Review cuốn sách anne tóc đỏ dưới chái nhà xanh

 Từ việc đôi vợ chồng hoãn mua ô tô để đổi lấy hạnh phúc cho em bé xa lạ được cộng đồng mạng chia sẻ gần đây rồi đến câu chuyện cậu bé Đức Lộc “một người buông tay, triệu người đón nhận”, hay trước đó nữa là câu chuyện về cậu bé Thiện Nhân năm nào,… tất cả dường như đang góp một dấu chấm cảm thán trong cuộc sống vốn hối hả này. Để từ đó, chúng ta mới thấy rằng, cuộc sống mà chúng ta đang sống vẫn tươi đẹp lắm, bởi vẫn còn đó những con người sống với nhau bằng chữ “tâm” cùng những câu chuyện thật cảm động, thật ấm lòng.

 Nếu bạn cũng có suy nghĩ giống như vậy, hãy để tôi giới thiệu tới các bạn một câu chuyện cổ tích khác về tình người, về một “mạnh thường quân” khác chấp nhận hy sinh lợi ích của riêng mình, để vẽ nên tuổi thơ cho đứa trẻ bất hạnh. Đó chính nhân vật bà Marilla trong truyện “Anne tóc đỏ dưới chái nhà xanh” của nữ văn sĩ người Canada – Lucy Maud Montgomery.

 “Anne tóc đỏ dưới Chái Nhà Xanh” (Nguyên văn: Anne of Green Gables) là một tác phẩm kinh điển của nữ văn sĩ người Canada – Lucy Maud Montgomery. Câu chuyện kể về cuộc sống của cô bé Anne Shirley mồ côi, mơ mộng, lãng mạn và chuyên gây rắc rối. Và bên cạnh đó, cuốn tiểu thuyết trở nên thực sự nổi tiếng, nhờ vào việc khắc họa hình ảnh người mẹ nuôi tuyệt vời nhất thế giới văn học – bà Marilla Cuthbert – và tình mẫu tử giữa những người không có quan hệ huyết thống.

 Từ việc bất đắc dĩ phải nhận nuôi một cô bé mồ côi …

 Marilla Cuthbert và Matthew Cuthbert là 2 anh em ruột, sống nương tựa vào nhau ở Chái Nhà Xanh tại ngôi làng Avonlea. Mùa xuân năm đó, họ quyết định nhận nuôi một bé trai để đỡ đần Matthew công việc nông trại. Khi đến nhà ga, ông Matthew mới tá hỏa nhận ra họ đã gửi nhầm cho ông một bé gái, Anne Shirley với khuôn mặt đầy tàn nhang và mái tóc đỏ rực.

 Ngay từ giây phút nhìn thấy Anne, bà Marilla đã vô cùng ngạc nhiên và lập tức có ý định tống khứ Anne đi, bởi vì bà “chẳng bao giờ mơ đến chuyện nuôi một bé gái.” Thế nhưng khi biết tương lai Anne sẽ phải ở với một người phụ nữ cực kì kinh khủng, bà Marilla đã suy nghĩ lại và nhận nuôi cô bé như một nghĩa vụ không thể tránh khỏi.

 Bà chẳng thấy tí yêu thương và hạnh phúc nào trong đó cả, bà chỉ đơn thuần đang nhìn một con người đang vô cùng tuyệt vọng mà chỉ có bà mới giúp đỡ được.

 … cho đến những thay đổi nhỏ nhặt trong cuộc sống hàng ngày

 Dù nhận nuôi Anne một cách miễn cưỡng, bà Marilla vẫn làm tốt nghĩa vụ bảo trợ của mình. Bà cho Anne một mái nhà, những bữa cơm đầm ấm. Bà dẫn Anne đến trường để được học tập như những đứa trẻ khác, bà rèn Anne làm việc nhà một cách khắt khe để cô bé trở thành một người phụ nữ khéo léo và đảm đang.

 Ban đầu, đối với bà, đây chỉ là những nghĩa vụ mà một người phải thực hiện cho đúng chuẩn mực đạo đức. Thế nhưng, Anne luôn khiến bà Marilla phải thất kinh hồn vía với những trò nghịch ngợm và đầu óc mơ mộng hết thuốc chữa của mình.

 Khi thì lỡ cho cô bạn Diana uống nhầm rượu nho, khi lại đập nguyên tấm bảng lên đầu bạn cùng lớp vì dám trêu cô là “cà rốt”, Anne làm cho cuộc sống của bà Marilla “sôi động” hẳn lên, không ngày nào mà không có rắc rối.

