Ngoại thành Hà Nội có một cổ trấn chính là Đường Lâm – điểm đến lý tưởng cho du khách muốn tạm thời tránh xa nơi phố thị xô bồ.
 Nhắc đến làng quê Bắc Bộ, nhiều người nhớ đến cây đa, bến nước, sân đình, cổng làng… Tất cả những điều này đều có thể được tìm thấy tại Đường Lâm. Nằm cách trung tâm Hà Nội chỉ khoảng 45 km, làng cổ vẫn giữ nét mộc mạc từ quá khứ, hấp dẫn các du khách muốn được trải nghiệm một ngày bình yên, tìm về những nét Việt xưa cũ. Trong hàng vạn ngôi làng của cả nước, đây là ngôi làng đầu tiên nhận danh hiệu Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia.
Buổi sáng
Cổng làng Mông Phụ – Đình làng Mông Phụ – Đi dạo
 Từ Hà Nội, bạn có thể đến Đường Lâm bằng xe buýt, xe khách, hoặc xe máy. Thời gian di chuyển khoảng 1 tiếng.
 Có nhiều lối vào làng cổ, nhưng cổng Mông Phụ vẫn là nơi được du khách chọn làm điểm khởi hành tham quan nhiều nhất. Đây là cổng làng cổ duy nhất còn sót lại ở khu vực Bắc Bộ. Trải qua bao thăng trầm lịch sử, cổng làng vẫn còn rất nguyên vẹn, thấm đậm cái hồn làng quê miền Bắc. Đây là nơi phân cách cánh đồng làng với khu vực mà người dân sinh sống. Cổng làng Mông Phụ như lời chào mộc mạc, vẫy mời du khách vào khám phá cổ trấn xứ Đoài. Bước qua cánh cổng, thời gian trôi chậm lại, hành trình tìm về quá khứ bắt đầu.
 Nằm giữa làng cổ là đình Mông Phụ. Tương truyền rằng đình làng Mông Phụ được xây trên trán một con rồng. Đình được xây dựng từ năm 1684 dưới đời vua Lê Hiển Tông, mang đậm lối kiến trúc cổ của người Việt xưa, được thiết kế theo kiểu chữ Công. Đây là khu vực nhộn nhịp nhất của làng, khi mọi hoạt động tập thể và quan trọng đều diễn ra ở đây. Đứng cạnh sân đình, du khách cảm nhận được không khí xưa cũ khi nhìn thấy những quán ăn, quán nước rất đậm hồn quê.
 Từ đình làng Mông Phụ, du khách có thể tham quan các con đường cổ nằm xung quanh. Khác Hội An với những căn nhà cổ được sơn vàng, ở Đường Lâm các căn nhà cổ đều được xây dựng bằng đá ong, gỗ xoan, gạch đất nung, ngói…
 Ghé thăm một số nhà cổ tại đây, bạn có thể mua tương nếp để làm quà. Những chum tương được bày ngoài sân, thoảng trong không khí mùi mặn mà đặc trưng. Du khách có thể được tự tay mở các chum tương đang được ủ và nghe chủ nhà giải thích kỹ lưỡng về quá trình làm ra một chai tương nếp đúng điệu.
Buổi trưa
Thưởng thức quà quê tại nhà cổ
 Không chỉ là một ngôi làng bảo tồn những nét kiến trúc cổ xưa đặc biệt, đến Đường Lâm bạn còn có cơ hội được thưởng thức các món đặc sản nổi tiếng. Có nhiều nhà cổ được tận dụng làm nhà hàng, trong đó nổi tiếng phải kể đến nhà cổ chú Vững.
 Buổi trưa thật yên bình khi thực khách được ngồi bên sông, thưởng thức những món quà quê giản dị, hít thở không khí trong lành yên tĩnh nơi làng quê. Bạn có thể thử món đặc sản như thịt quay đòn gánh, bánh tẻ, kẹo dồi, gà mía – những thứ làm nên tên tuổi Đường Lâm nói riêng và Sơn Tây nói chung.
Buổi chiều
Tham quan chùa Mía – Khám phá “đất hai vua”
 Ngôi làng không chỉ thu hút du khách yêu thích hoài cổ mà còn hấp dẫn du khách muốn tìm về tâm linh. Chùa Mía giữ kỷ lục Guinness Việt Nam về lượng tượng Phật cổ nhiều nhất khi lưu giữ tới 287 bức tượng cổ, trong đó lưu giữ được 6 pho tượng bằng đồng, 107 pho tượng gỗ và 174 pho tượng đất nung. Ngôi chùa linh thiêng có nhiều bí ẩn xoay quanh. Người dân địa phương nói rằng không ai được chụp ảnh và quay phim trong chùa. Tương truyền, nhiều du khách đã chụp ảnh quay phim và khi xem lại, những hình ảnh và video sẽ biến mất hoặc không còn hoàn chỉnh nữa. Đi chùa, du khách thường cầu sức khỏe và bình an nhưng riêng đến với chùa Mía, đến ban thờ Bà chùa Mía, bạn có thể cầu tài, lộc, công danh.
 Người dân Đường Lâm tự hào là con cháu của “vùng đất hai vua” khi đây là nơi sinh ra hai vị anh hùng dân tộc – Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng và vua Ngô Quyền. Có nhiều đền thờ hai vị vua trên cả nước, nhưng Đường Lâm là nơi lưu giữ đền thờ được đặt chính tại nơi mà hai vua đã sinh ra.
 Đi lễ tại hai đền thờ này, bạn cũng có cơ hội được chiêm ngưỡng những di tích lịch sử thú vị. Đó là núi Hổ Gầm. Tương truyền, đây là nơi Phùng Hưng tay không giết hổ dữ để bảo vệ dân lành.
 Gần đền thờ Ngô Quyền có rặng duối cổ gồm 18 cây. Tương truyền, Ngô Quyền đã buộc voi vào đây. Rặng duối cổ có niên đại hơn 1000 năm. Gắn với vua Ngô Quyền, hiện tại ở đền thờ ngài vẫn còn lưu giữ 2 chiếc cọc từ trận chiến Bạch Đằng lịch sử.
 Dọc đường đến thăm hai di tích lịch sử, du khách sẽ ngửi thấy mùi thơm thoảng trong gió. Đó chính là mùi sắn người dân phơi ngoài đường, giúp du khách có cơ hội được thưởng thức một mùi hương rất “quê”. Đường Lâm luôn bình dị như thế, khiến bất kì ai rời đi cũng phải xao xuyến.
 Nguồn: https://vnexpress.net/cuoi-tuan-song-cham-tai-duong-lam-co-tran-4199037.html
 Tag: nhà cổ đường lâm