Quá trình phát triển của hội đồng chức danh giáo sư nhà nước

 Lịch sử công tác xét công nhận chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư tại nước ta được tổng kết trong bài viết: “Nhìn lại nội dung hệ thống các văn bản quy định về việc xét công nhận chức danh Giáo sư, Phó giáo sư ở Việt Nam từ năm 1976 đến nay”, của TS. Đỗ Đức Tín – Văn phòng Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước. Toàn văn bài viết được đăng tải dưới đây:


 Nhìn lại nội dung hệ thống các văn bản quy định về việc xét công nhận chức danh Giáo sư, Phó giáo sư ở Việt Nam từ năm 1976 đến nay

 Trong quá trình chiến đấu và xây dựng đất nước, vai trò và sự đóng góp của lực lượng trí thức là to lớn. Giáo sư (GS), phó giáo sư (PGS) là bộ phận ưu tú trong đội ngũ trí thức của đất nước ta. Việc xây dựng, phát triển lực lượng trí thức nói chung và đội ngũ GS, PGS nói riêng luôn được chú trọng, điều đó thể hiện một phần trong đường lối, chính sách của Đảng, của nhà nước đối với khoa học và giáo dục nói chung, nó đã trở thành “quốc sách hàng đầu”. Việc xây dựng, phát triển đội ngũ GS, PGS cả về số lượng lẫn chất lượng trở thành một đòi hỏi khách quan, cấp bách của công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

 Ngay từ sau khi Cách mạng Tháng Tám vừa mới thành công, nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa non trẻ trong vòng vây của thù trong, giặc ngoài, phải lo chống giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm, nhưng Đảng ta, Nhà nước ta và Hồ Chủ tịch đã chăm lo xây dựng lực lượng trí thức và tin cậy đưa đội ngũ trí thức yêu nước dù còn ít ỏi vào mặt trận “Kháng chiến, kiến quốc” của dân tộc. Nghe theo lời chỉ bảo, động viên của Hồ Chủ tịch, đã có không ít những trí thức yêu nước ở trong nước và Việt kiều ở nước ngoài đã bỏ lại đằng sau cuộc sống yên ấm nơi đô hội, hăng hái đi theo kháng chiến, chấp nhận cuộc sông gian khổ nơi rừng sâu, núi cao.

 Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi, lập lại hòa bình trên một nửa đất nước, Miền Nam phải tiếp tục cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc, miền Bắc thực hiện hai nhiệm vụ vừa bước vào công cuộc xây dựng, vừa chi viện cùng đồng bào miền Nam chiến đấu giành tự do, độc lập, thống nhất đất nước. Ngay từ những ngày đầu bắt tay vào xây dựng trên miền Bắc, Nhà nước ta đã phong tặng chức danh GS cho ba bốn chục trí thức. Đó là lớp tri thức đầu tiên, trưởng thành từ công cuộc “Kháng chiến, kiến quốc” vừa qua của đất nước. Đây cũng là những trí thức tiêu biểu, những người sẽ đặt nền móng cho nền khoa học, nền giáo dục nói chung và nền giáo dục đại học nói riêng của đất nước ta.

 Mùa xuân năm 1975, sau thắng lợi của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, cuộc trường chinh của cả dân tộc ta thắng lợi hoàn toàn. Non sông độc lập, tự do, thu về một mối và bắt tay vào công cuộc xây dựng lại đất nước. Đây cũng là thời kỳ công việc xây dựng, phát triển đội ngũ trí thức nói chung, đội ngũ giáo sư, phó giáo sư nói riêng có điều kiện triển khai quy mô, bài bản. Tính từ văn bản đầu tiên- Quyết định số 162-CP, ngày 11/9/1976- đến nay, tính ra đã trải qua hơn 30 năm. Trong hơn 30 năm đó, sau Quyết định 162-CP lần lượt còn có 4 văn bản khác, đó là:

  • Nghị định số 153-HĐBT, ngày 22/9/1989 của Hội đồng Bộ trưởng, về việc thành lập Hội đồng xét duyệt học vị và chức danh khoa học Nhà nước;
  • Nghị định số 21/CP, ngày 4/3/1995, của Chính phủ, về việc thành lập Hội đồng Học hàm Nhà nước;
  • Nghị định số 20/2001/NĐ-CP, ngày 17/5/2001, của Chính phủ , quy định tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm và miễn nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư;
  • Quyết định số 174/2008/QĐ-TTg, ngày 31/12/2008, ban hành Quy định tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiện chức danh giáo sư, phó giáo sư.

