GS Trần Đình Sử: May mà tôi không xin gặp nhà thơ Tố Hữu

 VHSG- Từ nhỏ tôi đã thích thơ Tố Hữu. Thơ ông dễ thuộc, dễ nhớ và khêu gợi lòng người. Các bài như Đi đi em, Lão đầy tớ, Vú em, Tiếng hát sông Hương, Dậy lên thanh niên cứ vương vấn trong đầu. Các tập thơ sau của ông nhiều bài khiến tôi yêu thích. Từ yêu thích, rồi thuộc, rồi nghiên cứu, rồi từ nghiên cứu mà quen biết nhà thơ. Tôi đã có nhiều lần trò chuyện với Tố Hữu, đã mời anh vào nói chuyện với sinh viên khoa ngữ văn. Nhiều lần nghe nhà thơ tâm sự. Tiếp cận với anh mới thấy tư tưởng anh có những điểm thay đổi nhiều, suy nghĩ nhiều. Mà theo thời gian tôi cũng nhìn rõ hơn những giới hạn rất lớn của thơ anh. Nó trả lời cho câu hỏi vì sao trong kháng chiến thơ anh được yêu mến phổ biến, mà sau chiến tranh thơ anh có vẻ đang chìm vào quên lãng. Phải chăng đã đến lúc nguyên lí thơ tuyên truyền chỉ nhất thời, còn thơ biểu hiện cá tính thì vĩnh cửu được ứng nghiệm?

 Vào khoảng tháng 6 năm 1990, một hôm anh Hoàng Trinh, viện trưởng văn học gọi điện cho tôi bảo: Anh có bận lắm không, anh nghiên cứu thơ Tố Hữu thì anh nên đến chơi với nhà thơ. Nhà anh ấy trước đây luôn đông khách, bây giờ thì vắng lắm. Tôi bảo, vâng, em sẽ đến. Và tôi liên hệ với anh Tiêu, thư kí của nhà thơ. Hôm ấy lần đầu tiên tôi biết ngôi nhà 76 Phan Đình Phùng có lối sỏi và cây táo nổi tiếng. Tôi đến sớm, nhưng đã có khách. Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn đang làm việc với nhà thơ. Nguyên là giáo sư đang đến làm việc hàng tuần để biên soạn một cuốn từ điển thơ Tố Hữu, kiểu như Từ điển Truyện Kiều của Đào Duy Anh. Một lát thì giáo sư Cẩn ra, ông chỉ vào nhà bảo: Mấy năm trước tôi xin sang bảo vệ luận án tiến sĩ ở Nga đã bị ông ấy giễu: Ôi chao, anh mà cũng thích bằng cấp thế cơ à! Rồi ông cười. Về sau không biết vì sao cuốn từ điển không thành.

