Nghị luận về ý kiến – chi tiết nhỏ làm nên nhà văn lớn

Tại sao chi tiết nhỏ làm nên nhà văn lớn?

 Về vai trò và chức năng của chi tiết nghệ thuật trong một tác phẩm, nhà văn lớn người Nga M.Gorki đã cho rằng “Chi tiết nhỏ làm nên nhà văn lớn”. Trước khi bàn luận về tính xác đáng của nhận định ta phải tìm hiểu nội dung của nhân định ấy.

Khái niệm về chi tiết? 

 Chi tiết là gì? Theo định nghĩa, chi tiết chính là một trong yếu tố cấu thành nên cốt truyện, diễn biến sự việc. Chi tiết đó có thể chỉ là một sự kiện nhỏ, một ánh mắt, một câu nói hay một sự thay đổi của cảnh vật. Trong nhận định đã sử dụng hai hình ảnh có phần đối lập nhau “chi tiết nhỏ” – “nhà văn lớn” để nhằm nhấn mạnh vai trò quan trọng của chi tiết nghệ thuật. Chi tiết nghệ thuật không chỉ làm nên sự thành công của cốt truyện, của tác phẩm mà còn góp phần nâng tầm giá trị của nhà văn.

 Trong tác phẩm có nhiều chi tiết nhưng không phải chi tiết nào cũng làm nên thành công lớn của tác giả. Mà đó phải là những chi tiết chứa đựng giá trị nghệ thuật sâu sắc cũng như giá trị nhân sinh mà tác giả muốn truyền tải qua tác phẩm. Chi tiết ấy vừa là sự cô đọng của nghệ thuật và nội dung, lại vừa làm nên sự độc đáo không trùng lặp với bất kỳ tác phẩm của tác giả nào khác.

 Chi tiết chính là một lát cắt của đời sống được nhà thơ chắt lọc qua lăng kính chủ quan của mình và thổi hồn cũng như cảm xúc vào đó. Vì vậy, chi tiết vừa thể hiện được tài năng của tác giả vừa thể hiện được góc nhìn, quan điểm của tác giả về vấn đề nào đó được nói đến. Ngoài ra, chi tiết ấy còn phải đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển cốt truyện, tạo ra bước ngoặt để nhân vật bày tỏ thái độ, tình cảm. Đó cũng là cách để nhân vật bộc lộ nhân cách của mình.

Lý giải chi tiết nhỏ làm nên nhà văn lớn

 Nói “chi tiết nhỏ làm nên nhà văn lớn” là vì chi tiết ấy thể hiện tài năng của nhà thơ, nhà văn. Và điều quan trọng là phải gắn với một tầm vóc tư tưởng của nhà thơ, nhà văn. Vì vậy đây là một nhận định hoàn toàn chính xác. Tác phẩm văn học chỉ gói gọn vài khoảnh khắc cô đọng của cuộc sống nên chính chi tiết đã góp phần dồn nén cái tình cái cảnh mà nhà văn muốn nói. Đó là chất nhựa của cuộc sống căng tràn hòa quyện cùng tình cảm của người nghệ sĩ để tạo nên. Và đó cũng là cái ghi dấu trong lòng người đọc. Khi nhắc về tác giả, về tác phẩm người đọc sẽ không nhớ đến tác giả ấy đã sáng tác nên những tuyệt phẩm nào gây được nao tiếng vang mà điều duy nhất người đọc nhớ đến đó là chi tiết. Cái chi tiết ấy chứa đầy tình cảm lắng đọng những suy tư.

Phân tích chi tiết nhỏ làm nên nhà văn lớn qua một số tác phẩm 

Chi tiết chiếc lá – tác phẩm “Chiếc lá cuối cùng”

 Cụ Bơ-men là một họa sĩ già mắc bệnh phổi. Còn Giôn-xi là một cô bé còn rất trẻ nhưng đã bị bệnh viêm phổi rất nặng. Bề bên Giôn-xi luôn có sự xuất hiện của người bạn thân Xiu. Cụ Bơ-men luôn lo lắng quan tâm và yêu thương Giôn-xi. Mọi người đều lo lắng cho Giôn-xi tìm mọi cách để giúp cô vượt qua căn bệnh hiểm nghèo này.

