Nghề làm vàng mã tất bật vào vụ Tết

Cứ mỗi dịp Tết đến Xuân về, nhu cầu mua sắm vàng mã của người dân lại tăng cao. Đây cũng là lúc các hộ sản xuất vàng mã phải làm việc tất bật để đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ của khách hàng.

 Tại Đà Nẵng, sản xuất vàng mã chủ yếu được thực hiện tại hộ gia đình.

 Gia đình chị Bùi Thị Xanh (trú Hòa Khương, Hòa Vang, Đà Nẵng) có hơn 10 năm sản xuất vàng mã. Vào những ngày giáp Tết, gia đình chị phải huy động tất cả thành viên để kịp giao hàng cho các mối sỉ trên địa bàn huyện.

 “Năm nào cũng thế, cứ đến dịp Tết là cả nhà làm “tối mắt tối mũi”. Chị có hai đứa con phụ làm nhưng cũng không kịp đơn hàng giao cho khách”, chị Xanh nói.

Nghề làm vàng mã tất bật vào vụ Tết - 1

 Nhấn để phóng to ảnh

Những ngày này, các cơ sở vàng mã tất bật làm việc để kịp giao hàng cho khách

 Để đảm bảo đủ hàng cung ứng ra thị trường dịp Tết, từ những tháng trước, gia đình chị Xanh đã cắt sẵn giấy, gấp nếp, chẻ tre, đóng khung sẵn để đến tháng cận Tết dán ráp hàng cho nhanh.

 “Tết thì hàng nào cũng được mua nhiều nhưng nhiều nhất là đồ ông Thần, đồ ông Táo. Vì thế, tre chẻ sẵn nhiều cũng không đủ làm”, chị Xanh cho biết thêm.

 Từ cuối tháng 11 âm lịch, tại cơ sở sản xuất vàng mã – hương đèn Loan Tuấn (Hòa Khánh Nam, Liên Chiểu, Đà Nẵng) đã tấp nập người ra vào đặt hàng. Cơ sở chủ yếu làm quần áo, hương đèn, còn những mẫu giày dép, mũ nón, điện thoại, ngựa thì được nhập về từ một cơ sở khác.

Nghề làm vàng mã tất bật vào vụ Tết - 2

 Nhấn để phóng to ảnh

Nhiều gia đình phải huy động cả người nhà, thuê thêm công nhân

 “Ngày thường chỉ có hai vợ chồng làm, còn tháng Tết phải thuê thêm công nhân. Làm ngày, làm đêm rồi còn tất bật giao hàng cho khách nhưng kinh tế ổn định nên cũng cố gắng làm”, ông Tuấn, chủ cơ sở vàng mã Loan Tuấn cho biết.

 Chị Trần Thị Phương Trinh công nhân làm thuê tại cơ sở Loan Tuấn cho biết, cứ đến những tháng cuối năm, chị lại được cơ sở thuê làm vàng mã. Theo chị Trinh, tại cơ sở có 2 nhân công chuyên dán đồ mã, vợ chồng chú Tuấn vừa làm hàng vừa soạn đồ. Những ngày này, khách vào đặt hàng liên tục, làm bao nhiêu hàng cũng không đủ giao.

Nghề làm vàng mã tất bật vào vụ Tết - 3

 Nhấn để phóng to ảnh

Hàng làm ra để ngập nhà vẫn không đủ giao cho khách

 Cũng làm hàng mã nhưng tại hộ gia đình anh Trần Mai Cương (trú tại Hòa Minh, Liên Chiểu, Đà Nẵng) chỉ chuyên làm đồ ông Thần, đồ ngựa. Cơ sở của anh Cương có đến 10 người làm từ nhiều công đoạn như vót tre, cắt giấy, gấp bài, dán mũ, bấm và ráp thành bộ đồ Thần. Cận Tết có nhiều sinh viên đến làm thời vụ tại đây và lương sẽ được tính theo sản phẩm. Đồng thời, nhiều người dân xung quanh cũng nhận giấy quần áo về dán tại nhà, vừa tiện việc vừa có thêm thu nhập.

Nghề làm vàng mã tất bật vào vụ Tết - 4

 Nhấn để phóng to ảnh

Dù vất vả nhưng đây là dịp làm ăn nên ai cố gắng làm

 “Làm đồ vàng mã phải tỉ mỉ, khéo léo nhưng cũng phải quen tay thì làm mới được nhiều hàng. Trung bình tại cơ sở bán mỗi bộ đồ vàng mã chỉ 10.000 đồng, nhưng khi đến tay người mua, mỗi bộ bán lẻ giá sẽ dao động khoảng 25.000 – 30.000 đồng/bộ. Rằm tháng 7 là tháng bận rộn rồi mà Tết Nguyên đán lại càng bận rộn hơn với số lượng hàng tăng gấp 10 lần”, anh Cương cho hay.

 Theo các chủ cơ sở làm vàng mã cho biết, để có những mẫu mã độc đáo, đa dạng, họ phải tìm hiểu nguồn gốc, ý nghĩa cả các ngày lễ, Tết qua các tư liệu. Mỗi bộ trang phục đều có những chi tiết riêng như giày, mũ, màu sắc, kiểu dáng, cử chỉ. Đây là những chi tiết thuộc về văn hóa nên bắt buộc phải chính xác để phù hợp với thuần phong mỹ tục.

 Nguồn: https://dantri.com.vn/doi-song/nghe-lam-vang-ma-tat-bat-vao-vu-tet-20200109111852047.htm