Diễn viên Lê Mai, Kim Xuyến… cùng gia đình tiễn đưa nghệ sĩ Trần Hạnh trong lễ tang sáng 6/3.
 9h30 lễ viếng mới bắt đầu, nhưng trước đó, nhiều đồng nghiệp tề tựu về Nhà tang lễ số 5 Trần Thánh Tông. Trước khi mất, nghệ sĩ nằm viện một thời gian, mắc nhiều bệnh tuổi già. Dù đã xác định tinh thần, gia đình vẫn hụt hẫng. Trong mắt người thân, Trần Hạnh là ông bố hiền từ, không bao giờ đánh mắng con cháu. Cuối đời, ông chăm vợ tai biến, con trai bị chấn thương não vì tai nạn. Vợ ông mất hơn chục năm qua. Ông có bảy người con, ba người đã qua đời.
 Bạn cùng thời ông phần lớn qua đời, chỉ còn lớp đàn em và con, cháu đưa tiễn. Họ cùng ôn những câu chuyện vui, kỷ niệm thời hoạt động nghệ thuật khó khăn, vất vả của nghệ sĩ.
 Diễn viên Lê Mai là một trong số đồng nghiệp có mặt từ sớm. Bà và Trần Hạnh từng hoạt động chung ở Nhà hát Kịch Hà Nội. Trong ký ức nữ nghệ sĩ, Trần Hạnh hiền lành, tốt bụng, gần gũi mọi người. Cả hai từng đóng nhiều vở kịch, phim truyền hình, trong đó có Bà nội không ăn pizza.
 Bà nói: “Tôi nghĩ anh Hạnh không còn vương vấn điều gì khi mất ở tuổi 92. Nhiều người nghĩ anh vất vả, nhưng tôi thấy anh sống trọn vẹn cho các vai diễn. Niềm vui lớn nhất của anh là nhận danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân trước lúc qua đời. Tôi nghĩ trời cho anh tuổi thọ. Tôi năm nay 84 tuổi, mơ ước được như anh”.
 Nghệ sĩ Trần Đức, ở Nhà hát Kịch Hà Nội, nhớ đàn anh là người hiền lành, chịu thương chịu khó, yêu thương vợ con. Hình ảnh nghệ sĩ ngày ngày chở cám lợn trên chiếc xe đạp cà tàng khắc sâu trong tâm trí Trần Đức. Sau này, khi nghệ sĩ về hưu, một người bạn của Trần Đức muốn giúp đỡ vì nghe nói cuộc sống của ông vất vả. Khi hai người đến thăm, căn nhà nhỏ hơn mười mét vuông chẳng có đồ đạc gì. Nghệ sĩ nằm trên manh chiếu, xem tivi cũ, chiếc giường còn lại là người con trai mới bị tai nạn. Trần Đức và bạn lên phố Hàng Da, mua hai bộ chăn màn mới tặng ông.
 Nghệ sĩ Kim Xuyến vào Nhà hát Kịch Hà Nội những năm 1960. Bà nhớ hồi trẻ, nghệ sĩ Trần Hạnh có ngoại hình đẹp, nói chuyện duyên dáng. Một lần, khi ông đóng vở Tiền tuyến gọi cho doanh trại bộ đội, một chiến sĩ nói: “Hay quá, tôi xem xong thế này có chết cũng cam lòng”.
 Lương nhà hát thấp, ông và nghệ sĩ Phạm Bằng, Kim Xuyến nhận di chuyển đạo cụ, bối cảnh cho đoàn để có thêm tiền. Ông khỏe nên cầm càng xe bò, ông Phạm Bằng, bà Kim Xuyến đẩy phía sau. Tiền bồi dưỡng chỉ đủ để ba người ăn bánh cuốn. Sau này, vợ mua cho ông chiếc xe đạp để chở nước gạo về nuôi lợn. “Số anh Trần Hạnh vất vả. Năm 1970, anh bị lao nặng, tưởng không qua khỏi. Hồi ấy, chị nhà chăm sóc anh rất kỹ, ngày nào cũng nấu cháo chim bồ câu bồi dưỡng cho chồng”, bà Kim Xuyến nói.
 Nghệ sĩ Chiều Xuân lặng lẽ khóc trong góc nhà tang lễ. Chị gọi ông là “bố” sau phim đầu tiên đóng chung – Người yêu đi lấy chồng, năm 1996. Lúc ấy, Chiều Xuân mới vào nghề, căng thẳng, không diễn được cảnh khó. Nghệ sĩ Trần Hạnh xin đạo diễn dừng rồi hướng dẫn chị. Sau này, Chiều Xuân hay qua nhà thăm hỏi ông. Khi ông về già, nghe tin hoàn cảnh nghệ sĩ khó khăn, Chiều Xuân ngỏ ý giúp đỡ nhưng ông từ chối.
