(Tài chính) Hàng năm cứ đến ngày kỷ niệm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2.9, chúng ta lại trở về với ký ức hào hùng của một dân tộc đã từng trải qua một nghìn năm nô dịch của giặc Tàu và trăm năm nô lệ giặc Tây, rũ bùn đứng dậy sáng lòa, tự ghi tên mình vào bản khai sinh các dân tộc độc lập có chủ quyền trên thế giới.
 Dân tộc anh hùng bởi nhân dân anh hùng. Nhân dân anh hùng và thời đại sinh ra vĩ nhân của dân tộc và nhân loại – Hồ Chí Minh – Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới.
 Cả cuộc đời của Hồ Chủ tịch là cuộc đấu tranh gian khổ, bền bỉ, kiên định không gì lay chuyển nổi với lý tưởng độc lập dân tộc gắn liền với Chủ nghĩa xã hội: “cả đời tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, nhân dân ta hoàn toàn được tự do, ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”.
 Với sự nhạy bén về quá trình vận động của lịch sử, thấu hiểu tinh thần và sức mạnh của toàn dân, Hồ Chủ tịch và Đảng ta đã đoàn kết toàn dân làm nên những chiến công hiển hách, vang dội chống thực dân đế quốc bành trướng trong suốt thế kỷ XX, tiếp tục đưa đất nước đi theo con đường đã chọn.
 Để thực hiện mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, trong cả cuộc đời làm cách mạng, Hồ Chủ tịch đã dành nhiều thời gian, công sức, trí tuệ hình thành tư tưởng xây dựng Nhà nước kiểu mới – Nhà nước của dân, do dân và vì dân.
 Theo tư tưởng của Hồ Chí Minh để có một Nhà nước vì dân thì trước hết Nhà nước đó phải của dân và do dân:
 Nhà nước của dân, là Nhà nước trong đó dân là chủ, dân làm chủ; dân là người có địa vị cao nhất, có quyền quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước. Hồ Chí Minh luôn luôn khẳng định: “Nước ta là nước dân chủ, bao nhiêu quyền hạn là của dân; mọi quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”.
 Trong nhà nước ta, dân là chủ thể của quyền lực nhà nước, do đó người cầm quyền, cán bộ công chức nhà nước chỉ là người được dân ủy quyền có điều kiện và có thời hạn để gánh vác, giải quyết những công việc chung của đất nước, do đó theo Hồ Chí Minh cán bộ công chức nhà nước là công bộc, đầy tớ của dân. Và vì vậy bất cứ việc gì đều phải bàn bạc với dân, hỏi ý kiến và kinh nghiệm của dân .
 Làm công bộc, đầy tớ của dân là một trách nhiệm rất vẻ vang, nhưng cũng rất khó khăn, nặng nề. Muốn vậy người cầm quyền cần phải gần dân, sát dân, hiểu dân, tin dân và phải biết sử dụng sức mạnh to lớn của nhân dân, tác phong của người cầm quyền phải: “óc nghĩ, mắt thấy, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm chứ không phải nói suông, chỉ ngồi viết mệnh lệnh. Họ phải thật thà nhúng tay vào việc”.
 Từ quan niệm về vị thế của người cầm quyền, Hồ Chí Minh tự ý thức vị trí của mình trước nhân dân, người nói ở nước ta, từ Hồ Chủ tịch trở xuống là đầy tớ của dân, dân đặt ở đâu thì làm ở đó, người làm Chủ tịch nước cũng là nhờ sự trao quyền ủy thác của dân và khẳng định “khi nào đồng bào bảo tôi lui thì tôi vui lòng lui”.
 Nhà nước do dân, Nhân dân là người tổ chức nên cơ quan nhà nước từ Trung ương đến cơ sở thông qua chế độ phổ thông đầu phiếu, trực tiếp, kín để lựa chọn những người đủ tiêu chuẩn bầu vào cơ quan nhà nước.
 Nhân dân có quyền thực hiện chế độ bãi miễn theo 3 mức độ từ thấp đến cao, bãi miễn đại biểu, bãi miễn các cơ quan nhà nước, bãi miễn nội các Chính phủ nếu các đại biểu đó, các cơ quan nhà nước và nội các chính phủ không còn phù hợp với nhân dân, đi ngược lại lợi ích của nhân dân, và sự bãi miễn đó là bất cứ lúc nào.
 Nhà nước do dân, nghĩa là dân có trách nhiệm, nghĩa vụ đóng góp trí tuệ, sức người, sức của để tổ chức, xây dựng, bảo vệ và phát triển nhà nước “đẩy thuyền cũng là dân, lật thuyền cũng là dân”.
 Nhà nước do dân còn thể hiện ở vai trò tham gia quản lý nhà nước, phê bình, kiểm tra, kiểm soát, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, các đại biểu dân cử.
 Từ kiểu tổ chức nhà nước của dân và do dân, nhà nước ta mặc nhiên là nhà nước vì dân, nhà nước phục vụ nhân dân, đem lại lợi ích cho nhân dân. Nhà nước được tổ chức và hoạt động vì một mục tiêu duy nhất là không ngừng cải thiện và nâng cao đời sống của nhân dân, với phương châm “việc gì có lợi cho dân thì phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân thì phải hết sức tránh”; hay “chúng ta giành được độc lập rồi mà dân cứ chết đói, chết rét thì độc lập tự do cũng không làm gì. Dân chỉ biết rõ giá trị của độc lập tự do khi mà dân được ăn no, mặc đủ”.
 Cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân là cơ sở hàng đầu đánh giá hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước và năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức nhà nước.
