Ứng dụng công nghệ thông tin nhằm nâng cao hiệu quả cải cách hành chính

 (QLNN) – Những năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn xác định phát triển công nghệ thông tin là một trong những giải pháp để hiện đại hóa nền hành chính và là công cụ quan trọng trong việc thực hiện cải cách hành chính. Với mong muốn tạo nên sự công bằng, minh bạch và hiệu quả, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách hành chính còn được xác định là động lực quan trọng thúc đẩy kinh tế – xã hội phát triển, giảm phiền hà cho người dân và doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Hà Nội là địa phương đi đầu, có nhiều cách làm hay, mô hình hiệu quả trong công tác cải cách hành chính (Nguồn: http://thanglong.chinhphu.vn).

 

 1.Trong Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước, bên cạnh việc tích cực, khẩn trương hoàn thiện thể chế, kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức (CBCC)… thì việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước (HCNN) là một khâu quan trọng trong tiến trình cải cách hành chính (CCHC) nhằm thiết lập một nền hành chính năng động, trách nhiệm, hiện đại, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội và hội nhập quốc tế.

 Ứng dụng CNTT, từng bước hiện đại hóa nền HCNN là xu hướng tất yếu trong bối cảnh cách mạng khoa học – công nghệ phát triển mạnh mẽ hiện nay. Trên cơ sở đó, hình thành hệ thống thông tin điện tử của Chính phủ, góp phần nâng cao tính minh bạch trong hoạt động của Chính phủ, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước, phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn.

 Những năm qua, thực hiện sự chỉ đạo của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã chú trọng đẩy mạnh ứng dụng CNTT gắn kết chặt chẽ với việc triển khai các nhiệm vụ CCHC, quyết tâm xây dựng chính phủ điện tử (CPĐT), giảm tối đa tỷ lệ văn bản giấy trong chỉ đạo, điều hành. Để đẩy nhanh tiến độ triển khai xây dựng và hoàn thành các mục tiêu xây dựng CPĐT, ngày 28/8/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1072/QĐ-TTg thành lập Ủy ban Quốc gia về CPĐT trên cơ sở kiện toàn Ủy ban Quốc gia về ứng dụng CNTT.

 Nhìn một cách tổng thể, việc ứng dụng CNTT, từng bước hiện đại hóa nền hành chính đã đạt được một số kết quả khả quan.

 Thứ nhất, về ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước và xây dựng hạ tầng CNTT. Các bộ, ngành, địa phương đã tập trung chỉ đạo triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan HCNN và trong cung cấp dịch vụ công (DVC) theo thẩm quyền được giao tại Nghị quyết số 36a/NQ-CP ngày 14/10/2015 của Chính phủ và Quyết định số 1819/QĐ-TTg ngày 26/10/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình quốc gia về ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước giai đoạn 2016 – 2020.

 Hạ tầng CNTT đã được các cơ quan, đơn vị quan tâm đầu tư, từng bước đáp ứng nhu cầu công việc, tạo nền tảng phát triển CPĐT. Năm 2017, có 17 bộ, cơ quan ngang bộ và 49 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai mạng diện rộng WAN, trong đó đã kết nối tới trên 80% số đơn vị thuộc, trực thuộc các bộ, ngành và trên 75% các sở, ngành, quận/huyện các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Tỷ lệ CBCC được trang bị máy tính phục vụ công việc đạt 90,95% ở trung ương; 97,14% ở các sở, ban, ngành cấp tỉnh và 90,87% ở Ủy ban nhân dân cấp huyện1.

 Việc sử dụng chữ ký số trong gửi, nhận văn bản điện tử cũng được các bộ, ngành, địa phương quan tâm, thúc đẩy triển khai tại các đơn vị trực thuộc. Đã có 18 bộ và 53 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai sử dụng chữ ký số và cung cấp chữ ký số cho trên 75% số cơ quan, đơn vị trực thuộc. Nhiều nơi đã tích hợp việc sử dụng chữ ký số vào hệ thống thư điện tử, hệ thống quản lý văn bản và điều hành để trao đổi văn bản trên môi trường mạng giữa các cơ quan, đơn vị. Nhiều địa phương thực hiện tốt nội dung này, như: TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Quảng Ninh, An Giang, Bà Rịa – Vũng Tàu, Đà Nẵng, Đồng Nai, Quảng Ngãi, Nghệ An, Lâm Đồng…2.