 Quyết định số 162-CP, ngày 11/9/1976 của Hội đồng Chính phủ

 Đây là Quyết định quy định về hệ thống chức vụ khoa học và tiêu chuẩn các chức vụ khoa học trong lĩnh vực công tác giảng dạy đại học và công tác nghiên cứu khoa học và Quy định tạm thời về hệ thống chức vụ khoa học và tiêu chuẩn các chức vụ khoa học trong lĩnh vực giảng dạy đại học và nghiên cứu khoa học. Nó gồm 2 phần: Hệ thống chức vụ khoa học và Tiêu chuẩn chức vụ khoa học.

 Về Hệ thống chức vụ khoa học, ta thấy đưa ra 4 chức vụ: “Trợ lý giảng dạy” cho lĩnh vực giảng dạy đại học (tương tự là “Trợ lý nghiên cứu” cho lĩnh vự nghiên cứu khoa học); “Giảng viên” cho lĩnh vực giảng dạy đại học (tương tự là “Nghiên cứu viên” cho lĩnh vự nghiên cứu khoa học); còn hai chức vụ phó giáo sư (PGS) và giáo sư (GS) là chung cho cả hai lĩnh vực giảng dạy đại học và nghiên cứu khoa học.

 Kèm theo 4 chức vụ khoa học thì phân cấp quyết định công nhận như sau: Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận các chức vụ GS, PGS; Bộ trưởng hoặc Thủ trưởng cơ quan ngang bộ quyết định công nhận chức vụ Giảng viên hoặc Nghiên cứu viên và Thủ trưởng đơn vị Trường đại học hoặc Viện nghiên cứu khoa học quyết định công nhận chức vụ Trợ lý giảng dạy hoặc Trợ lý nghiên cứu.

 Về tiêu chuẩn chức vụ khoa học phân ra hai loại: Tiêu chuẩn chung và tiêu chuẩn về chuyên môn.

 Về tiêu chuẩn chung, văn bản nêu ra 2 nhóm, Một là: Lòng trung thành với Tổ quốc và chủ nghĩa xã hội; tinh thần phục vụ nhân dân và thực hiện đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước; thái độ trung thực, khiêm tốn, tinh thần hợp tác cũng như quan hệ công tác tốt đối với đồng nghiệp trong giảng dạy và nghiên cứu khoa học, sâu sát với thực tế. Hai là: Có kiến thức, năng lực và thành tích trong giảng dạy và nghiên cứu khoa học tương xứng với chức vụ.

 Tiêu chuẩn về chuyên môn, văn bản chia ra và nêu yêu cầu đối với từng loại đối tượng: Cán bộ giảng dạy thuộc các trường đại học với cán bộ nghiên cứu thuộc các viện nghiên cứu. Ở mỗi loại cán bộ chia ra mức độ theo từng chức vụ khoa học. Ở tất cả các loại đối tựợng và chức vụ khoa học đều nêu tiêu chuẩn dựa trên bốn mảng công việc. Một là bằng cấp, học vị; hai là thành tích trong công tác chuyên môn (giảng dạy và nghiên cứu khoa học); ba là thành tích đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ cán bộ cấp dưới và bốn là chất lượng và giá trị đóng góp của các công trình khoa học.

 Kết quả việc thực hiện Quyết định 163-CP:

 Trong 9 năm, từ năm 1980 đến hết 1989, Chính phủ hoặc Hội đồng Bộ trưởng đã công nhận tổng cộng 222GS và 1341 PGS.(trong số 1341 PGS. đã có 63 PGS được công nhận chức vụ GS ở các lần xét sau). Có tất cả 6 Quyết định: số 131-CP, ngày 29/4/1980 ( công nhận 83GS. và 347PGS.); số 81-HĐBT, ngày 28/5/1984 (công nhận 117GS. Và 898PGS.); số 107-HĐBT, ngày 11/9/1986 (công nhận bổ sung 6GS. Và 9PGS.); số 174-HĐBT, ngày 15/11/1988 ( công nhận bổ sung 14GS. Và 87PGS.); số 20-HĐBT, ngày 28/2/1980 (công nhận bổ sung 1GS.); số 55-HĐBT, ngày 17/5/1989 (công nhận bổ sung 1GS.)