 Thế nhưng, điều quan trọng nhất là Giôn-xi lại thiếu sự lạc quan và nghị lực. Cô chấp nhận đầu hàng căn bệnh này, sống chỉ để chờ đến ngày căn bệnh mang cô đi về thế giới bên kia. Chính sự u ám trong tâm hồn ấy đã khiến tình hình sức khỏe của Giôn-xi ngày càng thêm nghiêm trọng. Cô đã nhìn cây thường xuân đang thay lá ngoài cửa sổ. Những chiếc lá thường xuân còn sót lại chính là số ngày cô còn có thể sống. Những chiếc lá thường xuân nào có hay biết nỗi lòng của cô cứ từ từ mà héo tàn dần. Rồi đến lúc chỉ còn có một chiếc lá thường xuân ngoài cửa sổ niềm tin của Giôn-xi đã gục ngã dần và mất hết toàn bộ hi vọng.

 Đêm ấy cơn bão lớn bất ngờ xảy ra. Nằm trên giường bệnh cô thầm nghĩ chiếc lá kia thể nào cũng sẽ héo tàn. Nhưng điều bất ngờ vào sáng hôm sau khi yêu cầu Xiu kéo tấm mành lên, chiếc lá thường xuân vẫn còn ở đó. Chính điều ấy đã tạo thêm niềm tin vào cuộc sống, giúp Giôn-xi có thể vượt qua căn bệnh của mình. Nhưng liệu có phép màu thần kỳ nào có thể níu giữ một chiếc lá sắp lìa cành vẫn còn ở đó chống chọi lại với mưa bão?. Phép màu thật sự không tồn tại…

 Chiếc lá thường xuân vốn dĩ đã bị cơn bão cuốn bay nhưng bác họa sĩ già Bơ-men đã hiểu được ý nghĩa của chiếc lá ấy đối với cuộc sống của Giôn-xi nên bác đã quyết định vẽ một chiếc lá thường xuân lên khung cửa sổ. Chính tình yêu thương ấy đã tạo nên phép màu cứu sống cô gái nhỏ. Còn bác Bơ-men vì để hoàn thành bức tranh được bác trân quý dốc hết công sức tài năng cũng như tình yêu vào đó mà đã bị cơn bão đêm đó quật ngã.

 Chiếc lá mà cụ Bơ-men đã vẽ ấy chính là chi tiết đắt giá nhất của toàn bộ thiên truyện. Chiếc lá cuối cùng vừa chỉ chiếc lá thường xuân cuối cùng mà Giôn-xi gửi gắm hi vọng cũng là chiếc lá – kiệt tác cuối cùng mà cụ Bơ-men tạo nên trước khi mất đi. Vì vậy chiếc lá ấy vừa là nguồn hi vọng sống cho Giôn-xi, vừa tấm lòng yêu thương mà cụ Bơ-men dành cho Giôn-xi. Chỉ là một chiếc lá thường xuân bé nhỏ nhưng đã gợi mở bao điều. Chiếc lá ấy chính là chi tiết nhỏ tạo nên giá trị lớn lao và làm nên tên tuổi của nhà văn.

Chi tiết cái chết của lão Hạc – tác phẩm “Lão Hạc”

 “Lão Hạc” được biết đến là một truyện ngắn xuất sắc của Nam Cao. Truyện đã khắc họa rõ nét cuộc sống bần cùng của người nông dân trong xã hội xưa. Con trai của lão Hạc vì phẫn chí mà bỏ nhà đi làm đồn điền cao su. Vợ ông mất sớm, con trai bỏ đi nên trong nhà chỉ còn mỗi mình lão Hạc đơn lẻ.

