Đặng Trần Côn – Nhân vật lịch sử nổi tiếng thời vua Lê – chúa Trịnh

 Về Văn học, tác phẩm của Đặng Trần Côn khá phong phú, tiêu biểu nhất là tác phẩm nổi tiếng Chinh Phụ Ngâm. Đương thời khúc ngâm chữ Hán này của Đặng Trần Côn được rất nhiều nho sỹ yêu thích, chú ý đến. Vì thế đã có khá nhiều bản “Diễn âm” (dịch ra chữ Nôm), trong đó có một bản dịch nổi tiếng hơn cả nguyên tác, đó là bản dịch của Đoàn Thị Điểm (1705 -1748).

 

 Mộ danh nhân Đặng Trần Côn hiện nay ở ngõ 320 đ­ờng Khương Đình, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội, cách trung tâm Thủ đô khoảng 8km

 Đặng Trần Côn con người và sự nghiệp

 Đặng Trần Côn, chưa rõ năm sinh năm mất, sách Tang thương ngẫu lục viết rằng: Khi làm xong sách Chinh Phụ Ngâm, họ Đặng có đưa cho Ngô Thì Sỹ ( 1726 – 1780) xem, và ông kinh ngạc khen: “Văn từ hoa thiện hơn hẳn Ngô Thì Sỹ ta”, nếu đây không phải là giai thoại trong truyện làng văn, thì Đặng Trần Côn sống cùng thời với Ngô Thì Sỹ.

 Đặng Trần Côn người thôn Hạ Đình, xã Nhân Mục (thường gọi là làng Mọc), huyện Thanh Trì (ngày nay thuộc quận Thanh Xuân, Hà Nội). Thời bé Đặng Trần Côn nổi tiếng thông minh, ham học, lớn lên ưa sống phóng túng, đậu Hương cống, nhưng hỏng kỳ thi Hội, bỏ đường công danh thi cử, sau ra làm Huấn đạo ở một trường phủ,  vế sau này làm tri huyện Thanh Oai. Cuối đời làm tới chức Ngự sử đài đại phu.

 Về Văn học, tác phẩm của Đặng Trần Côn khá phong phú, tiêu biểu nhất là tác phẩm nổi tiếng Chinh Phụ Ngâm. Đương thời khúc ngâm chữ Hán này của Đặng Trần Côn được rất nhiều nho sỹ yêu thích, chú ý đến. Vì thế đã có khá nhiều bản “Diễn âm” (dịch ra chữ Nôm), trong đó có một bản dịch nổi tiếng hơn cả nguyên tác, đó là bản dịch của Đoàn Thị Điểm (1705 – 1748).

 Nội dung của Chinh Phụ Ngâm sử dụng và phát triển đề tài “Khuê oán” một đề tài phổ biến trong thơ ca đương đại của văn học Trung Quốc (như dân ca nhạc phú thời Hán, thơ của một số nhà thơ thời Đường). Theo đó Đặng Trần Côn thác lời một phụ nữ có chồng đi xa bày tỏ nổi buồn nhớ chồng và than vãn về tình cảnh đơn độc của mình.

 Tác phẩm vì thế mà nó mang dạng thức một bản độc thoại triền miên của nữ nhân vật, từ dòng độc thoại này sẽ xuất hiện một tình tiết tự sự, chúng tạo thành một sườn cốt truyện khái lược. Tuy nhiên phần kể ở phần độc thoại này ít hơn hẳn so với nỗi lòng buồn nhớ, thở than, mong ngóng, rằn vặt, ước mong của nữ nhân vật.

 Ngoài Chinh Phụ Ngâm ra, Đặng Trần Côn còn là tác giả của các tập: Phủ chương tân thư (chép trong sách Danh ngôn tạp trứ); Yên hữu thưởng xuân thiếp; Đặng Trần Côn phú sao (tập phú lấy đề tài ở sư Trung Quốc); Tiêu Tương bát cảnh đồ thi thảo (tức Tiêu Tương bát vịnh một số bài thơ đề tranh vịnh và cảnh đẹp Tiêu Tương); Lãn trai di cảo (tức Thanh Trì Nhân Mục Đặng Trần Côn soạn tế văn  các đạo gồm hơn 90 bài văn tế) v.v…

 Luận bàn: Chinh Phụ Ngâm được sáng tác vào thời gian nào?

