‘Giải mã’ hiện tượng cổ phiếu cứ chào sàn là tăng trần

 Nếu để ý kỹ, giới đầu tư chứng khoán có thể thấy một hiện tượng dường như đang thành quy luật là cổ phiếu của nhiều doanh nghiệp mới chào sàn liên tục tăng trong một thời gian dài, trong đó, không ít mã còn gây “sốc” vì biên độ tăng quá ấn tượng.

 Trường hợp tăng gây “sốc” nhất phải kể đến cổ phiếu SBC của Công ty CP Vận tải và giao nhận Bia Sài Gòn hồi đầu tháng 6. Cổ phiếu này lên sàn HOSE ngày 2/6 với giá chào sàn là 27.000 đồng. Trong ngày giao dịch đầu tiên, SBC tăng kịch trần biên độ cho phép đối với cổ phiếu mới chào sàn trên HOSE là 20%, lên 32.400 đồng. Sau đó, cổ phiếu này còn tăng trần liên tiếp trong 9 phiên và chính thức chấm dứt chuỗi tăng trần vào ngày 15/6 với giá ngất ngưởng là 47.200 đồng.

 Nhiều cổ phiếu khác cũng đua nhau tăng trần nhiều phiên ngay từ ngày đầu ra mắt hoặc ít nhất cũng tăng hiết biên độ ở phiên đầu tiên như PXI, DLG…

 Chào sàn trên HOSE ngày 22/6 với giá tham chiếu 25.000 đồng, cổ phiếu DLG của Công ty CP Tập đoàn Đức Long Gia Lai đã gây ấn tượng mạnh với mức tăng kịch trần 20%, lên 30.000 đồng. Ngày giao dịch đầu tiên, có tới 713.340 cổ phiếu được chuyển nhượng thành công, dư mua còn khá lớn trong khi dư bán trống trơn.

 Trước đó, nhiều tháng cuối năm 2009, cổ phiếu các ngành bất động sản, xây dựng, khoáng sản cứ chào sàn là tăng kịch trần. Trong đó, “khủng” nhất phải kể đến cổ phiếu VPH của Công ty CP Bất động sản Vạn Phát Hưng với mức tăng một mạch từ 33.000 đồng ngày 9/9/2009 lên 124.000 đồng vào ngày 16/10.

 Dường như hiện tượng tăng trần liên tục nhiều phiên đã trở thành một quy luật đối với những cổ phiếu mới chào sàn. Và nhiều nhà đầu tư vì thế cũng đua nhau tranh mua, thậm chí khi có thông tin một cổ phiếu sắp lên sàn, họ đã cơ cấu lại tài khoản để chuẩn bị một lượng tiền đổ vào cổ phiếu đó.

 Theo giải trình của Công ty CP Vận tải và giao nhận Bia Sài Gòn về việc cổ phiếu tăng trần nhiều phiên liên tiếp, nguyên nhân là do nhà đầu tư đánh giá rất cao cổ phiếu và kỳ vọng vào tiềm năng phát triển của công ty thông qua những số liệu đã được công bố tại bản cáo bạch và buổi họp báo của doanh nghiệp ngày 28/5. Bên cạnh đó, việc cổ phiếu tăng kịch trần còn do sự điều tiết của quy luật cung cầu trên thị trường.

 Tuy nhiên, ngoài những cổ phiếu được đánh giá tổng quan là tốt thì có không ít cổ phiếu của doanh nghiệp làm ăn thua lỗ nhưng khi chào sàn giá vẫn tăng trần.

 Ông Nguyễn Anh Đức, Trưởng phòng giao dịch Láng Hạ (Hà Nội), Công ty CP chứng khoán SME, cho biết, sở dĩ giá cổ phiếu của một số công ty vừa lên sàn đã liên tục tăng trần có một nguyên nhân cơ bản là khối lượng cổ phiếu đưa ra giao dịch trong mỗi phiên hạn chế. Nhiều mã chứng khoán mới lên sàn chỉ có vỏn vẹn vài nghìn cổ phiếu được chào bán trong mỗi phiên giao dịch, lúc nào bên mua cũng còn dư một khối lượng lớn. “Do số lượng cổ phiếu giao dịch ít so với khối lượng cổ phiếu khổng lồ mà doanh nghiệp đang niêm yết nên không loại trừ khả năng cổ phiếu được làm giá. Mỗi phiên chỉ từng ấy đơn vị được giao dịch thì một đại gia cũng có thể gom hết số hàng này”, ông Đức nói.

