Tìm hiểu về triều đại nhà minh

 Nhà Minh (1368 – 1644) là triều đại cuối cùng do người Hán kiến lập trong lịch sử Trung Quốc. Năm 1368, Chu Nguyên Chương sau khi tiêu diệt các thế lực quần hùng, tại phủ Ứng Thiên đăng cơ, quốc hiệu Đại Minh, do hoàng thất họ Chu, nên còn được gọi là Chu Minh. Đầu thời kiến quốc, Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương định đô tại phủ Ứng Thiên (nay là Nam Kinh), đến năm Vĩnh Lạc thứ 19 (1421), Minh Thành Tổ Chu Đệ dời đô đến phủ Thuận Thiên (nay là Bắc Kinh), kinh sư cũ đổi thành Nam Kinh.

 Thời kỳ đầu triều Minh, qua chính sách nghỉ ngơi lại sức của Chu Nguyên Chương, quốc lực triều Minh khôi phục nhanh chóng, sử xưng Hồng Vũ chi trị. Đến thời kỳ Minh Thành Tổ Chu Đệ, quốc thế đạt đỉnh, những năm Vĩnh Lạc khoa trương lãnh thổ, còn phái khiển Trịnh Hòa bảy lần hạ Tây Dương, học giả hiện đại gọi là Vĩnh Lạc thịnh thế. Sau đó, thời kỳ Nhân Tông và Tuyên Tông cũng là thời hưng thịnh, sử xưng Nhân Tuyên chi trị. Tuy nhiên, thời kỳ Anh Tông và Cảnh Thái Đế, trải qua sự biến Thổ Mộc bảo, quốc lực trung suy. Sau khi Thế Tông đăng cơ, phát sinh tranh chấp Đại lễ nghị, sau khi thanh trừ thế lực hoạn quan và quyền thần hoàng đế tổng quản triều cương, thực hành Gia Tĩnh tân chính, song sau này không quan tâm triều chính. Sau khi Minh Thế Tông từ trần, trải qua Long Khánh tân chính và Vạn Lịch trung hưng, quốc lực được khôi phục. Trung kỳ thời Thần Tông, hoàng đế dần lơ đãng triều chính, sử xưng Vạn Lịch đãi chính, bắt đầu chính trị hỗn loạn thời vãn Minh. Thời Hi Tông, đám hoạn quan làm loạn triều cương, sau khi Tư Tông kế vị thì bị diệt trừ. Tuy nhiên, do Tư Tông có quyết sách sai lầm, cùng với nội ưu ngoại hoạn, triều Minh cuối cùng mất vào tay Lý Tự Thành vào năm 1644. Sau đó, chính quyền Nam Minh rồi Minh Trịnh tiếp tục tồn tại trong mấy thập niên, kết thúc khi triều Thanh chiếm lĩnh Đài Loan.

 Lãnh thổ triều Minh bao quát khu vực phía nam Vạn Lý Trường Thành và tỉnh Liêu Ninh hiện nay. Trong những năm đầu, quyền tông chủ của nhà Minh mở rộng đến biển Nhật Bản, Ngoại Hưng An Lĩnh và lưu vực Hắc Long Giang, sau đó suy giảm còn khu vực Liêu Hà. Triều Minh từng đặt cơ cấu ki mi tại Đông Bắc Trung Quốc ngày nay, đông bộ Tân Cương và Tây Tạng. Tuy nhiên, tồn tại tranh nghị lớn về vấn đề triều Minh thực tế thống trị Tây Tạng. Thời kỳ Minh Thành Tổ, triều Minh từng chinh phục và thống trị An Nam (nay là miền bắc Việt Nam) trong một thời gian ngắn. Căn cứ theo “Minh thực lục”, nhân khẩu triều Minh đạt đỉnh vào năm Thành Hóa thứ 15 (1479) với hơn 70 triệu người, song có nhiều học giả cho rằng đương thời tồn tại giấu giếm hộ khẩu với số lượng lớn, do đó nhận định đỉnh cao nhân khẩu thực tế là trên 100 triệu. Thời Minh, thủ công nghiệp và kinh tế thương phẩm phồn vinh, xuất hiện tập trấn thương nghiệp và manh nha tư bản chủ nghĩa, văn hóa nghệ thuật hiện ra xu thế thế tục hóa.

 Kiến quốc và thống nhất

 Cuối thời Nguyên, quan viên tham ô, quý tộc hủ hóa, triều chính hủ bại. Nhằm loại trừ thâm hụt ngân sách, triều đình tăng nặng thu thuế, đồng thời in tùy tiện lượng lớn tiền mới “Chí chính bảo sao”. Kết quả gây nên lạm phát, cộng thêm các loại thiên tai diễn ra thường xuyên khiến dân chúng khó mà sinh tồn. Năm 1351, Nguyên Thuận Đế phái Giả Lỗ trị lý Hoàng Hà, trưng dụng 20 vạn người từ các địa phương. Tháng năm cùng năm, tín đồ Bạch Liên giáo là Hàn Sơn Đồng và Lưu Phúc Thông kích động dân chúng chịu nhiều tổn thất do thiên tai và bị đốc công ngược đãi tiến hành phản Nguyên khởi sự. Họ lập nên Quân Khăn Đỏ, hay Hồng Cân quân, chiếm cứ các khu vực Hà Nam và An Huy. Quân Khăn Đỏ cùng nghĩa quân các địa phương liên tiếp khởi sự, thế lực khuếch trương đến khu vực Hoa Trung, Hoa Nam. Sang năm 1352, Quách Tử Hưng thuộc Quân Khăn Đỏ tập hợp dân chúng khởi nghĩa, công chiếm Hào Châu (nay là Phượng Dương, An Huy). Không lâu sau, một người Phượng Dương xuất thân nông dân là Chu Nguyên Chương đi theo Quách Tử Hưng, nhiều lần lập chiến công, được Quách Tử Hưng trọng thị và tín nhiệm. Sau đó, Chu Nguyên Chương rời Hào Châu, phát triển thế lực riêng.

 lich su nha minh 1

 Năm 1356, Chu Nguyên Chương suất binh chiếm lĩnh Kim Lăng (nay là Nam Kinh, Giang Tô), đổi thành Ứng Thiên phủ, đồng thời chiếm cứ một số địa điểm quân sự trọng yếu nằm quanh đó. Chu Nguyên Chương chấp thuận kiến nghị “cao trúc tường, quảng tích lương, hoãn xưng vương” của mưu sĩ Chu Thăng, trải qua vài năm nỗ lực, thực lực quân sự và kinh tế nhanh chóng lớn mạnh. Năm 1360, Chu Nguyên Chương và một thủ lĩnh khởi nghĩa khác là Trần Hữu Lượng tiến hành giao chiến tại Long Loan thuộc tây bắc Tập Khánh, thế lực Trần Hữu Lượng đại bại và phải đào thoát đến Giang Châu (nay thuộc Cửu Giang, Giang Tây). Năm 1363, thông qua Thủy chiến tại hồ Bà Dương, thế lực Trần Hữu Lượng về cơ bản bị tiêu diệt. Năm 1367, Chu Nguyên Chương tự xưng Ngô Vương, suất quân chiếm lĩnh Bình Giang (nay là Tô Châu, Giang Tô), diệt một thủ lĩnh khởi nghĩa lớn mạnh khác là Trương Sĩ Thành. Cùng năm, Chu Nguyên Chương tiêu diệt Phương Quốc Trân cát cứ tại duyên hải Chiết Giang.

 lich su nha minh 2

 Tháng 1 năm 1368, Chu Nguyên Chương xưng đế tại Nam Kinh, tức Minh Thái Tổ, niên hiệu Hồng Vũ, triều Minh được kiến lập. Sau đó, thừa cơ triều đình Nguyên có xung đột nội bộ, quân Minh tiến hành Bắc phạt và Tây chinh, trong cùng năm công chiếm Đại Đô (nay là Bắc Kinh) của Nguyên, triều Nguyên triệt thoát khỏi Trung Nguyên, sử xưng Bắc Nguyên. Sau đó, quân Minh tiêu diệt thế lực Minh Ngọc Trân tại Tứ Xuyên vào năm 1371, đến năm 1381 thì tiêu diệt Lương vương của Nguyên vẫn chiếm cứ Vân Nam. Năm 1387, nhà Minh xuất quân thu phục Liêu Đông, đánh bại Ngạch Cáp Xuất. Cuối cùng, đến năm 1388, quân Minh xâm nhập Mạc Bắc (phía bắc sa mạc Gobi) tấn công và đánh bại Bắc Nguyên. Trung Quốc đến đây ổn định.

