Tiểu sử trần quốc hương

 (Thanhuytphcm.vn) – Ông Trần Quốc Hương, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Trưởng Ban Nội chính Trung ương vừa qua đời. Tang lễ của ông được tổ chức theo nghi thức Lễ tang cấp Nhà nước. Nhìn lại cuộc đời dài hơn 80 năm hoạt động cách mạng và cống hiến cho ngành tình báo Việt Nam, ông đã trải qua rất nhiều công tác, là con người có phẩm chất đặc biệt.

 1. Cuộc đời như phản ánh lịch sử cách mạng

 Ông Trần Quốc Hương tên thật là Trần Ngọc Ban, quê ở Vụ Bản – Bình Lục, Hà Nam, tham gia cách mạng năm 1937 trong đoàn Thanh niên Dân chủ Phản đế, bị Pháp bắt bỏ tù khi còn vị thành niên tại Hà Nội.

 Năm 1943 – 1945, ông công tác tại Đội trực thuộc Thường vụ Trung ương (như Đội Cận vệ của Trung ương) – Tổ chức tiền thân của nghành Công an sau này. Làm việc trực tiếp với đồng chí Trường Chinh.

 Ông làm việc với nhiều trí thức lớn lấy ý kiến đóng góp cho bản “Đề cương văn hóa Việt Nam năm 1943 của Đảng”. Năm 1944, tổ chức cho đồng chí Trường Chinh bí mật cải trang làm việc với nhóm chiến sỹ quốc tế trong hàng ngũ địch có xu hướng tiến bộ chống phát xít.

 Ông làm việc, liên lạc, lấy tin tức cho Trung ương chuẩn bị đường lối của Đảng Cộng sản trong tình hình Nhật đảo chính Pháp. Chính phủ rút lên Việt Bắc khi kháng chiến bùng nổ, ông cùng đồng chí Nguyễn Lương Bằng lo kiểm tra và tổ chức hậu cần đưa máy móc vật tư, muối và lương thực lên chiến khu. Củng cố bảo vệ An toàn khu, bảo vệ an toàn cho lãnh đạo. Ông tham gia làm báo Đảng, in ấn báo Cờ giải phóng, Cứu quốc năm 1942-1943.

 Năm 1954, đất nước chia cắt hai miền, ông được Hồ Chủ tịch giao nhiệm vụ chi viện cho miền Nam. Ông được giao lãnh đạo một số đầu mối mạng lưới tình báo. Hoạt động được 4 năm, ông bị bắt năm 1958. Trong tù, ông đã có cuộc đấu trí nổi tiếng với Ngô Đình Nhu trong ngôi nhà mát của Ngô Đình Cẩn tại Cửa Thuận An.

 Ông sống đời tù đày 6 năm (1958 – 1964). Sau năm 1975, ông trải qua rất nhiều chức vụ: Từng là Phó Bí thư Thành ủy hai Thành phố lớn nhất là TPHCM và Hà Nội, Trưởng ban Nội chính Trung ương; Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng các khóa IV, V, VI; Bí thư Trung ương Đảng khóa VI…

 2. Phẩm chất đặc biệt ưu tú

 Sinh ra trong gia đình có thời bị quy là “địa chủ – tư sản” có 2 con “theo giặc” (khi ông Mười Hương vào Nam hoạt động bí mật). Người cha của ông thật đặc biệt, không tin ai có thể “đánh được thằng Tây” nhưng ông yêu nước, đã từng hồi nhỏ chèo thuyền đưa cụ Phan Bội Châu đi gặp gỡ lãnh tụ phong trào trong vùng.

 Người cha của ông hiếu đễ – làm việc ở Phủ Lý cách nhà 20km, nhưng khi mẹ bệnh nặng, ông đi bộ sáng đi tối về chăm mẹ. Mà mẹ đau ốm dài ngày, ông đi bộ như thế cho tới tận khi mẹ chết. Mẹ của ông ít học, thương chồng con, thuộc nhiều ca dao tục ngữ hiểu đời, dạy con nhân nghĩa.

 Ông Mười Hương vì thế được giáo dục tốt, lại tham gia cách mạng được rèn luyện, ông đã làm đúng lời Cụ Hồ dặn trước lúc vào Nam: “Chú sẽ có hai cái khó: Vào miền Nam với cách làm việc khác, chú vào đó học hỏi. Đã nhận nhiệm vụ thì đừng phụ lòng Trung ương. Chú đi sao nhớ về vậy”.

