VUA TRẦN THÁNH TÔNG, MỘT VỊ VUA ANH MINH TRIỀU TRẦN

 Thánh Tông Hoàng đế lên ngôi năm 1258 đến năm 1278, tên huý là Hoảng, con trưởng của vua Trần Thái Tông và bà Thuận Thiên công chúa họ Lý. Ông sinh ngày 25 tháng 9 năm Canh Tý (1240), mất ngày 25 tháng 5 năm Canh Dần (1290), quê gốc tại hương Tức Mặc, phủ Thiên Trường, nay là thôn Tức Mặc, phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định, là vị vua thứ hai của triều Trần. Ông được thừa hưởng hai dòng máu: bên ngoại, mẹ là Hoàng hậu Thuận Thiên con gái cả vua Lý Huệ Tông, một triều đại tôn sùng đạo Phật, lấy “nhân trị” làm quốc sách; bên nội họ Trần, khởi phát từ dân chài lưới trên sông nước, với ý thức rèn luyện văn võ, gắng vươn lên quản lý đất nước một cách xuất sắc, đã xây dựng nền “văn trị”.

 Thái tử Trần Hoảng (Trần Thánh Tông) cùng phụ vương đã không ngần ngại xông pha trận mạc để đánh bại kẻ thù hung hãn khi chúng xâm lăng Đại Việt. Ông được kế vị vào ngày 24 tháng 2 năm Mậu Ngọ (1258) và đặt niên hiệu là Thiệu Long thứ nhất, xưng hiệu là Nhân Hoàng, triều đình dâng tôn hiệu: Kiến Thiên Thế Đạo Đại Minh Quang Hiển hoàng đế. Lên ngôi năm 19 tuổi, trong buổi đầu các công việc do Thượng hoàng quyết định. Từ năm 1262 Thượng hoàng lui về Phủ Thiên Trường, Thánh Tông mới thực sự nắm quyền chính. Sắc phong Trần Thị Thiều, con gái An Sinh Vương Trần Liễu làm Thiên Cảm hoàng hậu.

 Thánh Tông là một vị vua nhân từ ở ngôi hai mươi mốt năm (1258-1278), có nhiều đóng góp trong xây dựng và bảo vệ đất nước. Ông là người biết sử dụng nhân tài, biết chăm lo việc triều chính của Quốc gia Đại Việt.

 Vua Thánh Tông đã định lệ phong ấm cho người trong Hoàng tộc với thời hạn năm đời khiến sự gắn bó giữa quý tộc và triều đình được tăng lên, tạo sức mạnh trong Hoàng tộc “Tông thất duy thành”[1].

 Ông còn nói: “Thiên hạ là thiên hạ của tổ tông, người nối nghiệp tổ tông phải cùng hưởng phú quý với anh em trong họ. Tuy bên ngoài có một người ở ngôi tôn, được cả thiên hạ phụng sự, nhưng bên trong thì ta với các khanh là đồng bào ruột thịt, lo thì cùng lo, vui thì cùng vui. Các khanh nên truyền những lời này cho con cháu để nhớ lâu đừng quên, thế là phúc muôn năm cho tông miếu xã tắc!”[2]. Thánh Tông còn xuống chiếu sau buổi chầu thì vào điện Lan Đình cùng nhau ăn uống, hoặc khi trời tối thì đặt gối dài, trải chăn rộng cùng ngủ liền giường với nhau, nhưng khi lễ lớn, chầu mừng thì phải theo ngôi thứ cao thấp phân minh. Mọi người vừa thân mật vừa kinh sợ, không dám kiêu căng khinh nhờn. Và đây là sự đoàn kết bền chặt, là sức mạnh nội sinh dẫn đến thắng lợi chống đế quốc Nguyên – Mông thế kỷ XIII của Đại Việt:

 “Anh em đệm cả gối dài

 Sân trong yến tiệc, cõi ngoài ấm phong

 Một thiên truyền phụ phép lòng

 Di mưu cho kẻ nối dòng ngày sau

 Văn nho khuya sớm giảng cầu

 Kẻ tu sử ký, người chầu kinh diên

 Bề ngoài nghiêm việc phòng biên

 Kén quân đoàn luyện, tập truyền cửu sa”

