Vài nét về gỗ thị trường nhập khẩu từ nam phi

 Nam Phi là quốc gia sớm gia nhập Tổ chức FSC (Forest Stewardship Council), là một tổ chức quốc tế phi lợi nhuận về quản lý rừng bền vững. Các nước ASEAN và một số nước khác đang hạn chế tiến dần tới cấm khai thác rừng tự nhiên thì việc khai thác, chế biến, nhập khẩu gỗ tại Nam Phi có ý nghĩa quan trọng đối với ngành sản xuất đồ gỗ xuất khẩu của Việt Nam, phải nhập khẩu gỗ nguyên liệu tới 80%, đặc biệt trong bối cảnh ngành đồ gỗ xuất khẩu phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu ngày càng lớn. Sau năm 2005, Mỹ và hầu hết các nước EU bắt buộc các sản phẩm đồ gỗ nhập khẩu phải có chứng nhận FSC.

 Việc các doanh nghiệp trong nước đầu tư xây dựng kho ngoại quan, nhà máy sơ chế gỗ, mua quyền khai thác rừng, nhập khẩu gỗ nguyên liệu tập trung từ thị trường Nam Phi sẽ góp phần tích cực ổn định nguồn cung cấp gỗ nguyên liệu, hạ giá thành để tăng sức cạnh tranh.

 Diện tích rừng chiếm 1,9% tổng diện tích đất của Nam Phi. Hiện quốc gia này có ba loại rừng: Rừng tự nhiên (diện tích khoảng 900.000ha, hiện đang được bảo vệ nghiêm ngặt); rừng cây bụi; rừng trồng thương mại (tổng diện tích 1,3 triệu ha, phục vụ cho mục đích thương mại và công nghiệp) cung cấp các loại gỗ nguyên liệu thông, bạch đàn, keo… Năm 2002/2003, khoảng 10 triệu tấn gỗ được xuất bán dưới dạng bột gỗ, 5,2 triệu m3 gỗ được xuất bán dưới dạng gỗ tròn hoặc gỗ xẻ, 560 ngàn tấn dưới dạng gỗ hầm mỏ.

 Cả nước hiện có khoảng 194 nhà máy gỗ đang hoạt động trong đó có 109 nhà máy xẻ gỗ (bao gồm gỗ dán và gỗ ván), 42 nhà máy sản xuất cọc gỗ, 22 nhà máy sản xuất bột gỗ, gỗ ván ép, mùn cưa, 15 nhà máy sản xuất gỗ hầm mỏ. Ngành gỗ rừng đóng góp 10% vào thu nhập của ngành nông nghiệp trong GDP, 9% vào ngành công nghiệp, 4% kim ngạch ngoại thương, 2% tổng GDP, tạo việc làm cho 500.000 người. Sản lượng gỗ năm 2003: gỗ tròn 5,2 triệu m3, cọc gỗ 487 ngàn m3, gỗ hầm mỏ 560 ngàn m3, bột gỗ 10 triệu tấn, than củi và củi 180 ngàn tấn. Dự kiến khả năng cung cấp gỗ của Nam Phi đạt 35 triệu m3 gỗ vào năm 2025 (so với năm 2004 đạt khoảng 20 triệu m3).

 Nhập khẩu gỗ từ Nam Phi có khó khăn gì?

 Mặc dù Nam Phi có sản lượng gỗ tròn, gỗ xẻ khoảng 5 triệu m3/năm, nhưng các chủng loại gỗ Việt Nam cần nhập khẩu (hai loại bạch đàn có khả năng thay thế gỗ cứng nhập khẩu từ Indonesia) không có nhiều. Dự tính trước mắt có thể nhập khẩu được 100.000 đến 200.000 m3/năm. Đây là nguồn cung cấp nguyên liệu rất tốt để sản xuất hàng xuất khẩu của ta đặc biệt là xuất khẩu sang EU vì phần lớn đều là gỗ có chứng chỉ FSC.

 Khó khăn lớn nhất của việc nhập khẩu gỗ từ Nam Phi là cước phí vận chuyển từ Nam Phi về Việt Nam quá cao (chiếm 60-70% giá nhập khẩu CIF). Vì vậy các doanh nghiệp Việt Nam cần có biện pháp sơ chế tại chỗ (cưa, xẻ. ..) để tăng khối lượng vận chuyển (bằng container) và giảm cước vận chuyển. Việt Nam nhập khẩu gỗ nguyên liệu từ Nam Phi đạt khoảng 6,4 triệu USD năm 2004 và hơn 5 triệu USD.

 Về lâu dài, chúng ta cần mở rộng thị trường nhập khẩu gỗ sang các nước châu Phi khác như Tanzania, Mozambique, Congo… hiện đang có nguồn gỗ rừng tự nhiên rất phong phú, phù hợp với yêu cầu sản xuất hàng xuất khẩu của ta nhưng chưa khai thác được vì năng lực khai thác và vận chuyển của các nước này rất hạn chế.

 Đẩy mạnh xuất khẩu để nhập khẩu gỗ nguyên liệu

 Để đẩy mạnh nhập khẩu gỗ nguyên liệu từ Nam Phi, tất yếu cần tăng cường xuất khẩu hàng hoá Việt Nam vào Nam Phi. Do đồng Rand của Nam Phi lên giá mạnh so với USD (năm 2004 tăng 70% so với năm 2003) nên giá nhập khẩu gỗ tính bằng USD tăng mạnh. Để khắc phục yếu tố tiền tệ thì việc tăng cường xuất khẩu vào Nam Phi trên cơ sở thanh toán bằng đồng Rand để lấy tiền nhập khẩu gỗ là vô cùng cần thiết.