 Trên thực tế chưa rõ năm sinh và năm mất của Đặng Trần Côn, nhưng có một điều chắc chắn là Đặng Trần Côn chơi rất thân với Ngô Thì Sỹ, nên khi sáng tác xong Chinh Phụ Ngâm, Đặng Trần Côn mới đưa cho Ngô Thì Sỹ xem. Như chúng ta đã biết Ngô Thì Sỹ là một nhà sử học, nhà văn, nhà thơ nổi tiếng thờ vua Lê – chúa Trịnh. Ngô Thì Sỹ từng được sử gia Phan Huy Chú (1782 – 1840) thời nhà Nguyễn đánh giá là người có “học vấn sâu rộng, văn chương hùng vỹ, làm rạng rỡ cho tông phái Nho gia, là một đại gia ở Nam Châu”.

 Đoàn Thị Điểm sinh năm 1705, đến năm 1742 lúc đó bà đã 37 tuổi mới lấy chồng, chồng bà là Tiến sỹ Nguyễn Kiều, nổi tiếng hay chữ, nhưng đã góa vợ mới lấy Đoàn Thị Điểm. Sở dĩ Nguyễn Kiều lấy Đoàn Thị Điểm cũng là bởi vì ông quý mến tài năng vân thơ của bà. Nhưng vừa cưới bà Đoàn Thị Điểm xong thì Tiến sỹ Nguyễn Kiều theo lệnh của chúa Trịnh Doanh (1720 – 1767) và vua Lê Hiển Tông (1716 -1786) lên đường sang Trung Quốc đi sứ nhà Thanh.

  Vua nhà Thanh lúc bấy giờ là Càn Long (1711 -1799), cũng là một người rất yêu thích văn thơ, nên Nguyễn Kiều sang gặp vua Càn Long, ngoài chuyện đi sứ còn đàm đạo văn thơ với vua Càn long và các nho sỹ của nhà Thanh, nên cũng mất khá nhiều thời gian, chính vì vậy mà việc đi sứ của Nguyễn Kiều cả đi và về mất đúng thời gian là 3 năm.

 Và phải chăng chính trong thời gian đó, tức là từ năm 1742 – 1745, Chinh Phụ Ngâm của Đặng Trần Côn đã được sáng tác? Theo đó Đặng Trần Côn thác lời một phụ nữ có chồng đi xa bày tỏ nổi buồn nhớ chồng và than vãn về tình cảnh đơn độc của mình. Và nó hợp với cảnh với tình, nên bà Đoàn Thị Điểm đã dịch Chinh Phụ Ngâm từ chữ Hán ra chữ Nôm.

 Cũng trong thời gian trên Ngô Thì Sỹ, lúc đó tuổi từ 16 – 19, đã đỗ Hương cống (Cử nhân) vào năm 1743, và khá nổi tiếng là hay chữ, và chắc chắn Đặng Trần Côn phải chơi rất thân thiết với Ngô Thì Sỹ, cho nên khi sáng tác xong Chinh Phụ Ngâm, họ Đặng mới đưa cho Ngô Thì Sỹ xem qua.

  Như vậy, theo giả thiết, Chinh Phụ Ngâm được sáng tác trong khoảng thời gian là từ năm 1742 – 1745 là hoàn toàn có cơ sở, và ngay sau khi ra đời tác phẩm cũng được nữ sỹ Đoàn Thị Điểm dịch ra chữ Nôm trong khoảng thời gian trên.

 Mặc dù không rõ năm sinh năm mất của Đặng Trần Côn, nhưng chúng ta biết rõ ông sống cùng thời với Đoàn Thị Điểm, Ngô Thì Sỹ, Lê Quý Đôn… và điều quan trọng nhất là Đặng Trần Côn đã có sáng tác để đời đó là Chinh Phụ Ngâm, và trong văn học Trung đại Việt Nam, với tác phẩm đó, tên tuổi của ông còn sẽ còn được người đời sau nhớ mãi.

 Nguồn: https://vanhien.vn/news/dang-tran-con–nhan-vat-lich-su-noi-tieng-thoi-vua-le-%E2%80%93-chua-trinh-55676

  

  

  

  

  

  

  

  

  

 Tag: tiểu huế thcs phố a thpt bảng dđặng 1 b 4 17a hồ chí 21 31