 Hiện tượng đẩy giá cổ phiếu như trên đang là cái bẫy giá rất nguy hiểm cho các nhà đầu tư nhỏ lẻ. Ông Hồ Công Hưởng, Tổng giám đốc Công ty CP chứng khoán Hoàng Gia đưa ra lời khuyên: “Vấn đề quan trọng là nhà đầu tư phải biết tính toán đâu là mức giá thực của cổ phiếu mới lên sàn để có quyết định nhảy vào và rút ra đúng lúc. Bở lẽ một khi giá cổ phiếu được đẩy lên một mức cao thì có thể những cổ đông lớn sẽ bán ra, khi đó các nhà đầu tư nhỏ lẻ có xả hàng cũng không kịp”.

 Thực tế cho thấy, không ít cổ phiếu khi vừa ra mắt đã tăng như vũ bão, nhưng chỉ một thời gian ngắn sau, giá đã giảm về ngang hoặc thậm chí thấp hơn giá tham chiếu. Những nhà đầu tư nào không rút ra kịp thì xem như “lãnh đủ”. Chẳng hạn PXI chào sàn HOSE ngày 21/6 với giá tham chiếu 32.000 đồng, chỉ sau bốn phiên tăng trần, giá cổ phiếu bắt đầu đi vào giai đoạn lình xình và xuống dốc. Kết phiên giao dịch hôm nay (20/7), gía cổ phiếu này còn 29.700 đồng.

 Theo anh Tuấn, nhân viên môi giới, Công ty CP chứng khoán VNS, Không chỉ tăng trần khi đã chính thức niêm yết trên sàn, những mã này khi có thông tin chuẩn bị lên sàn cũng được đẩy giá lên từng ngày trên thị trường OTC hoặc UpCom, đồng thời nhà đầu tư bắt đầu tranh mua.

 Tuy nhiên, vì giao dịch trên OTC chủ yếu là bằng “niềm tin” nên nhiều nhà đầu tư ăn phải “quả đắng” từ sự kiện trên. Khi có thông tin cổ phiếu chuẩn bị được giao dịch trên HOSE hoặc HNX, các nhà đầu tư mua bán trên OTC phải làm hợp đồng mua bán và làm thủ tục chuyển nhượng tại công ty chứng khoán mà họ mở tài khoản. Khi đó công ty chứng khoán sẽ làm thủ tục đổi tên chủ sở hữu mới cho cổ phiếu.

 Nhưng nhiều trường hợp lại chủ quan, không làm thủ tục chuyển nhượng, dẫn đến khi chứng khoán niêm yết trên HOSE hoặc HNX vẫn đứng tên chủ sở hữu cũ. Những mã này nếu tăng trần nhiều phiên ngay từ lúc chào sàn, chủ sở hữu cũ nổi lòng tham sẽ tiếp tục giữ cổ phiếu. Đến khi cổ phiếu giảm họ mới làm thủ tục chuyển nhượng lại cho người mua, thì thiệt hại bên mua lãnh đủ, vì đã trót trao tiền khi chưa nhận được “hàng”.

 Bên cạnh những cổ phiếu cứ lên sàn là tăng trần, thời gian qua cũng có một số cổ phiếu lúc chào sàn không ai để ý, giá lình xình một thời gian dài. Tuy nhiên, sau một vài tháng thì những cổ phiếu này lại có mức tăng gấp đôi, gấp ba giá ban đầu. Những nhóm cổ phiếu này ít mang lại rủi ro cho nhà đầu tư, mà lợi nhuận cũng tương đối, vì tuy chúng không tăng phi mã nhưng độ tăng được duy trì ổn định. Chẳng hạn cổ phiếu L35 thuộc họ nhà Lilama chào sàn vào ngày 25/3 với giá 14.900 đồng, sau một thời gian dài lình xình, đến hôm nay cổ phiếu này đã lên giá 33.300 đồng.

 Nguồn: https://dangcongsan.vn/tai-chinh-va-chung-khoan/tin-hoat-dong/giai-ma-hien-tuong-co-phieu-cu-chao-san-la-tang-tran-351481.html

 

 

 

 

 

 

 Tag: 2021 ico 2019