 Hoàng quyền tập trung và Kiến Văn tước phiên

 Sau khi bình định thiên hạ, Minh Thái Tổ đại phong công thần, song do tính cách đa nghi nên ông có nghi kị với những công thần này. Minh Thái Tổ dựa vào đại án Hồ Duy Dung và Lam Ngọc, gần như đem toàn bộ công thần diệt trừ. Thừa tướng Hồ Duy Dung rất được Chu Nguyên Chương sủng tín, song ngày càng hống hách, tấu chương đại sự trong triều trước tiên phải qua tay ông. Năm 1380, Minh Thái Tổ lấy tội danh chuyên quyền làm càn để giết Hồ Duy Dung cùng những người khác như Ngự sử đại phu Trần Ninh. Năm 1390, có người tố cáo Lý Thiện Trường và Hồ Duy Dung có quan hệ mật thiết, Lý Thiện Trường do đó bị ban chết. Tổng cộng, số người liên lụy là hơn ba vạn người, sử xưng “Hồ Duy Dung án”. Sau đó, Minh Thái Tổ lấy tội danh ngông cuồng hống hách để giết Đại tướng quân Lam Ngọc, hơn một vạn năm nghìn người mất mạng trong tru di diệt tộc, sử xưng “Lam Ngọc án”. Cùng với Không ấn án và Quách Hoài án, gọi chung là Minh sơ tứ đại án. Đến lúc này, ngoại trừ Thang Hòa và Cảnh Bỉnh Văn, gần như toàn bộ công thần đã bị giết. Minh Thái Tổ thông qua một loạt phương thức như đả kích công thần, cho đặc vụ đi giám thị mà tăng cường hoàng quyền, khiến trình độ chuyên chế của hoàng đế triều Minh vượt trên các triều đại trước đó tại Trung Quốc.

 lich su nha minh 3

 Đầu thời gian kiến quốc, có bộ phận địa chủ và văn nhân không muốn làm quan cống hiến cho triều đình mới, do đó chọn các cách thức như tự sát, tự hủy hoại thân thể, đi lên Mạc Bắc, ẩn cư thâm sơn, hay chém ngón tay, thề không xuất sĩ. Do đó Chu Nguyên Chương thiết lập hình phạt mới, tuyên cáo rằng các sĩ đại phu không phục vụ triều đình là phạm tội, sát hại nhiều học giả không muốn phụng sự triều Minh và đang làm quan cho tân triều, khiến cho các sĩ đại phu có tài năng còn lại rất ít. Minh Thái Tổ sau khi tức vị một mặt giảm nhẹ gánh nặng cho nông dân, khôi phục sản xuất kinh tế, cải cách lại trị từ thời Nguyên, trừng trị tham quan, kinh tế xã hội được khôi phục và phát triển, sử xưng Hồng Vũ chi trị.

 Minh Thái Tổ phân phong cho các hoàng tử làm vương, để tăng cường biên phòng, che chắn cho hoàng thất. Trong đó, các phiên vương tại phương bắc có thế lực khá mạnh, lớn nhất là thế lực của Tần vương Chu Sảng, Tấn vương Chu Cương và Yên vương Chu Đệ. Nhằm đề phòng trong triều đình có gian thần làm càn, Minh Thái Tổ quy định chư vương có thể dâng thư cho trung ương tróc nã gian thần, khi cần thiết nhận được mật chiếu của hoàng đế, lĩnh binh “tĩnh nạn” (ý là “bình định quốc nạn”). Đồng thời, nhằm đề phòng chư vương quá mạnh khó chế ngự, Minh Thái Tổ cũng đồng ý hoàng đế kế vị sau này khi cần thiết có thể hạ lệnh “tước phiên”.

 Năm 1398, Minh Thái Tổ từ trần, do Thái tử Chu Tiêu mất sớm nên Hoàng thái tôn Chu Doãn Văn tức vị, niên hiệu Kiến Văn, tức Minh Huệ Tông. Nhằm củng cố hoàng quyền, Minh Huệ Tông cùng với các đại thần thân tín như Tề Thái, Hoàng Tử Trừng mật mưu tước phiên. Chu vương Chu Túc, Đại vương Chu Quế, Tề vương Chu Phù, hay Tương vương Chu Bách trước sau bị phế trừ làm thứ nhân, hoặc bị giết. Đồng thời, Minh Huệ Tông lấy danh nghĩa biên phòng để điều động tinh binh của Yên vương đi, chuẩn bị tước trừ Yên vương. Kết quả là Yên vương Chu Đệ theo kiến nghị của Diêu Quảng Hiếu lấy danh nghĩa “thanh quân trắc, tĩnh nội nạn” để khởi binh, cuối cùng nam hạ chiếm lĩnh kinh sư, đó là Tĩnh Nan chi biến. Chu Đệ tức vị, tức Minh Thành Tổ, niên hiệu Vĩnh Lạc. Minh Huệ Tông không rõ tung tích giữa đám cháy lớn trong cung thành.

 Vĩnh Lạc thịnh thế và Nhân-Tuyên chi trị

 Sau Hồng Vũ chi trị, Vĩnh Lạc thịnh thế thời Thành Tổ và Nhân-Tuyên chi trị thời Nhân Tông và Minh Tông là một trong các thời kỳ hưng thịnh của triều Minh. Thời kỳ Minh Thành Tổ, quân sự hưng thịnh, trước tiên tiến công An Nam, đưa An Nam vào bản đồ triều Minh, thiết lập Giao Chỉ bố chính ty. Sau đó, Minh Thành Tổ năm lần tự dẫn quân vào Mạc Bắc tiến công Thát Đát và Ngõa Lạt (hai thế lực Mông Cổ sau khi Bắc Nguyên phân liệt). Minh Thành Tổ sách phong Ngõa Lạt tam vương, khiến họ đối lập với Thát Đát, chờ đến sau khi Ngõa Lạt hưng thịnh lại trợ giúp Thát Đát thảo phạt Ngõa Lạt, không để cho bên nào chiếm ưu thế[15]. Đồng thời, Minh Thành Tổ loại bỏ Đại Ninh đô ty, đem Ninh vương Chu Quyền nội thiên Nam Xương, trao cho ba vệ sở Ngột Lương Cáp Mông Cổ là Đóa Nhan, Thái Ninh và Phúc Dư quyền tự trị, song không chấp thuận cho người tam vệ Mông Cổ này dời về phía nam đến khu vực Đại Ninh chăn thả. Minh Thành Tổ tiến hành trấn áp Ngột Lương Cáp Mông Cổ vào năm 1406 và 1422, nhằm duy trì ổn định trong khu vực. Nhằm an phủ các bộ lạc Nữ Chân ở phía đông bắc, Minh Thành Tổ đặt vệ sở tại Hải Tây Nữ Chân (thượng du sông Tùng Hoa) và Kiến Châu Nữ Chân (giữa sông Tùng Hoa, sông Mẫu Đơn) đã quy phụ, đồng thời phái Diệc Thất Cáp an phủ Dã Nhân Nữ Chân tại hạ du Hắc Long Giang. Năm 1407, Diệc Thất Cáp tại khu vực Nô Nhi Can bờ đông hạ du Hắc Long Giang đặt Nô Nhi Can đô ty, khuếch trương cương vực phía đông Đại Minh. Năm 1413, Diệc Thất Cáp thị sát đảo Khố Hiệt (Sakhalin), tuyên bố quyền tông chủ của triều Minh với khu vực này. Minh Thành Tổ thay đổi sách lược ngoại giao bế quan tự thủ của Minh Thái Tổ, từ năm 1405 bắt đầu phái hoạn quan Trịnh Hòa hạ Tây Dương, giao thiệp với các quốc gia, tuyên thị uy đức và kiến lập thể chế triều cống, cũng có thuyết cho là nhằm bao vây ngăn chặn Đế quốc Timur tại Tây Á. Trịnh Hòa hạ Tây Dương tổng cộng bảy lần, sáu lần trước trong những năm Vĩnh Lạc và do Minh Thành Tổ phái khiển, thuyền đội Trịnh Hòa ghi dấu trên khắp khu vực Đông Nam Á và Nam Á, còn lập căn cứ tại Malacca. Quy mô của thuyền đội là chưa từng có trước đó, đi xa nhất đến khu vực Somali tại Đông Phi, khuếch đại sức ảnh hưởng của triều Minh đối với các quốc gia Đông Nam Á và ven Ấn Độ Dương.

