Gỗ cây thủy tùng hiếm và đắt tới mức độ nào

 Thủy tùng được xếp vào loại cổ thực vật sắp tuyệt chủng, tại Việt Nam chỉ còn phân bố hai quần thể tự nhiên ở Đắk Lắk. Giá loại gỗ này cũng được dân buôn đánh giá là “vô cùng”.

 Một nhóm 7 thanh niên bị phát hiện đã đột nhập vào khu bảo tồn loài sinh cảnh thông nước (còn gọi là cây thủy tùng) tại xã Ea Ral, huyện Ea H’leo, tỉnh Đắk Lắk cưa trộm cây thủy tùng 500 năm tuổi, chiều 15/10.

 Không ít người thắc mắc thủy tùng là cây gì, giá trị lớn như thế nào mà cần bảo tồn và xảy ra hiện tượng bất chấp để cưa trộm như vậy.

 Thủy tùng có tên khoa học Glyptostrobus pensilis là loài thực vật cổ hiện nằm trong sách đỏ tại Việt Nam. Hiện trên thế giới chỉ có 3 nước còn ghi nhận loài này là Trung Quốc, Lào và Việt Nam.

 Tại Việt Nam, thủy tùng cũng chỉ còn phân bố hai quần thể tự nhiên ở Đắk Lắk với 162 cây tại xã Ea Ral, huyện Ea H’leo, xã Ea Hồ, huyện Krông Năng và thị xã Buôn Hồ.

 Cây có đặc điểm thân gỗ lớn, cao trên 30 m, đường kính thân 0,6-1 m, vỏ dày, hơi xốp, màu xám, nứt dọc. Cây có rễ khí sinh không bị ngập, phát sinh từ rễ bên, cao 30 cm, mọc quanh gốc tới 6–7 m. Cây rụng lá, có tán hình nón hẹp.

go thuy tung hiem nhu the nao? anh 1
Theo giới buôn gỗ, cây thủy tùng trên 500 năm tuổi, đường kính gốc gần 1 m sẽ có giá không dưới tiền tỷ. Ảnh minh họa: TTXVN.

 Về giá trị kinh tế, gỗ thủy tùng đắt vì có màu viền đẹp, không bị mối mọt nên được dùng làm tượng, đồ mỹ nghệ cao cấp. Loại gỗ này cũng có nhiều màu như xanh đen, xanh ngọc bích, tím, vàng, đỏ, nâu đỏ… Vân cũng được chia ra vân chỉ, chuối hoặc không vân (hàng gốc). Đặc biệt, gỗ mùi thơm nhẹ tựa như gỗ sưa, lúc nào cũng tiết ra nhựa dù đã làm ra sản phẩm.

 “Gỗ thủy tùng không bao giờ được định giá theo kg hay khối mà được xác định theo tuổi thọ và đường vân từng khúc gỗ. Với cây trên 500 tuổi, đường kính gốc gần 1 m vừa bị chặt tại Đắk Lắk, nguyên giá khúc gốc chắc chắn không dưới tiền tỷ”, anh Đỗ Văn Hiền, chủ một xưởng buôn gỗ tại Bắc Ninh, cho biết.

 Chia sẻ thêm về loại gỗ quý hiếm này, anh Hiền cho biết mức giá trên mới chỉ là giá khúc gốc, phần giá trị nhất trên mỗi cây chính là hàng thân, bởi đây là nơi vân gỗ thể hiện sắc nét nhất. Đường vân ở thân gỗ thường rất đều và có mùi hương đậm nhất.

 “Giá gỗ hàng thân loại cây lâu năm phải nói là ‘vô cùng’, vì để tìm kiếm loại hơn 500 năm tuổi hiện nay không phải chuyện dễ. Để có thể mua được gỗ thủy tùng hàng xịn cũng không phải đơn giản. Nếu không phải thợ chuyên rất có thể sẽ mua phải thủy tùng giả là gỗ thông Lào”, anh Hiền khẳng định.

 Trên các trang mua bán, cây thủy tùng làm cảnh cũng được rao bán nhiều. Giá mỗi cây dao động 200.000-500.000 đồng, đắt hơn rất nhiều so với nhiều loại cây khác cùng kích thước. Loại cây này được mua để làm cây để bàn do quan niệm phong thủy.  Tuy nhiên, cây thủy tùng dạng để bàn này được người buôn gỗ cho hay không phải loại thủy tùng quý hiếm với giá trị nói trên.

Nguồn: zingnews.vn

  

  

  

  

  

 Tag: thuỷ hiểu