 Tang lễ diễn ra trang nghiêm, ngắn gọn vì dịch. 10h30 phút, nghệ sĩ Trung Hiếu – Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội – đọc điếu văn. Sinh năm 1929 ở phố cổ Hà Nội, thuở nhỏ, cha mất sớm, Trần Hạnh làm nghề đóng giày giúp mẹ. Chưa từng theo học trường lớp bài bản về biểu diễn, ông nuôi đam mê bằng cách tham gia biểu diễn kịch tại Câu lạc bộ Thanh niên, sau đó vào Nhà hát Kịch Hà Nội.
 Những năm 1970, 1980, với dáng vẻ nho nhã, thư sinh, ông gắn liền vai chính kịch hào sảng, anh hùng ca. Vai Nguyễn Trãi trong vở Lam Sơn tụ nghĩa, vai Vũ Khiêm trong vở Tiền tuyến gọi là đỉnh cao trong sự nghiệp sân khấu của ông. Với vai Nguyễn Trãi, ông đoạt Huy chương Vàng tại Liên hoan Kịch nói toàn quốc. Nhà văn Lưu Quang Vũ từng viết trong cuốn Người Hà Nội: “Bốn, năm người đóng vai Nguyễn Trãi, riêng Trần Hạnh có phong thái hào hoa của người Hà Nội”.
 Khi lớn tuổi, ông thường đảm nhiệm các vai tâm lý sâu sắc, những hình tượng nhân vật có chiều sâu tâm lý, có số phận thăng trầm Năm 1989, sau khi nghỉ hưu, ông vẫn dành tình yêu mãnh liệt cho phim ảnh. Ông gắn liền với hình ảnh người nông dân khắc khổ qua các phim Ngõ lỗ thủng, Nước mắt đàn bà, Làng nổi, Cuốn sổ ghi đời…
 Những năm cuối đời, khi không còn nhìn rõ chữ, ông nhờ con, cháu đọc hộ kịch bản để học thuộc. “Giản dị, khiêm nhường và tự trọng” là những đức tính nghệ sĩ Trung Hiếu nhấn mạnh về ông trong điếu văn. “Cuộc sống nhiều vất vả, lo toan nhưng ông luôn tự trọng, không bao giờ muốn nhận sự hỗ trợ, giúp đỡ từ ai. Ông không thích phô trương, không thích nói về mình. Ông sống khiêm nhường, giản dị nhưng đầy lòng kiêu hãnh”, Trung Hiếu nói.
 Anh xúc động khi nghĩ đến mỗi lần đi qua ga Hà Nội, khán giả giờ sẽ không còn thấy ông lão hiền lành, ngồi trông hàng tạp hóa hộ con, thỉnh thoảng trò chuyện với người hâm mộ làm niềm vui. “Tôi tin rằng hình ảnh người nghệ sĩ với bộ trang phục giản dị, trên tay luôn đốt điếu thuốc lá Thăng Long với cái nheo nheo mắt quen thuộc, cùng nụ cười gần gũi, chân chất, cả đời chung thủy với nghiệp diễn, hết lòng vì gia đình, vì vợ con sẽ luôn ở trong trái tim mỗi người chúng ta”, Trung Hiếu rưng rưng kết thúc điếu văn.
 70 năm làm nghệ thuật, niềm hạnh phúc lớn nhất trong đời Trần Hạnh là được diễn xuất. Nghệ sĩ không bao giờ tính toán thiệt hơn, mặc cả thù lao. Hết phim, nhà sản xuất muốn đưa ông bao nhiêu thì đưa. Ông cũng hay đóng tiểu phẩm, phim ngắn giúp nhiều học sinh, sinh viên. Ông từng nói: “Có cho vàng cũng không thích bằng có vai diễn”. Hồi ngoài 80 tuổi, ông vẫn chạy xe Honda 82 đi theo các đoàn làm phim, lúc nào cũng đến sớm ít nhất 15 phút.
 Ông được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú ngày 25/1/1994. Năm 1996, ông giành giải “Nam diễn viên xuất sắc” trong phim truyện Nước mắt đàn bà tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 11. Tại Liên hoan Truyền hình toàn quốc năm 2010, ông nhận giải Cống hiến cho vai ông Thống trong phim Ngõ lỗ thủng của đạo diễn Quốc Trọng.
 Khi được Sở Văn hóa và Thể thao Hà nội đưa vào diện đặc cách xét duyệt danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, ông bình thản, không kỳ vọng, chỉ đau đáu được đóng một vai dài, có sức nặng. Năm 2019, ông nhận danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân ở tuổi 90.
 Nguồn: https://vnexpress.net/dong-nghiep-gia-dinh-tien-biet-nghe-si-tran-hanh-4244321.html
 Tag: nsnd sỹ nsut đám tướng hanh cấu trúc dữ liệu nhi mã năng lực trắc vân