 Thánh Tông hết lòng chăm lo việc nước. Đối nội, nhà vua khuyến khích khai khẩn đất hoang, mở mang điền trang thái ấp bằng cách chiêu tập những người nghèo lưu lạc giúp họ an cư lạc nghiệp. Tháng 10 năm Bính Dần (1266), Thánh Tông xuống chiếu cho các vương hầu, công chúa, phò mã, phi tần được phép chiêu tập người phiêu tán làm nô tỳ để khai khẩn đất hoang, lập các điền trang thái ấp, vương hầu bắt đầu có trang thực từ đấy.[3]  Nhà vua khuyến khích việc học hành, mở các khoa thi để lựa chọn người tài mà trọng dụng, thời Trần đã xuất hiện “ Lưỡng quốc Trạng nguyên” Mạc Đĩnh Chi, nhà sử học Lê Văn Hưu. Đặc biệt mùa xuân năm Nhâm Thân (1272) Hàn lâm viện Học sĩ kiêm Quốc sử viện Giám tu Lê Văn Hưu vâng sắc chỉ soạn xong bộ Đại Việt sử ký từ Triệu Vũ đến Lý Chiêu Hoàng gồm 30 quyển. Bộ Đại Việt sử ký soạn xong dâng lên vua, được vua Trần Thánh Tông quan tâm và khen ngợi[4].

 Tháng Chạp năm Giáp Tuất (1274), đức vua Trần Thánh Tông phong Hoàng tử Khâm làm Hoàng thái tử, lấy con gái trưởng của Trần Quốc Tuấn làm phi cho Thái tử[5].

 Thánh Tông hoàng đế cho tìm người thông hiểu kinh sách làm Tư nghiệp Quốc Tử Giám. Ai biết giảng dạy Tứ thư, Ngũ kinh được vời vào hầu vua và dạy hoàng tử. Lê Phụ Trần (Lê Tần) được làm Thiếu sư kiêm chức sử cung giáo thụ ở cung Thái Từ. Nhà vua còn đích thân viết thơ để dạy hoàng tử và làm tập “Di hậu lục” gồm hai quyển truyền cho đời sau.

 Đối ngoại, lúc đó nhà Nguyên đã chiếm toàn bộ Trung Quốc của nhà Tống, đang chuẩn bị điều kiện để thôn tính Đại Việt, chúng sai sứ sang phong vương cho vua Trần Thánh Tông và bắt nước ta cứ ba năm một lần cống nạp nho sĩ, thày thuốc, thày bói, thày tướng số và những nghệ nhân giỏi, mỗi loại ba người cùng với những sản vật: sừng tê giác, ngà voi, đồi mồi, châu báu và những báu vật lạ khác, chúng còn đòi đặt quan Trưởng ấp để đi lại giám sát các châu, quận Đại Việt để chuẩn bị xâm lược nước ta.

 Vua Trần Thánh Tông đã thực hiện chính sách ngoại giao mền dẻo nhưng rất kiên quyết, nhằm bảo vệ danh dự và nền độc lập của Tổ quốc. Mặt khác quan tâm đến việc luyện tập quân sĩ, tích trữ lương thực, vũ khí chuẩn bị cho cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ hai. Tháng 3 năm Nhâm Tuất (1262) vua Trần xuống chiếu cho các đạo sản xuất binh khí, đóng thuyền chiến và cho quân tập trận ở chín bãi phù sa sông Bạch Hạc.[6] Nhiều lần Thánh Tông sai sứ thần sang nhà Nguyên cống nạp để làm dịu tình hình, kéo dài thời gian hoà hoãn, tích lương thảo dồi dào chuẩn bị kháng chiến. Năm Tân Mùi (1271) vua Mông Cổ là Hốt Tất Liệt nhân đổi quốc hiệu là Đại Nguyên, rồi sai sứ đòi vua Thánh Tông vào chầu. Vua Thánh Tông cáo bệnh không đi. Năm sau vua Nguyên lại sai sứ sang đòi tìm cột đồng trụ của Mã Viện trồng ngày trước, nhưng Thánh Tông sai sứ nói rằng cột ấy lâu ngày mất đi rồi không biết đâu mà tìm.

 Năm Ất Hợi (1275), Thánh Tông sai sứ sang nhà Nguyên nói rằng: Nước Nam không phải là nước Mường Mán mà đặt quan giám trị, xin đổi quan Đại lỗ hoa xích làm quan Dẫn tiến sứ. Vua Nguyên không cho, vua Thánh Tông cũng không chịu. Từ đấy vua Nguyên thấy dùng mưu không được, quyết ý cử binh sang chiếm nước ta, nên cho quân do thám nước ta. Bên ta cũng cho quân canh phòng nghiêm ngặt.