 Văn bản này cũng khẳng định: GS, PGS là Chức vụ khoa học.

 Về đối tượng :GS, PGS là chức vụ khoa học công nhận chung cho cả cán bộ giảng dạy đại học ở các cơ sở giáo dục đại học và cán bộ nghiên cứu ở các viện nghiên cứu khoa học. Ngoài ra còn đề cập đến cả loại đối tượng thứ ba là “những cán bộ khoa học, kỹ thuật có thành tích và kinh nghiệm trong sản xuất và quản lý ở các cơ sở sản xuất hoặc cơ quan quản lý nếu được trường đại học hoặc viện nghiên cứu khoa học mời giảng dạy hoặc tham gia nghiên cứu khoa học và đã có những kết quả tương đương thì cũng được công nhận chức vụ khoa học PGS, GS”.

 Về phương diện tổ chức thực hiện thì còn sơ lược chỉ quy định phân cấp: Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận chức vụ GS, PGS; Bộ trưởng hoặc Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ quyết định công nhận chức vụ Giảng viên hoặc Nghiên cứu viên; Hiệu trưởng hoặc Viện trưởng quyết định công nhận chức vụ Trợ lý giảng dạy hoặc Trợ lý nghiên cứu. Cấp quyết định công nhận chức vụ khoa học cũng là cấp quyết định bãi nhiệm chức vụ đó.

 Về hệ thống tổ chức văn bản chỉ quy định “Mỗi cấp sẽ thành lập một Hội đồng để giúp Thủ trưởng trong việc xem xét và công nhận, hoặc đề nghị lên cấp trên công nhận chức vụ khoa học đối với cán bộ khoa học thuộc cấp mình quản lý”.

 Nghị định số 153-HĐBT, ngày 25/9/1989 của Hội đồng Bộ trưởng về việc thành lập Hội đồng xét duyệt học vị và Chức danh khoa học Nhà nước

 Nếu Quyết định số 163-CP của Hội đồng Chính phủ chủ yếu quy định hệ thống chức vụ khoa học của cán bộ thuộc hai khu vực: Các trường đại học và các viện nghiên cứu khoa học và tiêu chuẩn của các chức vụ khoa học, thì sau 13 năm, Nghị định số 153-HĐBT ra đời chủ yếu tập trung giải quyết vấn đề tổ chức để thực hiện việc công nhận chức vụ khoa học.

 Về Hội đồng: Tên gọi của Hội đồng trong Nghị định này là “Hội đồng xét duyệt học vị và chức danh khoa học”. Như vậy dù ở Quyết định số 163-CP (năm 1976) hay ở Nghị định số 153-HĐBT (năm 1989) chức danh GS, PGS đều được khẳng định nằm trong hệ thống chức danh khoa học hoặc chức vụ khoa học.

 Hội đồng trực thuộc Hội đồng Bộ trưởng, chịu sự chỉ đạo trực tiếp của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng và “các quy định của Ban Bí thư Trung ương Đảng trong quan hệ làm việc với các Ban của Đảng”.

 Về nhiệm vụ của Hội đồng thì như tên gọi của Hội đồng: Ngoài việc xét và cấp giấy chứng nhận GS, PGS, Hội đồng còn làm cả nhiệm vụ xét duyệt và cấp bằng tiến sĩ (TS), phó tiến sĩ (PTS). Nhiệm vụ thứ ba của Hội đồng là “thực hiện việc công nhận sự tương đương học vị và chức danh khoa học với nước ngoài”.

 Về cơ cấu, tổ chức của Hội đồng, văn bản quy định: Chủ tịch Hội đồng là Bộ trưởng Bộ Đại học-Trung học chuyên nghiệp và Dạy nghề ; 3 Phó Chủ tịch gồm : Chủ nhiệm/Phó Chủ nhiệm của Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước; Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam; Viện trưởng/Phó Viện trưởng Viện Khoa học Việt Nam. Ban Thường trực gồm Chủ tịch và 3 Phó Chủ tịch. Văn phòng Hội đồng . Các quy định về trụ sở, con dấu, kinh phí hoạt động…

