Review phim khi con là nhà

 Trong cuộc sống thường ngày, đôi khi vì những ham muốn, những cám dỗ mà con người bỏ quên điều quý giá nhất với bản thân. Chỉ đến khi thực sự mất đi, bạn mới giật mình hoảng hốt và cố gắng tìm kiếm, giữ gìn…

 Khi Con Là Nhà là một tác phẩm điện ảnh mới của đạo diễn Vũ Ngọc Đãng. Khác với những bộ phim theo đuổi đề tài khá nóng trong xã hội đã làm trước đó, lần này, vị đạo diễn “đầu trọc” cùng với người cộng sự quen thuộc của mình là diễn viên Lương Mạnh Hải thực hiện tác phẩm có đề tài về gia đình, tình cảm cha con.

 Phim kể về hai nhân vật chính là hai cha con Quang (Lương Mạnh Hải) – Bi (Duy Anh) đang có một cuộc sống tuy thiếu thốn, nghèo khó ở làng quê nhưng rất yên bình và hạnh phúc. Đến một ngày, vì cái thói ham mê cờ bạc, Quang bị công an truy nã. Từ đây, hai cha con bắt đầu một hành trình tha hương đầy cực khổ, vất vả.

 Họ phải lục rác để tìm thức ăn, đêm đến tranh giành chỗ ngủ với người khác ở dưới gầm cầu, chịu đựng những trận đòn nhừ tử… Nhưng bế tắc hơn cả là giữa thành phố lạ lẫm, xa hoa nhưng cũng lắm hiểm nguy, hai cha con lại bị lạc mất nhau. Liệu Quang sẽ làm gì để tìm được Bi? Hai cha con họ sẽ được sống những tháng ngày hạnh phúc như xưa chứ?

 Điểm cộng đầu tiên của Khi Con Là Nhà mà bất kỳ khán giả nào sau khi xem phim xong cũng phải khen ngợi đó chính là yếu tố hình ảnh. Có thể nói những khung hình của bộ phim đều được chăm chút kỹ lưỡng và tỉ mỉ. Đặc biệt hình ảnh làng quê Việt Nam hiện lên trên màn ảnh rộng một cách nên thơ và lãng mạn mà chắc hẳn không ít người xem sẽ cảm thấy xao xuyến và muốn được sống, được hòa mình vào khung cảnh yên bình đó không kể giàu hay nghèo, sang trọng hay đơn sơ…

 Ưu điểm tiếp theo của bộ phim đó chính là diễn xuất. Có thể nói với Khi Con Là Nhàhai diễn viên chính Lương Mạnh Hải và bé Duy Anh đều đạt được những thành tích đáng khen ngợi. Trong đó, nam diễn viên Lương Mạnh Hải một lần nữa cho thấy khả năng biến hóa cũng như sự hy sinh hết mình vì vai diễn của anh. Không chỉ là khoác lên mình ngoại hình xấu xí, nhếch nhác, luộm thuộm, vai Quang của Lương Mạnh Hải còn bị “hành” khá nhiều.

 Còn với cậu bé Duy Anh, so với tác phẩm trước đấy – Anh Em Siêu Quậy – diễn viên nhí này đã có nhiều tiến bộ về kỹ năng diễn xuất. Sự ngây thơ, lém lỉnh, đáng yêu và cả những phân đoạn cảm động, tất cả đều được Duy Anh thể hiện một cách tự nhiên, hấp dẫn và không ít lần khiến trái tim của người xem phải rung động. Tương tự như “người cha” màn ảnh của mình, Duy Anh trong Khi Con Là Nhà cũng chịu khổ không kém với những cảnh quay chân trần lang thang trên đường phố, dầm mưa dãi nắng, bị đánh đập,… Không chỉ có thế, khán giả chắc chắn sẽ còn ố á ngạc nhiên nhiều bởi ngay cả trong những cảnh quay ở đồng quê yên bình, cậu bé đã khiến mọi người hoàn toàn tin rằng mình là một nhóc lớn lên ở nông thôn thực sự chứ không phải là đang đóng phim nữa.

 Ngoài Lương Mạnh Hải và Duy Anh, dù đất diễn không nhiều, nhưng hai diễn viên phụ La Quốc Hùng và Tú Vi cũng kịp ghi được dấu ấn của mình. Bộ đôi diễn viên này đem đến hình ảnh gai góc, sần sùi một cách rất mượt, không hề có sự gượng gạo.

 Dĩ nhiên bên cạnh các điểm cộng, Khi Con Là Nhà vẫn còn tồn tại một số điểm yếu. Mạch phim còn khá dài dòng, chưa tạo được cao trào, điểm nhấn cho tác phẩm đồng thời là cảm xúc của người xem. Một số tình tiết vẫn chưa được logic, không hoàn toàn thuyết phục. Một vấn đề nữa đó chính là biên kịch đã để các nhân vật của mình – từ chính đến phụ – phải gồng sức hét gọi quá nhiều trong phim, khiến người xem không khỏi không có cảm giác mệt mỏi và xót xa thay cho các diễn viên.

 Dĩ nhiên trong dịp Giáng sinh và không khi Tết đang tràn về như hiện nay, Khi Con Là Nhà hẳn là một lựa chọn không hề tệ, không chỉ cho các gia đình mà còn bao gồm nhiều đối tượng khán giả khác. Bởi hầu hết chúng ta đều sinh ra và lớn lên trong gia đình. Gia đình ở đây không cụ thể là một mái nhà và 4 bức tường mà đó chính là bản thân bạn và người thân của bạn. Có thể nói bộ phim chiếu rạp này là một tác phẩm đẹp đẽ, cảm động về tình cảm cha con, về giá trị đích thực của gia đình và cũng là bài học ý nghĩa về cuộc sống. Trong hiện thực thường ngày, đôi khi vì những ham muốn, những cám dỗ mà con người bỏ quên điều quý giá nhất với bản thân. Chỉ đến khi thực sự mất đi, bạn mới giật mình hoảng hốt và cố gắng tìm kiếm, giữ gìn. Ai cũng đều biết rằng không có bất kỳ thứ gì có thể tồn tại mãi mãi, nên đừng tiếc mà hãy cố gắng trân trọng những người thân thiết, yêu thương bạn thật lòng và những khoảnh khắc bên họ. Đó mới chính là tài sản lớn vô giá nhất trong mỗi cuộc đời của chúng ta.

  

  

  

  

 Tag: full fshare