 Năm Đinh Sửu (1277), Thái thượng hoàng Thái Tông mất. Năm sau, Mậu Dần (1278), Thánh Tông nhường ngôi cho Thái tử Khâm, rồi về cung Trùng Quang, phủ Thiên Trường làm Thái thượng hoàng. Khi giặc Nguyên lại lăm le xâm lược nước ta ông cùng vua con tổ chức hội nghị Bình Than (1282), hội nghị Diên Hồng (1284), phát động tinh thần yêu nước của toàn dân. Ông trực tiếp tham gia lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Nguyên – Mông, góp phần làm nên chiến thắng lịch sử năm 1285 và 1288, bẻ gãy ý đồ xâm lược của kẻ thù. Do đoán trước được nguy cơ xâm lược của thế lực phong kiến phương Bắc, một đế quốc hùng mạnh, Thánh Tông biết lo xa đã tuyển lựa dân đinh khoẻ mạnh bổ sung cho quân đội, đồng thời kiện toàn bộ máy chỉ huy quân sự của vương triều.

 Vai trò Thượng hoàng vô cùng quan trọng dù trong bối cảnh nội tộc có sự bất hoà, nhưng ông vẫn tin tưởng và cử Trần Quốc Tuấn làm Quốc công tiết chế thống lĩnh toàn quân. Phải nói Thượng hoàng Thánh Tông có con mắt tinh đời hơn người nên vừa chọn được hiền tài, lại làm vơi đi hiềm khích, củng cố sức mạnh đoàn kết trong Hoàng tộc nhà Trần.

 Người thống nhất quan điểm với Hưng Đạo Vương về “Lấy dân làm gốc” chính là Thánh Tông và nhờ những quan điểm ấy nên cuộc kháng chiến chống quân Nguyên nhanh chóng thắng lợi đưa lại chiến công huy hoàng về cho đất nước Đại Việt.

 Thánh Tông thấu hiểu công lao cũng như xương máu của quân và dân nên sau mỗi trận đánh, Thượng hoàng cùng vua cho hội họp luận bàn công trạng để ban thưởng cho quân cũng như dân. Ông cũng nói rõ quan điểm của nhà vua chống tư tưởng thích ban khen nhiều, thưởng thật hậu, mà sách Đại Việt sử ký toàn thư đã đề cập: “Các người quả biết rõ là giặc Hồ nhất định không dám xâm lấn nữa thì nói rõ cho trẫm biết, dù có thăng lên đến cực phẩm trẫm cũng không tiếc. Nếu không thế đã vội thưởng hậu, lỡ ra giặc Hồ trở lại mà bọn ngươi lại lập công nữa thì trẫm lấy gì mà thưởng để khuyến khích thiên hạ” (Đại Việt sử ký toàn thư, bản kỷ, q. 5, tr. 70).

 Sau chiến thắng Nguyên – Mông, triều đình định công lao tướng sĩ. Ai có công lớn được chép vào sách “Trung hưng thực lục” và được vẽ hình lưu lại làm gương, đặc biệt là có định lệ phong ấm tới năm đời để “cố kết” lòng trung thành với triều đình.

 Trần Thánh Tông không những là vị vua anh hùng trong 3 cuộc kháng chiến chống đế quốc Nguyên – Mông mà ông còn để lại cho chúng ta nhiều tác phẩm hay. Nổi bật là sau khi nhường ngôi ông đã chú trọng nghiên cứu Thiền tông, cuối đời ông đi tu lấy hiệu Vô Nhi Thượng. Bản tính ông ham thích làm thơ, ông có viết: “Trần Thánh Tông thi tập”, thơ ông bị thất lạc nhiều nay chỉ còn một số bài như “Cảnh mùa hè”, “Ra phủ an bang”… làm theo thể Đường luật hiện chép tại Lịch triều hiến chương loại chí và Toàn Việt thi lục. Một số tác phẩm như: “Chỉ giá minh”, “Cơ cừu lục”, “Di hậu lục”, “Hoàng tông ngọc diệp”, “Phóng cuồng ngưu”, là những công trình công phu đáng giá, nhưng thật đáng tiếc là các tác phẩm trên đều không còn. Song qua một số bài thơ còn lại có thể khẳng định chất trữ tình, phóng khoáng thể hiện tinh thần chiến đấu quật cường, ý thức dân tộc sâu sắc. Ông là một tác gia Hán – Nôm được lưu danh thiên cổ.

 Sách “Thánh đăng thực lục” chép được một số bài thơ về Thiền học và một số câu vấn đáp về Phật học.

 Trong những bài thơ còn lại tới ngày nay trong thi tập của vua Thánh Tông, nổi tiếng nhất là bài Hạnh Thiên Trường hành phủ (Chơi hành cung Thiên Trường).

