Nhà rường là gì
 Nhà rường là một loại kiến trúc cổ, ra đời vào khoảng thế kỷ XVII, dưới triều đại phong kiến Việt Nam. Mặc dù chịu ảnh hưởng của lối kiến trúc Trung Hoa nhưng nhà rường Huế vẫn mang nét riêng biệt của người Việt. Gọi là rường bởi vì có nhiều rường cột, rường kèo, mè với lối kiến trúc theo chữ Đinh, Khẩu hoặc chữ Công. Gian trong nhà rường được tính bằng các hàng cột trong nhà, không có vách ngăn.
 Nhà rường Huế xưa chỉ có một gian hoặc ba gian hai chái, có diện tích nhỏ, nhưng về sau bỏ quy định này mà chỉ quy định nhà dựng lên không vượt quá chiều cao cung điện của vua chúa. Do đó, nhà rường Huế thường thấp, mái nhà có độ dốc lớn.
 Khi làm nhà, gia chủ xem phong thủy lựa chọn khu đất tốt, phù hợp với tuổi của chủ nhân để có được “thế nhà” tốt, thuận lợi cho việc sinh hoạt của gia chủ. Hướng thường thấy ở các ngôi nhà rường là hướng nam, nắng xiên vách. Bếp được dựng ở bên trái và vuông góc với nhà chính. Ngôi nhà được dựng trong không gian có vườn cây trái, hoặc có hàng cau trước sân, có cổng lớn và có lối đi dẫn từ cổng vào nhà, nhưng muốn vào nhà, khách phải đi rẽ sang hai bên lối dẫn vào chứ không đi thẳng trực tiếp vào.
 Nhà rường Huế thường có 5 gian, gồm 3 gian chính và 2 gian phụ (thường gọi là chái), cá biệt cũng có nhà đến 7 gian (5 gian chính và 2 gian phụ). Giữa nhà có hàng cột cái (cột chính) cao to, với các tên gọi khác nhau: hai cột trong phía Đông gọi là “nhứt đông hậu”, hai cột trong phía Tây gọi là “nhứt tây hậu”, hai cột ngoài phía Đông gọi là “nhứt đông tiền”, hai cột ngoài phía Tây gọi là “nhứt tây tiền”. Các cột cái liên kết với kèo để đỡ khung nhà và mái.
 Cột thường được làm bằng gỗ mít, trau chuốt, dáng thượng thu hạ thách, các cột cái được nâng cao hơn bởi các bệ đá. Các cột quân (cột phụ) thì nhỏ hơn. Dãy cột quân lùi bên trong hàng cột cái gọi là dãy cột hàng nhì hậu, dãy cột quân tiến phía trước hàng cột cái gọi là cột hàng nhì tiền. Hai dãy cột này để đỡ kèo nhì gác qua. Bốn góc nhà có bốn cột quyết để đỡ kèo quyết và chúng được phân chia thành đông hậu, tây hậu, đông tiền, tây tiền. Bốn cột đấm ở vách đông, tây đỡ các kèo đấm thả xuôi từ cột cái. Các cột cái và cột quân chia không gian nhà ra làm ba phần: gian chính giữa lẫn hai gian bên thờ phụng, tiếp khách và cũng là nơi ngủ của người đàn ông. Hai chái hai bên là hai buồng gọi là đông phòng và tây phòng, là buồng ngủ dành cho phụ nữ và con cái. Bên trong nhà rường, thường được trưng bày các nội thất như tủ chè, sập gụ, gian thờ, tràng kỷ,…
 Đặc biệt, sự độc đáo và tinh túy nhất của những ngôi nhà rường Huế chính là những nét chạm trổ trên các cột gỗ, bao lam chạm khắc công phu, cầu kỳ… Mỗi đòn, kèo, cột trong nhà thật sự là một bức họa nội, bao gồm: tứ linh, bát bửu, mai – điểu – trúc – tước, ngô đồng, phụng, liễu – mã, liên – áp, thỏ – sóc, lựu – thử…Tùy theo ý thích của gia chủ mà trên các hàng cột người ta chạm cách điệu hoa văn khác nhau với mong muốn sống lâu, thịnh vượng… Dù nhà rường Huế lớn đến mức nào thì vẫn thường theo quy tắc hội đủ ba tiêu chuẩn: vững chắc, tiện nghi và dung hòa với kết cấu chặt chẽ, bao quanh nhau hợp lý.
 Nhà rường, nhà cổ không chỉ là sân chơi của người hoài cổ mà còn là “quốc hồn”, “quốc túy” của nền văn hóa dân tộc. Những công trình có giá trị này được tạo nên bởi đôi bàn tay khéo léo của các bậc tiền bối, là triết lý sống của người Việt ngàn năm văn hiến.
 Nguồn: https://dogoducnguyen.com/tin-tuc/nha-ruong-la-gi-nha-ruong-co-tu-khi-nao-69.html
 Tag: bộ quảng miền