 lich su nha minh 4

 Trên phương diện văn trị, Minh Thành Tổ cho biên soạn “Vĩnh Lạc đại điển” có quy mô lớn, công trình này có 22.877 quyển, số chữ ước tính có hơn 370 triệu. Căn cứ theo ghi chép, thời Minh chỉ có Hiếu Tông và Thế Tông duyệt đại điển[18]. Ngoài ra, Minh Thành Tổ cũng không cho sao chép khắc in “Vĩnh Lạc đại điển”, quyết định chỉ chế tác một phần bản sao, đến năm 1409 thì hoàn thành[19]. Năm 1405, Minh Thành Tổ đổi Bắc Bình thành Bắc Kinh, gọi là ‘hành tại’, đồng thời thiết lập các nha môn như Bắc Bình quốc tử giám. Năm 1409, Minh Thành Tổ tuần thị Bắc Kinh, tại Bắc Kinh thiết lập lục bộ và đô sát viện, đồng thời thiết lập lăng tẩm cho Từ hoàng hậu tại Bắc Kinh, hiển thị dấu hiệu thiên đô. Trải qua mười mấy năm quy hoạch, Bắc Kinh sơ bộ đạt được phồn vinh. Năm 1416, Minh Thành Tổ công bố ý kiến thiên đô, nhận được tán đồng, năm sau bắt đầu kiến thiết Bắc Kinh trên quy mô lớn. Năm 1420, tuyên cáo hoàn thành công trình, năm sau thiên đô. Vì trong những năm Vĩnh Lạc thiên hạ đại trị, đồng thời lại tận lực khai thác giao lưu hải ngoại, do vậy có học giả gọi giai đoạn này là Vĩnh Lạc thịnh thế. Tuy nhiên, Minh Thành Tổ cho giết nhiều người bất đồng quan điểm, như các cựu thần Hoàng Tử Trừng, Tề Thái đều bị giết.

 Sau khi Minh Thành Tổ từ trần, trưởng tử là Chu Cao Sí tức vị, tức Minh Nhân Tông, niên hiệu Hồng Hi. Minh Nhân Tông tuổi đã cao, trị vì được gần một năm thì từ trần. Ông thống trị theo thiên hướng bảo thủ, ủy nhiệm các hiền thần như “Tam Dương” (Dương Sĩ Kỳ, Dương Vinh, Dương Phổ) phụ tá triều chính, đình chỉ Trịnh Hòa hạ Tây Dương và chiến tranh đối ngoại để tích lũy dân lực, khích lệ sản xuất, độ lượng trong xét xử, nỗ lực thi hành tiết kiệm. Sau khi Minh Nhân Tông từ trần, trưởng tử là Chu Chiêm Cơ tức vị, là Minh Tuyên Tông, niên hiệu Tuyên Đức. Nhân Tông về cơ bản kế thừa phương châm của phụ thân, thực thi đức chính trị quốc, đồng thời cho tiến hành hạ Tây Dương lần cuối. Minh Tuyên Tông cực kỳ yêu thích mĩ thuật, có tác phẩm truyền thế. Tuy nhiên, trong thời gian ông chấp chính cũng có những điều tệ hại. Do Minh Tuyên Tông thích nuôi dế mèn (tên Hán cổ là “xúc chức”), nhiều quan lại do vậy tranh nhau nịnh hót, nên ông bị gọi là “Xúc Chức thiên tử”. Đồng thời, Minh Tuyên Tông đả phá quy củ hoạn quan không được can chính do Thái Tổ truyền lại, một số thái giám như Vương Chấn bắt đầu can chính, là mầm họa của thái giám chuyên quyền thời Minh Anh Tông. Năm 1435, Minh Tuyên Tông từ trần, con là Chu Kỳ Trấn kế vị khi mới chín tuổi, tức Minh Anh Tông, niên hiệu Chính Thống.

 Thổ Mộc chi biến và Hoằng Trị trung hưng

 Minh Anh Tông từ nhỏ đã sủng tín hoạn quan Vương Chấn, khởi đầu hành vi hoạn quan chuyên quyền nghiêm trọng của triều Minh. Năm 1442, người hạn chế quyền thế của Vương Chấn là Trương thái hoàng thái hậu từ trần[21], đương thời Minh Anh Tông gần 15 tuổi, Vương Chấn càng thêm chuyên quyền. Sau khi nguyên lão trọng thần “Tam Dương” từ trần, Vương Chấn chuyên quyền hống hách, triệt hạ biển sắt ghi sắc mệnh cấm chỉ hoạn quan can chính do Thái Tổ lưu lại, Minh Anh Tông đối với nhân vật này càng tín nhiệm hơn.

 lich su nha minh 5

 Năm 1435, bộ lạc Ngõa Lạt của tộc Mông Cổ dần lớn mạnh, thường sinh sự tại khu vực biên cảnh của triều Minh. Năm 1449, thủ lĩnh Ngõa Lạt là Dã Tiên suất quân nam hạ phạt Minh. Vương Chấn khuyến khích khiến Minh Anh Tông lĩnh 50 vạn binh sĩ ngự giá thân chinh. Sau khi đại quân rời khỏi kinh thành, binh sĩ thiếu lương kiệt sức. Đầu tháng tám, đại quân mới đến Đại Đồng. Vương Chấn được báo các lộ quân tiền tuyến đều chiến bại, sợ không dám giao chiến, bèn ra lệnh triệt thoái toàn bộ binh lực. Quân Minh kéo về đến Thổ Mộc bảo (nay thuộc huyện Hoài Lai, Hà Bắc) thì bị quân Ngõa Lạt đuổi kịp, binh sĩ tử thương quá nửa, đại thần tùy tòng cũng có hơn 50 người trận vong. Minh Anh Tông đột vây bất thành và bị bắt, Tướng quân Phàn Trung tức giận giết Vương Chấn, sử xưng Thổ Mộc bảo chi biến, là một bước ngoặt chuyển từ thịnh sang suy của triều Minh.

 Sau khi tin tức từ Thổ Mộc bảo truyền đến Bắc Kinh, triều đình hỗn loạn. Một số đại thần yêu cầu thiên đô đến Nam Kinh Ứng Thiên phủ song bị Binh bộ thị lang Vu Khiêm bác bỏ. Cùng năm, đại thần tôn em của Anh Tông là Chu Kỳ Ngọc tức vị, tức Minh Cảnh Đế (hay Minh Đại Tông), niên hiệu Cảnh Thái. Vu Khiêm được thăng làm Binh bộ thương thư, chỉnh đốn biên phòng tích cực chuẩn bị chiến tranh, đồng thời quyết định kiên quyết bảo vệ Bắc Kinh, các lộ quân cần vương từ các địa phương liên tiếp tiến đến. Tháng mười cùng năm, quân Ngõa Lạt đến sát bên thành Bắc Kinh. Vu Khiêm lãnh đạo các lộ quân Minh kháng cự, Dã Tiên suất quân triệt thoái. Triều Minh giành thắng lợi trong trận bảo vệ Bắc Kinh, Vu Khiêm phản bác các ý kiến khác, tăng cường củng cố quốc phòng, cự tuyệt cầu hòa, đến năm sau liên tiếp đánh lui quân Ngõa Lạt nhiều lần xâm phạm.