 Vì Nghị định số 153-HĐBT chỉ tập trung quy định về cơ cấu, tổ chức của Hội đồng Xét duyệt học vị và chức danh khoa học, nên để triển khai công việc, Hội đồng Xét duyệt học vị và Chức danh kjhoa học Nhà nước đã gấp rút ban hành 6 văn bản, gồm:

  • Quy chế tạm thời số 22/HV-CDKH, ngày 25/8/1990 quy định về Hoạt động của Hội đồng Xét duyệt học vị và chức danh khoa học Nhà nước;
  • Quyết định số 18/HV-CDKH, ngày 15/8/1990 về việc thành lập 18 Hội đồng tư vấn ngành (hoặc liên ngành), về học vị và chức danh khoa học Trung ương gọi tắt là Hội đồng ngành (hoặc liên ngành) Trung ương;
  • Quyết định số 17/HV-CDKH, ngày 15/8/1990 quy định về tổ chức và hoạt động của Hội đồng tư vấn ngành (hoặc liên ngành) Trung ương;
  • Quyết định số 20/HV-CDKH, ngày 15/8/1990, quy định về bầu cử Hội đồng tư vấn ngành (liên ngành) Trung ương;
  • Hướng dẫn số 21/HV-CDKH, ngày 20/8/1990 về thành lập Hội đồng chức danh khoa học và thủ tục xét chọn PGS, GS từ cấp cơ sở đến cấp Bộ;
  • Quyết định số 19/HV-CDKH, ngày 15/8/1990, ban hành tiêu chuẩn xét chọn chức danh khoa học PGS, GS.

 Riêng nội dung của Quyết định số 19/HV-CDKH quy định 2 vấn đề lớn. Một là: Quy định chức năng, nhiệm vụ của PGS, GS. Hai là: Quy định về tiêu chuẩn để xét GS, PGS. Tiêu chuẩn của GS hoặc PGS đều có 5 loại tiêu chuẩn nhưng trong từng loại tiêu chuẩn thì thì giữa PGS với GS là có sự phân biệt, có yêu cầu cao thấp khác nhau. Năm loại tiêu chuẩn cho cả PGS và GS là: Tiêu chuẩn 1 (về chính trị và đạo đức); tiêu chuẩn 2 (Về học vị); tiêu chuẩn 3 (Về thời gian giảng dạy đại học); tiêu chuẩn 4 (về thành tích khoa học); tiêu chuẩn 5 (về ngoại ngữ).

 Về tổ chức và hoạt động của các cấp Hội đồng, qua các Bản hướng dẫn, các Quyết định của HĐ XDHV và CDKH NN đã quy định có 4 cấp HĐ: HĐ cơ sở ở các trường các viên , HĐ cấp Bộ ở từng Bộ hoặc cơ quan ngang Bộ, HĐ tư vấn ngành hoặc liên ngành Trung ương.

 Về kết quả triển khai thực hiện Nghị định số 153-HĐBT:

 Chúng ta đã tiến hành 2 đợt xét vào các năm 1991 và 1992 và đã xét phong 387 chức danh khoa học GS và 1507 chức danh khoa học PGS.

 Nghị định số 21/CP , ngày 4/3/1995 của Chính phủ về việc thành lập Hội đồng Học hàm Nhà nước và Quyết định số 200/TTg, ngày 4/4/1995 của Thủ tướng Chính phủ, ban hành quy chế xét duyệt và công nhận học hàm Giáo sư, Phó giáo sư

 Năm 1992, sau tất cả 3 lần xét, Hội đồng Học hàm Nhà nước đã xin phép Thủ tướng Chính phủ tạm dừng 1 năm để nghiên cứu cải tiến công việc xét công nhận chức vụ khoa học ở Việt Nam. Tuy nhiên đến năm 1995 Chính phủ mới ban hành Nghị định số 21/CP.

 Về “định nghĩa” chức danh GS, PGS, Văn bản xác định rõ: GS, PGS là học hàm (hàm khoa học) và trong Quy chế còn khẳng định rõ “Học hàm Giáo sư, Phó giáo sư không phải là chức danh viên chức Nhà nước”

 Về đối tượng được phong học hàm là cán bộ giảng dạy ở các trường đại học và cán bộ nghiên cứu ở các viện nghiên cứu khoa học. Ngoài ra còn có thể phong cho các cán bộ khoa học nước ngoài và Việt kiều “có đóng góp lớn về đào tạo và nghiên cứu khoa học cho các trường đại học hay viện nghiên cứu khoa học của Việt Nam”.