 Năm 2018, có 18 bộ, ngành và 54 địa phương đã xây dựng Trung tâm dữ liệu, trang thiết bị bảo đảm an toàn thông tin ở các quy mô khác nhau, từng bước đáp ứng nhu cầu triển khai tập trung, quản trị, duy trì các hệ thống thông tin và phần mềm ứng dụng một cách hiệu quả. Trong 19 bộ và cơ quan ngang bộ được thống kê, có 16 bộ, cơ quan và 57 tỉnh, thành phố đã ban hành Kiến trúc CPĐT để triển khai thực hiện, làm cơ sở nền tảng phát triển CPĐT3.

 Một số địa phương đã mạnh dạn khai thác các tiện ích của mạng xã hội để áp dụng nâng cao hiệu quả chỉ đạo điều hành của cơ quan HCNN, như: mô hình chính quyền Zalo tại Đồng Nai, An Giang, Đà Nẵng…; mô hình hỗ trợ doanh nghiệp qua Facebook tại Quảng Ninh. Một số quận của TP. Hồ Chí Minh đã triển khai tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của người dân, tổ chức qua phần mềm ứng dụng, giúp quá trình tiếp nhận và xử lý kiến nghị diễn ra nhanh chóng, thuận tiện.

 Hệ thống thư điện tử được các bộ, ngành, địa phương triển khai, duy trì hoạt động ổn định và cấp hộp thư cho đa số CBCC để sử dụng trong công việc; đã có 98,8% CBCC ở các bộ, ngành và 82% CBCC ở các tỉnh, thành phố thường xuyên sử dụng hộp thư điện tử để trao đổi công việc4.

 Hệ thống phần mềm quản lý văn bản và điều hành được triển khai tại 100% các bộ, ngành và các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Theo thống kê, đến nay có 18 bộ, ngành và 46 tỉnh, thành phố đã triển khai hệ thống quản lý văn bản và điều hành dùng chung ở các quy mô khác nhau5.

 Nhằm bảo đảm sự thống nhất, xuyên suốt trong hoạt động gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan nhà nước các cấp, đặc biệt là việc gửi, nhận các văn bản quy phạm pháp luật, ngày 12/7/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 28/2018/QĐ-TTg về việc gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống HCNN. Theo đó, các bộ, ngành, địa phương đang tích cực triển khai thực hiện 13 nhóm nhiệm vụ được giao tại Quyết định này, trong đó có những nhiệm vụ quan trọng như: xây dựng trục liên thông văn bản quốc gia; hoàn thiện phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công việc; xây dựng, hoàn thiện các văn bản, quy định phục vụ gửi, nhận văn bản điện tử; bảo đảm an toàn, an ninh hệ thống và sao lưu văn bản điện tử; tổ chức tập huấn sử dụng phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công việc.

 Thứ hai, về cung cấp DVC trực tuyến. Theo số liệu thống kê của Bộ Nội vụ, năm 2017, trong 19 bộ và cơ quan ngang bộ được thống kê có 17 bộ, cơ quan ngang bộ đã triển khai cung cấp DVC trực tuyến mức độ 3 và 4. Theo đó, tổng số DVC được cung cấp trực tuyến mức độ 3 là 549 dịch vụ, mức độ 4 là 377 dịch vụ. Trong số các dịch vụ trên, tỷ lệ DVC có phát sinh hồ sơ trực tuyến là 45,6% đối với mức độ 3 và 92,8% đối với mức độ 4. Các bộ, cơ quan có nhiều hồ sơ thủ tục hành chính (TTHC) được giao dịch trực tuyến  là: Bộ Ngoại giao, Bộ Y tế, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tư pháp, Bộ Thông tin và Truyền Thông.