 Dã Tiên nhận thấy giữ Minh Anh Tông đã thành vô nghĩa, vào năm 1450 cho phóng thích ông. Tuy nhiên, do vấn đề hoàng quyền nên Minh Đại Tông không muốn tiếp nhận Minh Anh Tông, ban đầu không muốn khiển sứ nghênh giá, rồi giam lỏng Minh Anh Tông trong Nam cung, đồng thời phế hoàng thái tử Chu Kiến Thâm (con của Minh Anh Tông), lập con mình là Chu Kiến Tế làm thái tử. Không lâu sau, Kiến Tế bệnh mất, Đại Tông không còn con trai song do dự không muốn tái lập Chu Kiến Thâm làm thái tử; huynh đệ Anh Tông và Đại Tông do đó đối lập nghiêm trọng.

 Minh Hiếu Tông Chu Hữu Đường trung hưng triều Minh

 Năm 1457, đám Thạch Hanh, Từ Hữu Trinh liên minh nhằm phục vị cho Minh Anh Tông, họ thừa cơ Minh Đại Tông mắc trọng bệnh mà phát động binh biến. Từ Hữu Trinh suất quân công nhập Tử Cấm Thành, đám Thạch Hanh chiếm lĩnh Đông Hoa Môn, lập Minh Anh Tông tại Phụng Thiên điện, cải nguyên Thiên Thuận. Họ giam giữ Minh Đại Tông, bắt giết Vu Khiêm và Đại học sĩ Vương Văn, sử xưng Đoạt Môn chi biến. Do hai lần tức vị, Minh Anh Tông trở thành hoàng đế duy nhất trong số các hoàng đế Minh-Thanh cai trị Trung Nguyên sử dụng hai niên hiệu. Sau khi phục vị, Minh Anh Tông thi hành tân chính, phế trừ chế độ tuẫn tàng từ thời Minh Thái Tổ. Sau đó, Minh Anh Tông cho lưu đày Từ Hữu Trinh do chính biến nội bộ, nhân biến Tào Thạch mà giết đám Thạch Hanh, Tào Cát Tường; đồng thời cho đám hiền thần Lý Hiền nắm quyền. Năm 1464, sau khi Minh Anh Tông từ trần, con ông là Chu Kiến Thâm tức vị, tức Minh Hiến Tông, niên hiệu Thành Hóa.

 lich su nha minh 6

 Để rửa oan cho Vu Khiêm, Minh Hiến Tông khôi phục đế hiệu cho Minh Đại Tông, xét lại án oan Đoạt Môn, khiến nhiều người hài lòng. Tuy nhiên, Minh Hiến Tông nói lắp, do vậy rất ít khi tiếp đại thần, suốt ngày say đắm với Vạn quý phi, sủng tín đám hoạn quan Uông Trực, Lương Phương, những năm cuối còn yêu thích thuật thần tiên. Đến đây đám gian nịnh nắm quyền, Tây xưởng hoành hành, triều cương hủ bại, dân chúng khổ sở. Hoạn quan Uông Trực nhận được sủng tín của Minh Hiến Tông, ngông cuồng hống hách, thông qua Tây xưởng giết oan bừa bãi phổ thông dân chúng và quan viên. Không lâu sau, do dân chúng phẫn uất khởi nghĩa khắp nơi, Tây xưởng bị bãi, song Uông Trực vẫn nắm giữ đại quyền, đến năm 1482 mới bị giáng chức. Thời Thành Hóa có nhiều nhóm quyền lực: nữ sủng, ngoại thích, nịnh hạnh, gian hoạn, tăng đạo, kết thành bè đảng làm loạn triều chính. Năm 1487, Minh Hiến Tông từ trần, con là Chu Hữu Đường kế vị, tức Minh Hiếu Tông, niên hiệu Hoằng Trị.

 Minh Hiếu Tông từ nhỏ xuất thân bần hàn, còn từng gặp nguy hiểm bị Vạn quý phi hại. Trong thời gian tại vị, ông tiến hành canh tân triều chính, khiến thói xấu từ thời Minh Anh Tông trở đi được loại trừ, được tán tụng là “Trung hưng chi lệnh chủ”. Minh Hiếu Tông trước tiên đem toàn bộ đám quan lại gian nịnh và dư thừa từ thời Hiến Tông để lại loại bỏ hoặc bắt giữ trị tội. Đồng thời, Hiếu Tông tuyển chọn sử dụng người hiền tài, ủy nhiệm việc quan trọng cho người có tài. Minh Hiếu Tông chăm lo chính sự, mỗi ngày hai lần thị triều. Minh Hiếu Tông kiểm soát nghiêm ngặt hoạn quan, Cẩm y vệ và Đông xưởng cũng cẩn thận hành sự, dùng hình nhẹ bớt. Minh Hiếu Tông dốc sức thi hành tiết kiệm, không xây dựng công trình lớn, giảm miễn thuế phú. Bản thân Minh Hiếu Tông thi hành chế độ một vợ một chồng, ngoài Trương hoàng hậu thì không có phi tần nào. Thời kỳ Hoằng Trị là thời kỳ tốt đẹp nhất từ trung kỳ triều Minh trở đi, Minh sử viết Minh Hiếu Tông “cung kiêm hữu chế, cần chính ái dân”, được gọi là Hoằng Trị trung hưng. Tuy nhiên, vào trung hậu kỳ Minh Hiếu Tông không còn nghiêm túc lắng nghe can gián, đồng thời bắt đầu phung phí vô độ, khiến quốc gia bước vào tình cảnh khủng hoảng ngân khố, tệ chính vốn bị loại trừ vào sơ kỳ Hoằng Trị không những khôi phục toàn bộ mà còn trầm trọng hơn. Năm 1505, Minh Hiếu Tông từ trần, con là Chu Hậu Chiếu tức vị, đó là Minh Vũ Tông, niên hiệu Chính Đức.

 Nội loạn và Bắc Lỗ Nam Oa

 Đến thời Minh Vũ Tông, thế lực hoạn quan lại trỗi dậy, được quy là do Vũ Tông ham chơi mà lười chính sự. Tuy nhiên, bản thân họa này chưa uy hiếp đến hoàng quyền, tuy có Bát hổ như Lưu Cẩn làm càn, song cuối cùng không như tình hình hoạn quan chuyên quyền cuối thời Đường, đám Lưu Cẩn cuối cùng vẫn bị Vũ Tông xử cực hình. Vũ Tông ham chơi, cuối cùng khiến dòng Hiếu Tông tuyệt tự, khiến thống hệ Đại Minh lần thứ hai có việc dòng thứ nhập thành dòng chính[30]. Minh Vũ Tông đắm chìm trong vui thú khiến cho trong thời Chính Đức nhiều lần phát sinh chiến sự, các sự kiện trọng đại như Đại Diên Hãn của Thát Đát đem quân xâm phạm, An Hóa vương Chu Trí Phiên tại Ninh Hạ mưu phản, khởi nghĩa Lưu Lục-Lưu Thất tại Sơn Đông, Ninh vương Chu Thần Hào tại Giang Tây mưu phản. Tuy nhiên, quân đội Đại Minh thời đó còn mạnh và có nhiều quan lại tài ba, tiêu biểu như Vương Dương Minh, nên quân Mông Cổ và các nhóm nổi dậy đều bị đánh tan. Năm 1520, Minh Vũ Tông lấy cớ xuất chinh Giang Tây để xuống phương nam du ngoạn, trên đường về kinh thì bị rơi xuống nước khi đang đi thuyền nên nhiễm bệnh, sang năm 1521 thì từ trần.