 Khi phân tích nhân vật lão Hạc, ta thấy có lẽ sự an ủi duy nhất của lão chính con chó Vàng mà con ông để lại. Ông chăm sóc và quý nó như một người thân trong gia đình. Ông trò chuyện, vuốt ve âu yếm nó. Nhưng rồi cái đói đã đến cướp mất đi kế sinh nhai. Cuộc sống khó khăn là thế nhưng ông không nỡ bán đi mảnh vườn để dành cho con cuối cùng ông đành phải bán đi cậu Vàng trong một sự day dứt khôn nguôi…

 Lão Hạc cũng đã nói chuyện với cụ giáo Thứ và đã nhờ cụ giáo thu xếp hết mọi chuyện cho cái chết của mình. Cái chết của Lão Hạc có lẽ là chi tiết ám ảnh nhất cho người đọc. Bởi ông không chọn cái chết bình thường mà lại lựa chọn một cái chết đầy đau đớn – ăn bả chó mà chết. Việc ông đi xin bả chó khiến mọi người hiểu lầm ông đói quá mà đánh mất nhân phẩm của mình nhưng thực chất bả chó ông xin lại dùng để kết liễu cuộc đời mình. Tại sao ông lại lựa chọn cái chết đầy đau đớn đến thế?…

 Bởi lẽ đó dường như là một sự chuộc lỗi ông dành cho cậu Vàng. Cái việc bán con chó đã khiến ông thấy mình như một tội đồ, đến con chó thân thiết mà cũng có thể lừa gạt được. Nên để chuộc lỗi với cậu Vàng ông đã lựa chọn cái chết như một con chó. Sau khi lo lắng chu tất cho mọi người thậm chí sau khi chết cũng chẳng muốn làm phiền ai và ông còn muốn dùng cái chết để tạ lỗi.

 Soạn bài lão Hạc cũng như tìm hiểu tác phẩm, có lẽ cái chết ấy là sự chấm dứt một đời con người nhưng nó đôi khi lại là sự giải thoát cho số phận bi kịch của một đời người. Cái chết ấy vừa bộc lộ rõ phẩm chất lòng tự trọng của ông, vừa thể hiện được hoàn cảnh khốn khó của người nông dân nghèo trong xã hội. Chỉ một chi tiết thôi nhưng đã thể hiện được đậm đặc giá trị nhân đạo và giá trị hiện thực mà nhà văn muốn truyền tải.

Chi tiết chiếc lược ngà – tác phẩm “Chiếc lược ngà”

 Chiếc lược ngà là truyện ngắn được Nguyễn Quang Sáng viết trong thời kỳ chiến tranh. Tác phẩm xoay quanh tình cảm cha con đầy xúc động của ông Sáu và bé Thu. Vì chiến tranh, nên ông Sáu đành bỏ lại sau lưng gia đình để lên đường giết giặc không được cùng vợ trải qua những tháng ngày gia đình ấm êm, không được chứng kiến con gái mình khôn lớn.

 Nhân ngày nghỉ phép ít ỏi, anh Sáu về thăm nhà và dồn hết tình yêu thương dành cho con nhưng đáp lại tấm lòng nhiệt thành của ông là sự lạnh lùng của con. Bé Thu từ nhỏ không được lớn lên trong vòng tay của cha nhưng Thu vẫn luôn yêu quý kính trọng mong chờ được gặp cha. Cô bé không chấp nhận tình yêu thương của ông Sáu chỉ bởi một lí do rất giản đơn trên mặt ông có vết sẹo mà người ba trong tấm hình lại không có. Mâu thuẫn cuối cùng được giải tỏa nhưng đó cũng là lúc ông phải ra đi.

 Phân tích nhân vật bé Thu, người đọc nhận thấy những lời nói ngây ngô của đứa bé “tặng con chiếc lược ngà” nhưng đã khắc sâu vào trong tâm trí ông. Để rồi những ngày ở chiến trường ông tẩn mẩn làm cho con một chiếc lược. Chiếc lược ấy chứa đựng biết bao hi vọng bao tình cảm ông dành cho con, sự tẩn mẩn chú tâm ấy dường như ông muốn bù đắp phần nào khoảng thời gian xa con.

