“Ngôi nhà của người cá say ngủ” là tác phẩm đánh dấu chặng đường 30 năm cầm bút của nhà văn trinh thám hàng đầu Nhật Bản này. Và có lẽ vì thế, tác phẩm cũng mang đến một phong vị khác biệt, thấm dẫm tình yêu, tình thương và sự cao cả của con người.
 Câu chuyện xoay quanh về một cặp vợ chồng đang ly thân và sẽ ly hôn chẳng bao lâu nữa. Một tai nạn bất ngờ ấp đến với Mizuho – con gái của hai vợ chồng – gặp tai nạn ở bể bơi và rơi vào tình trạng chết não nhưng trái tim vẫn còn đập khỏe mạnh. Giờ đây cả hai rơi vào 2 lựa chọn: hiến tạng (đồng nghĩa với cái chết) hoặc tiếp tục sống thực vật với chi phí rất cao.
 Với mong muốn và hi vọng cô bé sẽ hồi tỉnh cùng bản năng của một bà mẹ, người mẹ quyết định sẽ không hiến nội tạng của bé mà nhờ sự can thiệp của công nghệ để giúp cô bé tiếp tục sống.
 Những nhân vật khác liên tục xuất hiện với những mảnh đời, câu chuyện khác nhau xung quanh cô bé và bà mẹ không chỉ giúp bà mẹ nhận thức được vấn đề của riêng mình mà nó còn là hồi chuông cảnh tỉnh rất nhiều gia đình khác. Những dằn vặt, những cảm xúc, những đau thương… liên tục xảy ra khiến người mẹ – cũng như bao bà mẹ khác – suy sụp nhưng rồi bà cũng đi đến quyết định của riêng mình…
 Tạm rời xa những vụ án hóc búa và “hại não” của Higashino Keigo, “Ngôi nhà của người cá say ngủ” sẽ đưa ta đến một câu chuyện đời thực hơn, nhân văn hơn và cũng có phần…viễn tưởng. Không chỉ tài năng trong việc đưa ra những sự kiện, tình huống oái ăm khiến người đọc phải dõi theo liên hồi thì dưới đó là một tầng ý nghĩa rất sâu sắc, rất đời mà bất cứ ai yêu thích Higashino Keigo càng khâm phục ông hơn.
 Không chỉ đơn thuần là một câu chuyện bi kịch, Higashino Keigo tập trung đào sâu vào trong cảm xúc, tình cảm của con người. Qua bao nhiêu sự kiện, gặp biết bao con người, những lớp lang dần dần được lột bỏ để lại những cảm xúc chân thực, trần trụi nhất, điều mà bất kỳ ai cũng sẽ cố giấu kín hoặc ngụy trang đi bằng cách nào đó.
 Con người rồi cũng sẽ phải đối mặt với chính mình với chính cảm xúc của mình chứ chẳng thể nào giấu nó đi được. Và có lẽ từ đó, những điều tốt đẹp thật sự mới được sản sinh.
 Đối với bất kỳ bà mẹ (hay ông bố nào) nếu rơi vào trường hợp đó, đều sẽ lựa chọn giải pháp của con tim, bảo vệ người thân yêu của mình, Đó có thể là ích kỷ, là ngu ngốc nhưng đối với họ, đó là điều con tim mách bảo.
 Nhiều người sẽ bảo hiến tạng là điều đúng đắn nhưng liệu đó có khiến trái tim của họ an lòng? Nhiều người sẽ không chấp nhận cách làm của người mẹ nhưng chắc hẳn ai cũng sẽ thấu hiểu được tấm lòng người mẹ to lớn của cô. Niềm vui con gái còn sống, được ở bên cạnh có lẽ lớn hơn tất thảy. “Nhưng mà, niềm vui được chung sống với Mizuho đã khiến trái tim mạnh mẽ hơn rất nhiều. Chỉ cần suy nghĩ nếu bản thân không cố gắng đứa trẻ này sẽ không thể tiếp tục sống đã khiến họ không thể khóc nữa.”
 Nhưng rồi, càng về sau, người ta thấy được tình cảm của bà mẹ đã trở nên “đáng sợ” và “kỳ quái” hơn cho thấy mặt đen tối của tình cảm đó. Nếu không được cảnh tỉnh kịp thời có thể số phận của các nhân vật sẽ tồi tệ hơn. Đó là lúc lý trí cần lên tiếng.
 Điều khiến tôi bất ngờ đó là cuốn sách này hoàn toàn không dính dáng gì đến trinh thám – sở trường của Higashino Keigo. Nó là một câu chuyện tâm lý – xã hội khá “ngóc ngách” về vấn đề hiến tạng ở Nhật bản hiện nay.
 Đó là mâu thuẫn của những người cha người mẹ có con chết não không muốn hiến tạng và người cha người mẹ cần nội tạng để cứu sống con mình. Mỗi bên đều có cái lý riêng và họ cũng âm thầm chấp nhận sự thật đó.
 Vấn đề được đưa ra có thể gây tranh cãi, có nhiều quan điểm, ý kiến khác nhau vì dù gì đây cũng là về mạng sống con người. Nhưng cuối cùng, điều mà ai cũng rút ra được rằng câu trả lời chẳng có sẵn, nó vẫn sẽ nằm giữa những mù mịt suy nghĩ, rối ren cảm xúc và chỉ có người dứt bỏ được tất cả, sẽ biết được câu trả lời cuối cùng. Cái kết dù trọn vẹn của câu chuyện nhưng vẫn còn thổn thức trong tâm trí độc giả, nó vẫn sẽ khiến người ta nghi ngờ, vẫn băn khoăn…
 Cuốn sách cũng là một lời nhắc nhở về tình cảm gia đình, về tình thương yêu của người làm cha mẹ đối với đứa con của mình. Dẫu có bất cứ điều gì xảy ra, gia đình là tất cả và chỉ có yêu thương gia đình mới có thể khiến con người ta phải rơi vào những nỗi trăn trở triền miên.
 Tôi cũng khá khâm phục tài năng viết lẫn khối kiến thức uyên thâm của tác giả. Không chỉ rành rẽ về y học, luật pháp mà ông còn khá am hiểu về công nghệ – những chủ đề những tưởng rất khô khan nhưng lại được lồng ghép vào câu chuyện rất mạch lạc, logic để người xem cảm thấy hoàn toàn tự nhiên. Không chỉ có một chút viễn tưởng mà câu chuyện cũng có khá nhiều tình tiết hơi “tâm linh” hay “cảm giác” nhưng không quá nhiều và quá không liên quan.
 Hồi đầu tôi cũng hơi bị ngợp bởi yếu tố kiến thức công nghệ phần đầu hơi bị nhiều khiến tôi không tập trung được nhưng về sau thì cũng ít đi và quen dần hơn. Những phân đoạn nói về luật pháp hiến tạng cũng như vậy, hơi phức tạp nên nếu không là người quen đọc cách viết của Higashino Keigo có thể thấy hơi ngao ngán một chút.
 Các nhân vật của ông đều xây dựng rõ ràng và đầy đủ. Tuy họ có vẻ rời rạc nhưng thực ra có một mối liên kết vô hình và cùng nhau xây dựng nên mạch truyện và một cái kết hoàn hảo như trong các tác phẩm khác của ông.
Nguồn: https://quidinh.wordpress.com/2018/06/10/review-ngoi-nha-cua-nguoi-ca-say-ngu-higashino-keigo/
 Tag: ngôi nhà của người cá say ngủ