 Khi tôi vào, nhà thơ tiếp tôi hân hoan, niềm nở như là quen biết đã lâu. Trước tiên tôi biếu nhà thơ cuốn Thi pháp thơ Tố Hữu của tôi với lời đề tặng: Kính tặng nhà thơ Tố Hữu viết năm 1987. Ông cười vui, nói cảm ơn, tôi đã đọc rồi, rồi đặt sách lên bàn, nhưng không nói thêm về cuốn sách. Tôi nghĩ ông đã đọc lâu rồi. Bởi sách in đã lâu mà tôi chưa có dịp tặng ông, vì bận chuyện đi học ở Nga. Thấy tôi nói không phải giọng Huế ông phê bình ngay. Không được bỏ quên tiếng nói nơi chôn nhau cắt rốn nhá. Tôi nói vì sau năm 1945 gia đình ra Quảng Trị, từ đó không có dịp về Huế nữa. Tố Hữu nói hết chuyện này sang chuyện khác, không theo thứ tự nào. Thấy tôi nói vừa đi học ở Nga về, ông nói về khoa học. Ông nói: Học thuyết Mác Lê vẫn còn có chỗ thô sơ và thô bạo. Khoa học phải đi sâu thêm vào nhận thức luận. Nhiều điều ta chưa biết, cảm thấy đó nhưng chưa cắt nghĩa được. Ví dụ ai cũng nói chân thiện mĩ, nhưng thế nào là chân thiện mĩ, chưa thấy ai nói rõ. Cá tính là bông hoa, không ai giống ai. Thế nào là tự do? Nói tự do là sự nhận thức cái tất yếu, thế cái gì là tất yếu? Trầm ngâm một lúc, ông bảo: Lênin không sáng tạo nhiều về triết bằng Plekhanov. (Thế là Tố Hữu khen cái ông Đệ nhị quốc tế rồi!). Sống thế nào mới như một con người viết hoa? Có vẻ như ông hiểu lịch sử nhân loại không giống Mác, và có phần bi quan. Ông bảo: Lịch sử con người, trước sau là cuộc đấu tranh giữa con và người, còn lâu nó mới kết thúc. Trước nay đã có người, nhưng phần con còn nặng lắm. Có lẽ chúng ta vẫn chưa ra khỏi khỏi giai đoạn tiền sử. Sự trả thù của phần con còn đáng sợ lắm. Có vẻ như ông đang khiếp hãi phần con kinh khủng ở đâu đó. Tôi thầm nghĩ, đấu tranh con và người thì không phải là đấu tranh giai cấp, mà chưa ra khỏi tiền sử thì lên chủ nghĩa xã hội thế nào được? Có vẻ như ông đang phản tư về chủ nghĩa Mác. Ông nói: Chủ nghĩa Mác phá là chính, xây chưa nhiều. Xây thế nào cũng chưa được nói rõ. Trước đây không có đời thường, hoàn cảnh buộc mỗi người phải sống cao cả. Cái riêng thành cái chung. Picasso nói ta sống như một hiệp sĩ. Nhiều dân tộc trải qua chiến tranh nhưng không dân tộc nào sống đẹp như vậy. Đó là một thiên thần thoại. Hiện thực đó như một giấc mơ, mộng du, bị thôi miên, nay tỉnh lại người ta không nhận ra là mình. Có gì mạnh bằng con người?

 Các nhân vật lịch sử là gì? Bác như một người bình thường, tự vận động, tự hoàn thiện, mà thành Bác. Về hiểu biết Bác không sánh với Lênin, nhưng chắc có nhiều cái ông cụ hiểu người khác sâu hơn so với Lênin. Về chuyện đi, Lênin đi ít hơn Bác nhiều. Mao thì chẳng đi đâu cả, có qua Liên Xô. Càng biết nhiều mới càng khiêm tốn.

 Nói về xã hội ta, Tố Hữu nói, trước đây ta coi nhẹ cá nhân, đem tập thể đối lập với nó là do bản lĩnh ta còn yếu. Bản chất con người là đối thoại, giao lưu, đồng thời là chống lại sự áp đặt. (Tôi nghe câu này mà ngạc nhiên quá, nhà thơ của chúng ta đã thâm nhập đối thoại hồi nào? Nếu đối thoại thì chuyên chính ra sao?). Ta chưa chống phong kiến, ta nợ cái việc chống phong kiến. Tiểu tư sản ta cũng là tiểu tư sản phong kiến, pha thực dân, không có màu sắc tự thân, kiêu ngạo, tự cho là trong sạch, nó đồng bóng, không có bản sắc. Về tư tưởng, mình chưa tới giai đoạn lí tính của Descartes, đối lập với nó là mê tín dị đoan… (Câu này cũng khiến tôi hơi choáng.) Lí tính làm cho con người tự tin, mê tín khiến con người phụ thuộc. Đặc điểm của phong kiến là gì? Là lười, vì ăn sẵn địa tô, đối lập với khoa học, chống lại mọi tiến bộ, chống mọi tìm tòi, giao lưu, thích cát cứ, nó không chịu nổi sự đối thoại. Thói phong kiến đòi hỏi chuyên chế cá nhân, tuyệt đối. Tư sản cá nhân thì có khác. Không có quyền lực nữa thì đi buôn. Tôi cười nói vui, còn cán bộ Đảng ta thì khi hết địa vị quyền lực này thì chuyển sang vị trí quyền lực khác? Ông cười và nói tiếp. Nếu nói cái bệnh nặng nhất của ta thì đó là cái phong kiến. Mình chưa ra khỏi nghìn năm phong kiến đâu. Người ta dễ nhầm những chú lãnh chúa với cộng sản. Liên Xô có nhiều lãnh chúa. Nói cho cùng, Stalin cũng có chất của một lãnh chúa, có cái thô bạo của lãnh chúa. Bây giờ ta không chỉ chống phong kiến mà đồng thời cũng chống tư bản. Tư bản là bước tiến bộ của nhân loại, mà là tiến bộ, cho nên nó hoài nghi chủ nghĩa xã hội dữ lắm. Chủ nghĩa xã hội cũng có 3, 7 thứ, chúng ta phải lựa chọn. Thời kháng chiến ta nói dân tộc nhiều, nói giai cấp ít. Sau giải phóng ta nói dân tộc ít, giai cấp nhiều, đó là sai lầm. Quy xã hội thành liên minh công nông là dại dột, tự cô lập. Nói vì tổ quốc xã hội chủ nghĩa nhưng cái phần tổ quốc còn ít, nhưng đừng nhầm với chủ nghĩa quốc gia tư sản.