 Nhà nước vì dân là Nhà nước chăm lo mọi mặt đời sống của nhân dân, trước hết là chăm lo các nhu cầu thiết yếu nhất. Làm cho dân có ăn, làm cho dân có mặc; làm cho dân có chỗ ở, làm cho dân được học hành, làm cho dân có điều kiện khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe.
 Chính phủ lo cho dân là không làm thay dân mà là hướng dẫn dân, giúp đỡ dân để dân tự thực hiện chăm lo đời sống cho mình, bằng chính sức dân.
 Bên cạnh việc đem lại lợi ích cho dân, chăm lo mọi mặt đời sống nhân dân, nhà nước phải biết kết hợp điều chỉnh các loại lợi ích khác nhau giữa các giai cấp, tầng lớp xã hội, các bộ phận dân cư để luôn được mọi người dân ủng hộ, xây dựng, làm cho ai ai cũng thấy nhà nước là người đại diện cho lợi ích chính đáng của họ.
 Để thực hiện nhà nước vì dân, Hồ Chí Minh rất quan tâm nhấn mạnh phải xây dựng nhà nước thực sự liêm khiết, trong sạch, tránh quan liêu, tham nhũng, đặc quyền, đặc lợi. Phải kiên quyết loại bỏ các ông quan cách mạng ra khỏi bộ máy nhà nước.
 Tư tưởng nhà nước của dân, do dân, vì dân của Đảng ta và Hồ Chí Minh là tư tưởng cốt lõi, có tính quy luật trong xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN ở nước ta.
Một nhà nước vì dân khi và chỉ khi nhà nước đó là của dân, do dân tổ chức ra, giao quyền và giám sát hoạt động của nhà nước.
 Hiến pháp 2013 đã xác định nguyên tắc tổ chức quyền lực nhà nước ở nước ta là: “Quyền lực nhà nước là thống nhất song có sự phân công, phối hợp, kiểm soát trong quá trình thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp”. Tính thống nhất quyền lực cần phải được hiểu là quyền lực nằm trong tay nhân dân mà đại diện là QH và HĐND các cấp, là cơ quan sở hữu quyền lực chính trị, định quyền và phân công, phân cấp tổ chức thực hiện quyền lực thông qua Hiến pháp, pháp luật ở trung ương và quyết sách ở địa phương. Các cơ quan của Chính phủ, cơ quan tư pháp, UBND các cấp là các thiết chế tổ chức thực hiện quyền lực nhà nước do dân ủy quyền. Rất tiếc đã có không ít ý kiến cho rằng quyền lực nhà nước không chỉ nằm trong tay QH, HĐND mà còn trong các cơ quan nhà nước khác và vì vậy đã từng có ý kiến đề nghị bỏ Vị trí của HĐND các cấp là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, tuy nhiên Hiến pháp 2013 đã bác bỏ.
 Đổi mới hệ thống chính trị ở địa phương không đồng nghĩa với việc phải bỏ đi thiết chế HĐND trong một cấp chính quyền địa phương bất kể nông thôn hay đô thị. Sự phát triển của hình thái chính quyền địa phương chưa tạo ra cơ sở khách quan của việc cần triệt tiêu cơ chế giám sát, kiểm soát quyền lực nhà nước. Trái lại, những biểu hiện của tệ quan liêu cửa quyền càng chứng tỏ việc kiểm soát quyền lực nhà nước làm lành mạnh các quan hệ xã hội là khâu yếu nhất của thể chế.
 Đổi mới Hệ thống chính trị ở địa phương phải theo hướng tăng cường năng lực và hiệu quả hoạt động của HĐND và UBND, đồng thời với việc đổi mới tổ chức và phương thức lãnh đạo của Đảng, hiệu quả hoạt động của các đoàn thể nhân dân. HĐND, UBND và các cơ quan nhà nước phải được tăng cường đủ về số lượng, nâng cao chất lượng, đội ngũ cán bộ phải được xây dựng vừa hồng vừa chuyên, trong sạch để đủ sức giải quyết mọi việc của dân theo pháp luật. Trong cấu trúc của một cấp chính quyền địa phương, phải tăng cường cơ chế giám sát, kiểm soát quyền lực trực tiếp thì chính quyền địa phương mới bảo đảm nguyên tắc vì dân, trở thành trung tâm hay trụ cột của Hệ thống chính trị ở địa phương.
 Đất nước chúng ta đang trong quá trình hội nhập sâu vào các thể chế kinh tế, chính trị thế giới vì vậy cần có sự giao thoa, tiếp biến, kế thừa các giá trị chung của nhân loại vào điều kiện cụ thể của Việt Nam để phát triển. Nhưng với hình thái đơn nhất, nhất nguyên về chính trị gắn liền với mục tiêu xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân thì việc nhân danh đổi mới hay cải cách để tạo ra ở đâu đó một kiểu chính quyền bổ nhiệm không phải của dân, do dân tổ chức ra. Từ bỏ quyền sở hữu nhà nước, quyền bãi miễn của dân đối với Nhà nước thì vô hình trung đã làm suy yếu và tha hóa các nguyên tắc xây dựng nhà nước được đề ra trong cương lĩnh, Hiến pháp dày công xây dựng hoàn thiện mấy chục năm qua.
 Dưới ngọn cờ của Cách mạng tháng Tám và giá trị của nền độc lập mang lại, những di sản tinh thần vô giá của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta về nhà nước kiểu mới, giương cao ngọn cờ Độc lập dân tộc gắn liền với CNXH đã phát huy cao độ khối đại đoàn kết toàn dân tộc phấn đấu vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Trong tiến trình đổi mới hệ thống chính trị, việc xây dựng nhà nước thật sự của dân, do dân là cơ sở và điều kiện tiền đề để làm tròn sứ mệnh của một nhà nước vì dân.
 Tag: ví dụ là: