Diễn biến vụ án Trần Huỳnh Duy Thức, Lê Công Định: Họ đã khai gì?

 TT – Tối 19-8, TTXVN đã phát chi tiết lời khai của Trần Huỳnh Duy Thức, Lê Công Định, Nguyễn Tiến Trung với Cơ quan An ninh điều tra (Bộ Công an).

 TT – Tối 19-8, TTXVN đã phát chi tiết lời khai của Trần Huỳnh Duy Thức, Lê Công Định, Nguyễn Tiến Trung với Cơ quan An ninh điều tra (Bộ Công an).

 * Trần Huỳnh Duy Thức: Tôi muốn làm bộ trưởng phụ trách kinh tế

 Xuất phát từ những bức xúc trong việc kinh doanh và những vấn đề kinh tế – xã hội nên tôi hình thành những mong muốn thay đổi về kinh tế, chính trị hiện tại. Do vậy, cuối năm 2005, tôi lôi kéo các nhân viên của mình lập nhóm nghiên cứu tình hình kinh tế, chính trị, xã hội.

 Chúng tôi gọi nhóm này là nhóm nghiên cứu “Chấn”. Qua nghiên cứu, nhóm rút ra rằng sự thay đổi của Việt Nam chỉ có thể từ sự thay đổi trong nội bộ của Đảng Cộng sản Việt Nam. Từ đó chúng tôi mới đưa ra kế sách “Đoài đánh Đoài” – tức là dùng những người cấp tiến loại trừ những người cơ hội đang ẩn nấp trong Đảng Cộng sản Việt Nam, mà chúng tôi cho rằng những phần tử cơ hội này đang tiếp tay cho nước ngoài tạo ra khủng hoảng kinh tế – xã hội cho Việt Nam.

 Mặt khác, nhóm chúng tôi cũng xác định thời điểm khủng hoảng này xảy ra trầm trọng (khoảng tháng 10-2010) cũng là cơ hội để chúng tôi tham gia giải quyết các vấn đề của đất nước. Do vậy chúng tôi gọi năm 2010 là “lúc phất cờ” (hay LPC). Do nhóm này hoạt động không hiệu quả nên đến đầu năm 2007 thì không còn hoạt động nữa. Nhưng tôi vẫn tiếp tục sử dụng kế sách “Đoài đánh Đoài” để thực hiện tham vọng chính trị của tôi – tôi muốn trở thành một bộ trưởng phụ trách về kinh tế.

 Để thực hiện kế sách “Đoài đánh Đoài”, tháng 4-2007 tôi lập ra blog Trần Đông Chấn để công bố các bài viết của tôi nghiên cứu về kinh tế vĩ mô, qua đó công kích, phê phán các chính sách kinh tế vĩ mô của Chính phủ, đặc biệt trong lĩnh vực tài chính, tiền tệ.

 Qua đó sẽ tạo ra uy tín cho cá nhân tôi dưới cái tên Trần Đông Chấn. Blog này thu hút nhiều người xem sau khi đăng tải bài “Việt Nam đồng đang ở đâu và sẽ đi về đâu” và “Kỷ Sửu và vận hội mới của Việt Nam”, nên tôi chủ quan cho rằng sẽ có một lực lượng đáng kể ủng hộ tôi lúc ra công khai (tức “lúc phất cờ”).

 Sau đó tôi lập blog Psonkhanh vào tháng 5-2008 để viết các bài ủng hộ blog Trần Đông Chấn, đến năm 2009 thì tôi dùng blog này mạo nhận là đảng viên để viết các bài gây giảm sút lòng tin của người đọc vào sự lãnh đạo của Đảng, tác động đến những người bất mãn.

 Đến tháng 11-2008, tôi tiếp tục lập ra blog Change we need để viết các bài nhằm gây chia rẽ trong nội bộ tối cao của Đảng Cộng sản Việt Nam; xuyên tạc các chính sách, chủ trương của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là của Chính phủ trong chính sách tiền tệ, khai thác bôxit Tây nguyên… Bên cạnh đó, tôi tăng cường mối quan hệ với giới truyền thông đại chúng để tác động đến họ nhằm truyền tải các suy nghĩ của tôi về sự cần thiết phải thay đổi kinh tế, chính trị của Việt Nam.

1BduAODW.jpg
Lê Công Định

 Lê Công Định: Tôi bị “Việt Tân” lôi kéo

 Vào cuối tháng 3-2009 tại Phuket, Thái Lan, tôi, Nguyễn Sỹ Bình và Trần Huỳnh Duy Thức đã bàn và thống nhất viết quyển sách dự định mang tên “Con đường Việt Nam” với nội dung kiến nghị thay đổi xã hội và Nhà nước Việt Nam. Với sự lôi kéo của Nguyễn Sỹ Bình, tôi đã tham gia Đảng Dân chủ Việt Nam và là thành viên ban thường vụ tổ chức này và đã tham gia các việc làm tuyên truyền chống Nhà nước Việt Nam.

 Tôi có dịp gặp gỡ và quan hệ với một số đối tác nước ngoài. Trong khi nói chuyện với họ, tôi hiểu rằng họ có ý ủng hộ những việc làm của tôi, trong đó có việc viết bài tuyên truyền chống Nhà nước Việt Nam.