 Hạnh Thiên Trường hành phủ

 Cảnh thanh nhã, vật cũng thanh nhã

 Đây là một trong mười một châu thần tiên

 Trăm giọng chim là trăm bộ sáo đàn

 Hàng ngàn ngọn quýt là hàng ngàn tôi tớ

 Trăng nhàn hạ soi người nhàn hạ

 Nước mùa thu ngậm trời mùa thu

 Bốn bể đã trong, bụi đã lắng

 Năm nay chơi thu hơn hẳn cuộc đi chơi năm xưa

 Dịch thơ:

 Chơi hành cung Thiên Trường

 Cảnh thanh u, vật cũng thanh u

 Mười một tiên châu đây là một

 Trăm tiếng đàn ca chim sánh giọng

 Nghìn hàng tôi tớ quất nhô đầu

 Trăng vô sự chiếu người vô sự

 Nước ngậm thu lồng trời ngậm thu

 Bốn bể đã trong như đã lắng

 Năm nay chơi thu vượt năm nao

 (Nguyễn Đổng Chi – dịch)

 Đây là bài thơ rất đặc sắc, kết hợp hài hoà tinh thần tự hào dân tộc của người chiến thắng với tấm lòng yêu cuộc sống bình yên, khi đất nước thanh bình, biểu hiện vua Thánh Tông “văn tức là người vậy”.

 Trên đây là tâm sự của nhà thơ sau khi cha con ngài bôn ba nơi chiến trận đánh quân Nguyên – Mông xâm lược. Dẹp xong bọn giặc giày xéo non sông đất nước, quân dân ca khúc khải hoàn, nhà vua trở lại thôn quê thấy cảnh sinh tình, nghĩ lại những việc đã qua khi vận nước nghiêng ngả tưởng không còn có được ngày nay, nên đã thốt ra lời thơ cảm xúc, phiêu diêu của một vị đế vương có tâm hồn đạo sĩ và nghệ sĩ. Rõ ràng văn thơ Thánh Tông dù là thơ văn chiến trận, hay cảm hoài tả cảnh, tả tình đều gắn bó với nhân dân, với cuộc sống, với cuộc kháng chiến chống xâm lược. Tác giả đã sẵn có tâm hồn thiền tinh tuý nơi tâm linh với tôn giáo và ngay cả trong hành động. Đối với cái tâm thiền ấy thì “Chân là Mỹ và Mỹ là Chân”. Tuyệt đối là Chân – Thiện – Mỹ và tương đối là đời sống thế gian thị phi, thiện ác. Vua Trần Thánh Tông ở đây đã cảm nhận sự dung hoà giữa thiện – ác, xấu – tốt, nhân cảnh vật hiện ở trước mắt, ngài liên tưởng một tiên cảnh bồng lai:

 Cảnh thanh u, vật diệc thanh u

 Thập nhị tiên châu, thử nhất châu

 Thực tế vị tất đã đẹp đến thế? Vì chiến trận cảnh chém giết tàn phá, tội ác, lầm than cực khổ vẫn chưa phai mờ. Ngài mơ tưởng một thế giới thần tiên cho nhân dân cũng như cho chính mình trong ấy tràn đầy nguồn sống cho tất cả, cho cảnh tình cũng như cho sự vật hết thảy đều vui vẻ, ai nấy đều được hân hoan:

 Bách hộ sinh ca, cầm bách thiệt

 Thiên hàng nô bộc quất thiên đầu

 Tâm của Người dường như thanh thản để phục hồi đời sống thế gian, như ánh trăng sáng soi chiếu chung cả đất trời không riêng tư, trong trẻo như nước mùa thu phản chiếu cả một bầu trời thu man mác:

 Nguyệt vô sự chiếu nhân vô sự

 Thuỷ hữu thu hàm thiên hữu thu

 Theo Tuệ Trung thượng sĩ thì tinh thần thiền học của vua Thánh Tông hợp nhất cả trí tuệ của thiền học với tình yêu của giáo tôn cùng sự quan tâm cứu khổ, cứu nạn. Sự hợp nhất ấy không những tỏ rõ ở người anh hùng chiến thắng quân Mông Cổ, mà còn hiểu để hoà mục trong nhà, trong họ, nhân từ đối với dân trong nước. Thơ của Thánh Tông còn cho thấy nghệ thuật cao siêu qua câu thơ ở mỗi trước tác. Với vua Thánh Tông “Đạo học là thi ca, và thi ca là đạo học”.