 Tại địa phương, có 58/63 tỉnh, thành phố cung cấp tổng số 18.830 DVC trực tuyến mức độ 3 và 4, trong đó DVC cung cấp trực tuyến mức độ 3 là 12.677 dịch vụ, mức độ 4 là 1.153 dịch vụ. Tỷ lệ DVC có phát sinh hồ sơ trực tuyến là 81,67% đối với mức độ 3; 22,63% đối với mức độ 4. Các địa phương có nhiều hồ sơ TTHC được giao dịch trực tuyến là: Hà Nội, An Giang, Đà Nẵng, Lâm Đồng, Ninh Thuận, Tiền Giang, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng6.

 Để đẩy mạnh việc cung cấp DVC trực tuyến, ngày 18/7/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 877/QĐ-TTg ban hành Danh mục DVC trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 để các bộ, ngành, địa phương thực hiện trong 2 năm (2018 – 2019). Chất lượng cung cấp DVC trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp tại các bộ, ngành, địa phương ngày càng được nâng cao với số lượng hồ sơ TTHC được xử lý trực tuyến mức độ 3, 4 liên tục tăng, nhất là trên các lĩnh vực thuế, hải quan, tư pháp.

 Theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông, đến nay, tỷ lệ DVC có phát sinh hồ sơ trực tuyến ở các bộ, ngành trung ương đạt khoảng 33,41%; ở các địa phương bình quân đạt khoảng 10,78% 7. Một số bộ, ngành, địa phương có nhiều hồ sơ trực tuyến mức độ 3 và 4, điển hình như: Bảo hiểm xã hội Việt Nam với gần 200 triệu hồ sơ (mỗi DVC có trên 80% hồ sơ trực tuyến); Bộ Tài chính trên 20 triệu hồ sơ (mức độ 4 là gần 14 nghìn hồ sơ); Bộ Công Thương gần 1,4 triệu hồ sơ; Bộ Ngoại giao trên 800 nghìn hồ sơ; Bộ Thông tin và Truyền thông gần 200 nghìn hồ sơ; TP.  Hà Nội trên 520 nghìn hồ sơ; TP. Hồ Chí Minh trên 240 nghìn hồ sơ; tỉnh Lâm Đồng trên 110 nghìn hồ sơ; TP. Đà Nẵng trên 77 nghìn hồ sơ…8.

 Bên cạnh đó, Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính đang triển khai có hiệu quả hệ thống Dịch vụ thuế điện tử (eTax) tại 15 cục thuế các tỉnh. Khi sử dụng eTax tại địa chỉ http://thuedientu.gdt.gov.vn, người nộp thuế có thể tiếp cận, quản lý tất cả các dịch vụ thuế điện tử trên cùng một hệ thống đã được tích hợp nhiều chức năng, thay vì phải đăng nhập vào nhiều ứng dụng khác nhau như trước đây. Đồng thời, eTax được thiết kế với giao diện trực quan và khoa học để người nộp thuế dễ dàng tìm hiểu và sử dụng. Đối với các tổ chức, cá nhân đã có giao dịch với cơ quan thuế trên hệ thống khai thuế, nộp thuế điện tử thì mọi thông tin về tài khoản giao dịch, hồ sơ của người nộp thuế sẽ tự động được cập nhật và chuyển sang hệ thống mới.

 Thứ ba, về xây dựng các cơ sở dữ liệu quốc gia làm nền tảng cho xây dựng CPĐT, hiện nay, đã triển khai Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký kinh doanh, Cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC; ngoài ra, đang triển khai các cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đất đai, bảo hiểm, tài chính. Bên cạnh đó, các bộ, ngành, địa phương đã tăng cường xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên ngành để phục vụ công tác quản lý của mình.

 Như vậy, việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT của các bộ, ngành, địa phương đã mang lại kết quả tích cực, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan HCNN, nâng cao chất lượng cung cấp DVC cho người dân, tổ chức.

