Khó mà nói 2017 tiếp tục là năm của tvN khi mà những tác phẩm lên sóng đài này trong 3 tháng vừa qua đều không thành công như mong đợi. Trước khi hai dự án “khủng” là Circle và Secret Forest kịp ra mắt, Chicago Typewriter (Vũ Khí Nhà Văn) được hi vọng sẽ là bộ phim giúp tvN “đổi vận” ngay tháng Tư. Tuy 2 tập phim đầu tiên mới chỉ là sự khởi động, nhưng 150 phút phim thì đã là đủ dài để người ta kì vọng, cũng như là đôi chút thất vọng, về dự án của bộ ba Yoo Ah In, Im Soo Jung và Go Kyung Pyo, bên cạnh cái tên đình đám Jin Soo Wan, nữ biên kịch của Kill Me Heal Me gây sốt một thời.
 Phim kể về Han Se Joo (Yoo Ah In) – ngôi sao của giới văn học, nhà văn của những cuốn sách bán chạy nhất. Thứ vũ khí mà anh ta sở hữu không chỉ là ngòi bút “đâm xuyên” tâm trí độc giả, mà còn là vẻ ngoài hấp dẫn như một thần tượng triệu fan. Một cô gái đâm đầu theo đuổi anh ta suốt 10 năm, một gã điên lại càng sa vào tội lỗi vì yêu thích tác phẩm của anh ta đến ám ảnh giết người. Han Se Joo có lẽ không nghĩ lời đe dọa của một tên fan cuồng có thể làm anh ta điêu đứng, nhưng cái chết của hắn thì đủ để kéo anh ta chìm sâu vào khủng hoảng đến không viết nổi một trang, đủ để khiến anh ta biết được cảm giác sống như chết là thế nào.
 Ngoài Han Se Joo, Chicago Typewriter còn xoay quanh hai nhân vật khác là Jeon Seol (Im Soo Jung), cô nàng fangirl khó hiểu của anh ta, và Yoo Jin Oh (Go Kyung Pyo), một nhà văn “ma” đến bây giờ vẫn chưa xuất đầu lộ diện. Mối quan hệ giữa họ thậm chí còn bắt đầu trước cả khi họ ra đời. Cả ba từng là những người bạn ở kiếp trước, trong những năm 1930 thời kì Hàn Quốc thuộc Nhật. Được đầu thai ở kiếp này, họ gặp lại nhau, nhận ra nhau bằng những mảnh ghép kí ức rời rạc và kì lạ, ẩn hiện qua một chiếc máy đánh chữ kì quái – thứ được lấy tên để đặt tên cho một khẩu súng – máy đánh chữ Chicago.
 Han Se Joo (Yoo Ah In)
 Không phải là Han Se Joo phô trương, ngạo nghễ, điều hấp dẫn nhất ở Chicago Typewriter có lẽ đang nằm ở câu chuyện kiếp trước của các nhân vật. Hai quý ông nóng bỏng trong những bộ vest lịch lãm Seo Hwi Young (Han Se Joo) và Yoo Jin Oh, cùng cô nàng giả trai tự nhiên, lém lỉnh Ryu Soo Yeon (Jeon Seol), tất cả những gì thuộc về họ – vẻ đẹp, thần thái, áo quần, sự bí ẩn, quyến rũ – không một khán giả nào là không bị thu hút và tò mò vì những điều ấy.
 Vì sao câu chuyện của họ lại trở nên dang dở, để họ phải vướng bận kiếp này, bắt họ phải gặp lại nhau lần nữa trong một tình huống chẳng hề vui tươi như họ đã từng, chỉ để viết tiếp phần còn lại trong định mệnh của chính họ? Điều mà người xem chờ đợi ở Chicago Typewriter cũng chính là đáp án cho câu hỏi ấy. Người xem thực sự hi vọng bối cảnh của những năm 1930 vẫn kích thích như vậy cho đến khi phim kết thúc, bởi sẽ là rất đáng tiếc nếu những gì diễn ra trong hai tập đầu tiên hóa ra lại như là đoạn trailer gồm những cảnh hay nhất của câu chuyện được kể xuyên suốt 16 tập phim này.