 Nhìn lại cuộc đời tù đày, đấu trí căng thẳng suốt 6 năm, nhất là thời kỳ bị giam ở Huế dưới sự tàn bạo của Đoàn công tác đặc biệt miền Trung của Ngô Đình Cẩn,  thấy rõ tấm lòng trung trực sắt son của ông đã làm trọn lời Cụ Hồ dặn dò.

 Trong cuộc sống, ngay dù khi gặp phải oan khuất, ông luôn chịu đựng và tin tưởng sự thật sẽ chiến thắng. Bạn bè đồng chí gọi ông là “Hương sự thật”.

 Không chỉ có phẩm chất đạo đức cao đẹp, ông còn là một trí tuệ ưu tú đóng góp cho ngành tình báo Việt Nam. Chúng ta đã được biết về các nhà tình báo huyền thoại như Lê Hữu Thúy, Phạm Ngọc Thảo, Vũ Ngọc Nhạ, Phạm Xuân Ẩn…và một đội ngũ khác chưa được công khai, những người hy sinh thầm lặng…

Cuốn sách “Trần Quốc Hương - Người chỉ huy tình báo” của tác giả Nguyễn Thị Ngọc Hải, do NXB Tổng hợp TPHCM ấn hành.Cuốn sách “Trần Quốc Hương – Người chỉ huy tình báo” của tác giả Nguyễn Thị Ngọc Hải, do NXB Tổng hợp TPHCM ấn hành.

 3. Người chỉ huy tình báo

 Ông Trần Quốc Hương được coi là người thầy của các nhà tình báo. Nhưng chính ông khiêm tốn nhận mình chỉ là “Cái anh…chỉ trỏ”. Vì các nhà tình báo có khi hoạt động độc lập đơn tuyến bí mật tuyệt đối và họ giỏi giang làm nên nhiều chiến công.

 Vai trò của ông – người từng được giao đầu mối phụ trách làm việc với các nhà tình báo. Và chính ông đã hiểu biết sức mạnh của từng người để phát huy họ trong các môi trường phù hợp.

 Lúc được “bàn giao” nhận nhà tình báo Lê Hữu Thúy (thường được biết sau này qua cuốn “Điệp viên giữa sa mạc lửa”), ông Mười Hương nhận ra ngay sự giỏi giang sắc sảo của người điệp viên giỏi văn chương, quen nhiều công chức cao cấp, được Ngô Đình Diệm đưa vào như phái viên của Chính phủ bên cạnh lực lượng Hòa hảo, rồi lại vào được cả với Bình Xuyên. Nằm sâu trong hậu trường chính trị miền Nam, Lê Hữu Thúy làm nên nhiều chiến công.

 Chính ông Mười Hương được cử đi tìm người để đưa vào cùng đoàn người di cư vào Nam, và ông đã tìm ra Vũ Ngọc Nhạ lúc đó là cán bộ thị ủy Thái Bình. Khi ở miền Nam, ông Mười Hương nhìn ra mặt mạnh mối quan hệ của Vũ Ngọc Nhạ với chức sắc tôn giáo để chỉ đạo “ông cố vấn”.

 Với điệp viên tài năng đặc biệt Phạm Xuân Ẩn thì đóng góp của chỉ huy Mười Hương tài tình ở chỗ nhìn ra rất sớm khả năng “đặc biệt phù hợp với Mỹ” và nghề làm báo của Phạm Xuân Ẩn.

 Ông Mười Hương đã có lần nói: “Tôi luôn tự hào về Ẩn. Tôi đánh giá Ẩn còn có điểm hơn cả nhà tình báo vĩ đại Nga Richard Sorge (người đã báo tin chính xác ngày giờ phát xít Đức tấn công Liên Xô, rồi sau bị giết – Người viết). Nhưng Ẩn còn vĩ đại hơn vì hoàn thành nhiệm vụ cao cả mà bí mật, an toàn”.

 Điều tuyệt vời trong nghề – đó là khi Phạm Xuân Ẩn đang học báo chí ở Mỹ thì ở trong nước, ông Mười Hương bị bắt, tra tấn tù đày 6 năm không khai nên giữ được an toàn cho Phạm Xuân Ẩn tiếp tục học tập.

 Nguyễn Thị Ngọc Hải

 Tác giả cuốn sách “Trần Quốc Hương – Người chỉ huy tình báo”

 Nguồn: https://thanhuytphcm.vn/tin-tuc/cuoc-doi-nguoi-chi-huy-tinh-bao-tran-quoc-huong-1491866418

  

  

  

  

  

  

  

  

  

 Tag: tiểu đám