 Và chiếc lược ngà còn trở thành nơi ông gửi gắm nỗi nhớ nhà, là động lực để ông chiến đấu. Phân tích nhân vật ông Sáu sẽ thấy trong giây phút ông chết đi thì tâm nguyện cuối cùng của ông cũng là mong muốn chiếc lược ngà có thể đến được với con… Những dòng “yêu nhớ tặng Thu con của ba” đã thay ông nói lên hết nỗi niềm. Đó không chỉ là một chiếc lược ngà bình thường nó còn là kỷ vật là tình thương ông Sáu dành cho con.

Chi tiết bát cháo hành của Thị Nở – tác phẩm Chí Phèo

 Khi phân tích quá trình tha hóa của Chí Phèo cho đến sự thức tỉnh lương tâm trong con người Chí để lại cho người đọc nhiều suy ngẫm. Nhắc đến Nam Cao, người ta nghĩ ngay đến Chí Phèo. Nhưng điều người đọc nhớ nhất ở hắn không phải là hắn đã tha hóa bất lương thế nào mà là giai đoạn hắn đã từng bước từng bước tìm cách quay về phục thiên ra làm sao. Điều đánh thức thật sự trái tim của Chí chính là hình ảnh bát cháo hành của Thị Nở.

 Khi phân tích quá trình thức tỉnh của Chí Phèo, ta thấy một bát cháo giản đơn nhưng lại tác động mạnh mẽ đánh thức nội tâm tưởng chừng đã chai sạn. Bởi lẽ đó là bát cháo đầu tiên trong đời hắn được cho, được người khác tự nguyện cho mà hắn không cần phải ăn vạ, dọa nạt hay giật cướp. Là bát cháo đầu tiên hắn được một người phụ nữ tự nguyện nấu cho. Chính vì vậy hắn dã vô cùng trân trọng hơi ấm tình người mà hắn vừa có được.

 Với Thị đây chỉ là một bát cháo giải cảm giải rượu nhưng với Chí đây là bát cháo của tình người. Chính nhân vật Thị Nở đã khiến Chí muốn quay lại làm người lương thiện hơn bao giờ hết…Hơi cháo ấm nóng ấy đã sưởi ấm con tim băng giá, thắp lại niềm tin mong muốn quay lại làm người lương thiện trong hắn. Hương cháo hành cứ hoang thoảng xen lẫn vào trái tim để nhắc nhở hắn về con đường phục thiện. Một chi tiết nhỏ thôi nhưng đã đủ tác động mạnh mẽ không chỉ với trái tim của Chí Phèo mà còn với người đọc.

Chữ của người tù Huấn Cao – tác phẩm Chữ người tử tù

 Ước muốn có được chữ của Huấn Cao để treo trong nhà là cái sở nguyện cả đời của viên quản ngục. Huấn Cao đồng ý cho chữ là vì hiểu tấm lòng của viên quản ngục – đồng thanh tương ứng đồng khí tương cầu chứ không phải vì được đối đãi thân tình. Chữ của Huấn Cao không chỉ có giá trị về mặt nghệ thuật mà nó còn có giá trị về mặt tinh thần. Phân tích nhân vật viên quản ngục, ta cũng nhận thấy đây là con người rất say mê cái đẹp, trân trọng sự thiện lương.

 Có thể nói chữ thư pháp ấy là kiệt tác cuối đời của Huấn Cao cũng là di nguyện của ông. Bởi ngày mai ông sẽ ra pháp trường chịu tội nhưng cái đẹp, cái tài ấy không sao bị lãng quên bởi nó đã gieo mầm vào trong tâm khảm của viên quản ngục của thầy thơ lại. Chữ viết ấy còn mang sức mạnh phục thiện làm cho những kẻ u mê tỉnh ngộ như chính viên quản ngục đã nói “kẻ mê muội này xin bái lĩnh”. Khi phân tích cảnh cho chữ, ta thấy đó cũng chính là sức mạnh của cái đẹp. Với hình tượng nhân vật Huấn Cao, ta thấy cái đẹp thật mong manh có thể bị hủy hoại bị giết chết nhưng khi nó đi chung với cái thiện thì sẽ mãi mãi trường tồn.

