Viettimes — Liệu có thể giải mã những sự thật lịch sử trong quá khứ đã trôi qua hàng ngàn năm?
 Sự thật nào đằng sau màn sương?
 Nhà văn Hoàng Quốc Hải – nhà văn đoạt Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật năm 2017 với hai bộ tiểu thuyết lịch sử Tám triều vua Lý và Bão táp triều Trần sẵn sàng đối đầu với Viện Sử hay bất cứ ai nghi ngờ về những sự thật lịch sử được soi chiếu dưới góc nhìn của người viết.
 Viết về những thứ đương đại mà được bạn đọc chấp nhận đã rất khó, nếu sách ra năm năm mà không tái bản thì cuốn sách đã “chết” trước tác giả. Huống chi nhìn về quá khứ lúc nào cũng như có một màn sương mờ đục ngăn cản.
 Trong cuộc giao lưu sáng 29/12 tại TP.HCM, tác giả của những bộ tiểu thuyết lịch sử đình đám Hoàng Quốc Hải khẳng định: “Vẫn phải nhờ vào đường dây dẫn dắt là chính sử, nhưng phải bóc tách ra, cái gì là sự thật ẩn náu đằng sau những lời nhận xét mù mờ của các sử gia. Nhiều khi các tài liệu cũng không chính xác nên cần xem xét thận trọng. Đặc biệt, phải nhận ra đâu là những lời bình bất lương” – Nhà văn Hoàng Quốc Hải nói.
  Hai bộ tiểu thuyết lịch sử đoạt Giải thưởng Nhà nước năm 2017 của nhà văn Hoàng Quốc Hải |
 “Bộ tiểu thuyết “Chiến tranh và hòa bình” được Lev Tolstoy viết sau chiến tranh 50 năm, nghĩa là nhiều nhân chứng vẫn còn sống, nên ông cũng bị chỉ trích chuyện đúng sai, nhưng Lev Tolstoi chỉ coi sự kiện lịch sử như đường dây dẫn chuyện, bộ tiểu thuyết cho đến nay vẫn đứng đầu danh sách mọi tác phẩm bất hủ của mọi thời đại. Alexandre Dumas cũng từng nói rằng: “Lịch sử là cái đinh trên đó treo bức tranh tác phẩm phản ánh cái hồn của thời đại”. Còn cụ thể làm như thế nào thì tùy thuộc vào tài năng của người viết. Nhiều người gàn tôi không nên viết nhưng tôi không tin vào sự thiên kiến của những người đi trước và cứ bắt tay vào viết các bộ tiểu thuyết lịch sử về bão táp cung đình mà không cần viện vào bất cứ lý do gì” – Ông Hoàng Quốc Hải cho biết.
 TS. Bùi Trân Phượng – nguyên Hiệu trưởng Đại học Hoa Sen, Chủ tịch sáng lập NES Education khẳng định: “Lịch sử phải là sự thật được truy vấn không ngừng”. Bà đánh giá dòng văn học viết về lịch sử với các tác giả như nhà văn Hoàng Quốc Hải là cực kỳ dũng cảm; vì dòng sách này cần đầu tư rất cao cả về trí tuệ và công sức. T.S Bùi Trân Phượng cho rằng các lý giải được đưa ra trong văn học lịch sử là một cách “truy vấn” rất hiệu quả.
 Nhà văn Ngô Thị Kim Cúc cho biết chị là một người ham đọc sách từ lứa tuổi rất nhỏ, nhưng cương quyết: “Lọc sự thật trong sách bằng cái đầu và cả trái tim của mình. Sử hãy làm cho người ta khóc, hãy đi vào trái tim con người”.
 Cuộc hội thảo thu hút rất đông độc giả trên đường sách TP.HCM tham dự |
 Liệu có những “cú hích”?
 Nhà nghiên cứu phê bình PGS.TS Võ Văn Nhơn (Đại học KHXHNV TP.HCM) cho biết hồi đầu thế kỷ XX, ở Sài Gòn nổi lên phong trào viết tiểu thuyết lịch sử rất rầm rộ, sau đó còn đọng lại trong lòng công chúng nhiều nhân vật dù hư cấu nhưng nổi tiếng đến nỗi hễ nhắc là ai cũng biết, chẳng hạn như Võ Đông Sơ và Bạch Thu Hà.
 Liệu có hay không những “cú hích” trong tương lai để kích thích niềm đam mê tìm hiểu về lịch sử? Dịch giả Lê Trọng Sâm cho rằng nhìn lại những giá trị của kho tàng trong quá khứ chính là động lực thúc đẩy sự cố gắng hôm nay.
 Dịch giả Trần Đĩnh nhắc nhở: “Hễ cứ nói ra hoặc viết ra bất cứ điều gì đã là một nửa phi hiện thực, 50% sai lầm, và có ý muốn đề cao bản thân rồi. Không ai giữ toàn phần chân lý cho nên đừng mang tâm lý thắng thua, cố chấp, cần khoan thứ, dung nạp và tôn trọng sự phong phú, đa chiều của sự thật lịch sử, tìm ra những bài học”.
  Rất đông các dịch giả, nhà nghiên cứu, nhà phê bình, nhà văn, nhà thơ, nhà giáo cùng có mặt tại cuộc tọa đàm, đưa nhiều ý kiến tranh luận |
 Nhà văn Hoàng Quốc Hải đau đáu với những câu chuyện lịch sử và phi lịch sử đã khiến ông mất ngủ rất nhiều đêm và cương quyết viết ra những cuốn sách ngàn trang với cách làm không tô vẽ, đoạt Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật năm 2017, ở vào lứa tuổi tám mươi.
 T.S Bùi Trân Phượng khẳng định những gì sâu sắc cốt lõi nhất mà người đương thời có thể học tập được từ quá khứ, theo kiến giải của người viết, thì đó chính là giá trị của lịch sử, chứ không ai có sẵn trong tay 100% của bất cứ sự thật nào.
 Võ Nam Du – đại diện nhóm Sử Talk cho biết khi bước chân vào con đường học tập nghiên cứu về lịch sử thì đã luôn phải trả lời câu hỏi: “Học sử để làm gì? Học xong có gì mới không? Có vui không?” Bắt đầu từ những trăn trở đó, Võ Nam Du đã nảy ra ý tưởng và kết hợp với các bạn trẻ khác để tạo ra một không gian để tất cả mọi người có thể cùng bàn luận về lịch sử một cách không giới hạn, đặc biệt là quan niệm đúng – sai.
 Bạn trẻ Võ Nam Du của nhóm Sử Talk và tác giả “Tám triều vua Lý” và “Bão táp triều Trần” – nhà văn Hoàng Quốc Hải |
 Trong khi nhà giáo Lê Vinh Quốc – nguyên Phó hiệu trưởng Đại học Sư Phạm TP.HCM trăn trở vì cách dạy và học lịch sử ở nước ta hiện nay quá chán đã dẫn đến làm cho học sinh, sinh viên coi môn sử là một “vấn nạn”, bắt buộc phải học cho có điểm và để qua bài chứ không có chút yêu thích hay đam mê nào; thì Trần Tuấn, một bạn trẻ đại diện nhóm Việt sử kiêu hùng có chung quan điểm với Võ Nam Du của nhóm Sử Talk, cho rằng: “Cần những cơn mưa cảm xúc để tình yêu lịch sử trong giới trẻ được nảy mầm”.
 Nguồn: https://viettimes.vn/giai-ma-lich-su-bang-nhung-truy-van-lien-tuc-nhung-can-khoan-dung-post96410.html
 Tag: đèn cù pdf audio đang