  1. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động ứng dụng CNTT nhằm phục vụ công cuộc CCHC vẫn còn một số hạn chế:

 Một là, hạ tầng CNTT mặc dù đã được cải thiện nhưng còn yếu kém, không đồng bộ, thiếu kết nối mạng hoặc kết nối không thông suốt dẫn đến hạn chế khả năng triển khai ứng dụng phần mềm và cơ sở dữ liệu. Nhiều cơ quan, đơn vị mới chỉ coi trọng đầu tư phần cứng, máy chủ, chưa chú trọng xây dựng kết nối mạng để chia sẻ dữ liệu và thông tin. Công nghệ và năng lực của các nhà cung cấp giải pháp CNTT cho CPĐT tại các địa phương còn một số bất cập, thiếu sự cạnh tranh lành mạnh, chưa minh bạch trong nghiệm thu sản phẩm.

 Hiện nay, nhiều địa phương đã xây dựng phần mềm một cửa nhưng không tích hợp được với dữ liệu của các bộ chuyên ngành, chẳng hạn, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu tuy đã xây dựng phần mềm một cửa nhưng không tích hợp được với dữ liệu của 5 bộ chuyên ngành: Giao thông vận tải; Lao động, Thương binh và Xã hội; Kế hoạch và Đầu tư; Tư pháp; Công Thương. Tỉnh cũng đã có văn bản đề nghị được tích hợp dữ liệu với các bộ này nhưng hiện mới chỉ có Bộ Kế hoạch và Đầu tư đồng ý kết nối9.

 Hai là, còn thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ quản trị, vận hành, khai thác các hệ thống thông tin đã được đầu tư, đặc biệt là cán bộ quản trị cho Trung tâm tích hợp dữ liệu tỉnh, quản trị mạng tại các địa phương.  Đội ngũ CBCC thuộc các đơn vị cấp xã, vùng sâu, vùng xa, hải đảo khai thác, sử dụng các ứng dụng (internet, máy tính) nói chung và các hệ thống thông tin còn nhiều hạn chế.

 Ba là, một số địa phương cung cấp nhiều TTHC nhưng không phát sinh một hồ sơ nào trên môi trường điện tử, do cung cấp các DVC trực tuyến thuộc các lĩnh vực ít nhu cầu sử dụng, chưa tập trung vào các lĩnh vực giải quyết nhu cầu, búc xúc của người dân (như xây dựng, đất đai,…), công tác thông tin, phổ biến, hướng dẫn sử dụng còn hạn chế, chưa sâu rộng,…

 Bên cạnh đó, DVC trực tuyến tuy có tăng về số dịch vụ nhưng dịch vụ ở mức độ 3, 4 còn thấp. Hơn nữa, các dịch vụ này ở các địa phương triển khai riêng lẻ, chưa đồng bộ dẫn đến trùng lắp, khó có khả năng kết nối, chia sẻ. Một số địa phương công khai số liệu, kết quả giải quyết TTHC trên phần mềm còn chưa đúng so với kết quả kiểm tra thực tế.

 Nguyên nhân chủ yếu của vấn đề trên là nhiều cấp, nhiều ngành chưa xác định rõ lộ trình và các nhiệm vụ cụ thể để triển khai việc ứng dụng CNTT, còn thiếu gắn kết giữa ứng dụng CNTT với cải cách TTHC và đổi mới lề lối, phương thức làm việc, nhất là trong quan hệ với người dân, doanh nghiệp; chưa phát huy vai trò của người đứng đầu trong chỉ đạo thực hiện.

 Bên cạnh đó, chưa có quy định về kết nối, chia sẻ dữ liệu trong hoạt động của cơ quan nhà nước; thiếu các quy định cụ thể về văn thư, lưu trữ điện tử, về giá trị pháp lý của văn bản điện tử và về quy định việc sử dụng các văn bản điện tử trong giao dịch hành chính. Bên cạnh đó, việc bảo đảm an toàn, an ninh cho hệ thống thông tin của các cơ quan nhà nước chưa được quan tâm đúng mức. Các chính sách ưu đãi thúc đẩy phát triển, ứng dụng CNTT chậm được triển khai.

