Cầu Trần Thị Lý – Cánh buồm căng gió ra biển lớn

Cầu Trần Thị Lý vốn là cầu đường sắt, thời Pháp thuộc cầu được gọi là De Lattre de Tassigny, sau đó đổi tên thành cầu Trịnh Minh Thế, nằm cách cầu Nguyễn Văn Trỗi khoảng 20m về phía thượng lưu. Sau năm 1975, cầu được đặt tên là cầu Trần Thị Lý, và được nâng cấp thành cầu đường bộ, cùng với cầu Nguyễn Văn Trỗi làm nhiệm vụ thông thương, nối liền hai bờ sông Hàn.

 

 Cầu Trần Thị Lý khánh thành và đi vào hoạt động từ ngày 29-3-2013

 Tháng 4/2009, Đà Nẵng khởi công xây dựng lại cầu Trần Thị Lý với tổng kinh phí đầu tư 1.500 tỷ đồng. Ngày 29/3/2013, thành phố Đà Nẵng tổ chức khánh thành cầu Rồng và cầu Trần Thị Lý. Cầu Trần Thị Lý được xem là cây cầu dây văng trụ nghiêng độc đáo nhất Việt Nam hiện nay.

 Trước đó, từ năm 2007, thành phố tổ chức thi tuyển phương án thiết kế kiến trúc cầu Trần Thị Lý. Nhiều đơn vị tư vấn trong nước, ngoài nước tham gia như Japan Bridge & structure Institude, Inc., Nippon Engineering Consultants Co., Ltd, (Nhật), The Louis Berger Group, Inc. (Mỹ), Egis Bceom International (Pháp), Kraus & Nguyen Architekten Ingenieure (Đức), Viện Nghiên cứu thiết kế quy hoạch giao thông Quảng Tây (Trung Quốc), WSP Finland (Phần Lan), Tổng công ty tư vấn thiết kế GTVT, Công ty CP Tư vấn xây dựng 533, Công ty CP Tư vấn XDCT giao thông 5 (Việt Nam),… Phương án thiết kế cuối cùng được chọn thuộc về Công ty WSP Finland (Phần Lan). Bên cạnh việc lập dự án đầu tư và thiết kế kỹ thuật công trình do Công ty WSP Finland đảm nhận, phần lớn tất cả các khâu quản lý dự án, thiết kế bản vẽ thi công, giám sát, thi công đều do đội ngũ cán bộ, kỹ sư, công nhân Việt Nam thực hiện.

  

 Cầu Trần Thị Lý (cũ) sau khi được nâng cấp thành cầu đường bộ

 Cầu Trần Thị Lý được thiết kế độc đáo với tạo hình và định vị cho trụ tháp chính cao 145 mét nghiêng 12 độ về phía Tây gồm 3 mặt dây phẳng. Trong đó, mặt phẳng dây phía Đông được neo từ thân trụ xuống dầm cầu giữa, mặt phẳng dây phía Tây được bố trí xoắn và rẽ ra hai nhánh tạo hình thành một cánh buồm căng gió hướng ra biển Đông. Tổng bề rộng mặt cầu là 35.5m bao gồm: 6 làn xe giao thông, mỗi làn rộng 3.75m và 2 làn đường đi bộ, mỗi làn rộng 3.0m có lan can bảo hộ. Giao thông giữa các làn được phân chia thành các hướng khác nhau bởi giải phân cách rộng 5.0m ở giữa cầu. Điểm đặc biệt trong sơ đồ kết cấu của công trình cầu Trần Thị Lý chính là trụ tháp đơn, nghiêng 120 nhưng không có thiết kế dạng ngàm cứng như các cầu dây văng thông thường mà được liên kết cứng với dầm mặt cầu và tựa trên trụ S5 thông qua gối cầu hình chỏm cầu với sức chịu tải lên đến 25 nghìn tấn, là tải trọng lớn nhất thế giới hiện nay, để giảm kích thước bệ móng, tiết kiệm vật liệu.

 Bên cạnh đó, nhiều công nghệ mới, hiện đại cũng được ứng dụng trong quá trình thi công cầu Trần Thị Lý như: thi công dầm hộp bằng công nghệ đà giáo đẩy, ván khuôn trượt; thi công lắp đặt gối chậu có tải trọng thuộc loại lớn nhất trên thế giới; thi công trụ tháp nghiêng bằng ván khuôn leo; thi công lắp đặt và căng kéo cáp dây văng, quan trắc nội lực và chuyển bị khi thi công bằng thiết bị và công nghệ tiên tiến trên thế giới.

  

 Cầu Trần Thị Lý lung linh, huyền ảo về đêm

 Cầu Trần Thị Lý tạo nên một điểm nhấn kiến trúc độc đáo, nối liền quận Hải Châu, quận Sơn Trà và Quận Ngũ Hành Sơn góp phần nâng cao năng lực giao thông ở cửa ngõ phía Đông Đà Nẵng.

 Cầu Trần Thị Lý nhìn từ xa như một cánh buồm căng gió đang vươn ra biển lớn. Đến với thành phố biển xinh đẹp, chưa đầy 10 phút từ sân bay Quốc tế Đà Nẵng, du khách đã đón nhận những làn gió biển mằn mặn, được thả mình trên những bờ cát trắng miên man, và đắm say trong sóng biển xanh rì rào trên bãi biển Mỹ Khê – một trong những bãi biển được tạp chí Forbes (Mỹ) bình chọn bãi biển quyến rũ nhất hành tinh.

 NGÔ HUYỀN

 Nguồn: https://danang.gov.vn/chi-tiet?id=3488&_c=47

  

  

  

  

  

  

  

  

  

 Tag: cũ chung cư chân khu dân