Tranh dân gian là gì – Các dòng tranh dân gian việt nam

Tranh dân gian là gì

 Tranh dân gian là những tác phẩm được sáng tác để phục vụ đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân được lưu truyền qua từng thế hệ. Tranh dân gian tại Việt Nam thường gồm hai loại tranh chính là tranh thờ và tranh Tết với các làng tranh có tiếng như tranh Đông Hồ và tranh Hàng Trống. Khác với các tác phẩm tranh nghệ thuật hiện đại được sản xuất bởi một số ít người và thường có nhiều mẫu mã khác nhau.

 Tranh dân gian thường được in với số lượng lớn với cùng một nguyên mẫu để phục vụ tất cả mọi người. Tranh dân gian dần dần không chỉ là những tác phẩm riêng của những tầng lớp bình dân nghèo khó mà trở thành một nét nghệ thuật đại chúng được sử dụng rộng rãi bởi cả quan lại quý tộc. Ngày nay những làng nghề tranh dân gian không còn được phát triển như trước đây. Tuy nhiên những tác phẩm tranh dân gian Việt Nam vẫn được đánh giá rất cao và được coi là đặc trưng nghệ thuật độc đáo cần được lưu giữ và bảo tồn.

Các dòng tranh dân gian nổi tiếng việt nam 

 Tranh Đông Hồ

 “Hỡi cô thắt lưng bao xanh
Có về làng Mái với anh thì về
Làng Mái có lịch, có lề
Có sông tắm mát, có nghề làm tranh”

 Đó là câu ca xa xưa của một làng nhỏ nằm ven bờ nam sông Đuống, tỉnh Bắc Ninh, thuộc Kinh Bắc xưa.

 Người dân làng Hồ khi nhớ đến câu ca dao ấy, lòng thấy tự hào về nghề tranh của mình đã một thời hưng thịnh, kéo dài từ cuối thế kỷ 17 đến nửa thế kỷ 19. Trải qua bao thời loạn ly, tranh vẫn được duy trì, tồn tại đến ngày nay. Tranh Đông Hồ, từ tranh vẽ đến tranh in thủ công, đều mang một phong cách riêng. Từ các khâu như vẽ mẫu, khắc bản in, sản xuất và chế biến màu rồi đến in vẽ tranh, đều có những khác biệt hợp thành cái độc đáo về kỹ thuật, mỹ thuật của một dòng tranh. Màu in tranh ở đây được chế biến từ nguyên liệu có sẵn trong tự nhiên: màu trắng từ sò, điệp; đen từ than rơm hay lá tre; hồng từ gỗ vang; đỏ từ son; xanh từ gỉ đồng; lam từ lá chàm; vàng từ hoa hoè, quả dành dành… Kỹ thuật pha màu và in của tranh làng Hồ tạo cho sắc tranh trong sáng, óng xốp.

 Về đề tài của tranh khá phong phú, nó phản ánh những sinh hoạt, quan hệ xã hội ở nơi thôn dã và luôn được thay đổi hay bổ sung. Thời phong kiến có tranh cóc, chuột, hái dừa, đánh ghen, khiêng trống, đánh vật… Thời Pháp thuộc có cóc Tây múa kỳ lân, văn minh tiến bộ, phong tục cải lương, nhảy đầm… Đến thời kỳ kháng chiến có Việt Nam độc lập, sản xuất tự túc, bình dân học vụ, rồng lửa Thăng Long, bắt sống giặc lái máy bay, được mùa lúa xuân, lúa ngô khoai sắn, Bác Hồ về thăm làng…

 Ngày trước, cứ đến Tết dường như nhà nào ở nông thôn vùng Bắc Bộ cũng có một vài tờ tranh Đông Hồ, nó làm bừng sáng những căn nhà đơn sơ, thấp bé nhưng là tổ ấm của gia đình. Bức tranh ngày tết cùng góp vui và reo lên những tiếng cười trong trẻo trong cuộc sống khốn khó của người dân thôn quê Việt Nam. Tranh Đông Hồ phản ánh đúng tâm tư nguyện vọng và những ước mơ bình dị, gần gũi với cuộc sống đời thường của người dân. Những nghệ nhân vẽ tranh cùng cảnh nghèo khó như bao người dân lao động nghèo khó khác. Do vậy tranh ở đây thật sự đã gây được ấn tượng sâu sắc và sự hâm mộ của họ. Có lẽ vì thế mà tranh được sản xuất, bán ra khá nhiều và rộng khắp từ các chợ làng quê đến thành thị ở mọi miền đất nước. Năm này qua năm khác, sau mỗi mùa gặt hái, người ta lại nhắc nhở nhau:

 “Dù ai buôn bán trăm nghề
Mồng sáu tháng chạp nhớ về buôn tranh”

 Tranh Hàng Trống

 

 Dòng tranh Hàng Trống phát triển ở các phố Hàng Trống, Hàng Nón (Hà Nội). Cách diễn hình tinh vi, phong phú trong khuôn khổ bức tranh và trong nhiều loại tranh. Khuynh hướng tranh trục cuốn phương Đông được sử dụng mạnh mẽ nhằm tạo không gian có nhiều mảng trống, gợi cảm và thanh cảnh theo thị hiếu của dân thành thị.