 Sau khi Minh Vũ Tông từ trần, cháu họ của Minh Hiếu Tông là Chu Hậu Thông kế thừa đại thống, đó là Minh Thế Tông, niên hiệu Gia Tĩnh. Trong khoảng thời điểm đăng cơ, nhiều quyền thần như Dương Đình Hòa, Mao Trừng buộc Minh Thế Tông tôn thân sinh phụ mẫu làm hoàng thúc phụ mẫu, khiến Minh Thế Tông phản cảm, đó là tranh chấp Đại lễ nghị. Cuối cùng, Minh Thế Tông tôn phụ mẫu làm hoàng đế và hoàng hậu, lập bài vị trong Thái Miếu trên Vũ Tông, ghi vào hoàng đế thực lục.

 lich su nha minh 7

 Sau năm 1534, Minh Thế Tông dù không thị triều song vẫn tường tận quốc sự, mọi sự lớn nhỏ vẫn do Minh Thế Tông quyết đoán. Minh Thế Tông sùng tín Đạo giáo, tin dùng phương sĩ, trong cung ngày đêm cầu cúng. Ban đầu, ông đưa Đạo sĩ Thiệu Nguyên Tiết nhập kinh, phong làm chân nhân và lễ bộ thượng thư. Sau khi Thiệu Nguyên Tiết từ trần, ông rất sủng Phương sĩ Đào Trọng Văn. Tháng mười năm 1542, Càn Thanh cung phát sinh sự kiện hơn mười cung nữ như Dương Kim Anh, và Ninh tần Vương thị thừa cơ Minh Thế Tông đang ngủ say mà mưu đồ bóp chết ông, song không thành công, tức Nhâm Dần cung biến. Sau sự kiện này, cho đến trước khi từ trần, Minh Thế Tông dời Đại Nội đến sống tại Tây Nội. Minh Thế Tông sủng tín quyền thần Nghiêm Tung, nhân vật này do đó bài xích người bất đồng quan điểm, kết đảng nhằm mưu cầu tư lợi. Con của Nghiêm Tung là Nghiêm Thế Phiền hiệp trợ phụ thân. Triều thần mặc dù không ngừng có người hạch hỏi Nghiêm Tung kết đảng mưu cầu tư lợi, song đều thất bại. Cuối thời Thế Tông, Nghiêm Tung do tuổi đã cao nên Từ Giai bắt đầu thay thế vị trí của Nghiêm Tung. Năm 1562, Từ Giai kích động ngôn quan luận tội Nghiêm Tung, Nghiêm Tung từ quan hồi hương. Năm 1565, Nghiêm Thế Phiền bị xử trảm vì tội thông Oa, Nghiêm Tung bị giáng làm thứ dân, hai năm sau bệnh mất.

 Thời Gia Tĩnh, Đại Minh liên tiếp có ngoại hoạn. Tại phương bắc, Thát Đát thừa cơ triều Minh suy nhược mà chiếm cứ Hà Sáo. Năm 1550, thủ lĩnh Thát Đát là Yêm Đáp xâm phạm Đại Đồng, Tổng binh Cừu Loan đem lượng lớn kim tiền mua chuộc Yêm Đáp để chuyển sang mục tiêu khác. Kết quả, Yêm Đáp chuyển sang đánh thẳng Bắc Kinh, sau khi cướp bóc quanh thành thì dời về phía tây, quân Minh chiến bại trong quá trình truy kích, đó là Canh Tuất chi biến. Do trong thời kỳ Minh Thế Tông, triều đình tuyên bố hải cấm, Oa khấu có thành phần là lãng nhân Nhật Bản và hải tặc Trung Quốc hợp tác với cư dân duyên hải buôn lậu, trước sau tập kích quấy nhiễu Sơn Đông, Chiết Giang, Phúc Kiến, Quảng Đông. Các tướng lĩnh như Chu Hoàn, Trương Kinh nhận lệnh của triều đình song không thể bình định Oa khấu. Sau đó, Binh bộ thượng thư Hồ Tông Hiến tạm thời giữ chức Chiết Giang tuần phủ kiêm Chiết Trực tổng đốc toàn lực tiêu diệt Oa khấu, chiêu phủ thế lực mạnh nhất tại Chiết Giang là Uông Trực. Thích Kế Quang và Du Đại Du bình định Oa khấu tại các địa phương Chiết Giang, Phúc Kiến, Quảng Đông, tạo bối cảnh tốt cho Long Khánh khai quan về sau. Ngoài ra, người Bồ Đào Nha vào năm 1557 bắt đầu di dân đến Áo Môn, song đến khi triều Minh mất người Bồ Đào Nha và Áo Môn vẫn thuộc quyền quản trị của huyện Hương Sơn thuộc Quảng Đông. Năm 1566, Minh Thế Tông từ trần, Hoàng thái tử Chu Tái Hậu tức vị, tức Minh Mục Tông, niên hiệu Long Khánh.

 Cải cách trung hưng

 Sau khi tức vị, Minh Mục Tông trước sau tín nhiệm trọng dụng các danh thần như Từ Giai, Cao Củng và Trương Cư Chính. Năm 1567, cựu thần từ thời Minh Thế Tông là Từ Giai khích động triều quan buộc tội Cao Củng, buộc Cao Củng từ quan hồi hương. Cao Củng không cam tâm, năm sau khích động triều quan buộc tội Từ Giai, Từ Giai bị buộc chính thức thoái hưu. Chính vụ thực tế trong triều dần rơi vào tay Trương Cư Chính. Những năm cuối Long Khánh, Cao Củng hồi triều, nhậm chức đại học sĩ đứng đầu nội các. Tướng lĩnh triều Minh và thủ lĩnh Thát Đát là Yêm Đáp Hãn đạt thành hòa nghị, sử xưng Yêm Đáp phong cống. Về hàng hải, triều đình mở cửa mậu dịch dân gian, sử xưng Long Khánh khai quan. Do thi hành hai điều này cùng các cải cách khác, triều Minh bắt đầu tiến vào thời kỳ Trung hưng, sử xưng Long Khánh tân chính. Năm 1572, Minh Mục Tông đột nhiên từ trần, Hoàng thái tử Chu Dực Quân kế vị khi mới gần 9 tuổi, tức Minh Thần Tông, niên hiệu Vạn Lịch.

 lich su nha minh 9

 Do Minh Thần Tông còn nhỏ tuổi, Lý thái hậu nhiếp chính. Cao Củng do đối kháng với hoạn quan Phùng Bảo vốn được Thái hậu tín nhiệm nên bị bãi quan, còn Trương Cư Chính được Phùng Bảo hết sức ủng hộ. Trương Cư Chính phụ chính mười năm, thi hành cải cách, trên phương diện nội chính đề xuất “tôn chủ quyền, khóa lại chức, hành thưởng phạt, nhất hiệu lệnh”, thi hành “khảo thành pháp”, cắt giảm triệt tiêu quan viên dư thừa trong cơ cấu chính phủ, chỉnh đốn việc truyền tin và tuyển chọn quan lại. Trên phương diện kinh tế, tiến hành đo đạc cụ thể ruộng đất toàn quốc, ức chế hào cường địa chủ, cải cách chế độ phú dịch, thi hành “nhất điều tiên pháp”, giảm nhẹ gánh nặng của nông dân. Năm 1393, vào thời kỳ Minh Thái Tổ, đất ruộng canh tác trên toàn quốc có 3.660.007 khoảnh, đến năm 1502 thời kỳ Minh Hiếu Tông chỉ tăng lên 4.228.058 khoảnh. Trải qua Trương Cư Chính trị lý, đến năm 1581 đạt đến 7.003.976 khoảnh. Trên phương diện quân sự, tăng cường chỉnh đốn vũ bị, bình định rối loạn tại tây nam, cho danh tướng Thích Kế Quang bảo vệ Kế Châu – trọng trấn cho Bắc Kinh, cho Lý Thành Lương an phủ các bộ lạc Nữ Chân, cho Vương Sùng Cổ, Phương Phùng Thì an phủ Thát Đát, các trọng thần khác như Lưu Hiển tại Tứ Xuyên, Ân Chính Mậu và Lang Vân Dực tại Lưỡng Quảng, Trương Giai Dận tại Chiết Giang, Trương Cư Chính rất tín nhiệm bọn họ. Trương Cư Chính còn cho Phan Quý Tuần trị lý Hoàng Hà, biến thủy hoạn thành thủy lợi. Đồng thời, Trương Cư Chính trừng trị nghiêm khắc tham quan ô lại, cắt bỏ người vô dụng. Trương Cư Chính chỉnh đốn triều chính, cải cách thể chế, sử xưng Vạn Lịch trung hưng.