 Nhưng cô bé lại khiến bà phải quay mặt đi để giấu nụ cười đã gỉ sét từ rất lâu bằng cái miệng liến thoắng luôn thốt ra những điều mộng mơ, lãng mạn bằng lời lẽ hết sức trịnh trọng cùng với trí tưởng tượng không ai bì kịp. Thế đấy, Anne như một luồng gió thanh mát, trong trẻo thổi vào cuộc sống bà Marilla, khiến cho bà có những cái nhìn tươi sáng hơn về sự vật xung quanh. Lần đầu tiên trong cuộc đời, bà cảm thấy được những điều quá đỗi bình dị, sâu sắc trong cuộc sống mà trước giờ quá lạ lẫm đối với một người như bà.

 

 Và một tình yêu mà bà Marilla chưa bao giờ được cảm nhận

 Anne đã mang tiếng cười đến cho bà Marilla bằng một cách mà chưa từng ai làm được, cùng tình yêu vô bờ bến. Không có một bước ngoặt, không có một cao trào, chỉ là tình cảm giữa hai con người xa lạ, giữa “2 tâm hồn đồng điệu” – theo lời của Anne – tìm thấy được nhau, và yêu thương nhau như những người trong gia đình.

 Bà yêu Anne bằng tình yêu của một người mẹ, và vô cùng tự hào khi cô gái của bà được đọc thơ tại hội trường danh dự, mặc trên người những bộ đầm thật đẹp do chính tay bà may và trở thành cô học sinh của trường Queen danh giá.

 “Bác có hối tiếc khi giữ con lại không?” – Anne hỏi

 “Ta không thể nói là ta hối tiếc.” – Bà Marilla chợt tự hỏi không biết bà đã sống thế nào trước khi Anne đến Chái nhà xanh.

 Tình yêu của bà Marilla dành cho Anne cứ lớn lên từng ngày, và cách mà bà biểu lộ tình yêu đó cũng dần dần rõ ràng hơn, đó mới chính là phép màu thực sự. Anne là chất xúc tác biến một bà Marilla truyền thống, cứng nhắc thành một người chịu bộc lộ những tình cảm yêu thương nhất của một người mẹ dành cho con.

 

 “Bà Marilla nhìn con bé với một vẻ dịu dàng vốn dĩ chưa từng chịu hé lộ trong bất cứ thứ ánh sáng nào soi tỏ hơn thứ ánh sáng lờ mờ pha trộn giữa ánh lửa và bóng tối này. Bài học về một tình yêu nên được thoải mái thể hiện qua lời nói và cái nhìn cởi mở là thứ bà Marilla không bao giờ học được. Nhưng bà đã học đuợc cách yêu thương con bé mắt xám gầy guộc này bằng một tình cảm còn sâu đậm và mạnh mẽ hơn bắt nguồn từ chính sự thầm lặng của nó.”

 Tiểu kết

 Đấy, đâu phải cứ phải là ruột thịt thì mới có thể là một gia đình đâu bạn nhỉ?

 Ai bảo khác máu là tanh lòng? Câu chuyện về “trái tim” kiến tạo hạnh phúc, “trái tim” vượt qua sự khác biệt về “dòng máu đào” của bà Marilla để đùm bọc lấy tuổi thơ của Anne tóc đỏ quả thực khiến người đọc phải nở một nụ cười. Người phụ nữ ấy đã dùng tình yêu thương để kết nối và lan tỏa hạnh phúc.

 Sau bao nhiêu dâu bể, cuối cùng thứ đọng lại vẫn là tình người. Một câu chuyện tưởng chừng như bình thường song lại vô cùng phi thường. Câu chuyện sẽ giúp bạn hiểu ra rằng, dù không có quan hệ huyết thống nhưng chỉ cần tình yêu chân thật bắt nguồn từ trái tim thì mọi khoảng cách chỉ là vô nghĩa.

 Nguồn: https://ybox.vn/gia-vi/review-sach-anne-toc-do-duoi-chai-nha-xanh-tinh-yeu-thuong-den-tu-nguoi-me-nuoi-tuyet-voi-nhat-trong-van-hoc-co-dien-7aii2hfrsx

  

  

  

  

  

  

  

 Tag: phim pdf xem ebook & gilbert toc