 Tranh Hàng Trống nét mảnh, tinh, yểu điệu. Do sử dụng được mầu phẩm nên hoà sắc của tranh Hàng Trống rất phong phú, gợi được khối của không gian. Mầu thường là lam – hồng, có thêm lục – đỏ, da cam – vàng. Mầu phẩm tô bằng tay sau khi đã in các nét đen, pha ít hay nhiều nước mà có màu đậm nhạt. Tranh chỉ tạo khối ở nhân vật, không có khái niệm về không gian xa, gần.

 Các tác phẩm tranh dân gian nổi tiếng như: Lý ngư vọng nguyệt, Thất đồng, Ngũ hổ, Tố nữ; bộ tranh truyện: Hoa Tiêu, Kiều… bộ tranh về cảnh dạy học, cảnh nhà nông hay các kiểu khác: canh, tiều, ngư, mục (nhà nông, tiều phu, đánh cá, chăn trâu); các tranh thờ: Tam toà Thánh Mẫu, Phật, Tứ phủ, Ngọc hoàng… làm cho dòng tranh có thể sánh ngang với bất cứ dòng tranh đồ hoạ danh tiếng nào.

 Ước vọng hạnh phúc và dùng nhiều mô típ tượng trưng, màu sắc tươi sáng, nội dung vui vẻ, ngộ nghĩnh, đơn giản hoá các khái niệm triết học là tinh thần chính của dòng đồ hoạ trên, tranh thường được bán vào các dịp tết âm lịch. Hành nghề có tính phường thợ, cha truyền con nối.

 Tranh Kim Hoàng (xã Vân canh, Hoài Đức – Hà Tây)

 

 Bên cạnh hai dòng tranh Đông Hồ và Hàng Trống, dòng tranh Kim Hoàng phát triển từ thế kỉ 18 đến thế kỉ 19. Sự hợp nhất hai làng Kim Bảng và Hoàng Bảng thành Kim Hoàng tiến tới xây dựng đình chung “Trưởng bảng hội đình” vào ngày 3-2 năm Chính Hoà thứ 22 (1701), cũng có lẽ chuẩn bị cho bắt đầu của nghề in tranh trong làng. Hàng năm, người Kim Hoàng làm tranh từ rằm tháng một (tháng 11 âm lịch) đến giáp tết, thoạt đầu thì cúng tổ nghề. Các ván in do một chủ phường có tài năng vẽ và khắc. Sau ngày giỗ tổ mới phát cho các gia đình. Trong quá trình in họ trao đổi ván cho nhau. Hết mùa tranh họ lại giao ván cho các chủ phường khác cất giữ.

 Tranh Kim Hoàng cũng đủ loại tranh thờ cúng, chúc tụng như một số dòng tranh khác cùng thời (Đông Hồ, Hàng Trống). Nhưng tranh Kim Hoàng lại kết hợp được nhiều ưu điểm của hai dòng tranh đó. Tranh Kim Hoàng có nét khắc thanh mảnh, tỷ mỉ hơn tranh Đông Hồ; màu sắc tươi như tranh Hàng Trống. Về màu, tranh Kim Hoàng dùng mực tàu, trắng là thạch cao, phấn; chàm, xanh chàm từ mực tàu hoà với nước chàm và các màu hoá học. Giấy in không quét điệp như tranh Đông Hồ, cũng không dùng giấy xuyến như tranh Hàng Trống mà in trên giấy màu đỏ, giấy hồng điều, giấy tàu vàng. Tranh lợn bột in hình con lợn mình đen, viền trắng cách điệu rất ngộ nghĩnh giống như những con lợn đất bán ở chợ, trên nền giấy đỏ tạo một vẻ đẹp riêng gây ấn tượng mạnh mẽ của tranh Kim Hoàng.

 Tương truyền, dòng họ Nguyễn Sĩ là dòng họ làm tranh sơ khởi người Thanh Hoá theo mẹ ra Thăng Long rồi lập nghiệp ở đây. Trận lụt năm 1915 làng mạc ngập trắng từ Phùng đến Cầu Giấy, cuốn trôi nhiều ván in tranh của làng. Tranh Kim Hoàng dần bị thất truyền, đến năm 1945 thì hoàn toàn không còn sản xuất nữa. Ngày nay, một vài ván in của dòng tranh này còn được lưu giữ ở bảo tàng Mỹ Thuật Việt Nam.