 Năm 1577, cha của Trương Cư Chính từ trần, theo lệ thường ông phải giải chức hồi hương chịu tang trong ba năm, tức “đinh ưu”, song vì sự nghiệp cải cách chưa thành nên không muốn thực hiện. Địch thủ chính trị của ông nhân đó mà làm lớn chuyện, đó là “Đoạt Tình chi tranh”. Cuối cùng, được Minh Thần Tông và hai vị thái hậu ủng hộ, Trương Cư Chính được miễn chịu tang tại gia, tức Đoạt tình khởi phục, do đó cải cách của ông không bị gián đoạn. Tuy nhiên, điều này trở thành một cớ để địch thủ chính trị của ông lợi dụng. Đồng thời, Trương Cư Chính lợi dụng chức quyền của bản thân để tạo thuận lợi cho con mình vượt qua khoa cử tiến vào Hàn lâm viện. Sau khi Trương Cư Chính từ trần, các địch thủ chính trị phản đối cải cách lập tức thanh toán. Một số người trong Trương phủ không kịp trốn bị giam bên trong, hơn chục người chết đói. Quan tước của Trương Cư Chính khi còn sống cũng bị tước.

 Vạn Lịch đãi chính và đảng tranh

 Thời gian đầu sau khi Trương Cư Chính từ trần, Minh Thần Tông vẫn có thể duy trì hứng thú với triều chính, song cùng với việc triều dã thanh toán thế lực của Trương Cư Chính, Minh Thần Tông bắt đầu ít thượng triều. Sau Quốc bản chi tranh, ông thậm chí còn có thái độ đãi chính tiêu cực. Trong thời gian Minh Thần Tông tại vị, về đối nội có các sự kiện nghiêm trọng như Đông Lâm đảng tranh, Quốc bản chi tranh và Vạn Lịch đãi chính; đối ngoại có các chiến dịch lớn như Vạn Lịch tam đại chinh và Hậu Kim quật khởi. Triều đại Vạn Lịch là thời kỳ chuyển đổi từ thịnh sang suy của triều Minh. Quốc bản chi tranh là một sự kiện chính trị trọng đại kéo dài suốt từ trung kỳ đến vãn kỳ thời gian Minh Thần Tông trị vì, chủ yếu là xung quanh tranh chấp kế thừa hoàng vị giữa Hoàng trưởng tử Chu Thường Lạc và Phúc vương Chu Thường Tuân (con của Trịnh quý phi). Do Vương hoàng hậu không có con trai, Minh Thần Tông đặc biệt yêu mến hoàng tử thứ ba là Chu Thường Tuân, không muốn lập hoàng tử thứ nhất là Chu Thường Lạc làm thái tử, quan viên trong triều do đó phân thành hai phái khác biệt. Đến năm 1601, dưới áp lực của Hoàng thái hậu, Chu Thường Lạc mới được phong làm thái tử, còn Chu Thường Tuân được phong làm Phúc vương. Tuy nhiên, Phúc vương chậm rời kinh thành đi nhậm chức vị phiên vương. Đến khi phát sinh “Đĩnh kích án”, dư luận bất lợi với Trịnh quý phi, Phúc vương mới rời kinh tới phiên, địa vị thái tử của Chu Thường Lạc nhờ vậy mà được vững chắc.

 Do tranh chấp lập thái tử, Minh Thần Tông bất mãn cực độ đối với đại thần, năm 1587 bắt đầu lấy việc không thượng triều để trả đũa, chỉ xử lý một số sự kiện trọng yếu. Minh Thần Tông không thị triều vào ngày đầu năm, sáng sớm không thị triều, cả ngày đắm chìm trong tửu sắc, mỗi năm lại tiến hành tuyển mỹ nữ, thường thích xây cất, hay cho xây công trình quy mô lớn. Đại lý tự tả bình sự dâng sớ, nói Minh Thần Tông đắm chìm trong tửu, sắc, tài, khí, kết quả bị giáng làm dân. Trung hậu kỳ thời Minh Thần Tông, tình hình tài chính nguy nan, do đó Minh Thần Tông phái thái giám làm khoáng giám và thuế giám trên toàn quốc để tăng thêm ngân khố. Tuy nhiên, khoáng giám và thuế giám đại đa số lấy danh nghĩa để vơ vét tài sản dân gian, nhiễu loạn quốc gia. Do Minh Thần Tông không quản lý triều chính, hiện tượng khuyết quan viên rất nghiêm trọng. Năm 1602, Nam-Bắc lưỡng kinh tổng cộng khuyết ba thượng thư, mười thị lang, các địa phương khuyết ba tuần phủ, 66 bố chính sứ hay án sát sứ, 25 tri phủ. Bên trên Minh Thần Tông chán trường, bên dưới triều thần tranh chấp, triều đình Minh hoàn toàn bước vào trong tình trạng không hoạt động. Do vậy, Minh sử viết rằng có nhà bình luận nói triều Minh thực tế mất từ thời Thần Tông, bộ phận sử gia nhận định triều Minh từ đây bắt đầu hướng đến diệt vong.

 Do triều chính hỗn loạn, một bộ phận quan lại cấp trung và thấp chịu bài xích về chính trị, liên tiếp yêu cầu cải cách chính trị, đồng thời nhấn mạnh tiêu chuẩn đạo đức. Năm 1593, Đông Lâm đảng hình thành, danh xưng bắt nguồn từ Đông Lâm thư viện do Cố Hiến Thành sáng lập. Chủ trì kinh sát là Tôn Lung, Lý Thế Đạt và Triệu Nam Tinh, lợi dụng kinh sát để giáng chức bãi quan các quan lại không hợp với tiêu chuẩn của họ và không thuộc Đông Lâm đảng. Trải qua nhiều lần kinh sát, nhiều đảng phản đối như Tuyên đảng, Côn đảng, Tề đảng, Chiết đảng đứng lên và xung đột với Đông Lâm đảng. Từ đó, họa bè phái không dẹp nổi, triều chính đình đốn nội loạn. Sang thời Minh Hy Tông, phái hoạn quan chuyên quyền, Đông Lâm đảng chịu đả kích nghiêm trọng, đến đầu thời Minh Tư Tông mới lại được sử dụng.

 lich su nha minh 10

 Trên phương diện quân sự đối ngoại, Vạn Lịch tam đại chinh là nổi danh nhất, đó là Ninh Hạ chi dịch nhằm bình định Bột Bái người Mông Cổ làm phản, Triều Tiên chi dịch nhằm kháng kích chính quyền Toyotomi Nhật Bản xâm nhập vương triều Triều Tiên, Bá Châu chi dịch nhằm binh định Thổ ty Dương Ứng Long làm phản, ba cuộc chiến trường kỳ này gần như đồng thời phát sinh, song tính chất không tương đồng. Triều Minh giành thắng lợi trong ba đại chiến này giúp củng cố biên cương, bảo hộ vương triều Triều Tiên, song làm tiêu hao lượng lớn nhân lực vật lực, là một trong các nguyên nhân trọng yếu khiến quốc khố trống rỗng, tài chính nguy khốn. Năm 1617, thủ lĩnh Hậu Kim là Nỗ Nhĩ Cáp Xích lấy thất đại hận làm cớ tiến hành phản Minh, hai năm sau đại thắng quân Minh trong trận Tát Nhĩ Hử, triều Minh đến lúc này chọn sách lược phòng ngự làm chủ yếu để ứng phó với Hậu Kim.

