán nhiều khả năng Tòa không chấp nhận yêu cầu bồi thường của Vinasun vì nhiều lý do (căn cứ pháp luật, cách chứng minh thiệt hại, việc xác định hành vi trái pháp luật,…). Tuy nhiên, đây chỉ là dự đoán cá nhân dựa trên quan điểm góc nhìn của người ngoài cuộc, còn kết quả phán quyết của Hội đồng xét xử sẽ đầy đủ hơn.

 Nếu Vinasun không được tòa chấp nhận yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng thì Vinasun có quyền khiếu nại một vụ việc cạnh tranh theo Luật Cạnh tranh như vậy sẽ rõ ràng và mạnh mẽ hơn.

 Nguồn: https://nhipsongdoanhnghiep.cuocsongantoan.vn/doanh-nghiep/luat-su-tran-duc-phuong-nhieu-kha-nang-toa-khong-chap-nhan-yeu-cau-boi-thuong-cua-vinasun-3477045.html

  

  

  

  

 Tag: luật sư trần đức phượng