 Khả năng xuất khẩu hàng hoá Việt Nam vào Nam Phi có rất nhiều triển vọng vì thu nhập đầu người của Nam Phi khoảng 10.000 USD/năm. Mặt bằng giá cả cao hơn ta 4-5 lần trong khi các hàng rào bảo hộ (tariff barriers và non-tariff barriers) không chặt chẽ như các nước phát triển. Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Nam Phi đạt 55 triệu USD năm 2004 và hơn 100 triệu USD năm 2005.

 Các mặt hàng Việt Nam xuất khẩu gồm có gạo, giày dép, than đá, sản phẩm gỗ, máy vi tính, hàng thủ công mỹ nghệ, cà phê, hạt điều, hạt tiêu, mỳ gói, xe đạp… Các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam hoàn toàn có khả năng xâm nhập thị trường Nam Phi. Khó khăn lớn nhất trong việc thâm nhập thị trường là việc tiêu thụ hàng hoá ở Nam Phi phần lớn do các công ty siêu thị khổng lồ chi phối. Vì vậy, Việt Nam cần có biện pháp tiếp cận với các công ty siêu thị này hoặc tổ chức các cửa hàng bán lẻ của mình để tiêu thụ sản phẩm.

 Giải pháp đầu tư vào Nam Phi

 Nam Phi có chính sách thu hút đầu tư rất hấp dẫn (giá thuê đất rất thấp, cơ sở hạ tầng rất tốt…) nhưng lại yêu cầu rất ngặt nghèo về sử dụng lao động da màu, trong khi giá nhân công ở Nam Phi rất cao (gấp 15-20 lần Việt Nam). Vì vậy các doanh nghiệp Việt Nam cần lựa chọn đúng các lĩnh vực đầu tư sử dụng nhiều nguyên liệu tại chỗ nhưng hàm lượng lao động sống không nhiều (thí dụ: nhà máy sản xuất dăm gỗ).

 Để đầu tư được vào thị trường Nam Phi, rất cần Bộ Thương mại và các cơ quan đại diện của Việt Nam tại Nam Phi hỗ trợ mạnh mẽ cho các doanh nghiệp về thông tin, đặc biệt là thông tin về hệ thống luật pháp, chính sách về thương mại và đầu tư của Nam Phi; đồng thời hỗ trợ các doanh nghiệp thông qua các chương trình xúc tiến thương mại tại thị trường này, giúp các doanh nghiệp liên kết thành những tập đoàn mạnh, kết hợp xuất khẩu với nhập khẩu.

 Đưa các dự án đầu tư kinh doanh kho ngoại quan tại Nam Phi vào chương trình xúc tiến thương mại trọng điểm quốc gia để được hưởng một phần hỗ trợ của Nhà nước nhằm xây dựng Tổng kho ngoại quan, phục vụ hoạt động xuất nhập khẩu, xúc tiến thương mại lâu dài tại thị trường Nam Phi và các nước trong khu vực. Mặt khác, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng nên sửa đổi thủ tục xét duyệt dự án đầu tư ra nước ngoài theo hướng đơn giản, thuận tiện hơn để tạo điều kiện cho các công ty Việt Nam đầu tư mở nhà máy sản xuất dăm gỗ, sơ chế gỗ tại Nam Phi.

 Nhập khẩu gỗ bạch đàn từ Nam Phi, cần lưu ý:

 Hiện nay xuất hiện một số công ty cung cấp gỗ của Nam Phi dựa vào sự giống nhau về bề ngoài và vỏ cây giữa hai loại gỗ bạch đàn Eucalyptus fastigata và Eucalyptus microcorys (còn được gọi là Tallow wood) để lừa những công ty nhập khẩu gỗ nguyên liệu cả tin. Màu sắc của hai loại cây giống nhau.

 Trên thực tế loại gỗ bạch đàn Eucalyptus fastigata là loại gỗ chất lượng thấp, chỉ phù hợp với ngành công nghiệp bột giấy. Do chất lượng sử dụng và giá trị của hai loại gỗ có một khoản chênh lệch khá lớn nên một số công ty của Nam Phi đã xuất khẩu hàng khác với quy định của hợp đồng.

 Về mặt kỹ thuật có hai cách để phân biệt được hai loại gỗ này:

 – Bẻ cành lấy một ít lá của cây bạch đàn Eucalyptus microcorys và vò nát. Khi đưa lên mũi ngửi, ta hoàn toàn không thấy có mùi của bạch đàn. Trong khi lá cây Eucalyptus fastigata rất nặng mùi bạch đàn.

 – Nếu cây đã được đốn xuống, thì phân biệt hai loại cây này rất dễ. Bạch đàn Eucalyptus microcorys có một vòng tròn trong thân cây trong khi loại bạch đàn Eucalyptus fastigata không có. Loại bạch đàn Eucalyptus microcorys là một trong rất ít loại bạch đàn có vòng xuyến trong thân cây.

 Nguồn: https://nhandan.com.vn/tin-tuc-kinh-te/nam-phi-thi-truong-cung-cap-go-nguyen-lieu-443124

  

  

  

  

  

  

  

 Tag:  gõ lát