 Nguyệt vô sự chiếu nhân vô sự

 Thuỷ hữu thu hàm thiên hữu thu

 Trăng hồn nhiên không bận lòng với những lo lắng của con người, soi sáng lòng người thoát tục thảnh thơi. Nước thu trong phản chiếu cảnh trời thu trong. Thật là trong ngoài tương ứng, cho nên Lê Trừng đã nhận định về con người Trần Thánh Tông: “Tự tính thanh cao, thiên nhiên phú quý quốc quân phong vị dữ nhân từ biết hỷ”. Nghĩa là tự bẩm tính nhà vua thanh cao, giàu sang phong vị đế vương một nước, khác hẳn với người ta vậy!

 Các tác gia văn học thời đầu thịnh Trần đều là những nhà trí thức lớn nhưng vị trí xã hội khác nhau và họ đã mở nước giữ gìn và phát triển triều Trần từ buổi ban đầu cho đến khi cực thịnh. Một phương diện nữa của văn học thời kỳ thịnh Trần. Văn học thời kỳ này không ít tác phẩm của nhà nho, nhưng đâu đó lại mang triết lý Phật học. Trong khi đó một số bài thơ của Thánh Tông lại có tư tưởng Nho gia, những câu thơ của Trần Nhân Tông cùng Thượng hoàng làm sau khi đánh tan giặc Nguyên được đời đời truyền tụng:

 Xã tắc hai phen chồn ngựa đá

 Non sông thiên cổ vững âu vàng.[7]

 Một thuở công danh thiên hạ có

 Hai triều trung hiếu thế gian không

 Phan Huy Chú trong bộ Lịch triều hiến chương loại chí có nhận xét: “Thơ Trần Thánh Tông các bài đều có phong vị thơ Đường”.

 Trần Thánh Tông là vị vua không chỉ có tài thu phục nhân tâm cùng những quyết sách để an dân, lấy sự thanh bình cho đất nước. Một ông vua anh hùng trong kháng chiến đánh tan giặc Nguyên – Mông xâm lược, lại biết lấy đức để trị và chính đức sáng của ông đã quy tụ được toàn dân trong cuộc chiến tranh tự vệ cứu nước đầy gian nguy, khốc liệt.

 Thánh Tông quả là người nhân từ như cổ nhân đã nói: “Duy nhân giả, năng hiếu nhân, năng ố nhân”.  (Duy có người nhân mới biết yêu, ghét người một cách chính đáng).

 Trương Hán Siêu, một danh sĩ thời Trần, trong bài Bạch Đằng Giang phú đã ca ngợi công đức nhà vua:

                             Anh minh hai vị thánh quân

                            Bởi đâu đất hiểm cốt mình đức cao.

 Ngày 25 tháng Năm năm Canh Dần (1290) Thượng hoàng băng ở cung Nhân Thọ, đến ngày 15 tháng 12 cùng năm táng Thượng hoàng ở Dụ Lăng, miếu hiệu là Thánh Tông truy tôn là Huyền Công Thịnh Đức Nhân Minh, Văn Vũ Tuyên Hiếu Hoàng Đế. Tại Cố hương Tức Mặc hậu thế lập miếu hiệu, tạc tượng bằng đồng thờ vua tại cung Trùng Quang, Trùng Hoa nay là đền Thiên Trường và đền Trùng Hoa là nơi lúc sinh thời khi làm vua cũng như lúc đã lui về làm Thái thượng hoàng, Trần Thánh Tông thường lui tới bàn kế sách đánh giặc Nguyên Mông và phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội đưa Đại Việt lên đỉnh cao về võ công văn trị.

 

                Trịnh Thị Nga

               Cán bộ Ban Quản lý Di tích Lịch sử Văn hóa Đền Trần, Chùa Tháp – Thành phố Nam Định

 [1] Bức đại tự hiện đang được treo tại đền Cố Trạch, phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định.

 [2] Đại Việt sử ký toàn thư, tập II, Bản dịch của Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1998, tr. 37.

 [3] Đại Việt sử ký toàn thư, tập II, Bản dịch của Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1998, tr. 36.

 [4] Đại Việt sử ký toàn thư, tập II, Bản dịch của Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1998,tr. 38.

 [5] Đại Việt sử ký toàn thư, tập II, Bản dịch của Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1998,tr. 39.

 [6]Đại Việt sử ký toàn thư, tập II, Bản dịch của Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1998, tr. 33.

 [7] Câu đối hiện đang treo tại trước cửa cung cấm đền Thiên Trường, phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định.

Nguồn: http://namdinh.org.vn/thanhphonamdinh/1227/29395/39301/105062/Van-hoa—Xa-hoi/-VUA-TRAN-THANH-TONG–MOT-VI-VUA-ANH-MINH-TRIEU-TRAN-.aspx

  

  

  

  

  

  

  

 Tag: đà nẵng 1 bán vuvuzela 2b thpt tang 2a