Người Mường có câu “Cơm đồ nhà gác, nước vác lợn thui, ngày lui tháng tiến”, nhà gác ở đây chính là nhà sàn và nhà sàn chính là nét kiến trúc đặc trưng của người Mường. Theo sử thi Đẻ đất đẻ nước khi con người chưa có chỗ ăn, ngăn ở còn ở trong rừng, lúc đó đá Cần cùng dân làng đi xúc cá, bắt được con Rùa, trói buộc định mang về thịt ăn. Thấy thế Rùa xin tha bằng cách hiến kế làm nhà theo thân hình mình.
 Hai vỉa sườn hai mái nhà
 Xương sống làm đòn nóc bắc kèo cái
 Mỗi xương sườn là một cái rui
 Dải Sườn đùi là phên cái mè
 Hai thẻ xương sườn là đôi kèo cái”
 Sử thi Đẻ đất đẻ nước nói vậy, thực tế đá Cần và các đời sau làm nhà Rùa như thế nào. Đó là nhà rùa 4 cột như bốn chân Rùa, muốn làm mái tròn hóa ra vuông. Ở tầng sàn, bắc xà vào cột cái nhưng để đầu xà dài ra hơn cột để làm sàn cho dài. Chiều rộng cũng vậy, được bỏ xà dọc gác lên xà ngang để thò lên phía cửa voóng và thò xuống phía sau dài hơn cột cái. Tất cả xung quanh thò ra bên ngoài cột, riêng hai phía voóng và phía khậm, không có xà. Dĩ nhiên chỉ thò ra với độ cho phép. Làm như vậy vì đó coi là rìa của mai Rùa thò ra. Cùng với mái nhà chảy xuôi để che sương gió, nên mái gần sát với tầng sàn.
 Ở tầng trên (mái gianh) bắc bốn xà, 2 dọc, 2 ngang vào đầu cột thành hình vuông hay hơi chữ nhật. Hai đôi kèo cái đặt lên hai đòn tay cái (xà đại), xà này làm dài hơn cột để bắc quá giang phụ ở ngoài đầu xà, làm chân đặt kèo trái, ở gần chân kèo để dài ra vừa đủ độ rồi đục lỗ tra cu cu (con xo) để thò ra gác lên xà. Kèo cái cũng vậy, chỉ khác là con xo to hơn, có đẽo khớc cho đẹp và chỗ chạm vào xà đại phải ngoạm được các cánh xà đại ở bên trên. Nếu không làm vậy thì đẩy 2 đôi kèo cái vào lòng nhà, chia xà đại ra làm 3 gian, dùng quá giang ở hai đầu xà đại làm xà đặt chân kèo bên trái và bên phải. Lối nhà này, đến nay vẫn còn thấy khi muốn làm nhà mà thiếu cột cái, được gọi là nhà “đay quay”, chỉ khác với ngày nay là chân kèo ngắn. Kèo chính hay kèo hai trái để thò dài xuống để chạm vào tầng sàn, chưa có vách nhà. Kiến trúc nhà Rùa sử dụng nhiều đời đã có sự bổ sung cho thêm vững chãi bằng các cột hiên và xà, ruông ở phía trước, phía sau. Hai chái nhà thêm hàng cột chạy dọc, nối ruông (lạt) thêm một đoạn phía hè (bên trong), một đoạn ruông phía ruộng (bên ngoài), thêm xà hiên trên đầu cột chạy bốn xung quanh. Kèo cái đã có xà hiên đỡ chân. Kèo hai chái nhà được gác lên cối đệm buộc ở trên sát góc nhọn hay vuông của đôi kèo cái, chân chạm vào xà ở ngay đầu cột. Như vậy kèo gồm có 4 kèo cái, 4 kèo góc (còn gọi là bắp cày), 4 kèo 2 chái. Nếu chiều rộng (chùng khù) hẹp thì chỉ dùng mỗi chái một kèo ở chính giữa, sau đó được nâng, rút mái gianh (giọt gianh) cao lên cho có độ thoáng mát, làm thêm vách che, để cửa sổ những chỗ cần thiết. Đối với nhà nhiều gian chỉ cần thêm vì, kèo, cột và xà dưới (lạt, ruông), xà cái, xà hiên, muốn bao nhiêu gian cứ thêm bằng ấy vì nữa. Về chọn cây làm nhà
 Thứ nhất cây trâm, cây trai
 Thứ hai cây búm xó
 Không có mới dùng lim.
 Về kèo và xà thường có hình khối “một chông một tlang” là chiều dài và chiều rộng của bàn chân. Kèo và xà ghép với nhau theo chiều “xép áo” bên trái dập về bên phải theo chiều kim đồng hồ. Tính độ dốc của mái nhà bằng cách ghép kèo “vuông gói xôi” .
 Về dựng nhà, người Mường dựng nhà ở nơi khoảng đất rộng, phẳng, thuận nước, thuận nơi làm ruộng, nương, gần làng xóm. Nhà Mường xưa kia hầu hết không san nền, vì làm cột chôn, chỗ trũng cột dài, chỗ đất cao cột ngắn, hoặc do đào sâu nông. Do đó muốn trên tầng phẳng, trên mái thăng bằng, trước khi đào lỗ chôn cột phải “Rè”. Rè là hình thức làm nhà giả riêng tầng sàn, cột giả gồm 8 hoặc 12 cột để bắc que ngang, dọc hoặc căng dây, lấy nước đổ lòng máng cây nứa đo lấy độ cần bằng. Trên cơ sở đó cho phía cửa voóng cao hơn một chút để khi nằm nghỉ khỏi bị dốc ngược “dốc lòm” và gốc bương tre để phía dưới (khậm) cũng to hơn ngọn ở phía voóng.