 Đầu tháng 3-2009 tại Pattaya, Thái Lan, tôi đã bị tổ chức “Việt Tân” lôi kéo tham gia lớp huấn luyện “Đấu tranh bất bạo động”. Tôi hiểu ý định của tổ chức “Việt Tân” là muốn những người tham gia lớp này có thể tổ chức các cuộc biểu tình bất bạo động như vậy ở Việt Nam trong tương lai.

 Để viết được kế hoạch tổng thể nói trên (mà tôi gọi là quyển sách “Con đường Việt Nam”), tôi đã quan hệ với luật sư Lê Công Định và ông Nguyễn Tâm (tức Nguyễn Sỹ Bình – người đã từng bị bắt về tội chống phá Nhà nước Việt Nam).

 Chúng tôi đã gặp nhau tại Phuket, Thái Lan vào cuối tháng 3-2009 để bàn bạc trao đổi về việc viết quyển sách “Con đường Việt Nam” và một số vấn đề khác. Cụ thể là tôi chịu trách nhiệm chung và phần kinh tế của quyển sách, ông Bình chịu trách nhiệm nghiên cứu về chính sách của nước ngoài đối với khu vực Đông Á (đặc biệt là Mỹ với Việt Nam), ông Định chịu trách nhiệm về cải cách pháp luật và hành chính.

 Chúng tôi cũng thống nhất về kế hoạch năm người do tôi đưa ra, năm người này ứng với năm lĩnh vực là kinh tế, giáo dục, pháp luật, biển Đông và Tây nguyên. Năm người này sẽ đứng tên trên quyển sách và trình lên lãnh đạo cấp cao vào “lúc phất cờ”, tức cuối năm 2010 khi có khủng hoảng kinh tế trầm trọng.

 Để hỗ trợ việc này, ông Bình sẽ vận động Chính phủ Mỹ và các nước ủng hộ cho chiến lược “Con đường Việt Nam” mà tôi đưa ra và nhóm năm người. Trong cuộc gặp này, chúng tôi có bàn bạc cần lập thêm hai đảng: Đảng Lao động Việt Nam và Đảng Xã hội Việt Nam để thu hút lực lượng.

 Tôi nhận việc lập ra blog mang tên “Đảng Xã hội Việt Nam” giúp ông Bình, còn blog “Đảng Lao động Việt Nam” là do anh Định chịu trách nhiệm. Sau đó ông Bình lập ra email dùng chung là “chihaichibachitu@gmail.com”, dùng chung mật khẩu để tiếp tục trao đổi bàn bạc về việc viết sách, về việc Nguyễn Tiến Trung sau khi xuất ngũ và về những vấn đề khác. Trên email này anh Định có nói rằng bôxit Tây nguyên là tử huyệt của chính quyền.

 Tôi cũng chủ quan cho rằng Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ “vong” vào năm 2010. Và đến năm 2020 sẽ bị “tận” vì lực lượng cấp tiến trong Đảng kết hợp với các nhân sĩ ngoài Đảng sẽ đổi tên Đảng Cộng sản Việt Nam hoặc sẽ thành lập nên một đảng chính trị mới, do vậy sẽ kết thúc vai trò lịch sử của Đảng Cộng sản VN vào 2020.

 * Nguyễn Tiến Trung: Tôi đã quá tin họ

 Ngày 8-5-2006, tôi là một trong những người thành lập Tập hợp thanh niên dân chủ. Ông Hoàng Minh Chính đã giới thiệu tôi với ông Nguyễn Sỹ Bình và ông Nguyễn Xuân Ngãi để trò chuyện, trao đổi thêm về đường lối phát triển của phong trào dân chủ, về vấn đề cải cách Việt Nam. Ông Nguyễn Sỹ Bình và ông Nguyễn Xuân Ngãi đã thuyết phục tôi tham gia tổ chức trên.

 Ông Nguyễn Xuân Ngãi có giới thiệu tôi với một số chính khách nước ngoài, họ khích lệ, hứa hẹn ủng hộ phong trào dân chủ Việt Nam nói chung, Đảng Dân chủ Việt Nam và Tập hợp thanh niên dân chủ nói riêng. Trước khi tôi về nước ngày 7-8-2007, họ có dặn tôi là luôn ôn hòa, khoan dung, kiên trì, nhẫn nại, tử tế, dặn tôi giữ liên lạc với đại sứ quán nước ngoài để nếu có chuyện gì xảy ra thì có thể lên tiếng bênh vực.

 Hiện tại, sau quá trình làm việc với cơ quan điều tra, tôi thấy các chính khách nước ngoài luôn vì quyền lợi của người dân nước họ. Nếu họ ủng hộ phong trào dân chủ Việt Nam thì cũng một phần là vì quyền lợi của người dân đất nước họ. Đó là sai lầm của tôi vì đã quá tin vào họ.

 Khi về Việt Nam, tôi đã tiếp tục mời một số người tham gia Đảng Dân chủ Việt Nam như luật sư Lê Công Định. Tôi cũng giới thiệu ông Trần Huỳnh Duy Thức với ông Nguyễn Sỹ Bình. Tôi đã mời một số thanh niên tham gia Tập hợp thanh niên dân chủ. Tôi tiếp tục phụ trách về kỹ thuật (như website) cho Đảng Dân chủ Việt Nam.

 Nguồn: https://tuoitre.vn/dien-bien-vu-an-tran-huynh-duy-thuc-le-cong-dinh-ho-da-khai-gi-332646.htm

  

  

  

  

  

  

  

  

  

  

 Tag: ai bây giờ sao con án tuyệt nào voz bọn “trần thức” sấm trạng tù tiểu thư