 Năm 1620, Minh Thần Tông từ trần. Thái tử Chu Thường Lạc đăng cơ, tức Minh Quang Tông, niên hiệu Thái Xương, tại vị chỉ được một tháng. Ông ban thưởng cho quân Minh tại tiền tuyến Liêu Đông, trọng dụng người thuộc Đông Lâm đảng khiến triều chính chuyển nguy thành an, đồng thời ông bãi trừ khoáng giám thuế sứ[44]. Sinh mẫu của Phúc vương là Trịnh quý phi nhằm lung lạc Minh Quang Tông nên tiến hiến tám vị mỹ nữ. Minh Quang Tông ham mê quá độ nên không lâu thì đổ bệnh, Thái giám Thôi Văn Thăng dâng thuốc xổ khiến ông đi ngoài quá độ, lại do sử dụng “hồng hoàn” của Lý Khả Chước mà đột tử, sử xưng “Hồng hoàn án”. Sau khi Minh Quang Tông từ trần, sủng phi của ông là Lý Tuyền Thị muốn ở lại Càn Thanh cung, nhằm đề phòng bà can dự triều chính nên triều thần buộc bà đến Uyết Loan cung thuộc Nhân Thọ điện[45], tức Di cung án. Hoàng trưởng tử Chu Do Hiệu cuối cùng kế vị, tức Minh Hi Tông, niên hiệu Thiên Khải. “Đĩnh kích án”, “Hồng hoàn án” và “Di cung án” gọi chung là “Minh mạt tam đại án”, là kế tục của Quốc bản chi tranh, khiến đấu tranh chính trị trong triều đình Minh càng thêm kịch liệt, cũng đánh dấu bắt đầu thời kỳ Minh mạt suy vong.

 Nguy cơ kinh tế và Nội ưu ngoại hoạn

 Trong thời gian Minh Hi Tông tại vị, chính trị càng hủ bại đen tối. Minh Hi Tông do mất mẹ từ nhỏ nên có cảm tình đặc biệt với nhũ mẫu Khách thị. Khách thị và hoạn quan Ngụy Trung Hiền hợp tác với nhau làm càn. Thời kỳ ban đầu, Minh Hi Tông sử dụng lượng lớn người của Đông Lâm đảng, kết quả khiến Đông Lâm đảng và các đảng khác đấu tranh không ngừng, Minh Hi Tông do đó mất kiên nhẫn với triều chính, Ngụy Trung Hiền nhờ cơ hội này mà can dự chính trị, tập kết thế lực các đảng Tề-Sở-Chiết, hiệu là Yêm đảng. Năm 1624, Yêm đảng khống chế nội các, Ngụy Trung Hiền càng thêm ngông cuồng, móng vuốt của ông ta trải khắp trung ương và địa phương. Khi quyền thế tối thịnh, dưỡng tử của Ngụy Trung Hiền có thể thay thế hoàng đế tế Thái Miếu. Toàn quốc đều có miếu thờ sống Ngụy Trung Hiền, còn có học giả Quốc tử giám thuộc Yêm đảng đề xuất Ngụy Trung Hiền sánh ngang Khổng Tử, cha của Ngụy Trung Hiền sánh ngang Khải Thánh công. Ngụy Trung Hiền ra sức đả kích Đông Lâm đảng, mượn tam án “Đĩnh kích, Hồng hoàn, Di cung” làm cớ, sai đồng đảng ngụy tạo “Đông Lâm đảng điểm tướng lục” thượng báo triều đình. Năm 1625, Minh Hi Tông hạ chiếu thiêu hủy thư viện toàn quốc, lượng lớn người thuộc Đông Lâm đảng bị vào tù, thậm chí bị xử tử. Do yêm đảng có trình độ thấp kém, chính trị không được chỉnh trị, trong nước thường xuyên xảy ra mất mùa đói kém, dân biến không ngừng, ngoại hoạn vẫn tiếp tục, triều Minh bước vào tình cảnh hiểm nghèo. Năm 1626, kho thuốc nổ của vương cung xưởng thuộc Công bộ tại góc tây nam Bắc Kinh phát nổ, tức Vương cung xưởng đại bạo tạc, khiến cho hơn hai vạn người tử thương. Năm 1627, Minh Hi Tông không cẩn thận rơi xuống nước mà mắc bệnh trọng, không lâu sau vì thuốc của Hoắc Duy Hoa mà từ trần, em là Tín vương Chu Do Kiểm kế vị, tức Minh Tư Tông, niên hiệu Sùng Trinh.

 Sau khi tức vị, Minh Tư Tông kiên quyết loại trừ thế lực của Ngụy Trung Hiền để cải cách triều chính. Ông hạ lệnh đình chỉ xây dựng miếu thờ sống, bức Phụng Thánh phu nhân Khách thị ra ở ngoài cung, cuối cùng xử tử. Ông hạ lệnh Ngụy Trung Hiến đến Phụng Dương trông lăng mộ, Ngụy Trung Hiền trên đường đi cùng đồng đảng là Lý Triều Khâm tự tử, các phần tử khác trong Yêm đảng cũng bị biếm truất hoặc xử tử. Tuy nhiên, đảng tranh nội đấu kịch liệt, Minh Tư Tông không tín nhiệm bá quan, ông cố chấp, tăng cường tập quyền. Đương thời, Hậu Kim tại phía đông bắc chiếm lĩnh khu vực Liêu Đông, đám Viên Sùng Hoán tại Liêu Tây kháng cự Khả hãn Hoàng Thái Cực xâm nhập. Năm 1629, Hoàng Thái Cực chuyển sang đi đường vòng Trường Thành để xâm nhập Bắc Kinh, Viên Sùng Hoán khẩn cấp hồi quân đối đầu với Hoàng Thái Cực tại Quảng Cừ môn Bắc Kinh. Trải qua Lục bộ cửu khanh hội thẩm, cuối cùng triều đình Minh xử tử Viên Sùng Hoán, sử xưng Kỉ Tị chi biến. Sau đó, Hoàng Thái Cực nhiều lần viễn chinh Mông Cổ, năm 1636 xưng đế tại Thịnh Kinh, cải quốc hiệu thành Đại Thanh. Hoàng Thái Cực liên tiếp phát động năm lần qua Trường Thành xâm nhập các khu vực Trực Lệ, Sơn Đông. Đương thời, Trực Lệ nhiều năm đói kém dịch bệnh, dân sinh gian khổ. Cục thế Liêu Tây cũng ngày càng xấu đi, cuối cùng quân Thanh vào năm 1640 chiếm lĩnh Cẩm Châu và các nơi khác, tướng Hồng Thừa Trù đầu hàng, thế lực triều Minh thu nhỏ đến Sơn Hải quan.

 lich su nha minh 11

 Từ trung kỳ về sau, Đại Minh thường phát sinh nông dân khởi nghĩa, đến thời kỳ Minh Tư Tông do triều chính hỗn loạn và quan viên tham ô bất tài, nhu cầu phục vụ chiến tranh với Hậu Kim và quân Hậu Kim cướp đoạt, cùng với việc khí hậu trở nên lạnh hơn do tiểu băng kỳ, sản lượng nông nghiệp giảm gây nên đói kém trên quy mô toàn quốc, những điều này đều làm tăng gánh nặng cho nhân dân. Năm 1627, dân đói tại Trừng Thành thuộc Thiểm Tây tiến hành bạo động, khởi đầu cho giai đoạn Minh mạt dân biến, sau đó Vương Tự Dụng, Cao Nghênh Tường, Lý Tự Thành, Trương Hiến Trung cùng những nông dân khác khởi nghĩa, cuối cùng phát triển thành Lý Tự Thành hùng cứ Thiểm Tây, Hà Nam, còn Trương Hiến Trung chiếm cứ Tứ Xuyên. Năm 1644, Lý Tự Thành kiến quốc Đại Thuận, sau đó đánh hạ Bắc Kinh, Minh Tư Tông tự vẫn, triều Minh mất. Ngô Tam Quế là tướng Minh trấn thủ Sơn Hải Quan, sau khi triều Minh mất ông ta quyết định dẫn quân Thanh nhập quan, đánh bại quân Đại Thuận. Nhiếp chính vương Đa Nhĩ Cổn và Thuận Trị Đế của triều Thanh nhập quan, Bắc Kinh trở thành thủ đô của triều Thanh. Lý Tự Thành triệt thoái về Thiểm Tây, cuối cùng bị quân Thanh tiêu diệt.

