Nhà hát Tuồng Việt Nam, tiền thân là Đoàn Tuồng Bắc vốn đã có từ lâu đời và biểu diễn phổ biến khá rộng rãi chẳng những ở các vùng nông thôn mà ở các đô thị lớn ở phái bắc như: Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Phòng, Nam Định,Vinh …Và những rạp Tuồng có tên tuổi như: Quảng Lạc, Sán Nhiên Đài quanh năm diễn Tuồng.
 Do điều kiện vật chất của xã hội phong kiến lâu đời kiểu Á Đông đã ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của sân khấu Tuồng. Nghệ thuật Tuồng và nghệ sĩ Tuồng luôn bị chế độ thực dân, phong kiến khinh bạc, coi “đào, kép “ là “ xướng ca vô loài “; đặt địa vị ca hát dưới kẻ cùng đinh. Ây thế mà nó vẫn sống, vẫn tồn tại. Nó sống được chính là nhờ bàn tay đum bọc và yêu thích vô hạn của nhân dân; nhờ các thế hệ diễn viên “ Sinh vì nghệ, tử vì nghệ” ; nhờ có đường lối văn hoá, văn nghệ của Đảng mới có đủ sức nhiệm mầu để các thế hệ diên viên nối tiếp nhau chuyển tải những lớp phù sa bồi đắp nên mảnh đất phì nhiêu của nghệ thuật sân khấu Tuồng.
 Năm 1954, hoà bình được lập lại, ngoài các đoàn Văn công kháng chiến và miền Nam ra tập kết, phong trào hát Tuồng phát triển, làm giầu thêm hương sắc cho vườn hoa nghệ thuật dân tộc. Trước tình hình phát triển của phong trào Tuồng và vị trí của nghệ thuật sân khấu Tuồng Bắc, đòi hỏi phải có một đơn vị nghệ thuật mẫu mực về tổ chức, tiêu biểu về phong cách. Do đó, năm 1959 Bộ Văn hoá quyết định thành lập Đoàn Tuồng Bắc. Được tin này, các nghệ nhân Tuồng đang nằm rải rác ở các tỉnh: Nghệ An, Thanh Hoá, Nam Định, Bắc Ninh, Thái Bình, Hải Hưng, Hải Phòng, Hà Tây hướng về Hà Nội tham gia vào việc thành lập Đoàn Tuồng Bắc. Lúc đầu, Đoàn chỉ có 15 người, nơi ăn, chốn ở chưa có, phải ở nhờ nhà dân và tập luyện trong chùa Hà. Trong bước đi ban đầu, Đoàn được sự giúp đỡ thân tình của Đội Tuồng Liên khu 5 và một ý chí phấn đấu: “Tất cả vì sự nghiệp Tuồng” của các nghệ nhân: Quang Tốn, Bạch Trà, Doãn Khoái, Đình Nhi, Ngọc Phùng, Ngọc Đống,Văn Kính, Văn Thành, Chu Lượng, Mẫn Thu, Minh Thịnh, Diễm Lan, Chu Hải, Hiệp Tắc, Đắc Hán, Hoàng Bản, Văn Tuy, Như Tường, Lê Bá Tùng, Ngọc Như, Ngọc Duyên, Đoàn Thị Ngà,Thanh Hảo, Hữu Điều, Bà Can, Bà Thứ…
 Nơi chùa Hà thinh không vắng lặng, từ lâu chỉ có tiếng cầu kinh, niệm phật trong tiếng mõ đều đều, đến nay tiếng trống Tuồng đã làm thức tỉnh, lay động cõi thâm sâu của từng pho tượng Phật. Số phận nhân vật trong các tích Tuồng như thắp sáng hồn người trong cõi nhân gian. Những vai mẫu : Đào Phi Phụng, Đắc Kỷ, Trại Ba,Trương Phi, Triệu Tử Long, Xuân Đào cắt thịt… được khai thác, tập luyện lại kỹ càng. Những vở Tuồng cổ : Đào Tam Xuân loạn trào, Mục Quế Anh dâng cây, Ngũ Viên Thiệu được dàn dựng. Đây là những vở Tuồng đầu tiên đến với khán giả trong buổi sơ khai thành lập Đoàn Tuồng Bắc.
 Năm1962, vở Tuồng: “Tiếng gọi non sông”tham gia Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc đạt tấm Huy chương vàng đầu tiên đã đánh dấu một bước đi quan trọng trong buổi đầu thành lập Đoàn. Nối tiếp thành quả trên, Đoàn tiếp tục dàn dựng vở Tuồng lịch sử “ An Tư công chúa” tác giả Tống Phước Phổ, đạo diễn Vĩnh Phô – Đình Phong, âm nhạc Lê Cường. Vở Tuồng có nội dung phong phú, mang đậm đặc chất Tuồng, khán giả nhiệt thành ca ngợi. Thắng lợi này đã tạo cho các nghệ sĩ một khí thế mới, một tinh thần phấn chấn, tin tưởng để tiếp tục gìn giữ, nghiên cứu ,tìm tòi, sáng tạo nên những tác phẩm nghệ thuật Tuồng có giá trị.