 Về điều kiện, tiêu chuẩn của học hàm GS, PGS: Có 5 điều kiện, tiêu chuẩn chung sau đây:

       1. Là công dân VN; Trung thực khách quan trong khoa học; Hợp tác với đồng nghiệp.

       2. Học vị: TSKH hoặc TS (Đối với cán bộ các ngành khoa học) hoặc Thạc sĩ (Đối với cán bộ ngành biểu diễn nghệ thuật).

       3. Thời gian giảng dạy và NCKH: GS có PGS từ 3 năm trở lên và đã hướng dẫn NCS trong đó phải có 1 CS đã bảo vệ thành công luận án. PGS; Nếu là cán bộ giảng dạy đại học phải có ít nhất 6 năm làm tốt nhiệm vụ giảng viên và giảng viên chính, đã tham gia đào tạo trên đại học; Nếu là cán bộ NC ở viện NCKH phải có ít nhất 6 năm làm tốt nhiệm vụ NCV và NCVC và có ít nhất 3 năm trực tiếp tham gia đào tạo trên đại học ở viện hoặc kiêm nhiệm giảng dạy đại học và trên đại học ở các trường.

       4. Thành tích hoạt động khoa học (phải phù hợp với ngành đăng ký học hàm). HĐHH nhà nước hướng dẫn cụ thể GS là giảng viên 10 công trình; GS là NC 20 công trình; PGS là giảng viên 5 công trình; PGS là NC 10 công trình (tính quy đổi công trình như sau: Nếu đăng trên các Tạp chí cấp quốc gia thì 2 trang tác giả, mỗi trang khoảng 1000 từ, là 1 công trình, dưới 2 trang là 0,5 công trình; nếu đăng trên các tạp chí cấp trường, viện thì tính bằng ½ của tạp chí cấp quốc gia).

       5. Ngoại ngữ: GS thành thạo 2NN, (Có trình độ D 1 trong 5 thứ tiếng: Anh, Nga, Pháp Trung, Đức và có trình độ C một ngoại ngữ bất kỳ). PGS: Có trình độ C 1 trong 5 thứ tiếng như ở trên và có trình độ B một ngoài ngữ bất kỳ).

 Về hệ thống tổ chức Hội đồng: Có 3 cấp Hội đồng, bao gồm: Hội đồng học hàm cơ sở; Hội đồng học hàm ngành, liên ngành; và Hội đồng Học hàm Nhà nước.

 Về tổ chức và hoạt động của Hội đồng Học hàm Nhà nước: Các thành viên Hội đồng do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, gồm có Chủ tịch (là Bộ trưởng Bộ GD&ĐT), PCT (là Thứ trưởng Bộ KH, CN &MT), Tổng thư ký, ba thành viên trên là Ban Thường trực và các ủy viên, Hội đồng có nhiệm kỳ là 5 năm.

 Nhiệm vụ của Hội đồng là xét duyệt, công nhận và cấp giấy chứng nhận học hàm GS, PGS cho cán bộ khoa học và giáo dục của tất cả các ngành nghề chuyên môn; Hai là tước bỏ học hàm GS, PGS khi bị phát hiện là không đủ tiêu chuẩn.

 Về kết quả thực hiện Nghị định số 21/CP và QĐ số 200/TTg của Chính phủ: Trong các năm 1996 và 1997, chúng ta đã xét phong 212 học hàm GS và 771 học hàm PGS.

 Nghị định số 20/2001 / NĐ-CP, ngày 17/5/2001 của Chính phủ, quy định tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm và miễn nhiệm các chức danh giáo sư và phó giáo sư và Quyết định số 138/2001/QĐ-TTg, ngày 19/9/2001 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước

 Nội dung chính của 2 văn bản

 Gọi thẳng là chức danh GS, PGS, (theo Luật Giáo dục. GS, PGS là chức danh nhà giáo đang giảng dạy đại học và sau đại học).

 Quy trình bổ nhiệm vào ngạch GS, PGS chia làm 2 bước, bước thứ nhất là xét công nhận chức danh GS, PGS; bước thứ hai là bổ nhiệm vào ngạch GS, PGS (Điều 2.)