 Ông chia sẻ cho tôi đủ thứ, tôi không có cơ hội để hỏi nhiều. Tôi đóng vai người nghe chuyện để cho ông nêu những nhận thức mới. Nhiều điều chưa bao giờ nghe ông nói ở các cương vị chính thức cả. Nói nhiều về tư tưởng, chính trị, rồi ông cũng bàn về thơ. Ông bảo thơ ông bắt nguồn từ thơ Đường, thơ ca dân gian và thơ ca cách mạng. Ông rất yêu tập Từ ấy, nó chứa chân tình cảm, sôi nổi, lí trí chưa sâu. Bảo thơ ông thoát thai từ thơ mới là nói nhảm. Thơ ông là khởi đầu thơ ca cách mạng, trữ tình gắn với tự sự. Thơ ông biểu hiện trực tiếp, trần trụi, không màu mè, không tô vẽ, không hoa hòe hoa sói. Thơ ông nói thẳng như máu chảy ra từ trái tim, nêu nhiều vấn đề như sống chết, vinh nhục, tôn giáo, hạnh phúc. Nhiều tuyên ngôn về các vấn đề nội dung xã hội. Câu chuyện ảnh hưởng giống như chuyện mượn chiếc khăn quàng, khăn quàng làm sao ảnh hưởng người được. Tôi ở trong lòng họ mà ra, họ có tiếng thơ giãi bày, nhưng không phải tiếng nói vì người đau khổ. Một tiếng rao đêm, là tiếng của em bé, mà cũng là tiếng nói của mình. Khách và chủ là một. Vú em có nỗi cô dơn. Thơ tôi có niềm vui nhưng mang nỗi đau. Nỗi đau tâm hồn, nỗi đau thân xác, như chim kêu cành cụt chang chang nắng cồn. Có lẽ nói thơ tôi là trữ tình cách mạng thì đúng hơn. Nói trữ tình chính trị thì có vẻ như là trung lập à. Chính trị nào? Nói thơ tôi quyền uy có lẽ nên nói thơ tôi có tính quyết liệt. Quyết liệt với quan điểm, lí tưởng. Ông như đang tranh luận với tôi, những luận điểm trong sách Thi pháp thơ Tố Hữu. Và tôi thích thú nghe nhà thơ lí luận, biện giải. Khi nhắc đến các bài thơ ở mỗi tập ông vui sướng như nói về những đứa con tinh thần đã lâu không gặp. Ông bảo Sáng tháng năm là bài thơ đầu tiên về Bác Hồ, cho đến lúc ấy chưa có ai viết về Bác hết. Bài Ta đi tới là làm theo gợi ý của Bác đấy. Bác bảo cách mạng còn lâu dài, đừng để nhân dân tưởng cách mạng đã xong xuôi. Bài Rôm, hoàng hôn là khẳng định chủ nghĩa cộng sản. Chủ nghĩa tư bản đã hoàng hôn rồi. Những lần nói chuyện với ông bao giờ cũng quá 12 giờ trưa. Chị Thanh ra nhắc nên đi nghỉ, ông vẫn nói tiếp. Ông tiễn tôi ra tận ngoài cổng và không quên dặn có thì giờ thì đến chơi.