 Cuối năm 1966 Nhà hát được bổ xung thêm các nghệ sĩ nổi tiếng từ Đoàn Tuồng Kim Lan Hà Nội: Ba Tuyên, Đắc Nhã, Hoàng Phụng, Hồng Nhung, Sáu Tấn… Những vở Tuồng xuất sắc lại tiếp tục ra đời từ những vùng sơ tán Hùng Trì -Lạc Đạo – Hưng Yên, trong cuộc chiến tranh phá hoại của Đế quốc Mỹ ra miền Bắc. Đặc biệt là vở Tuồng “Đề Thám”, một công trình sáng tạo tập thể, dưới sự chỉ đạo của Đoàn trưởng – hoạ sĩ Nguyễn Hồng và đạo diễn Ngọc Phương đã để lại một dấu ấn quan trọng trong nhiệm vụ xây dựng và phát triển sự nghiệp Tuồng Bắc.
 Trải qua một chặng đường 60 năm kế thừa, gìn giữ và phát huy nghệ thuật sân khấu Tuồng truyền thống của dân tộc, Nhà hát Tuồng Việt Nam đã tập trung sức lực và trí tuệ của các tác giả, đạo diễn, nghệ nhân , nghệ sĩ, diễn viên khai thác, dàn dựng 88 tác phẩm sân khấu Tuồng thuộc nhiều đề tài : Truyền thống, lịch sử, dân gian, hiện đại, nước ngoài. Trong đó có hàng loạt các vở Tuồng cổ mẫu mực: Sơn Hậu, Đào Tam Xuân loạn trào, Triệu Đình Long cứu chúa, Đào Phi Phụng, Ngoại Tổ dâng đầu, Phụng Nghi đình, Nghêu-Sò-ốc-Hến, Mục Quế Anh dâng cây, Nhất Điện thị hàm oan, Thất hiền quyến Trương Đồ Nhục, Lý Phụng Đình…
 Ngoài các vở Tuồng cổ, hàng chục trích đoạn đặc sắc cũng được chọn lọc, khai thác, phục hồi: Ôn Đình chém Tá, Đào Tam Xuân đề cờ, Châu Sáng qua sông, Châu Sương cấy râu, Hồ Nguyệt Cô hoá cáo, Xuân Đào cắt thịt, Triệu Tử đoạt A Đẩu, Nữ Vương xé nộm, Trụ Vương dỡn tượng, Ông già cõng vợ đi xem hội… được đầu tư, tinh luyện để biểu diễn, nghiên cứu giới thiệu nghệ thuật và truyền dạy cho các thế hệ diễn viên trẻ. Những tác phẩm Tuồng cổ, những trích đoạn mẫu mực đó là cây đại thụ lưu giữ và chuyển tải nguồn nhựa sống dồi dào của nghệ thuật Tuồng đến muôn triệu tâm hồn người Việt Nam và khán giả trên khắp năm châu, bốn biển.
 Để phù hợp với sự phát triển của xã hội, sân khấu Tuồng luôn có chiều hướng vươn lên, vượt qua những định kiến:” Tuồng sản sinh từ chế độ phong kiến, phục vụ cho chế độ phong kiến thì sân khấu Tuồng thuộc về bảo tàng như đền đài , lăng tẩm.” Những vở Tuồng nói về cuộc đấu tranh gìn giữ và bảo vệ đất nước, hình tượng các anh hùng dân tộc, danh nhân đất nước được đưa lên sân khấu Tuồng như : An Tư công chúa,Trần Hưng Đạo, Đô đốc Bùi Thị Xuân, Lê Lợi, Đề Thám, Suối Đất Hoa, Chu Văn An, Bà Ba cai Vàng, Tình mẹ, Không còn đường nào khác, Huyền Trân công chúa, Nguyễn Tri Phương, Phũ Mó Thõn Cảnh Phỳc … Những vở Tuồng đề cao nhân, nghĩa, lễ, trí, tín, phê phán những thói hư, tật sấu trong xã hội: Chiếc bóng oan khiên, Phương thuốc thần kỳ, Mối tình của một nhà sư, Tiếng trống kêu oan, Rừng thức,đã thắp sáng tinh thần dân tộc, động viên , thúc đẩy hàng triệu trái tim người dân Việt Nam chống giặc ngoại xâm và xây dựng đất nước. Để tiếp cận với những tác phẩm sân khấu bất hủ của nhân loại, Nhà hát Tuồng Việt Nam còn mạnh dạn dàn dựng thử nghiệm những kịch bản: ÔTello, Rômêô-Juyliet, Lơ-xít, Giông tố, Tarát BumBa, Êđíp làm vua,Từ đó rút ra những bài học bổ ích, nâng cao kiến thức, mở rộng tầm nhìn cho các nghệ sĩ; làm giầu thêm, phong phú thêm vốn liếng nghệ thuật Tuồng phục vụ quá trình giao lưu, hội nhập quốc tế.
 Tag: hiển dĩnh ương đà nẵng