 Về đối tượng được dự xét, văn bản quy định có 3 loại đối tượng chính được xét công nhận chức danh GS, PGS

  • Các nhà giáo thuộc biên chế giảng viên của các trường đại học
  • Nhà giáo không thuộc biên chế của các trường đại học nhưng đang tham gia đào tạo đại học và sau đại học hoặc làm nhiệm vụ giảng dạy theo hợp đồng.
  • Nhà giáo nước ngoài giảng dạy tại các cơ sở giáo dục đại học và sau đại học ở Việt Nam.

 Về tiêu chuẩn: Phải có đủ 5 tiêu chuẩn, điều kiện chung sau đây:

  • Có đủ các tiêu chuẩn và thực hiện đủ các nhiệm vụ của nhà giáo được quy định trong Luật Giáo dục + Trung thực + Tinh thần hợp tác với đồng nghiệp.
  • Có bằng tiến sĩ từ đủ 3 năm
  • Có đủ số công trình khoa học (theo quy định của HĐ) trong đó có 25% được thực hiện ở 3 năm cuối.
  • Có báo cáo khoa học tổng kết kết quả đào tạo NCKH, cong nghệ.
  • Đạt số phiếu tín nhiệm của HĐ các cấp theo quy định.

 Ngoài 5 tiêu chuẩn chung nêu trên còn có 6 tiêu chuẩn riêng cho GS và 5 tiêu chuẩn riêng cho PGS.

 Đối với GS là:

  • Có chức danh PGS từ đủ 3 năm trở lên và có 3 năm cuối đang đào tạo đại học, sau đại học (thâm niên đào tạo).
  • Hướng dẫn 2 NCS trong đó hướng dẫn chính 1 đã bảo vệ thành công;
  • Biên soạn diáo trình và sách phục vụ đào tạo;
  • Có đủ số bài báo khoa học theo quy định;
  • Chủ trì đề tài NCKH từ cấp Bộ trỏ lên đã được nghiệm thu;
  • Sử dụng thành thạo 1 trong 5 ngoại ngữ.

 Đối Với PGS là:

  • Có ít nhất 6 năm thâm niên;
  • Hướng dẫn chính ít nhất 1 luận văn thạc sĩ;
  • Có đủ số bài báo khoa học theo quy định;
  • Chủ trì 1 đề tài cấp cơ sở
  • Sử dụng thành thạo 1 ngoại ngữ.

 Ngoài ra đã nêu việc xét ngoại lệ cho những trường hợp thiếu một trong các tiêu chuẩn quy định.

 Kết quả thực hiện Nghị định số 20/2001/NĐ-CP: Qua 7 đợt xét, nhiệm kỳ Hội đồng từ năm 2001 đến hết 2007 đã công nhận tổng cộng 450 chức danh GS và 2802 chức danh PGS (năm 2001 và 2002 công nhận 211 chức danh GS và 944 chức danh PGS; năm 2003 công nhận 62 chức danh GS và 388 chức danh PGS; năm 2004 công nhận 37 chức danh GS và 302 chức danh PGS; năm 2005 công nhận 42 chức danh GS và 312 chức danh PGS; năm 2006 công nhận 44 chức danh GS và 411 chức danh PGS; năm 2007 công nhận 54 chức danh GS và 445 chức danh PGS).

 Quyết định số 174/2008/TTg, ngày 31/12/2008 của Thủ tướng Chính phủ, quy định tiêu chuẩn tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư và Quyết định 20/2012/QĐ-TTg, sửa đổi, bổ sung QĐ số 174

 Về cơ bản các quy định tại văn bản này không khác với Nghị định số 20/2001/NĐ-CP nêu trên. Chỉ có mấy điểm khác đáng chú ý là:

       1. Như ở trên đã nói, văn bản này cũng chia quy trình bổ nhiệm chức danh GS, PGS làm hai “công đoạn”, nhưng có khác là Hội đồng chỉ xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS chứ không công nhận chức danh GS, PGS như đã quy định tại Nghị định số 20/2001/NĐ-CP và vì vậy mới có công đoạn hai là bổ nhiệm chức danh GS, PGS (cũng không phải là bổ nhiệm vào ngạch GS, PGS như ở Nghị định số 20 đã quy định). Ở công đoạn thứ nhất: Xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS là thuộc nhiệm vụ, thẩm quyền của Hội đồng Chức danh GS nhà nước, còn bổ nhiệm chức danh GS, PGS là thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo và sau này (theo Quyết định số 20/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ) là giao cho Thủ trưởng các cơ sỏ giáo dục đại học.