  1. Để tiếp tục kế thừa, phát huy những thành quả đạt được, đẩy mạnh việc ứng dụng CNTT, từng bước hiện đại hóa nền HCNN, góp phần xây dựng Chính phủ kiến tạo, phát triển, liêm chính, hành động, phục vụ người dân, doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, thời gian tới, cần tiếp tục tập trung vào những nội dung sau:

 Thứ nhất, các bộ, ngành, địa phương cần tăng cường triển khai có hiệu quả Kiến trúc CPĐT sau khi ban hành; nâng cao hiệu quả sử dụng phần mềm quản lý văn bản và điều hành tác nghiệp10; đẩy mạnh việc xây dựng và sử dụng các phần mềm dùng chung, cơ sở dữ liệu, bảo đảm tính tương thích, đồng bộ và thông suốt để nâng cao hiệu quả chỉ đạo, điều hành của người đứng đầu cơ quan HCNN các cấp.

 Thường xuyên rà soát, nâng cao chất lượng và hiệu quả cung cấp DVC trực tuyến mức độ 3 và 4 theo các danh mục đã được phê duyệt tại Quyết định số 846/QĐ-TTg ngày 09/6/2017 và Quyết định số 877/QĐ-TTg ngày 18/7/2018 của Thủ tướng Chính phủ. Trường hợp cung cấp DVC trực tuyến ngoài danh mục đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thì phải bảo đảm các tiêu chí thực hiện trực tuyến và có số lượng hồ sơ giao dịch lớn.

 Thứ hai, các bộ, ban, ngành trung ương cần sớm xây dựng, triển khai các cơ sở dữ liệu đồng bộ từ Trung ương đến địa phương nhằm đáp ứng yêu cầu công tác quản lý nhà nước, CCHC. Cần sớm có văn bản hướng dẫn quy định việc kết nối chia sẻ dữ liệu giữa bộ, ngành trung ương với các tỉnh, thành phố.

 Bên cạnh đó, tích cực trong việc xây dựng Cổng DVC quốc gia và triển khai Hệ thống thông tin một cửa điện tử kết nối Cổng DVC bộ, ngành, địa phương. Đây là hệ thống quan trọng để kết nối Chính phủ với người dân và doanh nghiệp, thể hiện tinh thần phục vụ của Chính phủ. Cổng DVC quốc gia cần tiến tới là một hiện diện số nhất quán, đầy đủ và thân thiện của Chính phủ phục vụ người dân và doanh nghiệp 11. Khẩn trương hoàn thiện các ứng dụng CNTT phục vụ cho việc quản lý chuyên ngành, kiểm tra chuyên ngành, kết nối vào Cổng thông tin một cửa quốc gia; phổ biến, tập huấn rộng rãi cho cộng đồng doanh nghiệp biết để tham gia sử dụng.

 Thứ ba, tập trung xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ quản trị, vận hành, khai thác các hệ thống thông tin đã được đầu tư, đặc biệt là cán bộ quản trị cho Trung tâm tích hợp dữ liệu tỉnh, quản trị mạng tại các địa phương.  Điều chỉnh cơ chế đầu tư đặc thù cho CNTT, tăng cường xã hội hóa để phát huy hiệu quả hợp tác công – tư trong công tác này. Đồng thời, cần tổ chức đào tạo, tập huấn, khai thác sử dụng các hệ thống thông tin, sử dụng DVC trực tuyến mức độ 3, 4 cho người dân, doanh nghiệp. Hằng năm, cân đối thêm nguồn lực cho chương trình phát triển và ứng dụng CNTT để hiện đại hoá nền hành chính, trong đó ưu tiên các tỉnh miền núi, các tỉnh còn nhiều khó khăn.

Chú thích:
1, 2, 6. Báo cáo số 6790/BC-BNV ngày 22/12/2017 của Bộ Nội vụ về tình hình thực hiện công tác cải cách hành chính năm 2017.
3, 4, 5, 7, 8, 9, 10. Báo cáo số 6248/BC-BNV ngày 24/12/2018 của Bộ Nội vụ về tình hình thực hiện công tác cải cách hành chính năm 2018.
11. Mai Tiến Dũng. Xây dựng chính phủ điện tử hướng tới chính phủ số và nền kinh tế số ở Việt Nam. htpp:vpcp.chinhphu.vn, ngày 09/8/2018.

 TS. Nguyễn Thị Tuyết Vân
Trường Đại học Lao động – Xã hội

  

  

  

  

  

 Tag: trạng sáng chuẩn kỹ thuật