 Năm 1992 ông biếu tôi tập thơ Một tiếng đờn với lời đề tặng: Tặng anh Trần Đình Sử thân mến. Khi nhà xuất bản văn học tái bản, năm 1993 ông lại tặng một bản khác, với lời đề tặng: Tặng anh Trần Đình Sử thân thiết, Trăm năm ngắn lắm người ơi, Thương nhau cho nở nụ cười với hoa. Xuân con gà, 20. 1.1993. Ông nói, Tiếng đờn này là tiếng đờn đau, không phải tiếng đờn buồn. Tôi không bao giờ buồn. Tôi không bao giờ bỏ cuộc. Tôi không phủ định lí tưởng. Tôi không phủ định thắng lợi đã đạt được. Hiểu được thế thì mới hiểu tiếng đờn của tôi. Tôi xúc động với nhưng lời tâm sự của nhà thơ, trong đó tôi nghe thấy những điều tâm huyết, những lời trăn trở, những niềm đau quằn quại và cả những tiếng cười cay độc. Nhưng tôi không viết bình luận về tập thơ này, vì về hình thức nghệ thuật nó là một bước lùi, một tiếng thơ xa lạ với Tố Hữu. Về mặt thi ca nó không có gì phải quan tâm cả.

 Nhưng tôi cũng buồn vì nhà thơ đã không hiểu được tư tưởng cuốn sách Thi pháp của tôi. Trước đó không lâu anh Trần Đương, nhà thơ người Thanh Hóa, bạn thân của gia đình nhà thơ Tố Hữu, có nói với tôi như sau về cảm tưởng của nhà thơ Tố Hữu đối với cuốn sách của tôi. “Gần đây mình nhận được tập Thi pháp thơ Tố Hữu của anh Trần Đình Sử (mà anh ấy gọi là thi pháp trữ tình chính trị ) thì mình tâm đắc lắm và phải nói rằng, Trần Đình Sử giỏi, rất giỏi. Nếu có dịp, mình sẽ gặp cảm ơn anh Sử, hoặc Đương gặp thì chuyển lời cảm ơn của mình. Vì tâm đắc, cũng muốn một số anh em thân đọc, mình nhờ Đương mua hộ 5 cuốn.” Theo lời của Trần Đương, tôi có thể phán đoán thế này. Khi đọc xong sách thì Tố Hữu bị thuyết phục và đã khen tôi như anh Đương nói. Nhưng sau đó có những ông phê bình khác nói ra nói vào, thế là nhà thơ nghĩ lại. Và như tôi trực tiếp nghe thì Tố Hữu có vẻ không tán thành tôi lắm và anh đã nói thẳng thắn. Tôi không tranh luận lại, nhưng tôi buồn vì nhà thơ, nhà văn nói chung khó hiểu được nhà nghiên cứu. Nhà nghiên cứu có vấn đề của họ, còn nhà thơ thì chỉ thích nói về tác phẩm của mình mà thôi. Cuốn sách của tôi không nghiên cứu về nội dung thơ của Tố Hữu, mà nghiên cứu cái mô hình thơ của ông đứng ở vị trí nào trong tiến trình thơ Việt Nam hiện đại. Thơ trữ tình chính trị là một thuật ngữ có tính thế giới để chỉ một loại thơ, thơ chính trị, tức là thơ tuyên truyền chính trị. Đối lập với nó là thơ trữ tình bình thường. Mấy chữ trữ tình cách mạng chỉ nói về nội dung, không nói về lọaị hình. Đối lập với cách mạng chỉ có thể là không cách mạng hoặc phản cách mạng, mà đều mang nghĩa xấu. Khi phủ định ảnh hưởng của thơ Mới đối với thơ mình, Tố Hữu cũng chỉ hiểu thơ ông chuyên về nội dung, mà không hề nghĩ đến hình thức. Vậy thì ông lấy cái hình thức thơ tám chữ ấy ở đâu? Và nếu thơ ông cổ lổ như thơ của các chiến sĩ trong tù thì thử hỏi nó có được giới trẻ tìm đọc hay không? Giọng thơ quyền uy cũng khác với quyết liệt. Quyết liệt là tính chất của lời nói, còn quyền uy là thái đội đối với người nghe, thái độ đối với chân lí, không thể lẫn lộn hai thứ với nhau.

 Nghe tâm sự của Tố Hữu tôi bỗng nhiên cảm thấy mừng. Khi nhận đặt hàng viết thi pháp thơ Tố Hữu, Vương Trí Nhàn gợi ý, nếu muốn trao đổi với nhà thơ Tố Hữu, thì NXB Tác phẩm mới sẽ tạo điều kiện. Tôi đã từ chối ngay, vì tôi sợ sẽ bị chỉ đạo, mà đã bị chỉ đạo thì không thể viết được nữa.

 Hà Nội, 9 tháng 6 năm 2020

 TRẦN ĐÌNH SỬ

 Theo Blog của GS Trần Đình Sử