Đánh giá khi nghị luận Chi tiết nhỏ làm nên nhà văn lớn

 Một tác phẩm hay không chỉ nằm ở giá trị nội dung mà còn nằm ở giá trị nghệ thuật. Hai giá trị ấy đã được kết tinh trong từng chi tiết được nhà thơ đặc tả. Một chi tiết hay không chỉ gợi nội dung liên tưởng độc đáo mà còn phải là một sự chỉn chu thăng hoa về mặt nghệ thuật, có như vậy mới neo đậu được trong lòng người. Nhà văn nhà thơ lại càng phải nghiêm túc với công việc sáng tạo của mình để có thể tạo nên một tác phẩm hay đến với người đọc. Còn bản thân người đọc cần phải suy ngẫm chiêm nghiệm nghiêm túc hơn tránh cái nhìn hời hợt nông cạn. Có như thế người đọc mới có thể giải mã những dụng ý nhà văn đã sáng tạo.

Gợi ý kết đề Chi tiết nhỏ làm nên nhà văn lớn 

 Nhận định trên là một nhận định hoàn toàn chính xác. Sự thành công của tác phẩm được cấu thành do nhiều yếu tố nhưng không thể không nhắc đến những chi tiết nhỏ đắt giá. Đó là hạt bụi vàng làm nên sức sống trường tồn của tác phẩm cùng với thời gian.

Dàn ý chi tiết nhỏ làm nên nhà văn lớn của M.Gorki

 Từ bài viết trên đây, để giúp bạn nắm được những ý chính, DINHNGHIA.VN sẽ giúp bạn lập dàn ý Chi tiết nhỏ làm nên nhà văn lớn của M.Gorki.

Mở bài phân tích Chi tiết nhỏ làm nên nhà văn lớn

  • Giới thiệu khái niệm chi tiết, chức năng của chi tiết nghệ thuật trong tác phẩm.
  • Đề cập quan điểm của M.Gorki- vấn đề cần nghị luận “chi tiết nhỏ làm nên nhà văn lớn”.

Thân bài cảm nhận Chi tiết nhỏ làm nên nhà văn lớn

  • Nêu một số khái niệm liên quan đến vấn đề cần nghị luận: khái niệm văn học, tác phẩm văn học, cảm thụ văn học, hình tượng văn học, nhãn tự, tứ thơ…
  • Lý giải tại sao chi tiết nhỏ làm nên nhà văn lớn?. Ý nghĩa của chi tiết trong tác phẩm.
  • Phân tích cụ thể về quan điểm chi tiết nhỏ làm nên nhà văn lớn qua một số tác phẩm cụ thể và điển hình.

Kết bài nghị luận Chi tiết nhỏ làm nên nhà văn lớn

  • Tóm lược ý chính trong bài viết, giá trị của chi tiết nhỏ làm nên nhà văn lớn.
  • Bày tỏ cảm nghĩ khi phân tích và nghị luận chi tiết nhỏ làm nên nhà văn lớn.

 Có thể thấy rằng quá trình lao động miệt mài của nhà văn đã giúp chắt lọc từng chi tiết trong đời sống để tạo nên những chi tiết nghệ thuật giá trị và ý nghĩa. Do vậy, nhận định của nhà văn người Nga M.Gorki là hoàn toàn đúng. Những chi tiết nghệ thuật nhỏ đã góp thêm phần đặc sắc tạo nên sự thành công cho tác phẩm.

 Định Nghĩa đã vừa giúp bạn có những ý văn hay cho chủ đề Chi tiết nhỏ làm nên nhà văn lớn. Mong rằng với bộ tài liệu này, bạn đã có thêm những kiến thức tham khảo hữu ích phục vụ cho quá trình tìm hiểu đề bài Chi tiết nhỏ làm nên nhà văn lớn. Chúc các bạn luôn học tập và ôn thi thật tốt!.

 Nguồn: https://dinhnghia.vn/nghi-luan-chi-tiet-nho-lam-nen-nha-van-lon.html