Nhà chống lũ – giải pháp kiến trúc ứng phó với biến đổi khí hậu

1. Nhà chống lũ là gì

 Nhà chống lũ hay nhà chống ngập lụt là những mô hình được thiết kế và xây dựng để thích ứng với mưa lũ, góp phần giảm bớt những tác động tiêu cực từ thiên tai đến đời sống người dân. Tại Việt Nam, nhà chống ngập vừa là giải pháp thích nghi hoàn cảnh cho bà con vùng rốn lũ miền Trung, vừa có thể xây dựng tại vùng ngập lũ miền Tây trong bối cảnh biến đổi khí hậu, nước biển dâng nghiêm trọng.

 Hiện nay, nhà chống lũ được thiết kế, xây dựng với 3 loại chính, gồm nhà kê nền, nhà phao và nhà có gác. Theo đó, có khá nhiều mô hình kiến trúc nhà chống ngập được ứng dụng trên thực tế.

2. Những yêu cầu cơ bản đối với nhà chống lũ

 Theo các chuyên gia trong ngành, một ngôi nhà chống lũ thiết thực và hiệu quả cần đảm bảo các tiêu chí sau đây:

 Có khả năng phòng chống lũ lụt

 Đúng như tên gọi, nhà chống lũ nhất định phải có khả năng phòng chống lũ lụt hiệu quả. Công trình cần có khả năng chịu được đỉnh lũ cao, tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường và có tính tùy biến cao, chống nóng, chống lạnh tốt.

 Thiết kế đơn giản, chi phí thấp

 Thực tế cho thấy, điều kiện kinh tế của người dân vùng lũ thường rất khó khăn. Do đó, chi phí xây dựng nhà chống lũ nên ở mức thấp nhất có thể, sao cho phần lớn người dân đều có khả năng chi trả. Ngay từ khâu thiết kế, đội ngũ kiến trúc sư và những người có chuyên môn, kinh nghiệm cần tính toán phương án tiết kiệm tối đa chi phí cho dầm, cột sàn mà vẫn đảm bảo tính bền vững cho công trình. Cần tận dụng tối đa vật liệu có sẵn tại địa phương như tre, gỗ, rơm rạ để giảm thiểu chi phí.

 Thậm chí, với bản thiết kế đó, người dân có thể tự tổ chức thi công xây dựng để giảm thiểu chi phí thuê nhân công. Kinh tế và bền vững hơn, mô hình nhà chống lũ nên được sản xuất lắp ghép hàng loạt theo kiểu nhà mô-đun hoặc nhà in 3D.

 Tính linh hoạt

 Nhà chống lũ nên được áp dụng đại trà cho các hạng mục công trình khác trong khuôn viên nhà ở của người dân như chuồng gia cầm, gia súc. Đặc biệt, cần có giải pháp để biến những ngôi nhà hiện hữu thành nhà phòng, chống lũ lụt khi cần mà không làm thay đổi kết cấu, kiến trúc.

 Tính xã hội hóa cao

 Mô hình nhà chống lũ lụt nên được triển khai xây dựng trên diện rộng, có khả năng áp dụng cho nhiều vùng miền ven biển hoặc nơi thường xuyên xảy ra mưa bão, ngập lụt. Để loại hình nhà ở đặc thù này trở nên phổ biến, thì hình khối kiến trúc cần đơn giản, ưu tiên sử dụng vật liệu thông dụng, linh hoạt, kết cấu phổ thông, dễ xây dựng và thi công nhanh chóng.

 Thiết kế nhà chống lũ cần hướng tới tính xã hội cao để người dân có thể chủ động xây dựng với sự trợ giúp của cộng đồng. Trên cơ sở gợi ý thiết kế của kiến trúc sư, người dân có thể tự xác định vị trí thích hợp để xây dựng. Thậm chí, mọi người có thể tự tổ chức thi công bằng các phương pháp thủ công.

3. Những nguyên tắc cơ bản khi thiết kế, xây dựng nhà chống lũ

 Để nhà chống lũ phát huy tối đa tính năng, hiệu quả của nó trong việc phòng chống ngập lụt, khi thiết kế và xây dựng loại hình nhà ở này, cần tuân thủ những nguyên tắc cơ bản như sau:

 Địa điểm xây dựng

 Những nơi khuất gió bão, tránh được hướng gió chủ đạo là địa điểm lý tưởng để xây dựng nhà chống lũ lụt. Cũng có thể chọn những địa hình có nhiều vật cản như đồi, gò hoặc trồng thêm cây để giảm thiểu tác động trực tiếp của gió bão. Nên tránh xây nhà chống lũ ở những nơi trống trải, chịu ảnh hưởng của lũ quét, gió bão như ven bờ biển, hồ lớn, ven sông hoặc nơi hút gió.