       2. Về tiêu chuẩn, trừ 2 đợt xét năm 2009, 2010, từ 2011 mấy tiêu chuẩn khác trước là:

  • Về ngoại ngữ, cả GS và PGS phải thành thạo một ngoại ngữ phục vụ cho công tác chuyên môn và ngoài ra còn phải giao tiếp được bằng tiến Anh.
  • Về đào tạo sau đại học: GS phải hướng dần thành công 2 luận án tiến sĩ; PGS phải hướng dẫn thành công 2 luận văn thạc sĩ.
  • Về chủ trì đề tài NCKH: GS phải chủ trì 1 đề tài NCKH cấp Bộ, PGS phải chủ trì 2 đề tài NCKH cấp cơ sở.

 Kết luận

 Công việc xét phong, xét công nhận chức danh GS, PGS trước đây cũng như xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS hiện nay là công việc bao gồm nhiều phương diện, đầu tiên là xây dựng ban hành các văn bản. Đây là khâu quan trọng có tính quyết định. Tiếp theo là việc tổ chức triển khai công việc trong mỗi đợt xét với nhiều công đoạn khác nhau. Nhìn lại công việc này trong hơn ba mươi năm qua, ta có thể thấy đã có bước tiến khá dài về nhiều phương diện, thể hiện qua nội dung các văn bản đã ban hành; từ phiến diện đến toàn diện, đồng bộ, đầy đủ; từ giản lược sơ sài đến cụ thể, chi tiết, hợp lý, khoa học,v,v….Ví dụ như: Hệ thống văn bản năm 1976 mới chỉ có duy nhất Quyết định số 162 của Hội đồng Chính phủ quy định tạm thời về hệ thống chức vụ khoa học trong các trường đại học, viện nghiên cứu khoa học và tiêu chuẩn của các chức vụ khoa học. Nhưng về tiêu chuẩn chỉ đại lược nêu lên 2 phương diện: Thứ nhất là tiêu chuẩn chung về chính trị, tư tưởng, đạo đức. Thứ 2 là tiêu chuẩn về chuyên môn gồm 2 mặt: Giảng dạy đại học và nghiên cứu khoa học với những quy định rất chung chung. Nếu so với những quy định về tiêu chuẩn trong Quyết định số174 gồm tới 3 Điều, một Điều quy định 7 tiêu chuẩn chung; một Điều quy định 4 tiêu chuẩn riêng cho chức danh PGS; một Điều quy định 5 tiêu chuẩn riêng cho chức danh GS. Trong văn bản hướng dẫn thực hiện 3 Điều trên đây lại có tới 10 Điều quy định rất chặt chẽ, chi tiết. Nó là cả một hệ thông văn bản quy định về tất cả các phương diện trong công việc xét chức danh một cách tỷ mỉ, cụ thể. Chưa kể hệ thông văn bản này, không chỉ quy định về tiêu chuẩn mà còn quy định chặt chẽ và đầy đủ những vấn đề về tổ chức và hoạt động của các cấp hội đồng, quy trình, các bước xem xét ở các cấp hội đồng; thủ tục hồ sơ của ứng viên.v.v….

 Chính vì trong quan niệm đang còn tồn tại những nội dung chưa thật thống nhất, chuẩn xác, chặt chẽ, nhất quán như trên đây đã nêu, nên QĐ số 174 ban hành ngày 31/12/2008, thì đầu năm 2009, khi soạn thảo các văn bản hướng dẫn thực hiện Quyết định số 174 để triển khai đợt xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS năm 2009 đã thấy một số quy định cần sửa đổi, bổ sung để đảm bảo tính khoa học, chặt chẽ có tính khả thi. Rồi vừa hoàn thành xong đợt xét năm 2009, Chính phủ đã có Nghị quyết số 66/NQ-CP yêu cầu phải sửa đổi một số quy định liên quan về thủ tục hành chính trong việc xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS. Mặt khác việc nâng cao chất lượng xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS, bản thân công việc vẫn luôn luôn là yêu cầu, đòi hỏi phải đặt ra. Để làm được điều đó, cần tiếp tục sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các giải pháp xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS.