 Cứ thế, lần lượt theo kiến trúc ngôi nhà để bắc xà đại, quá giang, xà hiên, dựng kèo cái, kèo hai chái, đặt đòn tay (lăng) theo từng mấu (đốt) ở kèo, đặt đòn nóc và buộc nín vào kèo qua lỗ đục. Buộc kèo giả ở giữa hai gian cái hoặc làm chống gió. Kéo cây chân rui làm bằng bương tre dài suốt mái, khoét từng từng lỗ cách nhau 15-20cm để đặt chân rui. Riêng có 6 lỗ rui đực khoét thủng để thò chân rui khỏi cây chừng 20-25cm, có lỗ cài con xỏ sát với cây chân rui để kéo, đỡ cho khỏi tuột. Ngoài đầu chân rui có lỗ đóng que làm thành móc đỡ một cây bương tre nhỏ, gọi là máng bái. Sáu rui đực chia thành ba đôi, một đôi chính giữa mái nhà, còn 2 đôi nữa chia đều ra 2 bên. Ở các rui này phải được buộc kỹ (néo) bằng dây khọ chứ không buộc lạt. Cây cũng phải néo từng đoạn buộc lên với đòn tay (lăng) sau đó thì đặt vào buộc rui cho đều, thẳng. Khi buộc thì so le đi, rui này buộc ở đòn tay dưới, rui sau buộc ở đòn tay trên, cứ theo chiều đòn tay, rui buộc, rui không buộc. Đối với đòn tay dưới cùng và trên cùng buộc khẳn (buộc hết các rui). Trên cùng của đầu rui hai mái cái đặt và néo chặt lại để sau đắp nóc sẽ xỏ que xuyên qua bên dưới kẹp giữ phanh nóc, gọi là xỏ quàil. Ở dưới chân rui (mang bái) đặt mè rè, loại phên đan mắt cáo rộng chừng 40 cm, dài suốt theo bốn xung quanh nhà để đỡ phên gianh.
 Về sàn nhà, dùng bằng cây nứa to, cây bương lấy dao bổ đều vào xung quanh các đốt rồi rạch một đường suốt để tẽ ra. Gọi là:
 “Sàn nhà bương già
 Bương da cây nứa”
 Về lợp nhà thường đặt từ hai đến ba phên gianh chồng đôi ở dưới chân rui. Giữa đầu phên gianh này gối đầu phên gianh khác, bên trái đè bên phải, gọi là “xép áo”. Ở bốn góc mái nhà buộc mỗi góc một đôi phên gianh quấn vòng quanh góc để hom gianh xuống, buộc túm đuôi gianh lên rui nhà, gọi là “ca cúp”, để khỏi bị mỏng gianh. Đối với làm nhà mới hay lợp gianh mới, người Mường có tục làm phe giúp nhau. Tục làm phe do tổ chức của làng đảm nhiệm trùm làng và vé phe điều khiển. Hằng năm, nhà ai cần làm nhà hay lợp lại thì mời và phe đến nhà ăn cơm mà đi phổ biến theo lệ làng đã bàn sẵn. Nếu chỉ xin riêng gianh thì thường quy định thành 3 mức, loại 30 phên, loại 50 phên và loại 100 phên mỗi hộ. Mỗi loại quy định bao nhiêu cân thịt, bao nhiêu chai rượu.
 Khi làm xong nhà mới còn có một thủ tục quan trọng là đắp bếp. Chủ nhà sẽ cúng vua bếp để mong phù hộ khỏi hỏa hoạn, sau đó con cháu là người lót bếp, lấy đất và đổ đất để đắp bếp, người già lửa nướng cá đốt cho lửa cháy mãi trong đêm không tắt tượng trưng cho cuộc sống ấm áp, có cơm cá nấu nướng thường xuyên. Cụ già chẹng nục dựng ba hòn đá, tượng trựng cho sự bền vững như hòn nục.
 Như vậy nhà sàn của đồng bào Mường là một biểu hiện sinh động, đặc sắc của văn hoá vật thể từng gắn bó máu thịt với sinh hoạt hàng ngày của đồng bào qua nhiều thế hệ. Trong cấu trúc truyền thống, nhà sàn Mường là một kiến trúc đa năng, ngôi nhà thoả mãn nhiều nhu cầu sinh hoạt và sản xuất của mỗi gia đình. Kiểu dáng nhà sàn Mường cũng là một nét riêng làm phong phú thêm văn hoá nhà sàn của các dân tộc Việt Nam và khu vực Đông Nam Á.
 Nguồn: http://lacson.hoabinh.gov.vn/index.php/t-lia-u/2877-nha-sa-n-ng-a-i-m-a-ng
 Tag: logo sapa bản áng mộc châu thuê bán gỗ nghiến tóm miếng lau hô quán q4 micha – mặc sành điệu số lác tòa sannam duy tân