 Kết cấu, hình khối kiến trúc

  • Móng

 Kết cấu móng nhà chống lũ cần phải đủ khả năng chịu lực và neo giữ được các kết cấu bên trên trước tác động của gió bão. Móng nhà cần đảm bảo cho các kết cấu bên trên luôn khô ráo. Đặc biệt, vật liệu làm móng phải bền chắc, không bị hư hỏng khi bị ngập úng lâu ngày. Theo đó, kết cấu móng thường dùng là móng gạch, đá, bê tông cốt thép. Có thể bố trí các neo bằng thép tại các chân cột để néo các chân cột.

Các mẫu nhà chống ngập lụt trên thế giới với khung thân dưới được nâng cao so với đỉnh lũ.
Các mẫu nhà chống ngập lụt trên thế giới với khung thân dưới được nâng cao so với đỉnh lũ.
  • Hình dáng

 Nhà chống ngập lụt, mưa bão nên có dạng hình chữ nhật, không quá dài. Tỷ lệ chiều dài nhà trên chiều rộng không nên vượt quá 2,5 lần. Nên bố trí các công trình thành cụm, bố trí so le nhau, tránh sắp xếp thẳng hàng bởi dễ hình thành các túi gió hoặc luồng gió xoáy.

  • Kết cấu khung, thân nhà

 Kết cấu chịu lực của nhà chống lũ nên đơn giản, tạo độ cứng tốt theo cả 3 phương của nhà. Tất cả các bộ phận của kết cấu cần được neo giữ vào một số điểm kiên cố, có khả năng chống chịu trước tác động của gió bão. Nên bố trí hệ thống giằng, liên kết tất cả các kết cấu với nhau thành một khối liên tục nhằm tăng khả năng chống trượt, chống xoắn, chống xô đổ công trình.

 Với nhà có kết cấu chịu lực bằng khung tre hoặc gỗ, tại vị trí đầu hồi và các góc nhà cần bố trí các thanh chống chéo dạng tam giác hoặc chữ X. Đối với nhà có kết cấu chịu lực là tường gạch, đá thì nên bố trí các trụ và giằng bằng bê tông cốt thép liên kết với nhau. Trong đó, trụ đứng nên bố trí ở góc tường, giằng bố trí ở các cao trình mặt móng, mép trên cửa đi, cửa sổ. Đồng thời, giằng cần khép kín chu vi tường bao nhà và nối tất cả các bức tường trong nhà với nhau.

  • Tường

 Tránh sử dụng tường quá rộng hoặc quá cao mà không được gia cố để chịu được tác động của gió. Tường nên được gia cố bằng các giằng và cột bổ trụ hoặc neo vào khung, sàn chịu lực.

  • Hệ thống cửa đi và cửa sổ

 Nên hạn chế trổ nhiều cửa hoặc cửa lớn. Các cửa cần kín gió để tránh bị bung khi gió giật mạnh. Ưu tiên làm cửa sổ dạng khung đẩy, trượt theo hướng đứng hoặc ngang để tăng diện tích sử dụng và tránh va đập. Khung cửa cần được liên kết chắc chắn với tường. Các lỗ cửa cần đặt đối xứng với nhau để giảm áp lực gió, hạn chế trổ cửa quá nhiều trên một mảng tường, nếu bắt buộc thì nên gia cường giằng cửa.

  • Mái nhà

 Mái nhà nên có độ dốc dao động trong khoảng 30-330 độ. Mái nhẹ với độ dốc từ 5-100 độ thì áp lực âm gây tốc mái lớn. Cùng với đó, nên hạn chế các phần chìa ra ngoài tường của mái. Có thể làm diềm mái để hạn chế tác động trực tiếp của luồng gió lên phần đầu mái. Đối với mái hiên, nên làm hiên rời, phòng trường hợp bị tốc thì ít ảnh ưởng tới mái của nhà chính.

 Với nhà thấp tầng, vật liệu lợp mái thường là ngói, phibro xi măng, tôn hoặc các phên bằng tre, nứa, lá… nên rất dễ bị tốc khi có gió bão. Do đó, cần có biện pháp neo giữ chúng vào hệ kết cấu mái. Để đảm bảo cho cả hệ thống mái không bị tốc, các kết cấu như rui, mè, đòn tay, xà gồ cần được liên kết chặt chẽ với nhau và liên kết với vì kèo chắc chắn. Ngoài ra, có thể bố trí các cửa thoát hiểm lên trần, qua mái.

Chi tiết tại: https://dothi.net/kinh-nghiem-xay-dung/nha-chong-lu-giai-phap-kien-truc-ung-pho-voi-bien-doi-khi-hau-ar52457.htm

  

  

  

  

  

  

  

 Tag: nổi