Trần Nữ Yên Khê – tri kỷ ‘vĩnh cửu’ của Trần Anh Hùng

 Gần 30 năm gắn bó trong nghệ thuật, tình yêu của vợ chồng đạo diễn minh chứng cho tinh thần “vĩnh cửu” như ý nghĩa phim mới của họ.

 Vợ chồng đạo diễn Trần Anh Hùng – Trần Nữ Yên Khê vừa về nước ra mắt phim mới mang tên Eternité (Vĩnh cửu). Eternité nói về tình yêu giữa dòng chảy bất tận của thời gian và sự gắn bó của vợ chồng Trần Anh Hùng là minh chứng cho tinh thần đó.

 Trần Anh Hùng là người khắt khe, luôn đặt ra tiêu chuẩn cao trong điện ảnh và chỉ làm phim với ý tưởng thật sự gợi cảm hứng cho mình. Trong gần 30 năm, đạo diễn chỉ làm hai phim ngắn, sáu phim dài và một ít phim quảng cáo. Cuộc sống của hai vợ chồng không quá giàu có. Họ hiện vẫn ở nhà thuê tại Pháp. Dù vậy, họ kiên trì với con đường đầy thử thách đã chọn.

 Trần Nữ Yên Khê sinh năm 1968, tốt nghiệp ngành kiến trúc và là Hoa hậu áo dài Việt Nam tại Pháp. Trần Anh Hùng sinh năm 1962. Khi đang tìm diễn viên cho phim ra trường vào năm 1987, Trần Anh Hùng gặp gỡ Yên Khê. Từ đó, suốt hơn một phần tư thế kỷ, bộ đôi gắn bó không rời và đồng hành trên con đường nghệ thuật. Sự gắn bó này khiến họ được ví như đôi Trương Nghệ Mưu – Củng Lợi người Việt.

 Trần Nữ Yên Khê là nàng thơ trong nhiều tác phẩm về Việt Nam của Trần Anh Hùng.

 Nàng thơ trong các tác phẩm để đời của đạo diễn họ Trần

 Trần Nữ Yên Khê đóng hầu hết tác phẩm của đạo diễn Việt kiều, trong đó có nhiều phim quan trọng trong sự nghiệp của chồng như: Mùi đu đủ xanhXích lôMùa hè chiều thẳng đứng và I come with the rain.

 Dường như ở mỗi tác phẩm, Trần Anh Hùng đều mượn một chút chất liệu từ vợ  để thổi vào kịch bản. Ba phim về Việt Nam của anh đều có những nhân vật sớm mất cha. Đó cũng là hình ảnh của Yên Khê, người mồ côi cha và sang Pháp từ năm ba tuổi.

 Trong Mùi đu đủ xanh, Yên Khê thủ vai Mùi lúc lớn. Dù đã trải qua bao nhiêu năm tháng, Mùi vẫn nguyên vẹn sự ngây thơ, mỗi ngày đều say mê ngắm nhìn sự kỳ diệu của thiên nhiên quanh mình. Ở cuối phim, cô lấy được anh chàng nghệ sĩ. Nhiều người xem đây là cái kết có hậu nhưng Trần Anh Hùng lại cho rằng Mùi đu đủ xanh nói về sự nô lệ của phụ nữ. Lựa chọn của nhân vật chính là điều đáng buồn vì anh ta muốn có người phụ nữ để phục vụ cho mình. Những nét đặc trưng của người phụ nữ Việt như cam chịu, hy sinh được thể hiện qua phim này.

 Đến Xích lô, Trần Nữ Yên Khê hóa thân thành cô gái điếm – người yêu của nhà thơ giang hồ (Lương Triều Vỹ thủ vai). Mặc dù có những cảnh nhạy cảm, nhân vật của Yên Khê không được khai thác theo hướng nhục dục. Ở đây, khán giả vẫn thấy chất thơ thấm đẫm dấu ấn của Trần Anh Hùng. Cô gái giang hồ trong phim được mô tả theo cách duy mỹ, vượt khỏi cấu trúc thông thường của một câu chuyện.

 Tay nhà thơ không xâm phạm cô gái mà nâng niu cô. Điều kỳ quặc là hắn sẵn sàng để cô mua vui cho kẻ khác bằng những trò bệnh hoạn, miễn họ không làm cô mất trinh tiết. Trong số đó, có một kẻ thích xem đàn bà tiểu tiện (Mạc Can đóng), một lão thích sơn móng chân cho phụ nữ (Trịnh Thịnh đóng) và một gã chơi trò còng tay (Lê Tuấn Anh đóng). Khi gã chơi trò còng tay cưỡng bức cô gái, nhà thơ đã giết hắn dã man và sau đó tự sát. Hắn vốn xem cô gái như một vật thanh sạch bên cạnh mình. Khi sự trinh nguyên của cô gái mất đi, tâm lý của nhà thơ bị xáo trộn, cùng những ký ức buồn từ tuổi thơ đã dẫn đến cái chết trong trạng thái nhập thần của anh ta.