 Nam Minh và Minh Trịnh

 Sau khi triều Minh diệt vong, tại phương nam vẫn còn thế lực, sử xưng Nam Minh. Thế lực chủ yếu của Nam Minh có Tứ hệ vương: Phúc vương Chu Do Tung, Lỗ vương Chu Dĩ Hải, Đường vương Chu Duật Kiện và Chu Duật Việt, Quế vương Chu Do Lang. Sau khi Nam Minh diệt vong, còn có chính quyền Minh Trịnh do Trịnh Thành Công kiến lập, và Quỳ Đông thập tam gia kháng Thanh. Năm 1644, sau khi Bắc Kinh bị Lý Tự Thành chiếm lĩnh, đại thần Nam Minh có ý ủng hộ hoàng tộc Bắc phạt. Trải qua nhiều lần thảo luận, Phúc vương Chu Do Tung xưng đế dưới sự ủng hộ của Phụng Dương tổng đốc Mã Sĩ Anh và Giang Bắc tứ trấn Cao Kiệt, Hoàng Đắc Công, Lưu Trạch Thanh và Lưu Lương Tá, tức Hoằng Quang Đế, sử xưng Nam Minh. Năm 1645, triều Thanh phái Đa Đạc đem đại quân nam hạ Nam Kinh, đương thời Hoằng Quang Đế bất tài, đại quyền do tàn dư của Yêm đảng khống chế, Giang Bắc tứ trấn cuối cùng liên tiếp tan vỡ. Quân Thanh công phá Dương Châu do Sử Khả Pháp tử thủ, Hoằng Quang Đế đào thoát đến Vu Hồ thì bị bắt giữ, bị đưa đến Bắc Kinh để xử tử. Thời gian đó, quân Thanh tiến hành đại đồ sát Dương Châu thập nhật, Giang Âm bát thập nhất nhật và Gia Định tam đồ để trấn áp người Hán phản kháng.

 Sau khi Hoằng Quang Đế bị giết, Lỗ vương Chu Dĩ Hải tại Thiệu Hưng xưng là giám quốc, Đường vương Chu Duật Kiện được đám Trịnh Chi Long ủng hộ xưng đế tại Phúc Châu, tức Long Vũ Đế. Tuy nhiên, hai thế lực chủ yếu này của Nam Minh không thừa nhận địa vị của bên kia và đánh lẫn nhau. Long Vũ Đế liên tục đề nghị đưa quân Bắc phát, song không được Trịnh Chi Long ủng hộ nên cuối cùng không thành. Năm 1646, quân Thanh phân biệt chiếm lĩnh Chiết Giang và Phúc Kiến, Lỗ vương Chu Dĩ Hải đào vong trên biển, Long Vũ Đế đào thoát đến Giang Tây thì bị bắt rồi từ trần. Trịnh Chi Long đầu hàng quân Thanh, song vì con là Trịnh Thành Công khởi binh phản Thanh mà bị triều đình cầm tù. Sau khi Chu Duật Kiện từ trần, em là Chu Duật Việt tại Quảng Châu xưng đế, tức Thiệu Vũ Đế, cùng năm bị tướng Thanh là Lý Thành Đống công diệt. Đồng thời gian, Quế vương Chu Do Lang tại Triệu Khánh, Quảng Đông xưng đế, tức Vĩnh Lịch Đế.

 Năm 1646, Vĩnh Lịch Đế có được các thế lực Cù Thức Tỉ, Lý Định Quốc, Tôn Khả Vong, cùng với ủng hộ của thế lực Trịnh Thành Công tại Phúc Kiến triển khai phản công. Các cựu tướng lĩnh của quân Minh tại các khu vực đã hàng Thanh lần lượt khởi nghĩa, Nam Minh thu phục được các tỉnh Hoa Nam trong một thời gian. Tuy nhiên, trong cùng năm tướng Thanh là Thượng Khả Hỉ suất quân xâm nhập, lần lượt chiếm lĩnh các khu vực Hồ Nam, Quảng Đông. Hai năm sau, Lý Định Quốc, Tôn Khả Vọng và Trịnh Thành Công phát động phản công lần thứ hau, trong đó Trịnh Thành Công từng bao vây Nam Kinh. Tuy nhiên, các lộ quân Minh cách xa nhau nên khó phối hợp, nội bộ lại phát sinh đám Tôn Khả Vọng làm phản, phản công lần thứ hai liên tiếp thất bại rồi kết thúc. Năm 1661, quân Thanh đánh vào Vân Nam, Vĩnh Lịch Đế lưu vong sang thủ đô Sagaing của vương triều Taungoo Miến Điện, được Quốc vương Mãnh Đạt (Pindale Min) tiếp đãi. Sau đó, Ngô Tam Quế đánh vào Miến Điện, em của Mãnh Đạt là Mãnh Bạch (Pye Min) thừa cơ phát động chính biến. Đến ngày 12 tháng 8, Mãnh Bạch phát động “Chú Thủy chi nan”, giết hết thị tòng cận vệ của Vĩnh Lịch Đế, Vĩnh Lịch Đế cuối cùng bị Ngô Tam Quế siết cổ chết, Nam Minh mất.

 Đến lúc này thế lực phản Thanh chỉ còn Quỳ Đông thập tam gia quân, và Trịnh Thành Công tại Kim Môn-Hạ Môn (sử xưng Minh Trịnh). Tàn dư của lực lượng Lý Tự Thành sau khi kháng Thanh tại Hồ Nam thất bại, dời đến vùng núi Tứ Xuyên-Hồ Bắc tiến hành hoạt động, tại khu vực phía đông của Quỳ Châu phủ tiếp tục kháng Thanh, gọi là Quỳ Đông thập tam gia quân. Năm 1662, quân Thanh bắt đầu tiến công, đến năm 1664 thủ lĩnh Lý Lai Hanh bị giết nên kết thúc. Trịnh Thành Công sau thất bại tại Nam Kinh thì triệt thoái đến Kim Môn-Hạ Môn, năm 1661 suất quân viễn chinh đảo Đài Loan đang do người Hà Lan chiếm cứ, kết quả thành công, định đô tại Đông Ninh (nay là Đài Nam). Con là Trịnh Kinh từng tham dự loạn Tam Phiên song thất bại. Năm 1683, triều Thanh mệnh Thi Lang tiến công Đài Loan, chúa Trịnh Khắc Sảng đầu hàng, Minh Trịnh mất.

 Nguồn:  https://www.tourtrungquoc.net.vn/van-hoa-am-thuc/doi-net-ve-lich-su-nha-minh-trung-quoc.html

  

  

  

  

  

  

  

 Tag: lô sụp bán trộm viếng thăm hằng rat tòa vua thuê trang phim đời liêm tết thắm mai vàng nhí xe vắt lau tịnh nhựa đâu