Con mèo mà trèo cây cau hỏi thăm chú chuột đi đâu vắng nhà có ý nghĩa gì

 Mèo là một trong những con vật nuôi gần gũi, thân thiết của con người. Mèo còn giúp con người bắt chuột, hạn chế những thiệt hại do lũ chuột gây ra. Còn chuột, khỏi phải nói, là loài phá hoại, đáng ghét. Ấy vậy mà khi sáng tạo nghệ thuật (văn học, hội họa, phim ảnh…) trong đề tài mèo – chuột, tình cảm của con người đối với mèo và chuột lại khác…

 Từ ngày xưa, trong văn học truyền miệng của người Việt đã lưu truyền bài ca dao:

             Con mèo mà trèo cây cau

             Hỏi thăm chú chuột đi đâu vắng nhà?

             – Chú chuột đi chợ đường xa

             Mua mắm mua muối giỗ cha con mèo!

 Còn trên thế giới, cùng thể hiện nội dung này, hàng ngày trên màn ảnh nhỏ, chúng ta được xem chương trình hoạt hình phong phú, sinh động và hấp dẫn về đề tài mèo chuột trong phim “Tom và Jerry” của Trung tâm điện ảnh nổi tiếng thế giới Hollywood…

 Trở lại, ta thấy bài ca dao được làm theo thể đối đáp quen thuộc trong thơ ca dân gian. Mở đầu là câu hỏi của mèo, đúng hơn là người dẫn chuyện hỏi hộ mèo. Mèo gọi chuột bằng chú, chú chuột nghe thật thân thiết! Lời hỏi thăm của mèo nhẹ nhàng, tình cảm: Đi đâu vắng nhà? Lời đáp của chuột lại còn nhẹ nhàng, tình cảm hơn: Đi chợ đường xa / Mua mắm mua muối…  để về làm giỗ. Cất công lặn lội đi chợ đường xa để mua các thức về làm giỗ; không phải làm giỗ ông bà nhà mình mà làm giỗ cha của mèo! Ở đây phảng phất như chuyện nghĩa tình (thăm hỏi, làm giỗ…)

 Nhưng đọc kỹ bài ca dao  mới thấy thâm ý nằm ở tầng nghĩa thứ hai:

             Con mèo mà trèo cây cau

             Hỏi thăm chú chuột đi đâu vắng nhà?

 Mèo đi thăm chuột, nghe thật mỉa mai. Mèo đi tìm bắt chuột thì có! Cách dùng từ “hỏi thăm”, “chú chuột” nói lên sự dối trá, tinh quái của mèo. Nhưng chú chuột tinh khôn không bị lừa. Ta như nghe tiếng chú chuột nhắt láu lỉnh, nấp ở đâu đó nói vọng ra:

             Chú chuột đi chợ đường xa

             Mua mắm mua muối giỗ cha con mèo!

 Chuột coi mèo là “ông Ọ”, “ông Kẹ”, là kẻ thù “không đội trời chung” thì làm gì có chuyện chuột đi sắm cỗ cúng mèo? Mua thức cúng sao không nói là mua thịt mua cá, mà lại nói là mua mắm mua muối? Mắm muối thì chợ nào chẳng có mà phải đi chợ đường xa để mua? Câu cuối mới thật đau cho mèo: Nếu đọc nhấn mạnh ba tiếng sau cùng thì chẳng khác gì một tiếng chửi: cha con mèo! Rõ ràng chuột đã nói kháy mèo, nói cho bõ ghét, nói cho hả giận! “Đi chợ đường xa”, nghĩa là chuột muốn nói với mèo rằng mình đã cao chạy xa bay rồi, không tóm được đâu! Mua mắm mua muối là để muối mắm lão mèo chăng? Mèo tinh ranh nhưng chuột còn tinh ranh hơn. Ở đây, chuột đã biết dùng “gậy ông đập lưng ông”, lấy ngay chuyện hỏi thăm của mèo để chửi mèo! Kết thúc là cảnh mèo bị bẽ mặt, nhảy từ cây cau xuống, cúp đuôi chuồn thẳng, còn chuột thì đắc thắng cười giòn! Thế là chú chuột nhỏ bé tinh khôn đã thắng lão mèo to xác hung dữ; một kết thúc có hậu.

 Bài ca dao “Con mèo mà trèo cây cau” được thể hiện một cách tự nhiên,  dễ nhớ, dễ thuộc; câu chữ vừa đủ, không thừa, không thiếu, lại như một hoạt cảnh ngắn sinh động. Trẻ em tìm thấy ở đây một mẩu chuyện vui, hấp dẫn về những con vật quen thuộc; người lớn thấy ở bài ca dao triết lý nhẹ nhàng, giàu tính nhân văn của ông cha mình. Chính vì vậy mà bài ca dao này được cả trẻ em và người lớn đều nhớ, đều thuộc; được truyền tụng trong dân gian từ đời này sang đời khác hàng trăm năm nay.

 Nguồn: https://thuathienhue.edu.vn/tap-san-gddt/nam-2011/Con-meo-treo-cay-cau.html