 Mùa hè chiều thẳng đứng là tác phẩm Trần Nữ Yên Khê thoại nhiều nhất. Nhân vật của cô có nhiều lớp diễn nội tâm, dù phim vẫn theo phong cách của Trần Anh Hùng là đánh mạnh vào cảm xúc, không chú trọng tình tiết. Phim xoay quanh ba chị em, trong đó hai cô chị (do Như Quỳnh và Lê Khanh thủ vai) đều có gia đình và chín chắn. Còn cô em gái (Yên Khê) vẫn hồn nhiên dù cơ thể đã chín muồi sự quyến rũ.

 Trần Nữ Yên Khê và Ngô Quang Hải trong phim “Mùa hè chiều thẳng đứng”.

 Ba chị em thần tượng cuộc hôn nhân hoàn hảo của cha mẹ. Nhưng dần dần, họ phát hiện những điều thầm kín đằng sau. Gia đình của hai người chị bắt đầu gặp uẩn khúc và rạn nứt. Trong khi đó, cô em út sống cùng người anh trai ruột. Cả hai thân thiết với nhau đến nỗi nhiều người tưởng nhầm họ là đôi vợ chồng – điều khiến cho cô thích thú. Ở diễn biến khác, cô em cũng mơ về cuộc sống gia đình và còn tưởng tượng mình mang thai với anh chàng sinh viên.

 Do sống ở Pháp từ nhỏ, khi hóa thân vào nhân vật Liên – cô em út, nét diễn của  Yên Khê phảng phất phong thái phương Tây, hơi lệch pha so với hai người phụ nữ Hà Nội nền nã là Như Quỳnh và Lê Khanh. Sự xuất hiện của Yên Khê góp phần tạo ra một Hà Nội rất lạ trong Mùa hè chiều thẳng đứng. Đó không thật sự là Hà Nội mà là cảm xúc của đạo diễn xa xứ về thủ đô ngàn năm văn hiến.

 Người tạo nên thẩm mỹ cho “Rừng Nauy” và “Vĩnh cửu”

 Từ tác phẩm đầu tay tới cho tới phim thứ tư nói về Việt Nam, Trần Anh Hùng luôn đưa vợ vào vai nữ chính. Trong những bộ phim không có lựa chọn phù hợp để Yên Khê diễn xuất, chị đóng vai trò quan trọng đằng sau máy quay. Ở Rừng Nauy, vợ của Trần Anh Hùng giữ vai trò đạo diễn phục trang và bối cảnh. Trong cuộc phỏng vấn với VnExpress trước đây, đạo diễn cho rằng vợ mình có chất năng động của Midori và lãng mạn của Naoko (hai nhân vật nữ trong Rừng Nauy).

 Yên Khê là người giúp tâm hồn của Trần Anh Hùng cân bằng giữa đời thực và những bay bổng của nghệ thuật. Dù sống ở nước ngoài, chị vẫn giữ nhiều nề nếp của người Việt như: Uống trà, nấu các món Việt Nam, làm lễ giỗ.

 Cặp vợ chồng đạo diễn tại buổi ra mắt “Eternité” ở TP HCM ngày 6/9.

 Đến bộ phim mới ra mắt – Eternité, chị là giám đốc nghệ thuật và là người dẫn chuyện. Mọi lối bài trí và phục trang trên phim đều do chị quyết định. Nổi tiếng là người cực đoan trong nghệ thuật, Trần Anh Hùng để vợ được thoải mái sáng tạo trên trường quay. Phim có nhiều chi tiết thể hiện sự tinh tế của người phụ nữ gốc Việt, như nhân vật Gabrielle – kiểu phụ nữ hiện đại – có hai cảnh mặc quần, trái với những người khác toàn mặc váy, hay trẻ con trong phim diện toàn đồ trắng để thể hiện sự ngây thơ.

 Ngoài ra, Yên Khê còn đọc lời dẫn cho Eternité. Theo Trần Anh Hùng, anh không muốn thuê một diễn viên bản địa vì sẽ tạo ra cảm giác quá quen thuộc với người Pháp. Chất giọng nhẹ nhàng và lạ tai của Yên Khê giúp đạo diễn đạt được ý đồ là tạo ra một “cõi riêng” về cảm xúc.

 Nguồn: https://vnexpress.net/tran-nu-yen-khe-tri-ky-vinh-cuu-cua-tran-anh-hung-3467550.html