 Tranh làng Sình

 

 Làng Sình có tên chữ là Lại Ân thuộc tổng Hoài Tài, huyện Tư Vang, phủ Triệu Phong, xứ Thuận Hoá, Phú Vang. Làng nằm ở ven bờ Nam hạ lưu sông Hương, cách Huế không xa (bên kia sông Bảo Vĩnh). Làng Sình nổi tiếng về hội vật mùng mười tháng giêng. Nhưng làng Sình còn nổi tiếng về một nghề làm tranh thờ in ván khắc. Trước kia hầu hết tranh thờ in ván bày bán ở chợ vùng này là do dân làng Sình làm, nên gọi là “tranh Sình”.

 Thời hưng thịnh của tranh Sình, những người trong các gia đình ở đây đều biết in và tô màu cho tranh. Tranh làm ra bán buôn ngay tại nhà hoặc bán cho hàng mã ở chợ, có khi được đặt từ trước. Giấy in tranh là giấy mộc, màu trước kia lấy màu từ tự nhiên (thực vật, kim loại, sò điệp), sau là phẩm hoá học gồm các màu cơ bản đỏ, vàng, xanh và đen. Bản khắc từ gỗ mít. Tranh ở đây in lối ngửa ván rồi dùng tay vuốt giấy cho phẳng, in lấy một nét và mảng đen, sau dựa vào đấy mà tô màu. Một số tranh in đen xong là hoàn chỉnh.

 Tranh Sình chủ yếu là tranh thờ, tranh cúng lễ phục vụ tín ngưỡng dân gian. Tranh làng Sình có khoảng 50 đề tài khác nhau, phản ánh tín ngưỡng cổ sơ, tư tưởng của người Việt cổ trước một thiên nhiên hoang sơ, thần bí. Cuộc sống của con người bị chi phối bởi nhiều tai hoạ nên họ cần đến sự che chở của thần linh. Người ta cúng tranh để cầu mong người yên, vật thịnh, phụ nữ sinh nở được “mẹ tròn con vuông”, trẻ nhỏ mau lớn, người ốm chóng khỏi…

 Bên cạnh ý nghĩa thờ cúng, tranh Sình còn khắc hoạ bằng hình ảnh sinh động những sinh hoạt văn hoá, xã hội, lao động. Nhóm tranh muông thú rất gần gũi với mọi nhà (lợn, ngựa, voi…), các đồ vật quen thuộc (chậu, hoa, thuyền bè…). Tranh Sình đơn giản nhưng đẹp một cách bình dị, tự nhiên. Một trong những đề tài khá phổ biến và đẹp là bộ tranh tố nữ, mỗi bức vẽ một cô đứng biểu diễn một loại nhạc cụ. Trang phục của các cô đều giống nhau là áo “mã tiên”, áo trắng dài mặc trong, áo cánh màu bận ngoài, mầu áo có thể thay đổi khi tô màu sao cho vui.

Ý nghĩa tranh dân gian đông hồ

 Dòng tranh Đông Hồ có nội dung và hình thức biểu đạt rất phong phú, chủ yếu đi sâu miêu tả tính chân thực cuộc sống sinh hoạt, lao động sản xuất đời thường trong mối quan hệ giữa người với người, và giữa người với thiên nhiên thể hiện tính nhân quả cầu an, cầu phúc, cầu lộc, cầu tài. Tính triết lý của tranh Đông Hồ rất sâu sắc vừa vui tươi dí dỏm, hóm hỉnh vừa sâu cay nửa hư nửa thực mang tính trừu tượng. “Nói đó cho cạy lòng đây” như tranh đánh ghen, hứng dừa, đám cưới chuột,… Nhiều bức tranh nói lên nỗi niềm khát khao được hạnh phúc, ấm no, ước nguyện, giàu có, yên lành, trồng cây thì cây tốt, chăn nuôi thì sinh sôi nảy nở béo khỏe và sâu xa hơn nữa mong sao tình làng nghĩa xóm hòa thuận, đoàn kết, an khang, thịnh vượng như tranh đàn lợn, đàn gà, tứ quý, hoa lá, chim muông…

 Thời xưa, gần đến ngày tết người ta còn tặng quà cho nhau bằng tranh, theo nội dung mà họ đã định từ trước phù hợp với hoàn cảnh tình cảm của người được trao tặng để trang trí trong ngày vào xuân, mong sao “mọi việc như ý” cho một năm mới tốt lành. Đó là nét đẹp văn hóa trong tranh dân gian Đông Hồ, Hàng Trống,… mà có lẽ người Việt Nam mới có.

Đàn lợn âm dương
Trong “Đàn lợn âm dương”, các con vật được vẽ vừa chắc khỏe, vừa mềm mại. Trên mình mỗi con lợn có xoáy âm dương thể hiện sự hài hòa trời – đất, sinh sôi và phát triển. Trong tranh Đông Hồ, lợn mang ý nghĩa sung túc, phát tài lộc và ước vọng gia đình đông vui, hòa thuận.

  

  

  

  

  

  

  

  

  

  

  

  

  

 Tag: truyện trị tìm hiểu 12 trung thu giới thiệu vector bà