 GS, PGS chưa được xác định một cách thống nhất, chặt chẽ là loại chức danh gì. Các văn bản từ năm 1976 đến trước năm 2001, GS, PGS được xem là chức danh khoa học (với các tên gọi như: Chức vụ khoa học, chức danh khoa học, học hàm- hàm khoa học), của cán bộ khoa học giảng dạy ở các trường đại học và cán bộ nghiên cứu ở các viên NCKH có tham gia đào tạo đại học, sau đại học và có thể là cả cán bộ khoa học của các đơn vị không phải là cơ sở giáo dục đại học nhưng có tham gia đào tạo đại học, sau đại học.

 Từ năm 2001, GS, PGS được xem là chức danh nhà giáo,chức danh viên chức giảng dạy tại các trường đại học, tức là mội loại chức danh nghề nghiệp. Riêng với Nghị định số 20 (từ năm 2001) thì GS, PGS vừa là chức danh nhà giáo lại vừa là tên của 2 ngạch viên chức giảng dạy ở trường đại học ( nên mới quy định rõ là sau khi xét công nhận chức danh thì bổ nhiệm vào ngạch GS và ngạch PGS). Như vậy GS, PGS không được hiểu cùng một nghĩa thống nhất, đồng nhất giống nhau. Và nếu đã được HĐ phong, hoặc công nhận là đương nhiên đã có chức danh GS hoặc PGS.

 Vì xem GS, PGS là chức danh khoa học của cán bộ khoa học nên người làm công tác nghiên cứu ở các viện nghiên cứu mặc dù đã được bổ nhiệm và hưởng lương nghiên cứu viên cấp cao vẫn muốn được xét công nhận chức danh GS hoặc có trường hợp là chức danh PGS và ngay các giảng viên của các trường đại học đã được xếp vào ngạch và hưởng lương giảng viên cấp cao hoặc giảng viên chính vẫn muốn được công nhận chức danh GS hoặc PGS (!).

 Thực ra việc xem GS, PGS là chức danh khoa học hay chức danh nhà giáo ở một chừng mực nào đó nó sẽ quy định việc đặt ra những loại tiêu chuẩn phù hợp với loại chức danh đó và cách tổ chức các cấp hội đồng gồm những người có đủ điều kiện để xét loại chức danh đó; các tiêu chuẩn, hệ thống hội đồng có thể là chính xá, thích ứng với loại chức danh này nhưng lại là không phù hợp, không đủ điều kiện với loại chức danh khác.

 Về cách tổ chức HĐ: Cách tổ chức các cấp HĐ từ xưa đến hiện nay, vì xem GS, PGS là chức danh khoa học nên thực chất là hội đồng gồm các nhà khoa học của một đơn vị, hoặc là hội đồng của các nhà khoa học tiêu biểu, đại diện cho các nhà khoa học của một hoặc một số lĩnh vực khoa học trong cả nước. Nếu thực sự xem GS, PGS là chức danh viên chức giảng dạy ở các trường đại học, thì việc xét chức danh GS, PGS chính là việc xét nâng ngạch hoặc tuyển dụng viên , đúng như Pháp lệnh Cán bộ công chức đã quy định, thành phần của HĐ phải chủ yếu gồm các nhà quản lý ở các cấp quản lý tương ứng, trong đó nếu cần có thể có một vài nhà khoa học thuần túy và các nhà khoa học này cũng cần ở một mức độ nào đấy phải phù hợp với nghề nghiệp của đối tượng đưa xem xét.

 Những nhận xét về những hạn chế trong các văn bản đã nêu ở trên chỉ là gợi ra một vài nhận xét, nó sẽ được bàn bạc kỹ hơn trong một chuyên đề khác khi bàn tới các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng việc xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS trong những năm tới.

 Trên đây là vắn tắt giới thiệu một số nội dung cơ bản của các văn bản quy định về việc xét công nhận chức danh GS, PGS ở nước ta trong thời gian qua./.

 TS. Đỗ Đức Tín

 (Các “Văn bản” được đề cập trong bài viết này bao gồm các Nghị định của Chính phủ, các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và các Quyết định, Thông tư của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc xét công nhận chức danh GS, PGS)

  

  

  

  

  

  

 Tag: 2017 2019 mục