 Seo Hwi Young, kiếp trước của Han Se Joo
 Ryu Soo Yeon, kiếp trước của Jeon Seol (Im Soo Jung)
 Không may mắn là so với những cố nhân, Han Se Joo và Jeon Seol lại không phải là những nhân vật thú vị hay đáng yêu như những gì người xem từng chờ đợi cho sự trở lại của Yoo Ah In và Im Soo Jung. Tạm bỏ qua những thua kém thấy rõ về tạo hình, cặp đôi chính ở thời hiện đại không khiến cho khán giả đồng cảm nhiều lắm về cuộc sống cũng như tính cách có phần “hâm hâm” của họ, đặc biệt là nam chính Han Se Joo.
 Biên kịch có chủ đích rõ ràng khi khắc họa nhân vật này là một nhà văn nóng tính, tới mức một fangirl lâu năm như Jeon Seol cũng phải trở thành anti-fan của anh ta. Thế nhưng trong mắt những khán giả theo dõi bộ phim, cách hành xử của Han Se Joo không khác gì… một tên dở người. Hung hăng, cộc cằn, khó chịu liệu có thể là tính cách của một nhà văn biết dùng tư liệu cuộc đời để viết ra những tác phẩm ăn khách? Cách miêu tả mâu thuẫn này của biên kịch mang tới cảm giác làm quá và không khỏi gượng ép cho nhân vật của bà.
 Đạo diễn Chicago Typewriter từng phát biểu rằng khó có thể xếp bộ phim này vào một thể loại cụ thể khi mà các yếu tố melodrama, cổ trang, viễn tưởng đều có mặt trong phim. Mặc dù vậy, có thể nhận ra tính chất lãng mạn vẫn là “xương sống” mà câu chuyện của Chicago Typewriter đang dựa dẫm vào nhiều nhất. Tuy nhiên, một lần nữa, lại là những cố nhân vượt trội hơn mấy cô cậu hiện đại về khoản “sến”, dù thời lượng dành cho họ đang là ít hơn hẳn. Có lẽ vẫn còn cần thêm một thời gian nữa để cặp đôi chính tạo được nhiều thiện cảm hơn, ít nhất là cho tới khi nhân vật Han Se Joo bớt hâm dở.
 Nhân vật gây nhiều tò mò nhất đến lúc này lại là Yoo Jin Oh do Go Kyung Pyo thủ vai. Là kẻ bí ẩn nhất trong câu chuyện ở kiếp trước, cũng là kẻ chưa chính thức lộ diện ở kiếp này, Yoo Jin Oh chính là ẩn số thú vị khiến người xem nán lại để chờ đợi xem tiếp những tập sau của Chicago Typewriter.
 Yoo Jin Oh (Go Kyung Pyo)
 Mặc dù phim mới phát sóng hai tập nhưng biên kịch đã đặt ra cho khán giả quá nhiều bí mật trong khi chỉ cho họ một lượng manh mối ít ỏi. Tất nhiên, sẽ có khá nhiều người xem thích thú trước sự ém hàng của Chicago Typewriter, nhưng nếu như bị giấu giếm quá nhiều, có thể họ sẽ nảy sinh tâm lí mệt mỏi và ngại theo dõi.
 Nhiều khán giả đã phải thốt lên: “10 năm trước là cái gì thế?” – bởi cụm từ “10 năm trước” được các nhân vật nhắc tới khá nhiều lần trong hai tập vừa qua và nói xong thì bỏ đó đi luôn. Nếu như trong các tập tiếp theo biên kịch hào phóng hơn, không giấu kín bộ phim tới phút cuối rồi bất thình lình tung ra toàn bộ bí mật khiến người xem á khẩu không biết phản ứng ra sao, thì chắc chắn, Chicago Typewriter sẽ là bộ phim giữ chân được khán giả tới phút cuối cùng.
 Bỏ qua những điều chưa thật tốt, Chicago Typewriter xứng đáng để được các mọt phim Hàn tìm xem hai tập đầu tiên. Bộ phim hiện đang được phát sóng vào khung giờ thứ Sáu – thứ Bảy hàng tuần trên đài tvN.
 Nguồn: Kênh 14